Sóng gió Cồn Lân

Đăng lúc: Thứ ba - 17/12/2013 07:03

(Tác phẩm vào vòng chung khảo Cuộc thi Bút ký văn học ĐBSCL 2013)

Cồn Lân còn có tên là cồn Thới Sơn, trong nhóm cù lao tứ linh: “Long - Lân - Quy - Phụng” nằm giữa dòng sông Tiền thuộc thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Cồn Lân từng được coi là “Thiên đường du lịch sinh thái xanh” miệt vườn Nam bộ. Thế nhưng, sóng gió đã không ngớt nổi lên trên mảnh đất cù lao vốn xanh tươi, xinh đẹp này.

Tôi không phải là cư dân Thới Sơn, chỉ ở bên nầy sông nhưng thường qua bên đó chơi bởi vì nhiều lẽ. Thứ nhứt cồn Thới Sơn đẹp, thơ mộng, không khí trong lành, mát mẽ và có nhiều dịch vụ du lịch sinh thái hấp dẫn như: chèo đò luồn lách trong các con rạch ngắm thiên nhiên sông nước hữu tình, nhấm nháp trà mật ong được nuôi trong vườn nhà, thưởng thức đờn ca tài tử hay nhảy xuống tát mương bắt tôm, cá lên làm mồi nhậu chơi. Thứ nữa là có ông bạn già “vong niên” thích sưu tầm biên soạn lịch sử truyền thống, thường hoài niệm về những chuyện ngày xửa, ngày xưa và anh bạn trẻ làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã nhưng lại đam mê thơ phú; cả hai đều rất hợp tình, hợp ý, “hợp gu” cùng sở thích với tôi.

Người bạn già là ông Nguyễn Văn Đàng (Tư Đàng), một cán bộ cách mạng lão thành, từng là Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thới Sơn, hiện đã nghỉ hưu nhưng đang làm Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã. Trong một lần cùng nhau “đàm luận” về những chuyện “Sóng gió nổi lên ở cồn Lân”, ông lại ngậm ngùi nói trong hoài niệm: - Theo sử sách ghi lại, cồn Lân nổi lên từ thời vua Duệ Tông (năm 1700), người dân lúc bấy giờ gọi là Bãi Tôn hoặc cù lao Hộ. Đất cồn phù sa màu mỡ, cây cối nhanh chóng đâm chồi, nẩy lộc trở thành một vùng đất trù phú. Đứng bên này sông Tiền nhìn sang mảnh đất cù lao mượt màu, xanh tươi, người đời mường tượng ra một cảnh thanh bình, no ấm, hạnh phúc nên mới đặt tên gọi là cồn Thái Sơn. Sau này do đọc trại, nên mới có tên là cồn Thới Sơn như bây giờ. Mùa xuân năm 1785, “Sóng gió cồn Lân” nổi lên cùng với đoàn quân áo vải Tây Sơn của người Anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ, đã nhấn chìm 5 vạn quân Xiêm xâm lược cùng với hàng ngàn chiến thuyền xuống dòng sông Rạch Gầm, Xoài Mút. Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, cù lao Thới Sơn còn có tên gọi khác: Cù lao Chông! Nằm giữa sông Tiền, cù lao Chông là vùng đất từng nuôi dấu nhiều cán bộ cách mạng; là nơi tập kết, chuyển quân của các đơn vị vũ trang làm bàn đạp tấn công vào căn cứ Đồng Tâm, trung tâm quân sự đầu não của Mỹ - ngụy ở đồng bằng sông Cửu Long. Nơi đây, từng là chỗ đứng chân của nhiều trận địa pháo binh, súng cối nả những đường đạn chính xác vào hang ổ kẻ thù, làm cho địch nhiều phen kinh hoàng, khiếp đảm. Và mỗi lần như vậy, người dân Thới Sơn lại tự hào, phấn khởi truyền miệng với nhau rằng: “Sóng gió cồn Lân” đã nổi.

