PGĐ Sở LĐ - TB & XH Hồ Thanh Sơn: Lo thoát nghèo nhưng không thể hết nghèo

Đăng lúc: Thứ ba - 13/01/2015 10:41
Quy định thu nhập trên 400.000 đồng/người/tháng ở nông thôn và 500.000 đồng/người/tháng ở đô thị là thoát nghèo không còn phù hợp. Ông Hồ Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Lao động -  Thương binh & Xã hội tỉnh cho rằng, thực tế có nhiều người được cho thoát nghèo nhưng không thể hết nghèo. 

* PV: Chúng tôi nhớ các năm trước khi đi phúc tra những hộ thoát nghèo ông đã phát hiện nhiều hộ bị ép thoát nghèo. Năm 2014 tình trạng này còn không, thưa ông?

* Ông Hồ Thanh Sơn: Vẫn còn. Đó là điều rất đáng buồn. Nếu chúng tôi không phát hiện thì nhiều hộ nghèo đã bị đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo một cách rất máy móc, thậm chí bất công.

Mới đây, chúng tôi đi giám sát tại ấp Tân An, xã Tân Phong, huyện Cai Lậy phát hiện ông trưởng ấp nằm trong danh sách hộ nghèo từ năm 2012 đến nay, do vợ ông là Võ Thị Hiền đứng tên trong danh sách.

Chúng tôi đến nhà thì thấy có 1 công đất trồng kiểng vạn niên tùng trị giá bạc trăm triệu, nhà tường đầy đủ tiện nghi sinh hoạt của hộ gia đình khá.

Trong khi đó hộ chị Hồ Thị Nhứt ở gần đó sống bằng tiền công làm thuê, hiện đang mắc nợ ngân hàng, đất mượn để ở tạm, nhà thì chật hẹp, không có cửa sổ, không có đường vào nhà, muốn vào thì phải đi nhờ qua đất người khác, trong nhà không có vật dụng gì ngoài cái giường để ngủ và cái bếp để nấu ăn thì được ông trưởng ấp này cho ra khỏi hộ nghèo.

Còn ở ấp Tân Luông B thì ông Huỳnh Văn Mướt (công an viên) xin vào danh sách hộ nghèo năm 2013 và được xã chấp thuận. Mới đây dân phản ứng quá thì xã mới đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo. Khi đến xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy tôi rất buồn khi đến thăm nhà anh Hồ Văn Kha.

Vợ chồng anh có 3 con nhỏ, nhà ở như cái hộp, không có điện, nước, không có tiện nghi sinh hoạt gì, chỉ có cái giường để ngủ. Anh Khoa đi làm thuê nuôi vợ con… được xã đề nghị thoát nghèo rất bất hợp lý. Tôi đã yêu cầu đưa vợ ông trưởng ấp ra khỏi danh sách hộ nghèo và kiểm điểm ông này; đưa hộ chị Nhứt và anh Kha trở lại danh sách hộ nghèo.

* PV: Các xã giải thích vì sao cho những hộ này thoát nghèo?

* Ông Hồ Thanh Sơn: Họ căn cứ vào mức thu nhập của người ta, cộng lại cả năm rồi chia cho 12 tháng rất máy móc. Từ năm trước tôi đã chỉ đạo các huyện là không được chạy theo chỉ tiêu giảm nghèo mà phải căn cứ vào tình hình thực tế của mỗi hộ mà xét.

Muốn cho người ta thoát nghèo thì ngoài thu nhập hàng tháng còn phải xem xét thêm 5 tiêu chí gồm: Nhà ở có kiên cố không, có điện và nước sạch sử dụng không, có trẻ em bỏ học không, có ai trong gia đình bị bệnh nan y không. Nếu hộ có 2 tiêu chí không đạt thì mạnh dạn để lại, không cho thoát nghèo, không có ai kỷ luật đâu mà lo.

Vậy mà vẫn còn nhiều nơi không xét các tiêu chí này, chỉ chăm chăm đánh giá yếu tố kinh tế, tức thu nhập hàng tháng của hộ nghèo mà thôi. Lần nào đi giám sát, phúc tra những hộ được cho thoát nghèo chúng tôi cũng gặp những hộ bị ép thoát nghèo, thấy tội lắm. Với những hộ như vậy tôi đã yêu cầu xã, ấp xem xét để lại, không được ép người ta thoát nghèo.

* PV:Hình như là các địa phương đã hiểu sai về chỉ tiêu giảm nghèo và do bệnh thành tích đã quá nặng phải không, thưa ông?

* Ông Hồ Thanh Sơn: Đúng là đã có tình trạng hiểu chưa đúng về chỉ tiêu giảm nghèo. Chỉ tiêu đó được đưa ra là để các địa phương tìm giải pháp giúp cho người nghèo tăng thu nhập, có điều kiện sống tốt hơn để thoát nghèo.

Còn trong thực tế các xã nhìn vào chỉ tiêu đó rồi “săn” tìm hộ nghèo nào kha khá một chút thì đưa vào danh sách thoát nghèo, đưa ra dân bình xét. Mà việc đưa ra dân cũng không khách quan, bởi có tình trạng người dân không dám nói ngược chủ trương của xã, ấp; hoặc có tình trạng người dân không thích hộ đó thì khi xã lấy ý kiến cho thoát nghèo thì biểu quyết ngay mà không cần quan tâm xem họ sống thế nào.

