Xã Thanh Bình (Chợ Gạo): Dấu ấn xây dựng nông thôn mới

Đăng lúc: Thứ hai - 16/06/2014 09:32
Những năm qua, Thanh Bình đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, nổi bật là sản xuất nông nghiệp với sự chuyển dịch cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị và thu nhập. Đó là những tiền đề, động lực cho Thanh Bình đi lên nông thôn mới (NTM).

Dấu ấn từ tiêu chí khó

Về Thanh Bình hôm nay, đi trên các tuyến đường trải nhựa, trước mắt chúng tôi là những vạc thanh long trải dài; các ruộng nếp bè và rẫy rau màu xanh tốt. Xen lẫn trong đó là những ngôi nhà tường mái tôn, mái ngói khang trang tạo nên bức tranh nông thôn sáng đẹp trên đường xây dựng NTM.

Đó là kết quả từ những nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội của xã nói chung và những năm triển khai xây dựng NTM nói riêng. Dấu ấn dễ nhận thấy nhất là nâng chất các tiêu chí liên quan đến đời sống người dân.

Nuôi bò thịt cho thu nhập ổn định, giúp cải thiện cuộc sống nhiều hộ dân xã Thanh Bình.
Nuôi bò thịt cho thu nhập ổn định, giúp cải thiện cuộc sống nhiều hộ dân xã Thanh Bình.

Thanh Bình là xã thuần nông, trong đó cây nếp bè, cây ăn trái, hoa màu… chiếm vị trí chủ lực trong cơ cấu kinh tế của xã. Những năm qua, nông dân Thanh Bình đã mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng phát triển những cây có lợi thế, giá trị và có thị trường tiêu thụ; tiếp thu, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. 3 năm qua, toàn xã chuyển đổi 300 ha trồng nếp bè hiệu quả thấp sang trồng thanh long. Nhờ giá thanh long liên tục ở mức cao nên lợi nhuận mang lại từ cây trồng này cao gấp 7 - 8 lần so với trồng nếp bè, từ đó đời sống người dân cải thiện rõ rệt.

Dù hiện nay giá thanh long đang xuống nhưng theo các chuyên gia, thị trường thanh long đang rộng mở, việc giữ vững diện tích và nâng chất lượng trái là hướng đi đang được khuyến khích. Nhiều nông dân còn quan tâm chuyển đổi những cây trồng hiệu quả thấp sang cây màu, chủ yếu là ngò gai, bắp… theo hình thức luân canh dưới chân ruộng với diện tích mỗi vụ từ 75 - 85 ha.

Thanh Bình còn có thế mạnh chăn nuôi và đang phát triển theo hướng quy mô lớn, đảm bảo vệ sinh môi trường. Con bò thịt đã và đang được nông dân chọn nuôi thay cho con heo, nhờ ưu thế về giá cả ổn định, chi phí thức ăn thấp, ít xảy ra dịch bệnh.

Hiện nay, chăn nuôi bò thịt phát triển khắp địa bàn xã với số lượng đàn lên đến 4.000 con. Ông Nguyễn Văn Ẩn, ấp Thanh Đăng, cho biết gia đình của ông nuôi bò thịt mấy chục năm nay. Lúc đầu, ông nuôi bò để cày ruộng, sau này mới chuyển sang nuôi để bán. Nhận thấy nuôi bò thịt cho thu nhập ổn định, 2 năm trở lại đây, ông tăng đàn từ 22 - 23 con trong mỗi đợt nuôi.

Ông còn chú trọng chọn giống bò cho năng suất cao, chất lượng thịt tốt, thị trường ưa chuộng. Nhờ vậy mà thu nhập được cải thiện đáng kể. “Nuôi bò lời không nhiều nhưng được cái ổn định. Mỗi lần xuất chuồng sau từ 15 -18 tháng nuôi, giá mỗi con bò từ 45 - 55 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, tôi còn lời từ 10 - 20 triệu đồng/con.” - ông Ẩn cho biết.

Theo đánh giá, qua 3 năm xây dựng NTM, thu nhập bình quân đầu người của xã tăng từ 13,5 triệu đồng lên 25 triệu đồng/người/năm. Đời sống người dân nâng lên đã kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống khá thấp; nhà cửa được xây dựng, sửa chữa khang trang hơn. Về hình thức tổ chức sản xuất, Thanh Bình có tổ hợp tác cấp nước sinh hoạt.

