"Đêm nghe bài vọng cổ..."

Đăng lúc: Thứ năm - 04/10/2012 09:16
Tôi ấp ủ bài này cả tuần rồi nhưng không biết mình nên viết cái gì vì thật ra với Vọng cổ, tôi là người ngoại đạo. Thôi thì bắt đầu bài viết bằng tựa đề một bài hát của Nhạc sĩ Bắc Sơn. Thú thực, tôi không thường nghe vọng cổ và ngày nay hình như với các bạn trẻ, vọng cổ như một thứ cổ lỗ lỗi thời, không còn chỗ đứng.

Một đêm, tôi bất chợt bắt gặp trọn bài ca "Tình anh bán chiếu" (soạn giả Viễn Châu) do "The King of Vong Co" Út Trà Ôn trình bày khi đang lang thang trên Youtube. Thật bất ngờ và thú vị, tôi đã nghe bài này một mạch hơn mười lần nhưng vẫn không có sự thoả mãn. Lâu lắm rồi cái không khí, cái âm thanh của cổ nhạc mới làm xao lòng tôi như vậy. Phải chăng đó là do ca từ mộc mạc nhưng đẫm tình, đó là do giọng ca giản dị thật "muồi" hay do lòng tôi chất chứa tình quê ?

Ảnh: vanthien0505

Nói một chút về ca vọng cổ, vọng cổ thường gắn với "Đờn ca tài tử" được xem là một thể loại thính phòng của âm nhạc dân tộc được xây dựng trên nền tảng nhạc ngũ âm. Chữ "tài tử" có thể hiểu theo hai nghĩa, "thứ nhất "tài tử" là những người tài năng, những bậc thầy tham gia trình diễn; thứ hai là những người nghiệp dư, gồm cả những bậc thầy tham gia biểu diễn nhưng không lấy đó làm kế sinh nhai". Nhạc trong đờn ca tài từ phải có sự kết hợp giữa tiếng tơ và tiếng sắt ( Đàn Tranh và đàn Cò) làm cơ bản cùng một lối chơi ngẫu hứng như nhạc Jazz của phương Tây. Sân khấu của đờn ca tài tử chỉ cần một manh chiếu bông bên hiên nhà, một khoảng sân ăm ắp ánh trăng hay một con thuyền lững lờ bên bến nước... Tiếng ca vang vọng có khi cùng tiếng gà trưa eo óc gáy, tiếng lá dừa xào xạc giữa đêm thanh hay chỉ là tiếng con cá quẫy dưới đám ô rô bên bờ. Xin mượn lời của Giáo sư Trần Văn Khê nhận xét về đờn ca tài tử:"... chân phương hoa lá trong bài vọng cổ đã được áp dụng một cách thần tình. Hoa chẳng những đẹp mà còn thơm. Lá chẳng những xanh mà còn tươi. Thành ra bản Vọng cổ có cái tươi máy, cái đẹp đẽ, có cái phong phú, cái dồi dào mà sức sống, sức đóng góp của tất cả những người nghệ sĩ, từ đứa con của bác Sáu Lầu sáng tạo, nuôi dưỡng cho nó lớn lên mạnh mẽ, nó đẹp đẽ..." Và vọng cổ chính là bản sắc và văn hoá của Nam Bộ.


Trở lại với bản Vọng cổ chợt nghe, tôi cảm thấy cả một trời sông nước êm đềm, những vườn cây trĩu quả, những cánh đồng xanh mướt, những mái nhà thấp thoáng bóng vườn xưa rồi những con người chân quê mộc mạc nhưng thấm đẫm chữ "tình". Trong lời ca tỏ cả những trưa hè lấp lánh dòng sông, những hoàng hôn rực rỡ nắng vàng, những đêm vằng vặc bóng trăng thanh. Ở đó có tiếng mái chèo, có tiếng chim kêu, có tiếng ếch nhái, có tiếng con người... Ôi, "tiếng đời" như hoà quyện với "tiếng đàn" làm lòng tôi bâng khuâng khó tả. "Ghe chiếu Cà Mau" - ghe chiếu chở tình, người đã đi mà kỷ vật vẫn chưa kịp trao tay và tình đã lỡ nhưng "sông sâu bên lở bên bồi, tình anh bán chiếu trọn đời không phai".

Tôi vốn sống ở thành thị, chưa bao giờ được xem "đờn ca tài tử" theo đúng nghĩa của nó nhưng trong đêm bất chợt nghe bài vọng cổ vẫn thấy cái tình quê dào dạt, tràn đầy vẫn thấy cái mênh mang sông nước, vẫn thấy cái cái xao xác của vườn cây. Phải chăng máu "tài tử", "ca hát" đã ngấm sâu vào mỗi con người được nuôi dưỡng bởi phù sa Cửu Long và chỉ cần một phím tơ rung là lòng lại về bên sông nước?

Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 20 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 207
  • Khách viếng thăm: 204
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 45926
  • Tháng hiện tại: 2490816
  • Tổng lượt truy cập: 48864943