Tiếng đờn lục huyền cầm Văn Vĩ được thu dĩa hát

Đăng lúc: Thứ hai - 08/10/2012 16:38
Là một nhạc sĩ lớn danh, Văn Vĩ nổi tiếng với cây lục huyền cầm, tức cây đờn guitar phím lõm. Cùng thời với nhạc sĩ Năm Cơ đờn kìm; Ngọc Sáo đờn gáo; Bảy Bá đờn tranh, nhưng có lẽ tiếng đờn của Văn Vĩ được người đời mến chuộng nhiều hơn.
Chiếc dĩa hát Văn Vĩ độc tấu lục huyền cầm do hãng dĩa Continental thu thanh. (Hình: Bộ sưu tập của Ngành Mai) Vào khoảng 1959-1960 giới yêu thích cổ nhạc thường nghe đài phát thanh Sài Gòn chương trình Cổ Nhạc Nam Phần vào mỗi buổi trưa, và người ta phát hiện điệu đờn lục huyền cầm hay tuyệt, nhưng do chương trình hiếm khi nói tới người đờn, mà chỉ giới thiệu người ca, thành thử ra chẳng mấy người rõ được tiếng đàn kia của ai. Chúng tôi tìm hiểu thì ra là tiếng đờn của nhạc sĩ mù Văn Vĩ, và càng về sau tiếng đờn càng tinh xảo hơn, có nhiều “lái” mới lạ ai nghe cũng thích, các nhạc sĩ tài tử cố học và mỗi lần đờn lên thì người ta gọi là “lái Văn Vĩ”. Người ta thường nói “có tật có tài”. Tật ở đây có thể hiểu là tàn tật chớ không có nghĩa là sa ngã vào môn này môn nọ trong mấy bức tường hư đốn. Người có tật tất nhiên phải dồn vào các giác quan khác để tạo cho người ấy cái tài hiếm có, bù lại sự thiệt thời mà người ấy phải gánh chịu trong đời. Vì vậy nên những nhạc sĩ khi đã mất thị giác rồi thì người ấy sẽ tập trung được tâm trí qua ngón đờn, qua điệu sáo làm nổi bật tài nghệ mình lên trước thiên hạ, trở thành nhạc sĩ tài ba. Cứ nghe tiếng réo rắt trong một bộ dĩa nào đó hoặc trong ngón đờn phát hiện trong một pha hòa nhạc, tất có người phải nhận ra điệu đờn của Văn Vĩ. Không phải chỉ có Văn Vĩ mới đàn lục huyền cầm nhưng ngón đờn của ông khác biệt hơn bất cứ ai, từ câu rao ròn rã đến những lối chạy chữ thần tình, thì người ta phải nghĩ ngay ra Văn Vĩ, bởi tiếng lục huyền cầm của Văn Vĩ là bất hủ, ngón đờn của Văn Vĩ không người thay thế. Cũng như khi nói đến đờn kìm thì người ta phải xếp vào hàng đầu là nhạc sĩ Sáu Tửng và đờn tranh thì phải là ngón đàn của nhạc sĩ Hai Biểu vậy. Văn Vĩ còn một biệt tài khác nữa là chỉ gặp và đã nói chuyện với một người nào đó một lần thôi, thì nhất định sau đó mấy năm khi nghe tiếng người ấy là anh nhận ra ngay, và niềm nở mò mẫm bắt tay hỏi thăm về chuyện gia đình, sức khỏe, vì thế bạn bè rất mến ông. Và cũng để truyền nghề lại cho đàn em hậu tiến, Văn Vĩ có mở lớp dạy cổ nhạc thường xuyên tại nhà ở đường Phan Thanh Giản, và đã đào tạo lắm mầm non cho sân khấu lớn nhỏ. Tuy nhiên những học viên chưa có người nào khả dĩ tạo được âm hưởng tương tự như ông, coi như ngón đờn không truyền lại được cho người nào. Do ngón đờn nổi danh nên Văn Vĩ được mời cộng tác rất nhiều ban trên đài, ở nhiều hãng dĩa, đại nhạc hội và lãnh luôn cả bên Ban Vân Hạc hát bội, và ông cũng có được một ban trên đài truyền hình, lấy tên là ban Hoa Thủy Tiên. Tiếng đờn Văn Vĩ được quá nhiều người mến mộ, nên khoảng cuối thập niên 1960 hãng dĩa hát Continental đã hợp đồng với Văn Vĩ thu thanh dĩa hát, và dĩa độc tấu lục huyền cầm được phát hành phục vụ thính giả bốn phương. Do vậy mà đi đến đâu cũng nghe tiếng đờn Văn Vĩ, riết rồi trở thành quen thuộc, chỉ cần nghe qua vài chữ đờn là người ta nhận định được nay. Cũng như một số nhạc sĩ tài danh khác, Văn Vĩ đã không tránh khỏi sự quyến rũ của cô ba phù dung như nhạc sĩ Tư Huyện, Sáu Tửng... nhưng rồi một thời gian thì ông cũng cai được. Nhạc sĩ Văn Vĩ đã về với tổ nghiệp cải lương từ lâu, nhưng chiếc dĩa hát thu tiếng đờn của ông chúng tôi còn lưu giữ cho đến bây giờ.
 
Ngành Mai.
(Theo Cải lương Việt Nam)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 154
  • Khách viếng thăm: 149
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 6743
  • Tháng hiện tại: 2239293
  • Tổng lượt truy cập: 46206526