Ngấp một ngụm trà pha mật ong thấm giọng, ông Tư Đàng trầm ngâm kể tiếp: - Cũng chính trên mảnh đất cù lao này, là điểm tập kết và xuất phát của tổ Đặc công thủy Quân khu 8 phối hợp với Biệt động thị xã Mỹ Tho đã làm cho “Sóng gió cồn Lân” nổi lên, nhấn chìm chiếc tàu Jamaicabat là một chiếc xáng hút khổng lồ, thuộc vào loại lớn nhất, nhì nước Mỹ được đưa sang xây dựng căn cứ Đồng Tâm. Chiếc xáng nằm sừng sững giữa dòng sông Tiền như một chiến hạm, người dân lúc bấy giờ gọi nó là “con quái vật khổng lồ”, có khi lại gọi là “thành phố nổi”. Nó có nhiệm vụ đào sâu đáy sông Tiền thổi đất, cát lên lấp bằng 400 hecta ruộng, vườn để xây dựng một căn cứ quân sự khổng lồ. Ngoài ra, chiếc xáng còn là nơi vui chơi, nhảy nhót của hàng trăm tên lính Mỹ sau những cuộc càn quét, bắn phá hủy diệt xóm làng Việt Nam. Thân tàu rộng đến 75 mét, dài 210 mét, cao ba tầng, có cả sân bay trực thăng túc trực thường xuyên ba chiếc và một giàn pháo từ 105 ly đến 155 ly gồm 18 khẩu. Tàu được canh phòng nghiêm ngặt, luôn có 12 tiểu hạm túc trực tuần tra, canh gác và một tiểu đoàn bộ binh Mỹ bảo vệ trên bờ. Cứ 5 đến 10 phút, địch lại ném một loạt lựu đạn ra xung quanh, loại lựu đạn MK3, có sức ép rất mạnh. Đồng thời, dùng máy hút cực mạnh rà sát mạn tàu để đề phòng đặc công Việt cộng tấn công. Mọi sự nghi ngờ kể cả lục bình trôi, đều bị bắn nát. Đèn điện, đèn pha sáng rực cả một khúc sông và không một thuyền bè nào được bén mảng trong vòng 500 mét. Vậy mà, một tiếng nổ như long trời lở đất đã làm cho “con quái vật khổng lồ”, “thành phố nổi” cùng với hơn 200 tên sĩ quan, binh lính Mỹ xâm lược chìm sâu xuống đáy sông Tiền. Mãi cho đến khi kết thúc chiến tranh và có lẽ cho đến tận bây giờ, người Mỹ vẫn không thể hình dung, tưởng tượng được bằng cách nào, đặc công Việt cộng lại đưa được một lượng thuốc nổ lớn như vậy áp sát vào thân tàu Jamaicabat. Sử liệu lúc bấy giờ ghi khoảng 3.000 ký.

- Ba tấn thuốc nổ ư? Lúc đó không dám tin vào tai mình, tôi đã bật hỏi. Ông bạn già của tôi cười hiền: - Chú mày không tin cũng phải, ngay cả anh lúc đầu cũng còn ngờ ngợ nhưng sau khi đi xác minh, gặp Anh hùng Mười Tý (Huỳnh Văn Tý, hiện đang sống bên xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre), người trực tiếp điểm hỏa, được đọc những trang hồi ký của ảnh mới thôi hết nghi ngờ. Anh có photo một bản, để anh đi lấy cho chú mầy xem.

Cuốn tập học trò màu vàng đã ngã sang màu nâu lưu giữ bút tích của anh Mười Tý, tuy nét chữ ráng nắn nót nhưng vẫn nguệch ngoạc, vẹo xiêu: “… Chúng tôi nhìn khối lượng vật tư được chuyển đến mà phát ngợp. 1 tấn thuốc nổ C4 cực mạnh (tương đương với 2 tấn thuốc nổ TNT), 2 tấn thuốc nổ đen Xen-đít, 3.000 kíp nổ các loại, 1.800 cục pin hiệu con mèo, gần 2.000m dây điện, 1.000m dây dù, 50 cái ruột xe lam, ván dầu, tấm thiếc, bao bố, nilon… thôi thì đủ cả, không thiếu một thứ gì chúng tôi yêu cầu mà Quân khu không đáp ứng. Và, để vận chuyển khối lượng vật tư khổng lồ này về đến địa điểm tập kết, 1 đoàn dân công hỏa tuyến gần 300 người đã phải vất vả nửa tháng trời, vượt qua bao hiểm nguy, vượt qua không biết bao nhiêu đồn bót địch. Ba khối thuốc nổ mỗi khối nặng hơn 1 tấn, dài 2,5m, rộng 1,2m, cao 0,6m, gấp rút được hoàn thành, công phu và tỉ mỉ còn hơn cả bác thợ kim hoàn làm đồ trang sức. Ngoài việc chống thấm, chống va đập, còn phải gia giảm lượng trấu trong các bao, lượng hơi trong các ruột xe làm sao cho khối chất nổ chỉ được phép lững lờ chìm cách mặt nước chừng 0,5m. Sau nhiều tháng ngày điều nghiên, nắm vững từng con nước thủy triều, dựa vào dòng nước lên xuống, chúng tôi đã áp sát ba khối thuốc nổ vào thân tàu Jamaicabat”.

