Cần xem lại định hướng quy hoạch tạp chí văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố

Đăng lúc: Thứ hai - 02/11/2009 12:16
Bìa tạp chí Văn nghệ Tiền Giang xuân 2009

Bìa tạp chí Văn nghệ Tiền Giang xuân 2009

Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản về “Hướng dẫn công tác quy hoạch sắp xếp lại mạng lưới báo chí in trong toàn quốc”, trong đó nêu rõ: “Các tỉnh, thành phố có đông hội viên Hội Nhà văn Việt Nam thì có thể xem xét cho xuất bản một đặc san hoặc tạp chí về văn học, nghệ thuật”. Văn bản này đã tạo nên sự tranh luận sôi nổi trong giới văn học nghệ thuật cả nước. VNTG xin giới thiệu ý kiến của ông Hà Huy Chương, Chủ tịch Hội VHNT Hải Dương.

Văn học, nghệ thuật là hai chân của một chỉnh thể, thuộc chức năng, nhiệm vụ của Hội VHNT địa phương, không thể bước đi hay phát triển có tính chất què cụt một chân được. Tại sao chỉ dành “đất” cho văn học, càng không thể chỉ dành vị trí độc tôn cho các nhà văn hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Hội chúng tôi (Hội VHNT Hải Dương) có rất nhiều hội viên thuộc các chuyên ngành nghệ thuật trung ương, ngay cả những hội viên về văn học cũng không đồng tình, cho dù văn học luôn có vị trí quan trọng hàng đầu đối với việc xuất bản tạp chí. Văn học với nghệ thuật luôn luôn bổ trợ cho nhau, là mối quan hệ mật thiết không thể thiếu được và là điều thiết nghĩ không phải tái khẳng định ở chỗ này.

Qua theo dõi hệ thống tạp chí văn nghệ trao đổi trong cả nước, chúng tôi biết hầu hết các Hội VHNT tỉnh, thành phố đều đã ra đời cách đây mấy chục năm rồi. Khi có Hội VHNT đồng nghĩa với việc xuất bản tạp chí văn nghệ. Đây là “lá trầu mặt” của các hội, là diễn đàn, là “đất” đứng của toàn thể hội viên, là công sức, trí tuệ của rất nhiều cộng tác viên trong và ngoài tỉnh, trong đó có nhiều tác giả ở các chuyên ngành trung ương từng đã và đang công tác. Tạp chí văn nghệ là cơ quan báo chí nằm trong quy hoạch của Bộ Văn hóa Thông tin trước đây, hoạt động theo quy định và quản lý Nhà nước và hoạt động theo Luật Báo chí từ khi có luật này. Tạp chí văn nghệ không phải là tờ nội san của Hội Văn học nghệ thuật. Qua mấy chục năm tồn tại và phát triển, nếu cơ chế và hoạt động không hợp lý, hoạt động không tốt thì chắc chắn tạp chí không thể còn như nó hiện có.

Chúng tôi cũng có thể thấy ở mặt nào đó, ở đâu đó tạp chí văn nghệ địa phương còn có những non yếu về chất lượng, nhưng đó là điều mà chắc là không báo, tạp chí nào (cả trung ương và địa phương) cũng luôn luôn làm hay suốt cả năm, cả đời. Không ai thành giỏi ngay được. Kể cả tập thể và cá nhân tác giả, ai cũng có bước thấp rồi mới đến bước cao. Tạp chí văn nghệ địa phương trước hết là đất của các hội viên, cộng tác viên địa phương. Không báo, tạp chí trung ương nào có thể đăng tải hết mọi vấn đề ở địa phương được. Chính vì thế, ngay cả lĩnh vực báo chí, phát thanh truyền hình trong diện xếp trên báo chí văn nghệ cũng phải có cơ cấu báo, đài trung ương và hệ thống rộng lớn báo chí các tỉnh, thành phố. Báo “Văn nghệ” của Hội Nhà văn Việt Nam còn đang tồn tại cả tờ “già” và tờ “trẻ” nữa là… Còn giả sử có nói về sự non yếu nào đó thì ngay cả một số tờ báo lớn, nhà xuất bản lớn của trung ương đã từng có những vấn đề phải xử lý, thậm chí có nhà xuất bản gần đây còn có những ấn phẩm ra đời đang gây bức xúc lớn trong giới cầm bút và nhiều người đọc đó sao? Trong thời gian vừa qua, có nhiều mạng thông tin và ấn phẩm có nội dung trái chiều gây bức xúc và do dự trong nhận thức, không khỏi gây tò mò và nghi vấn… rất cần Bộ chủ quản về báo chí quốc gia cùng với các cơ quan chức năng ở Trung ương sớm có thông báo, cắt nghĩa để định hướng đúng cho dư luận, cho chính giới báo chí… Điều này cần hơn là việc Bộ chủ quản ra quy định quy hoạch “thiết” lại các tạp chí văn nghệ địa phương vốn rất nghiêm túc trong xác định nhiệm vụ chính trị của mình. Nếu thực hiện theo văn bản nêu trên của Bộ vô hình trung ta đã hạn chế chính lực lượng làm văn nghệ chân chính trong toàn quốc, và hậu quả sẽ khó lường.

Còn nếu Bộ quan tâm thực sự đến sự phát triển của hệ thống báo chí, cụ thể là đối với địa phương thì nên nghiên cứu để có quy chuẩn cụ thể, ví dụ như một tạp chí văn nghệ ra bao nhiêu kỳ trong một năm; Hội VHNT tỉnh, thành phố có bao nhiêu hội viên và cộng tác viên và tạp chí có thâm niên bao nhiêu năm tồn tại và phát triển… thì sẽ được phép biên chế đội ngũ biên tập, phóng viên, nhân viên, kỹ thuật… là bao nhiêu người; quy hoạch tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo tạp chí ra sao, mức kinh phí Nhà nước đầu tư, hỗ trợ cho là bao nhiêu, tránh tình trạng mạnh tỉnh nào tỉnh ấy cấp một cách không có bài bản.

Chúng tôi hào hứng với việc ra đời của Hội đồng lý luận, phê bình VHNT Trung ương và sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền địa phương theo tinh thần Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị, coi đây là bước quan tâm đặc biệt đến tình hình phát triển của văn học nghệ thuật, nhưng không khỏi băn khoăn về văn bản hướng dẫn quy hoạch của Bộ Thông tin và Truyền thông. Và nếu thẳng thắn mà nói, như vậy là nhìn nhận không đầy đủ về tình hình hoạt động của văn học nghệ thuật, là một sự khó dễ cho văn nghệ sĩ cả nước. Mong Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét lại.

Hà Huy Chương
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 361
  • Khách viếng thăm: 359
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 43174
  • Tháng hiện tại: 1684587
  • Tổng lượt truy cập: 48058714