Tân Phú Đông: Cây sả thay thế dần cây lúa

Đăng lúc: Thứ tư - 20/01/2016 03:59
Những năm qua, cây sả phát triển rất mạnh ở huyện Tân Phú Đông và đang dần trở thành cây trồng quan trọng trên dãy đất cù lao. Ông Nguyễn Minh Tâm, ấp Bà Tiên 2, xã Phú Đông cho biết, ông gắn bó với cây sả đã hơn 10 năm. Trước đó, toàn bộ 1,2 ha đất sản xuất của ông đều trồng lúa. Khi đó, cây lúa chỉ trồng được 1 vụ trong năm với năng suất khoảng 6 giạ/công/vụ nên gần như vụ nào cũng bị lỗ. Từ khi chuyển đổi sang trồng sả hiệu quả tăng rõ rệt, đời sống kinh tế gia đình nhờ đó ổn định hơn. Chính từ hiệu quả này, thời gian qua, diện tích cây sả phát triển rất nhanh trong vùng.
Cây sả phát triển kéo theo các cơ sở thu mua sả trên địa bàn xuất hiện ngày càng nhiều.
Cây sả phát triển kéo theo các cơ sở thu mua sả trên địa bàn xuất hiện ngày càng nhiều.

Nhưng phong trào trồng sả phát triển mạnh nhất trong huyện Tân Phú Đông phải nói đến xã Phú Thạnh. Theo nhiều nông dân nơi đây, cũng như nhiều cây trồng khác, thời gian qua, giá sả thường xuyên thay đổi cao, thấp bất thường đã ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận người trồng nhưng nhìn chung vẫn cao hơn lúa. Bởi trồng sả chi phí rất thấp, ít sâu bệnh.

Anh Nguyễn Văn Hùng, ấp Giồng Keo, xã Phú Thạnh cho biết, qua thời gian trồng thử trên các đầu bờ, đầu liếp cho kết quả khá tốt, anh Hùng đã quyết định chuyển dần diện tích trồng lúa và các cây trồng kém hiệu quả khác sang trồng sả. Đến nay, toàn bộ 1 ha canh tác của gia đình anh đều đã chuyển sang trồng sả và thực tế đã chứng minh quyết định của anh là đúng khi hiệu quả mang lại luôn cao hơn lúa rất nhiều. “Mấy năm trước, giá sả trung bình không cao như năm nay nhưng ruộng sả của tôi vẫn cho lãi cao hơn lúa.

Còn riêng năm nay, giá sả dao động khoảng 5.000 - 6.000 đồng/kg nên người trồng sả lãi rất cao, gấp 7 lần so với lúa. Cụ thể, tôi vừa mới bán 1 ha sả thu được 110 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi 70 triệu đồng. Trồng lúa thì làm gì thu được lãi như thế” - anh Nguyễn Văn Hùng hào hứng nói.

Cũng theo anh Hùng, chính hiệu quả từ trồng sả mang lại mà thời gian qua trên địa bàn của ấp Giồng Keo nói riêng, xã Phú Thạnh nói chung, người dân chuyển đổi từ lúa sang trồng sả rất nhiều. Chỉ tính riêng ấp Giồng Keo, các diện tích trồng lúa trước đây giờ đã chuyển sang trồng sả gần hết, chỉ còn lại khoảng 8 ha còn trồng lúa.

Ông Nguyễn Tấn Hùng, Chủ tịch UBND xã Phú Thạnh cho biết, cây sả xuất hiện cách nay hơn 10 năm nhưng chỉ thực sự phát triển mạnh từ khi thành lập huyện đến nay. Hiện nay, diện tích trồng sả trên địa bàn xã đã lên đến 420 ha, phân bố khắp các ấp trong xã. Phần lớn diện tích trồng sả trên địa bàn được chuyển từ sản xuất lúa trước đó.

Mặc dù những năm qua, giá sả có lúc cao, lúc thấp nhưng thấp nhất cũng khoảng 2.500 đồng, trong khi đó giá thành trồng sả khoảng 2.000 đồng/kg cho nên người trồng sả thường có lãi. Đặc biệt, năm 2015 giá sả tăng cao, người trồng sả càng phấn khởi. Thấy vậy, nhiều hộ dân đã và đang đẩy mạnh lên liếp để chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng sả.

Cũng theo ông Nguyễn Tấn Hùng, do địa bàn xã nằm ở khu vực bị ảnh hưởng nặng của xâm nhập mặn hàng năm, việc phát triển cây sả trên địa bàn có thể nói là hướng chuyển đổi cây trồng khá phù hợp với điều kiện tự nhiên, cũng như định hướng phát triển của xã.

“Do trong năm 2015, nắng nóng kéo dài làm nhiều diện tích lúa trong vùng bị thiệt hại nặng, cộng với giá cả tăng cao, cho nên hiện nay nhiều hộ dân trồng lúa đang đẩy mạnh chuyển đổi sang trồng sả. Về phía xã đang tích cực vận động nhân dân chuyển đổi sang trồng sả đối với những diện tích trồng lúa kém hiệu quả, xa nguồn nước” - ông Nguyễn Tấn Hùng cho biết.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Tân Phú Đông, diện tích trồng sả của huyện trong năm 2015 đạt trên 830 ha, tăng mạnh so với năm 2014, tập trung ở xã Phú Thạnh, Phú Đông và một phần của xã Tân Phú. Nguyên nhân là do hiệu quả từ trồng lúa thời gian qua rất thấp nên người dân đã và đang đẩy mạnh chuyển diện tích trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng sả.

Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tân Phú Đông cho biết: Huyện đang có hướng phát triển diện tích trồng sả trên địa bàn huyện lên 1.000 ha. Để hướng đến phát triển cây sả ổn định, bền vững, một mặt huyện tăng cường hỗ trợ, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho dân, mặt khác kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư nhà máy chế biến các sản phẩm từ cây sả, chế biến phân hữu cơ từ lá sả... Điều đáng mừng là hiện nay đã có doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh đến đầu tư xây dựng cơ sở chiết xuất tinh dầu sả trên địa bàn huyện.

Ngô Phú Đông
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 249
  • Hôm nay: 22170
  • Tháng hiện tại: 2390595
  • Tổng lượt truy cập: 48764722