- Còn đây là tài liệu của phái người Mỹ, anh đã thuê người dịch, chú xem cho biết: “Để đánh chìm được tàu Jamaicabat, cần phải có ít nhất 3.000 ký chất nổ. Làm sao Việt cộng lại đưa được một núi chất nổ lớn như vậy áp sát vào thân tàu mà chúng ta không hề hay biết?”.

Ông bạn già của tôi lại trở về với hoài niệm của mình: - Với một địa hình mang tầm chiến lược về quân sự nên để bảo vệ căn cứ cù lao, quân và dân Thới Sơn đã rào hàng ngàn mét rào chiến đấu, đào trên 11.000 hầm chông, vót hơn 300.000 mũi chông, bố trí 150 hầm chông sắt, 500 bàn chông đinh và nhiều tổ ong vò vẽ. Cù lao Chông! Tên gọi kinh hoàng do chính miệng quân thù thốt ra, nhưng lại là niềm tự hào của người dân Thới Sơn.

Càng hoài niệm bao nhiêu, ông bạn già của tôi lại chắt lưỡi thở than bấy nhiêu: - Với những chiến công rạng ngời và thành tích xuất sắc, năm 1976, Thới Sơn là một trong những xã đầu tiên của tỉnh vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Anh hùng trong chiến đấu, người dân Thới Sơn lại nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, phấn đấu xây dựng và trở thành xã Văn hóa đầu tiên của huyện Châu Thành (nay thuộc thành phố Mỹ Tho) và là đơn vị cấp phường, xã văn hóa thứ hai của tỉnh. Trước đây, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, người dân Thới Sơn luôn tự hào với cụm từ “Sóng gió cồn Lân”, từng làm cho quân thù kinh hoàng, khiếp đảm. Thì giờ đây, người dân Thới Sơn lại lo sợ mỗi khi “Sóng gió cồn Lân” nổi lên.

Anh bạn trẻ Nguyễn Phục Dũng làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã mỗi lần nghe ông già than, nhột: - Chú Tư thôi dùng mấy chữ “Sóng gió cồn Lân” có được không. Xưa khác, giờ khác! Vả lại, tụi cháu cũng đã làm hết sức mình, nhưng “lực bất tòng tâm” mà chú.

Một thời, khi ông Tư Đàng làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã thì Nguyễn Phục Dũng làm Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã. Khi Phục Dũng lên làm Chủ tịch xã thì ông Tư Đàng lại làm Phó Bí thư Thường trực. Trải qua nhiều chức vụ, giờ đây Nguyễn Phục Dũng lại quay về làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã lần thứ hai. Tuổi tác tuy chênh lệch nhiều, nhưng ông Tư Đàng và Nguyễn Phục Dũng từng công tác gắn bó với nhau, nên tình như “bằng hữu”, thương nhau nhiều mà cãi nhau cũng “quyết liệt”. Giọng ông Tư Đàng vẫn không buông tha: - Chú mầy nói vậy mà nghe được! Khác là khác thế nào? Ba cái dự án treo nó làm cho dân cù lao Thới Sơn “thất điên, bát đảo”, “tiến thoái lưỡng nan”, vườn tược bỏ bê không thèm chăm sóc, còn xanh cái nỗi gì? Báo chí la rần trời: “Chết đứng giữa thiên đường xanh”, “Du lịch Thới Sơn đìu hiu”, “Thới Sơn trong cơn sốt đất”, “Liệu Thới Sơn có còn là vương quốc du lịch sinh thái xanh miệt vườn”, “Cò đất, cò du lịch Thới Sơn mọc lên như nấm sau cơn mưa” thậm chí báo còn nêu rõ “Bà Bí thư xã làm cò đất”. Như vậy, không gọi “Sóng gió cồn Lân” nổi lên thì gọi là cái gì?

