“Ăn cơm tổ” ba đời - Kỳ 3: Gia đình bầu Thơ: sân khấu là chiếc nôi

Đăng lúc: Thứ tư - 26/09/2012 16:00
Đoàn Thanh Minh - Thanh Nga (1950 - 1982) là một trong những đại bang nổi tiếng của cải lương Nam bộ (cùng với các đoàn Kim Chung, Kim Chưởng, Dạ Lý Hương, Hương Mùa Thu).
Dòng tộc bà bầu Thơ, NS Năm Nghĩa, NS Thanh Nga, NSƯT Bảo Quốc, NSƯT Hữu Châu... được tổ nghề cho nhiều vinh quang nhưng cũng gánh nhiều mất mát chua xót khó giãi bày!


                                                         Bà bầu Thơ và NSƯT Thanh Nga - Ảnh tư liệu gia đình

Sinh thời bà bầu Thơ (Nguyễn Thị Thơ) có câu nói nổi tiếng: “Trong nghề này đứa nào giỏi thì được, không thì thôi. Lập gánh không phải là để lăngxê con cháu!”. NS Thanh Nga, NSƯT Bảo Quốc, NSƯT Hữu Châu... đều là người có thực tài mà lên.

Bà bầu Thơ chịu cảnh góa chồng sớm, vì hoàn cảnh gia đình phải đem ba con từ Tây Ninh xuống Sài Gòn may đồ kiếm sống. NS Năm Nghĩa (ông người Bạc Liêu, có công phát triển bài Dạ cổ hoài lang của NS Cao Văn Lầu lên nhịp 8, tiền đề để câu vọng cổ phát triển lên nhịp 32, 64 như bây giờ) thầm thương người góa phụ trẻ tảo tần, nhưng bà dửng dưng, lạnh lùng như gỗ đá. Ông chỉ biết len lén nhét tiền dưới máy may giúp bà, còn bà nghĩ đó là của... người nhà cho.

NS Năm Nghĩa tâm tình sầu muộn, nửa đêm nằm viết nên một bài vọng cổ Điên đảo vì tình. Bài vọng cổ được phát trên đài phát thanh. Bà Thơ nghe bài vọng cổ thì sự dửng dưng gỗ đá bắt đầu tan chảy. Lúc đó mới thấm, mới chịu.

Bà Thơ rất yêu chồng. Khi ông Năm Nghĩa qua đời năm 1959, bà từng muốn thác theo ông. Kỳ lạ là năm 1988, bà quy tiên vào đúng ngày giỗ chồng.

Trước đó, NS Thanh Nga - người con gái mà bà bầu Thơ yêu quý nhất - cũng bị bắn chết cùng với người chồng là luật sư Phạm Duy Lân trong một vụ án mạng, bắt cóc năm 1978. Đó cũng là một cái chết cùng ngày, cùng tháng, cùng năm, cùng với người chồng. Trong quãng 10 năm đó (1978 - 1988), những mất mát luôn đến với gia đình bà bầu Thơ một cách khó hiểu.

Bữa cơm gia đình toàn nói chuyện hát

Khi bà bầu Thơ về với ông Năm, thấy bạn bè ai cũng có gánh hát riêng mà ông chưa có nên bà thương chồng dốc vốn liếng lập gánh Thanh Minh năm 1950. Năm 1958, NS Thanh Nga đoạt Giải cải lương Thanh Tâm thì năm 1959, bà bầu Thơ đổi sang gánh Thanh Minh - Thanh Nga.

Trong nhà NSƯT Hữu Châu là con của NS Hữu Thình. NS Hữu Thình và NS Thanh Nga đều là con của người chồng trước với bà bầu Thơ. Sau này, một người con nổi tiếng nữa của bà với NS Năm Nghĩa là NSƯT Bảo Quốc.

“Khi mang bầu tôi thì mẹ tôi (NS cải lương Thanh Lễ) còn nịt bụng đu dây múa kiếm. Đến khi đoàn bên cạnh có người đu dây bị sẩy thai, bà nội tôi thấy sợ bảo mẹ tôi thôi. Lên 5 tuổi, tham gia vở Giai nhân và loạn tướng, tay tôi cầm sẵn bịch hai trái táo tàu đỏ. Chú Việt Hùng (NS Việt Hùng) bốc tôi lên, thò tay móc mắt. Tôi đưa bịch táo tàu ra, phẩm đỏ chảy đầm đìa, chú Việt Hùng cầm hai con mắt táo tàu lủm vô miệng. Tôi chạy vô cánh gà, bà nội đặt cạch xuống 5 hào đi ăn cà rem. Cho nên nếu tính tuổi nghề tôi, có thể tính từ lúc trong bụng hay từ lúc 5 tuổi cũng được” - Hữu Châu nói.

Hữu Châu kể nếu tính theo ngày thì anh có thể sinh vào mùng một tết. Bà bầu Thơ sợ xui, dặn mẹ anh muốn đẻ cũng chờ tới mùng hai. Sinh anh ra được vài ngày thì nhà trúng số độc đắc, đủ tiền lập thêm một gánh hát đặt theo tên anh là Dạ Minh Châu (1966). Vì vậy Hữu Châu là đứa cháu mà bà bầu Thơ ưu ái hơn một chút, luôn cho ngủ chung với bà.

“Bây giờ các bạn trẻ đào tạo trong trường bốn năm là ra làm diễn viên. Còn gọi là “con nhà nòi” như tôi, anh Thành Lộc... thì ngồi cánh gà sân khấu từ nhỏ, rồi ngồi trong lòng những nghệ sĩ lớn. Bữa cơm gia đình cũng chỉ toàn nói chuyện hát. Tuổi thơ chúng tôi tắm sông, ngủ đình, ngủ miếu, ngủ chợ... lang bạt theo gánh hát. Như vậy hỏi sao nghề không thấm. Có lẽ chúng tôi khác các bạn hôm nay là ở chỗ có quăng đâu thì chúng tôi cũng trụ được, thích ứng được!”, Hữu Châu tâm sự.

