Tôi quen biết anh Quý từ khi hai người thường viết bài cho báo Văn hóa Văn nghệ do anh Bảy Nhuận phụ trách. Chúng tôi càng gắn bó với nhau nhiều hơn khi cùng gia nhập Hội VHNT Tiền Giang từ buổi đầu thành lập. Kể về tuổi tác thì anh hơn tôi năm tuổi. Tôi chuyên làm thơ còn anh thường viết những bài có giá trị nghiên cứu sưu tầm về nghệ thuật, về văn chương
Tôi đã nhiều lần đến nhà anh Nguyễn Văn Quý chơi. Nhà anh đúng là một “hàn gia” của một “hàn sĩ” sống “an bần lạc đạo”. Đó là một căn nhà nhỏ nằm khiêm tốn trong một góc vườn mà phần lớn diện tích là thuộc chủ quyền của người khác.
Anh kể: Tôi là lính trong đoàn quân Nam tiến đã vô Nam từ hồi đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, dưới quyền chỉ huy của tướng Nam Long. Tôi bị địch bắt rồi đày ra Côn Đảo bảy năm. Khi ra tù, tôi bị mất liên lạc với tổ chức nên đã trở thành một thầy giáo giảng dạy Pháp văn, sống trong sạch với đồng lương
giáo chức.
Anh pha trà mời tôi uống rồi lại khề khà nói tiếp: Niềm đam mê lớn nhất trong đời tôi là chơi sách. Tôi có nhiều cuốn sách quý mà bây giờ khó kiếm đâu ra. Tôi cũng có nguyên bộ sưu tập báo Lửa Việt mang nội dung yêu nước, xuất bản ngay trong lòng địch là thành phố Sài Gòn hoa lệ. Anh đưa tôi xem một cuốn
Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân vừa mới mua xong và nói: Cuốn này là cuốn
Vang bóng một thời thứ tám vì trước đó tôi đã có tới bảy cuốn
Vang bóng một thời in ở nhiều thời điểm khác nhau. Trong số bảy cuốn đó, có một cuốn có đầy đủ những câu, những đoạn mà các cuốn khác phải… để trống và ghi chú là bị bọn kiểm duyệt thời Pháp gạch bỏ.
Về hồ sơ tham gia cách mạng, anh đã phải làm đi làm lại nhiều lần, chạy chỗ này xin một lời chứng thực, đến nơi kia xin một chữ ký của bạn bè cùng chiến đấu. Sau nhiều thời gian liên hệ, đợi chờ, cuối cùng cũng nhận được Huân chương Kháng chiến và truy lĩnh tiền trợ cấp. Nhưng đó quả là một lộ trình vất vả gian nan và dài nhiều tháng, nhiều năm.
Gần đây sức khỏe của anh ngày càng suy giảm. Có một lần tôi đến chơi và hỏi: “Anh có khỏe không?” Anh nói: “Không khỏe lắm, tôi mới cảm cúm mấy bữa nay! Còn anh?” Tôi đáp: “Tôi cũng cao huyết áp phải nằm bẹp cả tuần qua”. Ra về, tôi viết tặng anh một bài thơ ngắn:
Đến thăm anh Quý- “Anh có khỏe không?”- "Không khỏe lắm!Còn anh?” - "Tôi cũng bệnh mấy ngày!”Thế đấy: tuổi mình như chiếc láCứ vàng dần trong ngọn heo may!Bây giờ, anh Quý đã ra đi, bước vào cõi vĩnh hằng. Gần xa, anh em bè bạn, cháu con ai ai cũng quý mến thương tiếc một người bạn, một người cha, một người ông hiền lành, điềm đạm, luôn luôn sống trung thực, hòa đồng và còn… cẩn thận, tỉ mỉ nữa chứ. Sở dĩ tôi nói đến tính cẩn thận, tỉ mỉ vì đã có lần, sau ngày Sài Gòn mới giải phóng, giữa đường phố nắng nôi, ồn ào, bụi bặm, anh đã kiên trì đứng trước một quán sách vỉa hè để đếm số trang trong hai tập
Chiến tranh và hòa bình của L. Tolstoi dày cộm (sách cũ) trước khi mua.
Cuối cùng, tôi xin tặng thêm anh đôi câu đối, xem như ít nhiều cũng nói được niềm đam mê lớn nhất của đời anh:
Chơi sách, dành trọn đời người cho sách báo!Mê văn, bạc nghìn sợi tóc với văn chương! Mỹ Tho, chiều 24-11-2012
Trần Công Tùng
Ý kiến bạn đọc