Ký sự dưới đây ghi chép lại những điều mắt thấy, tai nghe của một nhà khoa học về một Đồng Tháp Mười từng nổi danh là căn cứ địa cách mạng vững chắc trong hai cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; nơi thiên nhiên khắt nghiệt, hoang hóa bạt ngàn, nay trở thành một trong những địa bàn trù phú, dân cư sung túc. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Mô hình dưa + lúa ở xã Thạnh Lộc (Cai Lậy, Tiền Giang). |
Theo như đã hẹn trước, vào một ngày cuối tháng 10-2013, khi nước lũ ngập trắng đồng các tỉnh đầu nguồn và đang ào ạt chảy về xuôi, hướng ra biển lớn, tôi và nhà báo Minh Trí có chuyến đi ngược về Đồng Tháp Mười - vùng "rốn lũ" năm xưa, để khám phá những cái mới trong sản xuất và đời sống, những nỗ lực “chung sống với lũ” của bà con nơi nổi tiếng “muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lềnh như bánh canh” cách đây chưa xa.
Lộ trình xe chúng tôi khởi hành từ TP. Mỹ Tho, đến thị trấn Mỹ Phước (huyện Tân Phước) rồi theo tỉnh lộ 865 về phía tây - phía thượng lưu sông Tiền, qua các xã Tân Hòa Tây (Tân Phước); Thạnh Lộc, Phú Cường, Mỹ Thành Bắc (huyện Cai Lậy), Hậu Mỹ Bắc A, Hậu Mỹ Bắc B (Cái Bè) rồi vượt ranh giới Tiền Giang để đến Đồng Tháp. Những địa bàn của tỉnh bạn Đồng Tháp mà chúng tôi đặt chân đến như: Đốc Binh Kiều (Tháp Mười), thị trấn Mỹ An, Gò Tháp, Trường Xuân (huyện Tháp Mười), thị trấn Tràm Chim (huyện Tam Nông), Hồng Ngự...
Thật là lý thú khi tận mắt chứng kiến, tận mắt khám phá ra trên những địa bàn xa xôi, khuất nẻo ngày nào của Đồng Tháp Mười từng hoang hóa, nhiều nơi không thấy bóng người lai vãng nay đa số nhân dân đã ổn định cuộc sống, đã làm lúa 3 vụ/ năm hẳn hoi, cuộc sống “lên đời” nhờ những mô hình “chung sống với lũ” hiệu quả.
Bà con cất được nhà gạch, nhà ngói, nhà cao tầng khang trang, đường sá đi lại hết sức thuận tiện, ít người phải bận tâm bởi nước lũ lớn hay nhỏ. Những năm lũ nhỏ như năm 2011, 2012 và năm nay nhiều bà con còn cảm thấy buồn, thấy thiệt thòi vì nguồn lợi thủy sản suy kiệt, thiếu công ăn việc làm trong mùa lũ lụt, thu nhập thấp so với những năm lũ lớn...
Cây khóm giúp nông dân huyện Tân Phước có cơ hội làm giàu. Ảnh: Cao Lập Đức |
Xe đến vòng xoay của thị trấn Mỹ Phước (Tân Phước, Tiền Giang) thì quẹo trái để theo tỉnh lộ 865 trực chỉ Tân Hòa Tây. Quan sát xung quanh thị trấn Mỹ Phước, chúng tôi thấy nhiều công trình mới đang xây dựng rất quy mô, bề thế như: Trung tâm Y tế huyện Tân Phước.
Chúng tôi cũng đặc biệt lưu tâm đến hệ thống các ngân hàng lớn có trụ sở rất to xung quanh huyện lỵ Tân Phước, những cửa hàng kinh doanh xe gắn máy quy mô; những cửa hàng, cửa hiệu bán đủ thứ hàng gia dụng cần thiết cho đời sống, kể cả dịch vụ làm đẹp cho chị em phụ nữ... chứng tỏ sức sống mới của một thị trấn trẻ giàu tiềm năng. Nhìn chung, sau gần hai mươi năm thành lập huyện, Tân Phước đã khá lên rồi.
Qua khỏi thị trấn Mỹ Phước một đoạn ngắn, xe chúng tôi đi giữa một bên là mênh mông những cánh đồng chuyên canh khóm, một bên là kinh Nguyễn Văn Tiếp mùa này ngầu đục phù sa và dòng nước lũ cuồn cuộn chảy về xuôi. Cảm nhận đầu tiên: ruộng khóm bố trí các liếp ngay hàng thẳng lối trông rất đẹp mắt đang hứa hẹn một vụ mới bội thu. Nhất là thời điểm hiện nay giá khóm đang tăng rất mạnh bởi nhu cầu cao, nguồn cung ít. Đến khu vực Tân Hòa Tây và Mỹ Phước Tây hai bên đường đã thấy nước ngập trắng đồng.
Tân Hòa Tây trước đây là xã kinh tế mới của huyện Cai Lậy, dân cư thưa thớt, đồng đất hoang vu chạy mút tầm mắt (đặc trưng cho Đồng Tháp Mười) nay đã có nhiều thay đổi kể từ khi Chương trình khai hoang Đồng Tháp Mười được đẩy mạnh trong thập niên 1980 và khi nhập về huyện mới Tân Phước (Tiền Giang). Dọc đường, thấy nhà cửa đa phần cất rất khang trang, có nhiều ngôi biệt thự to đẹp đến không ngờ.