 

 
Nghệ sĩ Hữu Châu xuất sắc trong vai Nguyễn Trãi, vở Bí mật vườn Lệ Chi - Ảnh: GIA TIẾN

Những mất mát ám ảnh

Trong nhà NSƯT Hữu Châu còn thờ chiếc khánh tổ của Đoàn Dạ Minh Châu (tổ của hát bội là tượng đẽo bằng gỗ mít, tổ cải lương là chiếc khánh). Hữu Châu nhẩm tính: “Ông nội Năm Nghĩa của chúng tôi đi hát năm 1934. Tính ra nhà tôi thờ tổ, ăn cơm tổ đến nay gần 80 năm”.

Nhưng vinh quang sân khấu của nhà NSƯT Hữu Châu cũng trộn lẫn những mất mát, đau xót đến giờ vẫn khó bày tỏ.

“Nhà tôi trước đây ở chung năm tầng lầu, con cháu, cô bác, chú thím... lúc nào cũng vui, cũng rộn rã tiếng cười. Vậy mà... trong vòng 10 năm cứ rơi rụng hết”, Hữu Châu nói.

Bắt đầu là cái chết bàng hoàng của NS Thanh Nga năm 1978. Năm 1980, anh trai Hữu Châu bệnh chết khi đang đi hát. Năm 1985, cha anh mất trong một tai nạn giao thông. Năm 1988, đến lượt bà bầu Thơ qua đời trong ngày giỗ ông Năm. “Toàn là những cái chết bất đắc kỳ tử, không kịp trăng trối. Không giải thích được, không nói được!”, Hữu Châu chua xót. Năm 2010, em trai của anh là NS Hữu Lộc cũng qua đời trong một tai nạn giao thông.

“Nghề này lạ lắm! Được triệu triệu người thương thì cũng phải đánh đổi những mất mát. Có khi là máu, có khi là mất mát riêng tư... tùy từng người. Nghĩ vậy tôi cảm thấy lòng mình bình an mà còn tự hào nữa. Chưa bao giờ, và dù có thế nào thì tôi cũng không nghĩ mình bạc tổ hay xa tổ!” - Hữu Châu nói.

Người “bét” nhất dòng họ

Đêm 26-11-1978, những phát súng chát chúa đã cướp mất cuộc đời NS Thanh Nga và người chồng (luật sư Phạm Duy Lân) trong lúc bà cố giành lại đứa con trai Cúc Cu 5 tuổi từ tay bọn bắt cóc. NS Thanh Nga ra đi ở tuổi 36, để lại một huyền thoại sân khấu được truyền tụng đến mãi hôm nay.

 
Gia đình nghệ sĩ Hữu Châu trong ngày giỗ lần thứ 30 cố nghệ sĩ Thanh Nga (từ trái qua): vợ chồng Hà Linh, Hữu Châu, Hữu Lộc, Gia Bảo (cháu nội NSƯT Bảo Quốc) - Ảnh: GIA TIẾN

Khi vào bệnh viện nhận thi thể con, bà bầu Thơ vuốt mắt nhưng mắt NS Thanh Nga vẫn mở. Đến khi bà nói: “Thôi, con đi. Thằng Cúc Cu để má lo” thì NS Thanh Nga mới chịu nhắm mắt.

Đứa trẻ Cúc Cu ngày đó nay là nghệ sĩ hài Hà Linh. Anh kể lúc nhỏ sống với đại gia đình, mọi người hiểu hoàn cảnh mồ côi của anh nên ai cũng yêu quý. Hiện tại anh cũng có một cuộc sống vui vẻ và đầy đủ, nhưng về nghề thì chưa!

Năm 17 tuổi, biết Hà Linh muốn nối nghiệp mẹ thì cả nhà ai cũng cản! Không phải do kiêng kỵ, Hà Linh nói bởi vì anh... xấu quá, ăn nói không ra câu nên cả nhà không ai tin anh thành danh. Mà họ đúng thiệt!

Khi là sinh viên trường nghệ thuật, anh thường “bị” giao vai hài. Đến khi Hà Linh đi tấu hài thì được nhận xét: “Mặt này đóng chính kịch mới hợp!”.

Nghề nghiệp lận đận, dạo này Hà Linh chuyển qua nghề lồng tiếng cho phim. Bước vô phòng thu, Hà Linh mới biết mình dở phần sắc lẫn phần thanh. “Bây giờ mấy vai bèo bèo cỡ xe ôm, ăn xin, ăn cướp bị hỏi cung... người ta mới giao cho tôi. Còn không họ cứ để tôi ngồi một góc đó!” - Hà Linh thành thật.

Trong dòng tộc, NS Thanh Nga là người nổi tiếng nhất. Bù lại, Hà Linh tự nhận mình là người “bét” nhất dòng họ. Anh chấp nhận điều này với sự thanh thản: “Có lẽ phúc phần của ai đều có số hết, tôi vẫn tự hào về mẹ tôi. Bây giờ tôi hi vọng mình sẽ được giao những vai xấu hoặc ác để có đất diễn!”.

Quỳnh Thi
(Theo Tuổi Trẻ)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 286
  • Khách viếng thăm: 279
  • Máy chủ tìm kiếm: 7
  • Hôm nay: 35360
  • Tháng hiện tại: 2200020
  • Tổng lượt truy cập: 46167253