Biết tính ông Tư Đàng, anh bạn trẻ Nguyễn Phục Dũng và tôi ngồi im re, để cho ông già “xả hết bầu tâm sự”. Giọng ông Tư Đàng trở nên rổn rảng: - Còn ba cái vụ “hoa hậu, hoa hiếc” và dự án “chân dài” của đại gia Hoàng Kiều không nhắc tới thì thôi, nhưng hễ nhắc đến là tức anh ách. Mà kể cũng lạ, cả một Công ty cổ phần Du lịch Tiền Giang (Tigi Tour) không hiểu vì sao lại rơi vào tay gia đình ông Hoàng Kiều một cách nhanh, gọn như vậy? Ngành du lịch Tiền Giang, thế mạnh của tỉnh giờ đây mặc tình cho một Việt kiều thao túng. “Thằng chả” dám ngang nhiên đóng cửa khu du lịch bãi biển Tân Thành; bỏ tiền tỷ ra mua hàng chục héc ta đất ở Thới Sơn làm cho dân cù lao bỏ hoang vườn tược; làm cho “cơn sốt” đất dồn dập dâng lên để “mình chả” tự tung, tự tác. Từ đó, các công trình không phép cứ thi công ào ào mà không hiểu sao, không được các ngành chức năng “ghé mắt” tới. Chỉ đến khi báo chí phanh phui mới ra quyết định đình chỉ thì ôi thôi! Dân cù lao Thới Sơn lãnh đủ. Đừng nói chi tới sóng gió, mà phải nói “Bão tố cồn Lân” đang nổi lên mới đúng.

Chỉ những khi không có ông Tư Đàng, Nguyễn Phục Dũng mới tâm sự với tôi: - Chú Tư có cái lý riêng và nỗi niềm của chú để mà “hằn học, bực dọc” với những việc chưa làm được hoặc những việc làm chưa hay, chưa đúng hiện nay. Nhưng thực tình, những điều bức xúc, những chuyện “điêu đứng” của người dân Thới Sơn trong thời gian vừa qua là có thật. Trên con đường phát triển và hội nhập thì việc đầu tư, quy hoạch mở rộng khu du lịch là điều cần thiết. Tuy nhiên, nhiều lần em cũng đã có ý kiến quy hoạch gì thì quy hoạch nhưng phải giữ được cái bản sắc thiên nhiên vốn có của mảnh đất cù lao. Đã gọi là du lịch sinh thái xanh miệt vườn mà cứ biến vùng đất cù lao này thành hiện đại, chỗ nào cũng bê tông cốt thép thì còn gì là du lịch sinh thái xanh, có phải vậy không anh? Cũng phải thừa nhận rằng, từ đầu năm 2006 đến nay, trên địa bàn xã Thới Sơn đã có ít nhất 3 dự án nhưng chưa có dự án nào được thực hiện trọn vẹn, ngoài những công trình không phép của ông Hoàng Kiều còn dở dang vì bị đình chỉ xây dựng. Đầu tiên là dự án quy hoạch 7 khu chức năng rộng 77 ha của tỉnh để phát triển du lịch sinh thái. Dự án này rất được nhân dân đồng tình vì người dân được trực tiếp cùng tham gia làm du lịch mà không bị giải tỏa, cảnh quan môi trường vẫn giữ được bản sắc thiên nhiên vốn có. Tuy nhiên, dự án này còn trên giấy, thiếu vốn chưa thực hiện được thì một “siêu dự án” của Công ty cổ phần quốc tế Lê Đại Nam với số vốn dự kiến hàng ngàn tỉ đồng, muốn biến toàn bộ diện tích khoảng 1.200 ha đất cù lao Thới Sơn thành khu du lịch mang “tầm cỡ thế giới”, trong đó có sân golf rộng hàng trăm hecta đã trở thành “dự án siêu tưởng”. Cuối cùng là dự án “chân dài siêu ảo” của đại gia Hoàng Kiều, Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn RAAS (Hoa Kỳ), kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Du lịch Tiền Giang (Tigi Tour). Nói như chú Tư Đàng, đây có lẽ là dự án gây “sóng gió” nhất trên mảnh đất cù lao này. Sau khi thâu tóm toàn bộ Công ty cổ phần Du lịch Tiền Giang, đại gia Hoàng Kiều dự tính đưa cuộc thi hoa hậu thế giới năm 2012 về cù lao Thới Sơn. Dưới danh nghĩa một Việt kiều yêu nước được đánh bóng bằng những hoạt động từ thiện (trên thực tế thì ông Hoàng Kiều cũng đã “lùa” được hoa hậu thế giới về làm từ thiện trên mảnh đất cù lao Thới Sơn). Nhưng thực chất của sự việc chủ yếu nhằm phục vụ lợi ích kinh doanh của đại gia “yêu nước” này. Khi dự án “chân dài siêu ảo” không thành, đã làm cho một số hộ dân cù lao Thới Sơn “sống dở, chết dở”. Cái thiệt hại lớn nhất là cảnh quan môi trường bị phá vỡ bởi những công trinh không phép bị đình chỉ ngổn ngang bê tông với sắt thép; một số vườn tược hoang tàn vì treo biển chờ giá, vì thiếu công chăm sóc và đau đớn hơn là làm thoái hóa, biến chất một số cán bộ, trong đó có đồng chí Bí thư Đảng ủy xã mà chú Tư Đàng thường nhắc tới. Từng gắn bó với mảnh đất cù lao này em biết, khách du lịch thích được ngồi đò chèo, vói tay nắm lấy một nhánh bần de ra hai bên bờ rạch; thích được nghe tiếng nhạc gió lao xao phát ra từ đám lá dừa nước du dương; giật mình thích thú khi nghe tiếng con cá quẫy; thích lắng tai nghe tiếng con bìm bịp kêu chiều; thích được tản bộ dưới những vườn cây rợp mát, tự tay hái từng trái nhãn, trái mít, trái ổi, trái bưởi trên cành. Khách thừa cái hiện đại nhưng thiếu cái chân quê, muốn tạm thời tránh xa nơi phố thị ồn ào, náo nhiệt mà nhiều bụi bặm, nên mới tìm đến mảnh đất cù lao này để mà thưởng thức, tận hưởng không khí mát mẻ, trong lành.

