Đỗ Minh Tâm tâm sự, từ nhỏ anh quen sống lang bạt, mặc kệ dòng đời đẩy đưa. Năm 1991, khi đang chạy xe máy tại Dăk Lăk, anh bị tai nạn bất tỉnh tại chỗ, năm ngày sau mới lơ mơ tỉnh lại với một cơ thể bất động tại nhà một người bạn. Sẵn tâm lý chán chường, lại nghèo túng nên suốt hai năm ròng sau đó, Tâm lay lắt tồn tại tại nhà bạn mà không hề nhận được một sự trợ giúp y tế nào. Nằm một chỗ mà đầu óc vẫn hoàn toàn tỉnh táo để nhận biết mọi bất hạnh đang phải gánh chịu, ước mơ cháy bỏng của Tâm khi đó là được chết.
Khi việc nuôi nấng phục dịch cho một người liệt tứ chi trở thành gánh nặng quá sức cho bạn, Tâm nhờ bạn bè chuyển anh về bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM.
Anh được bệnh viện hỗ trợ toàn bộ chi phí điều trị, nhưng chấn thương gãy cột sống cổ C4 – C5 cùng với thời gian anh nằm tại nhà bạn suốt hai năm khiến toàn bộ các khớp xương đã hoá vôi, Tâm phải chấp nhận mãi mãi là người tàn phế. Bác sĩ chỉ có thể điều trị cho anh khỏi những vết hoại tử lở loét khắp cơ thể, và giúp anh tập vật lý trị liệu để hạn chế teo cơ.
Sau hơn một năm sống trong bệnh viện, Tâm được tổ chức từ thiện Maison Change nhận về bảo bọc. Năm 2007, nhìn thấy một số bạn bè khuyết tật học vẽ, Tâm cũng tập tành ngậm cọ trong miệng quẹt những nét đầu tiên để giải khuây. Tập vài ngày, hai hàm răng cắn cọ mất hết cảm giác khiến tới bữa chẳng thể nhai được thức ăn, rồi còn cảm giác chóng mặt chỉ sau vài phút lắc đầu điều khiển cọ… Những nét vẽ giản đơn người bình thường chỉ cần tập trong một ngày, thì với Tâm là thử thách chật vật mất cả tháng. Gần một năm miệt mài, tác phẩm đầu tay phác thảo bằng bút chì của Tâm khiến người thầy hướng dẫn phải ngạc nhiên và công nhận anh thực sự có năng khiếu! Tới tháng 9.2008, tranh của Tâm đã được tuyển chọn từ 15 tác phẩm tiêu biểu khác tham dự triển lãm tranh quốc tế của người khuyết tật tại Nhật.
Vẽ bằng trái tim và trách nhiệm
Không có điều kiện đi lại nhiều để học hỏi kỹ thuật mới từ đồng nghiệp, Tâm mày mò tự trộn màu ướt với màu chết để tạo hiệu ứng 3D cho tranh thêm phần đẹp và lạ mắt. Có lẽ vì sống trong hoàn cảnh đặc biệt, nên tác phẩm của Tâm cuốn hút người xem bởi những thông điệp giàu tính thời sự, tính nhân văn và bằng cả nỗi đau hiển hiện trong những đường khối, màu sắc. Khi xảy ra trận động đất kinh hoàng cướp đi sinh mạng hàng chục ngàn người tại Nhật Bản, Tâm vẽ bức Giọt lệ với hình ảnh một chiếc thuyền đang vật lộn giữa sóng dữ. Anh mượn những vật thể xung quanh như cánh buồm, đám mây… để thể hiện một gương mặt đang kêu cứu tuyệt vọng. Tâm chia sẻ: “Là một cựu binh có thời gian gắn bó với Trường Sa, tôi muốn góp một tiếng nói để thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế, rằng đừng bao giờ để xảy ra chiến tranh, đụng độ, mất mát…”
Đối với Tâm, tranh vẽ là phương tiện, là tiếng nói thể hiện trách nhiệm với cộng đồng theo cách của riêng anh. Xem bức Mãi đi tìm với hình ảnh thân quen của cây đa, giếng nước, sân đình… nếu quan sát kỹ, người ta sẽ nhận ra những khối đá lởm chởm lại là hình ảnh của những người nghiên cứu và một đoàn người đang bước chân lên những khối đá mồ côi! Thông điệp anh gửi gắm trong tác phẩm này khá rõ: thế giới càng phát triển thịnh vượng thì môi trường càng bị tàn phá, con người phải có trách nhiệm góp sức bảo vệ mái nhà chung trước khi quá trễ. Gần đây nhất, Tâm hoàn thành bức Tiếng gọi thâm tâm sau bốn năm ròng, tranh thể hiện một khu rừng tự nhiên và một nửa cây đàn guitar ghép cùng một nửa chiếc mandoline thành hình trái tim rực lửa. Qua tác phẩm này, Tâm muốn gửi tới người thưởng lãm tâm sự của mình: “Đất nước này đã trải qua một quá trình chiến tranh loạn lạc kéo dài, dẫn tới hệ luỵ thất học, nghèo đói và môi trường bị tàn phá tới tận bây giờ. Tôi hy vọng rằng nếu mỗi người trong chúng ta đều có trái tim rực lửa để chung tay xây đắp, thì không chỉ Việt Nam mà cả thế giới này sẽ tươi đẹp mãi mãi!”
Hướng tới triển lãm cá nhân vì mục tiêu cộng đồng
Trong cuộc thi Người khuyết tật hoà nhập với cộng đồng năm 2010, chủ tịch ban giám khảo – hoạ sĩ Nguyễn Thành Chương đã nhận xét về bức Bước ngoặt của Tâm: “Nếu bức tranh này có kích thước lớn hơn, thì có thể đàng hoàng tham dự những triển lãm lớn!” Hoạ sĩ Nguyễn Ngọc Trí, người thầy hướng dẫn của Tâm chia sẻ: “Tâm khiến người ta thán phục không phải vì anh là một nghệ sĩ khuyết tật, mà vì tài năng và sự sáng tạo. Tâm học từ tôi kỹ thuật, nhưng chính bản thân tôi lại học từ Tâm tính nhẫn nại, kiên trì và tinh thần vượt khó!”
Sau năm năm, tới nay “gia sản” của Tâm là hơn 30 bức tranh, phần nhiều được anh sáng tác theo trường phái ấn tượng, và tranh phong cảnh truyền tải những ấn tượng đặc biệt của anh về miền ký ức quê hương. Có những bức bán đi rồi anh còn tiếc nuối hàng tháng. Hiện anh đang chú tâm sáng tác những tác phẩm mới và tìm kiếm thêm sự hỗ trợ từ các mạnh thường quân cho một triển lãm cá nhân, với nguyện vọng đóng góp phần lớn thu nhập từ bán tranh cho các hoạt động từ thiện.
Ý kiến bạn đọc