Dù không phải là đơn vị kinh tế hợp tác hoạt động mang lợi nhuận cao nhưng ổn định và đáp ứng yêu cầu của người dân trong vùng. Theo thống kê và so sánh với Bộ tiêu chí, hiện nay xã đã nâng và hoàn thành 13 tiêu chí, gồm: Quy hoạch và thực hiện quy hoạch; thủy lợi; điện; chợ nông thôn; bưu điện; nhà ở dân cư; thu nhập; hộ nghèo; hình thức tổ chức sản xuất; y tế; văn hóa; an ninh, trật tự, xã hội và môi trường.

Còn nhiều việc phải làm

Dù đạt được nhiều thành tựu như trên, nhưng để hoàn thành Bộ tiêu chí NTM vào năm 2015, Thanh Bình còn nhiều việc phải làm. Ông Lê Anh Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, trước mắt xã tập trung vào các tiêu chí không cần vốn. Cụ thể, xã tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất thông qua mở các lớp tập huấn, xây dựng mô hình; chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng giá trị sản phẩm, nâng thu nhập bình quân đầu người của xã tăng thêm ít nhất 4 triệu đồng/người/năm để đạt 29 triệu đồng/người/năm vào năm 2015 theo quy định.

Hiện nay, xã được Sở Khoa học và Công nghệ chọn triển khai Chương trình hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao sản xuất 100 ha thanh long vùng Chợ Gạo. Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, là tiền đề để xã nhân rộng mô hình cho các vùng trồng thanh long còn lại.

Xã cũng sẽ phối hợp với các ngành chức năng, các cấp mở các lớp đào tạo nghề, tạo thuận lợi cho người lao động trên địa bàn có cơ hội tìm việc làm trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; trang bị kiến thức cho nông dân để phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp nhằm nâng tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên từ 81% hiện nay lên 90% theo yêu cầu của Bộ tiêu chí.

Xã đang xúc tiến việc chuẩn hóa cán bộ, công chức theo yêu cầu của tiêu chí hệ thống chính trị qua hình thức đưa đi đào tạo, luân chuyển... Đối với tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, xã còn thiếu 5 phòng chức năng của nhà văn hóa xã, 2 khu sinh hoạt văn hóa, thể thao ấp (mỗi khu phục vụ 2 ấp). Các công trình trên đã có kế hoạch xây dựng, việc hoàn thành tùy thuộc vào việc đầu tư của cấp trên. Về trường học, xã đạt 50% trên yêu cầu 70% của tiêu chí.

Cơ quan chức năng đã có kế hoạch đầu tư xây dựng, nâng cấp trường mẫu giáo, trung học cơ sở để hoàn thành tiêu chí này. Tiêu chí giáo dục còn “vướng” ở chỉ tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo. Xã đang thống kê lại tình hình lao động theo độ tuổi và tình trạng việc làm để có kế hoạch phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức đào tạo theo nhu cầu.

Tiêu chí giao thông được xã xác định là tiêu chí khó hoàn thành nhất. Dù thời gian qua nhiều tuyến đường được nâng cấp nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Toàn xã chỉ có trên 57% đường trục xã, liên xã nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt chuẩn của Bộ Giao thông - Vận tải; 25% trên yêu cầu, 50% đường trục xóm và 10% đường ngõ, xóm sạch, không lầy lội vào mùa mưa.

Hiện nay, xã còn 3 đường trục xã cần đầu tư, trong đó 1 tuyến đã có kế hoạch đầu tư từ vốn chương trình mục tiêu, 2 tuyến còn lại đang tìm hướng đầu tư. Các tuyến còn lại, huyện, xã đang tính toán theo hướng ưu tiên nâng cấp từ nhiều nguồn vốn, trong đó có nguồn vốn huy động từ nhân dân.

Hơn 1 năm nữa là hạn định để Thanh Bình hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM. Hành trình về đích còn nhiều khó khăn nhưng Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân Thanh Bình nỗ lực khắc phục, phấn đấu nâng các tiêu chí còn lại để đạt chuẩn xã NTM vào năm 2015.

N. Văn
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 185
  • Khách viếng thăm: 180
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 13171
  • Tháng hiện tại: 2569614
  • Tổng lượt truy cập: 48943741