Tôi hỏi: - Vậy khi thông qua dự án hoặc khi dự án triển khai, chính quyền xã và Dũng có được hỏi ý kiến hay có ý kiến gì không?

Dũng cười buồn: - Công ty Du lịch giờ là của ổng (Hoàng Kiều), ổng bỏ tiền ra mua đất ổng xây, mắc mớ gì mà ổng hỏi ý kiến mình. Còn quy hoạch ổng trình với tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt thì mình phải chấp hành. Tuy nhiên, trong 9 hạng mục công trình đang xây dựng thì chỉ mới có 3 hạng mục được cấp phép, còn 6 hạng mục chưa được cấp phép và xây dựng sai quy hoạch. Khi phát hiện Tigi Tour triển khai xây dựng công trình không phép, nhưng do chức năng của xã không có quyền đình chỉ thi công, em đã nhiều lần báo cáo nhưng vẫn không thấy các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý. Chỉ đến khi báo chí phanh phui, các công trình “chui” này mới bị đình chỉ xây dựng. Mà thôi! Dũng chợt chuyển đề tài: - Anh em mình đừng thèm nhắc tới chuyện “Sóng gió cồn Lân” nữa nha anh. Xuống mương với em, ta mò ít con tôm, con cá lên nướng nhậu chơi. Có hũ rượu ngâm tổ ong ruồi hoang dã, hễ uống vào là anh khó quên được mảnh đất cồn Lân.

Mùi cá nướng, tôm nướng thơm phưng phức thoảng bay trong gió. Ly rượu mật ong vườn hoang dã nồng nàn, ngọt lịm bờ môi. Chiều chủ nhật êm đềm trôi nhẹ như dòng nước Cửu Long. Thoảng nghe tiếng con bìm bịp kêu nước ròng, nước lớn. Như thường lệ, khi đã chếch choáng hơi men, Dũng ngồi rung đùi ngâm nga:

- Muốn ăn mắm sặc bần chua
Chờ mùa nước nổi ăn cho đã thèm

…………………………………..

- Bần de đóm đậu sáng ngời
Lỡ duyên tại bậu trách trời sao nên.

Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 370
  • Khách viếng thăm: 366
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 62590
  • Tháng hiện tại: 1100213
  • Tổng lượt truy cập: 63329181