Hỏi thăm mới biết ngoài sản xuất nông nghiệp, bà con còn làm thêm nhiều ngành nghề khác tại các công ty, xí nghiệp, các khu - cụm công nghiệp trong, ngoài tỉnh. Đó là nét mới trong những năm gần đây cho thấy có sự chuyển dịch đáng mừng trong thị trường lao động tại các vùng nông thôn.
Sự chuyển dịch mang lại nguồn thu nhập mới, nguồn thu khác cũng đáng kể, đó là tiền Nhà nước đền bù giải tỏa khi thi công các công trình giao thông tiện ích quan trọng, nguồn kinh doanh vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng... giúp người dân Đồng Tháp Mười xây nhà cửa to đẹp như thế.
Đến chợ Thạnh Lộc cũng đã khá trưa vẫn còn bày bán đủ thứ hàng hóa thiết yếu, mọi người buôn bán tấp nập cho thấy sự sung túc, náo nhiệt nơi đây. Cũng nên nhắc lại, những năm thập niên 1980, 1990, Thạnh Lộc - Kinh 9 được xem như là những nơi xa xôi nhất của huyện Cai Lậy, đi lại khó khăn, phương tiện giao thông chủ yếu là xuồng ghe và tắc ráng chở khách.
Ngày nay, chiếc tắc ráng hầu như không thấy ai nhắc đến bởi chiếc xe honda, xe đò, xe buýt đã theo các con đường giao thông mới trực chỉ các miền xa gian khó thay thế vai trò của tắc ráng rồi. Xung quanh chợ Thạnh Lộc, những dãy phố khang trang, những ngôi nhà cất theo kiểu mới rất đẹp thể hiện sự sung túc thật sự của nơi đây sau gần 30 năm chinh phục Đồng Tháp Mười.
Bà con giàu nhờ mở mang ngành nghề kinh doanh - thương mại, nhờ luân canh lúa + dưa hấu, nhờ chuyên canh lúa năng suất cao và các mô hình “chung sống với lũ” khác... Người dân cho biết, mô hình luân canh lúa + dưa hấu cho thu nhập từ 60 - 70 triệu đồng/ ha, gấp đôi độc canh cây lúa. Thạnh Lộc cũng là xã được Nhà nước hỗ trợ trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Đến địa phận Mỹ Thành Bắc đã thấy những cánh đồng ngập nước mênh mông như biển, không thể phân biệt đâu là kinh mương, đâu là ruộng lúa, đâu là bờ mẫu hoặc vườn tược... Có lẽ do nằm ngoài đê bao nên tất cả đều bị nước nhấn chìm. Đây đó, xa xa lại có một vài chiếc xuồng câu bé tẻo teo đang thả lưới, giăng câu gợi lên bao nhiêu ký ức tuổi thơ trong chúng tôi về mùa nước nổi, về thú vui đặt lờ, đặt lợp, giăng câu, giăng lưới một thời vô tư lự đã qua và đã xa.
Để tìm hiểu thực tế cuộc sống nhân dân tại đây, chúng tôi ghé nhà một nông dân hỏi chuyện thì được biết anh cũng làm 3 vụ lúa/ năm nhưng thu nhập không cao. Với 1 ha sản lượng thu gần 20 tấn lúa, giống IR50404 chỉ bán được từ 4.000 - 4.100 đồng/kg. Tổng thu khoảng 80 triệu đồng nhưng chi phí mất gần 50 triệu đồng rồi. Lãi ròng chỉ còn khoảng 30 triệu đồng mà thôi.
Anh nông dân cũng nhớ lại, vài năm trước làm lúa lãi khá hơn vì giá lúa IR50404 lúc đó đến 5.000 đồng/kg trong khi mặt bằng giá cả thấp hơn. Còn vừa qua giá lúa giảm khoảng 1.000 đồng/kg nhưng vật giá tăng gấp nhiều lần đã đè nặng lên đời sống người nông dân. Không đủ trang trải gia đình, các thành viên: vợ, chồng, con cái đều phải tìm kiếm thêm những ngành nghề khác để mưu sinh, tăng thêm thu nhập. Vợ anh làm công nhân lương tháng khoảng 2,5 triệu đồng.
Mùa lũ anh giăng lưới, giăng câu kiếm sống, chăn nuôi thêm bò, gia cầm... Tuy vậy, nhận xét của chúng tôi là nông dân vùng “rốn lũ” Tiền Giang đã qua cái thời nghèo khó trước đây. Cuộc sống nông hộ dù còn chật vật nhưng đủ ăn. Điện thoại di động, điện thắp sáng, nhà kiên cố... là những tiện ích trong cuộc sống của người dân nơi đây. Nếu giá lúa nói riêng và giá nông sản hàng hóa nói chung ổn định hơn, nông dân Đồng Tháp Mười chắc chắn dễ thở hơn rất nhiều.
Ý kiến bạn đọc