Phó Giám đốc BHXH tỉnh Phạm Thị Mỹ: Về việc tham gia BHYT hộ gia đình

Đăng lúc: Thứ sáu - 08/05/2015 14:24
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2015, trong đó điểm mới là mua BHYT hộ gia đình. Tuy nhiên, sau 4 tháng thực hiện đã gặp không ít khó khăn cho người tham gia. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, bà Phạm Thị Mỹ, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh cho biết:

BHYT là một loại hình dịch vụ công, lấy hiệu quả xã hội làm mục đích, hoạt động theo nguyên tắc chia sẻ rủi ro của một người cho nhiều người, tức là “lấy số đông bù số ít”. Tuy nhiên, đa số bà con đều có suy nghĩ là đến lúc bệnh hoặc có nguy cơ mắc bệnh mới đi mua BHYT.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT lần này quy định phải tham gia BHYT theo hộ gia đình để giảm tình trạng nhiều gia đình chỉ chọn mua BHYT cho những người có nguy cơ mắc bệnh hoặc người bị bệnh mạn tính, chưa tự giác mua cho toàn bộ thành viên trong gia đình để có sự hỗ trợ từ thành viên trong hộ gia đình mình, dẫn đến việc quỹ khám, chữa bệnh (KCB) BHYT cho đối tượng tham gia theo hộ gia đình luôn âm quỹ, đi ngược lại mục đích chia sẻ rủi ro trong cộng đồng.

Hiện tại, Ngân sách Nhà nước đã mua thẻ BHYT cho các thành viên trong hộ gia đình thuộc các nhóm đối tượng như: Trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, người từ 80 tuổi trở lên, thân nhân người có công, cán bộ xã, phường nghỉ hưu… Ngoài ra, người thuộc hộ gia đình cận nghèo cũng được hỗ trợ 70% tiền để mua thẻ BHYT; hỗ trợ 30% cho đối tượng học sinh, sinh viên và hộ gia đình nông, ngư, diêm nghiệp có mức thu nhập trung bình.

* Cộng tác viên (CTV): Xin bà cho biết, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT quy định hộ gia đình phải tham gia BHYT nhằm mục đích gì?

* Bà Phạm Thị Mỹ: Luật BHYT sửa đổi, bổ sung quy định này là để đạt được mục tiêu BHYT toàn dân. Do đó, trong hộ gia đình, các thành viên phải có trách nhiệm tham gia và phải tham gia theo hộ để có sự hỗ trợ từ trong gia đình rồi tới cộng đồng và từ cộng đồng có trách nhiệm lại với cá nhân.

* CTV: Để giải quyết vần đề: Nếu 1 hay 2 người cùng hộ đã tham gia BHYT, thẻ có giá trị từ năm 2014 sang năm 2015 hết hạn, muốn mua lại liên tục mà các thành viên còn lại trong hộ không tham gia thì cách giải quyết thế nào và thủ tục để tham gia theo hộ?

* Bà Phạm Thị Mỹ: Mới đây, BHXH Việt Nam đã có văn bản hướng dẫn cho các tỉnh thực hiện: Trường hợp trong gia đình có 1 hoặc vài người đã tham gia, có thẻ BHYT trước ngày 31-12-2014, sang năm 2015 khi thẻ cũ hết hạn, để thẻ BHYT liên tục lại với thẻ cũ thì cá nhân vẫn được tiếp tục tham gia, nếu những người còn lại trong cùng hộ chưa tham gia mà muốn tham gia cùng với người gia hạn thì bắt buộc phải tham gia hết hộ. Từ ngày 1-1-2016 trở đi, toàn bộ những người có tên trong hộ khẩu hoặc sổ tạm trú bắt buộc phải tham gia BHYT theo hộ gia đình.

Khi tham gia hết các thành viên trong hộ khẩu gia đình thì được giảm trừ mức đóng, sẽ rất có lợi cho những hộ có đông nhân khẩu, cụ thể như sau: Người thứ nhất đóng 100% mệnh giá thẻ BHYT, hiện tại bằng 621.000 đồng (mức đóng bằng 4,5% của lương cơ sở 1.150.000 đồng x 12 tháng = 621.000 đồng). Người thứ hai giảm còn 70% so với người thứ nhất (bằng 434.700 đồng). Người thứ ba giảm còn 60% (bằng 372.600 đồng). Người thứ tư giảm còn 50% (bằng 310.500 đồng). Người thứ năm trở đi giảm còn 40% (bằng 248.400 đồng).

* Về thủ tục tham gia: Hộ gia đình cử người đại diện liên hệ với đại lý thu BHYT để được hướng dẫn lập tờ khai đăng ký tham gia BHYT cho tất cả các thành viên trong hộ (gồm mẫu TK1-TS và mẫu D01-HGĐ do BHXH Việt Nam ban hành).

Hồ sơ kèm theo: 1 bản phôtô sổ hộ khẩu và hộ khẩu chính để đối chiếu; 1 bản phôtô thẻ BHYT thuộc diện đối tượng bắt buộc khác của thành viên trong hộ còn thời hạn sử dụng (nếu có). Trường hợp chỉ cá nhân tham gia liên tục muốn mua lại thẻ BHYT thì chỉ cần phôtô thẻ cũ kèm theo.

Sau khi lập đủ thủ tục và nộp tiền mua BHYT, người đại diện hộ gia đình mua BHYT được nhân viên đại lý thu (người được cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh Tiền Giang cấp thẻ đại lý và bắt buộc phải đeo thẻ khi hoạt động thu tiền BHYT của người tham gia) giao biên lai thu tiền ngay sau khi nộp tiền (biên lai được ghi đúng, đủ các nội dung và có đóng dấu mực đỏ tên cơ quan Bảo hiểm xã hội).

Cũng xin thông tin thêm, người tham gia BHYT đăng ký tham gia theo địa bàn nơi cư trú có thể lựa chọn mua BHYT tại 1 trong 2 hệ thống đại lý thu gồm: Đại lý phường, xã, thị trấn (điểm thu đặt tại UBND phường, xã, thị trấn) hoặc đại lý Bưu điện (điểm thu đặt tại Bưu cục, Bưu điện văn hóa xã).

* CTV: Xin cảm ơn bà!

TRẦN VĂN LUẬN
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 204
  • Khách viếng thăm: 203
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 41689
  • Tháng hiện tại: 2274239
  • Tổng lượt truy cập: 46241472