 Hộ bà Nguyễn Thị Bé ở huyện Tân Phước bị đưa ra khỏi hộ nghèo chưa đầy một năm thì tái nghèo.
Hộ bà Nguyễn Thị Bé ở huyện Tân Phước bị đưa ra khỏi hộ nghèo chưa đầy một năm thì tái nghèo.

Năm nay có rất nhiều xã, phường không đạt chỉ tiêu giảm nghèo như ở thị xã Cai Lậy có: Xã Long Khánh chỉ đạt 67%, xã Tân Bình đạt 85%, phường 2 đạt 47%, phường 5 đạt 33%. Còn ở xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè chỉ đạt 32%.

Tôi mừng là vì ở những nơi này chính quyền rất quan tâm tới dân, không chạy theo chỉ tiêu mà ép họ thoát nghèo. Nếu ở đâu chính quyền cũng hiểu đúng chủ trương giảm nghèo và không chạy theo thành tích thì sẽ không có những con số thoát nghèo “ảo”. Vấn đề còn lại là chính quyền cần có giải pháp cụ thể nào để họ thoát nghèo.

* PV: Những tồn tại trong chính sách giảm nghèo không chỉ là chuyện riêng của Tiền Giang mà của cả nước. Theo ông, quy định xét hộ nghèo hiện nay có gì không phù hợp cần thay đổi?

* Ông Hồ Thanh Sơn: Chủ trương giảm nghèo của Đảng và Nhà nước là nhằm giúp người nghèo có điều kiện làm ăn sinh sống, tăng thu nhập, được chăm sóc y tế, giáo dục… và từng bước khá lên để rồi có thể làm giàu. Do đó trước hết cần phải làm cho lãnh đạo các địa phương hiểu đúng chủ trương giảm nghèo.

Ngoài ra, quy định mức thu nhập để xác định nghèo hay không nghèo hiện nay không còn phù hợp nữa. Giá cả, mức sống hiện nay đã cao hơn nhiều so với mấy năm trước. Thu nhập 400.000 đồng/người/tháng ở nông thôn và 500.000 đồng/người/tháng ở đô thị thì không làm được gì, không đủ để một người sống trong một tháng.

Hiện nay chúng ta đang chấp nhận làm một việc mà chúng ta không thể chấp nhận, tức là biết mức thu nhập đó người dân không thể thoát nghèo được nhưng vì là quy định nên chúng ta phải căn cứ vào đó để xét nên ta phải chấp hành. Tôi đã có những khảo sát mức chi tiêu tối thiểu của hộ gia đình nông thôn và thấy rằng phải có 1 triệu đồng/người/tháng thì mới đủ trang trải.

Còn ở đô thị thì con số này phải là 1,3 triệu đồng. Con người không chỉ có ăn, mà còn phải mặc, chữa bệnh, học hành và phải có các quan hệ xã hội. Cho nên tôi đề nghị nâng chuẩn thu nhập lên mức 1 triệu đồng/người/tháng ở nông thôn và ở đô thị là 1,3 triệu đồng.

Ngoài ra, theo tôi nên bỏ thủ tục đưa ra dân bình xét thoát nghèo vì nó chỉ là hình thức. Chính phủ cần sớm triển khai bộ chỉ số đo lường nghèo đa chiều (đang thí điểm tại TP. Hồ Chí Minh). Khi đó chỉ cần dựa vào số liệu về mức sống bình quân của xã, phường cụ thể nào đó do Cục Thống kê công bố để đối chiếu sẽ biết chính xác hộ nào nghèo, hộ nào không nghèo.

Khi thực hiện bộ tiêu chí này thì việc đầu tư cho hộ nghèo sẽ tập trung hơn. Hộ nào thiếu cái gì trong các tiêu chí giáo dục - đào tạo, y tế, điều kiện sống, điều kiện tiếp nhận thông tin, bảo hiểm và trợ cấp xã hội thì Nhà nước sẽ bù cái đó chứ không “nhắm hướng” rồi đầu tư dàn trải tràn lan như vừa qua.

Năm 2014 toàn tỉnh có 6.392 hộ thoát nghèo. Tuy nhiên có tới 907 hộ nghèo phát sinh, trong đó qua phúc tra phát hiện có 121 hộ tái nghèo. Đây là những hộ đã được địa phương ép cho ra khỏi danh sách hộ nghèo, nhưng do không có điều kiện làm ăn để có thu nhập ổn định nên lại tái nghèo.

Nếu so với những năm vừa qua đây là con số đáng mừng.Vì ở đây lãnh đạo địa phương đã thấy cái khổ, cái thiếu của người dân và thấy được người dân cần gì để hỗ trợ giúp đỡ. Chỉ thoát nghèo trên cơ sở thực lực, có sự hướng dẫn giúp đỡ của chính quyền, có như thế người dân mới gần gũi và gắn bó với chính quyền.

* PV: Xin cảm ơn ông!

H. P
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 210
  • Khách viếng thăm: 201
  • Máy chủ tìm kiếm: 9
  • Hôm nay: 55034
  • Tháng hiện tại: 2554420
  • Tổng lượt truy cập: 48928547