Ôi những con diều giấy, những năm tuổi thơ...

Đăng lúc: Thứ hai - 13/03/2017 11:08
Thả diều là một trò chơi dân gian lâu đời, đến nay vẫn vẹn nguyên sự hấp dẫn. Đến hẹn lại lên, khi tháng ba về, gió chướng thổi xào xạc trên mái nhà, thanh, thiếu niên lại háo hức rủ nhau đi thả diều. Ngắm nhìn những cánh diều lượn bay trên nền trời xanh biếc giúp mọi người vơi đi những vất vả, bộn bề của cuộc sống đời thường.
Những cánh diều ngày nay rất đa dạng, đủ màu sắc.
Những cánh diều ngày nay rất đa dạng, đủ màu sắc.

TRÒ CHƠI ĐẠI CHÚNG

Mới 15 giờ, ánh nắng vẫn còn chói chang, một nhóm bạn trẻ đã rủ nhau đến khoảng đất trống ở cuối đường Hùng Vương, TP. Mỹ Tho để thả những cánh diều của mình. Sau khi đã cân chỉnh dây, các bạn chờ gió đến để thả cánh diều theo làn gió vi vu. Bạn Thanh Nam - một thành viên trong nhóm, ngụ phường 5, TP. Mỹ Tho, cho biết: “Lúc mình buộc dây vào diều quan trọng lắm, vì nếu buộc dây quá gần hoặc xa đầu diều thì diều sẽ không bắt gió tốt. Thông thường, mình buộc khoảng 1/3 từ trên đầu diều xuống sẽ bay ổn định...”. Khi những cánh diều đã tung bay trên bầu trời, các bạn buộc dây vào một nơi cố định rồi ngồi quây quần bên nhau chuyện trò trong không khí vui vẻ, rộn ràng.

Hiếm có trò chơi nào lại thu hút đủ mọi thành phần, lứa tuổi như trò chơi này. Từ những em bé, học sinh, sinh viên đến cả những người đã lớn tuổi. Ông Nguyễn Văn Tám, ngụ phường 3, TP. Mỹ Tho, tay cầm trên tay cuộn nhợ, ánh mắt dõi theo cánh diều nói: “Chiều rảnh, chở đứa cháu ra đây thả diều. Lớn tuổi rồi mà tôi vẫn mê trò chơi này, từng chơi từ hồi bé xíu. Đứa cháu tôi cũng mê lắm, chiều nào cũng đòi ra đây cho bằng được...”. Với anh Văn Toàn, ngụ xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho: “Được chơi thả diều cùng với con giúp tôi có thêm thời gian để tìm hiểu tâm tư, tình cảm, nguyện vọng... của con mình”.Sở dĩ thả diều trở thành trò chơi đại chúng bởi cách chơi diều rất đơn giản và ít tốn kém (chỉ 40 ngàn đồng đã có thể sở hữu một cánh diều lượn bay trên bầu trời xanh biếc). Ngày nay, diều có rất nhiều mẫu mã và màu sắc, được ưa chuộng nhất là diều phượng, diều cá mập...

Để thả diều trở thành một trò chơi lành mạnh, người chơi cần phải trang bị kiến thức, kỹ năng nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân và người khác. Người chơi, đặc biệt là trẻ em cần hết sức cẩn thận khi để tay tiếp xúc trực tiếp với dây nhợ, vì có thể làm tổn thương bàn tay. Chú ý đến dây diều đủ chắc chắn để giữ diều an toàn. Tốt nhất nên thả diều dưới 150 m, vừa an toàn vừa có thể chiêm ngưỡng diều của mình. Trong một số trường hợp, cần để diều bay hoặc rơi tự do nếu quá trình điều khiển diều gây mất an toàn cho người khác. Không thả diều theo hướng dây băng ngang qua đường và mạng lưới điện.

Ngoài khoảng đất trống ở cuối đường Hùng Vương, nhiều người còn đến công viên dưới chân cầu Rạch Miễu để tận hưởng cảm giác chơi diều, tuy nhiên thả diều nơi đây, hướng diều bay thường cắt ngang đường, do vậy người chơi phải rất cẩn thận để không gây trở ngại giao thông và mạng lưới điện xung quanh. Khoảng đất trống ở ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho cũng thu hút người chơi, chủ yếu là trẻ em trong ấp.

NHỚ CÁNH DIỀU TUỔI THƠ

Nhìn những cánh diều lượn bay giữa lòng thành phố, chúng ta không khỏi thích thú, nhưng vẫn chạnh lòng nhớ lại những mùa diều của ngày xưa. Thuở đó, muốn chơi diều thì phải làm diều, vì không có ai bày bán. Các khung sườn của diều được làm bằng tre, dùng dao chuốt sao cho vừa đủ nhẹ để diều bay trong gió, nhưng vẫn đảm bảo chắc chắn để không bị gãy khi diều bay lên cao. Và không phải cứ cầm diều lên thả là bay như bây giờ, mà phụ thuộc vào người chơi có biết làm diều hay không. Vì vậy, cảm giác nhìn những cánh diều do chính tay mình làm ra lượn bay trên bầu trời sướng lắm, vì đó là lúc mình tận hưởng thành quả của bản thân.

Ông Nguyễn Văn Tám, 65 tuổi, ngụ phường 3, TP. Mỹ Tho, nhớ lại: “Diều ngày trước được làm bằng giấy tập. Tôi chơi thả diều như gửi gắm những mong ước thuở học trò tới bầu trời trong xanh. Diều lên cao, tụi tôi buộc dây vào gốc cây, rồi nhảy ào xuống tắm sông, vừa tắm vừa ngắm nhìn cánh diều chao lượn trên không thích lắm!”. Giờ đây, hiếm còn những cánh đồng rạ cháy khô để chơi thả diều như lúc trước, vì lúa bây giờ đã làm mỗi năm 3 vụ, nhiều nơi còn lên liếp làm vườn. Thế nên, hình ảnh những đứa trẻ nô đùa trên cánh đồng rạ vui đùa cùng những cánh diều giấy trắng đã trở thành những kỷ niệm đẹp.

Ôi những con diều giấy, những năm tuổi thơ, đã đi về đâu....?

Quốc Tuấn
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 463
  • Khách viếng thăm: 460
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 844
  • Tháng hiện tại: 1530179
  • Tổng lượt truy cập: 47904306