Sản xuất&tiêu thụ rau qua hợp đồng: Đầu ra bảo đảm, nông dân an tâm

Đăng lúc: Thứ sáu - 12/06/2015 09:12
“Đã có những thời điểm rau đến giai đoạn thu hoạch nông dân phải gọi đến năm lần, bảy lượt mà thương lái vẫn không đến mua hoặc đến mua với giá rất thấp, không bằng giá thành sản xuất. Giờ được doanh nghiệp (DN) bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng, nông dân (ND) còn gì vui hơn” - Đó là bày tỏ của nhiều nông dân tham gia trồng rau tiêu thụ qua hợp đồng với DN.

NGƯỜI TRỒNG RAU AN TÂM

Hơn 1 năm hợp đồng cung ứng rau cho DN Dũng An ở TX. Gò Công, vụ rau nào ông Nguyễn Văn Hồng, ấp Thạnh Hòa, xã Bình Nghị (huyện Gò Công Đông) cũng thu được lợi nhuận khá. Vụ thất, năng suất thấp nhất cũng lời khoảng 7 - 8 triệu đồng, còn vụ có năng suất cao nhất lời từ 13 - 15 triệu đồng (1,7 công). Có thể thu nhập này không cao bằng những người trồng rau bên ngoài vào những thời điểm rau có giá, nhưng đổi lại sẽ cao hơn vào những lúc giá thấp.

Hiện nay, rau là nông sản thực hiện mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nhiều nhất trong các loại nông sản.
Hiện nay, rau là nông sản thực hiện mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nhiều nhất trong các loại nông sản.

Ông Hồng đã gắn bó với nghề trồng rau hơn chục năm nay. Và cũng ngần ấy thời gian, mỗi lần vào vụ, ông phải suy nghĩ, tính toán thật kỹ xem chọn giống rau gì trồng để thu hoạch bán giá cao ở từng thời điểm.

Ấy thế mà không có nhiều vụ rau ông bán được giá cao. Được DN bao tiêu đầu ra qua hợp đồng, ông cũng như nhiều nông dân khác trong vùng rất phấn khởi. Vì từ nay, ND tham gia mô hình bao tiêu đầu ra qua hợp đồng không còn phải thắc thỏm lo lắng về giá.

“Theo hợp đồng, nông dân xuống giống và thu hoạch theo lịch của doanh nghiệp thu mua. Còn DN cung ứng giống cho ND (trả sau khi thu hoạch) và thu mua hết sản lượng rau thu hoạch của ND với giá ổn định 3.500 đồng/kg cải bông, 4.500 đồng/kg cải thìa trong 1 năm.

Và giá rau thu mua theo hợp đồng này luôn bảo đảm cho ND có lợi nhuận. Giờ đây, ND chỉ lo tập trung sản xuất sao cho năng suất càng cao khi đó lợi nhuận thu được sẽ càng cao” - ông Hồng nói. Cũng theo ông Hồng, đến nay DN Dũng An đã ký hợp đồng tiêu thụ với rất nhiều ND trồng rau trong vùng.

Còn anh Huỳnh Văn Định, ấp Thạnh Hưng, xã Đồng Thạnh (huyện Gò Công Tây) trồng rau được 7 - 8 năm nay cho biết, trước đây mỗi khi rau đến kỳ thu hoạch, thương lái đến cho giá mua thế nào cũng phải chịu. Nếu thu hoạch gặp lúc có giá thì có lời, còn gặp lúc thất giá đành chịu lỗ.

Từ khi ký hợp đồng tiêu thụ rau với Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn Thạnh Hưng đến nay, giá cả không còn là vấn đề mà anh cũng như nhiều ND khác trong vùng phải bận tâm. Bởi dù giá rau có thay đổi thế nào đi nữa thì HTX vẫn mua rau của ND với giá đã thỏa thuận, bảo đảm cho người trồng lời từ 6 - 15 triệu đồng/vụ/công.

Xuất phát từ nhu cầu về nguồn cung, chất lượng rau ổn định đối với DN tiêu thụ; còn ND cần đầu ra ổn định, DN đã “bắt tay” với một số ND trồng rau ở xã Tam Hiệp (huyện Châu Thành) trong cung ứng và tiêu thụ rau ổn định thông qua hợp đồng.

Ngoài thỏa thuận ND sản xuất rau theo yêu cầu của DN thu mua về lịch thời vụ, thời gian cách ly phân, thuốc trước khi thu hoạch, DN thu mua ứng trước giống, bảo đảm mua hết sản lượng rau thu hoạch của ND theo giá hợp đồng, bảo đảm có lời, DN thu mua còn ứng trước một phần chi phí để ND mua vật tư. Qua hiệu quả mang lại của mô hình, từ vài hộ ban đầu, đến nay, số hộ tham gia mô hình đã tăng lên rất nhiều.

Phát triển mạnh nhất mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ rau là TX. Gò Công. Sau khi được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, mô hình thí điểm do tỉnh triển khai ở xã Long Thuận đã được DN bao tiêu sản phẩm. Còn tại xã Long Hòa, thông qua HTX Rau an toàn Gò Công, các xã viên trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP cũng được HTX ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

TĂNG CHẤT LƯỢNG, TĂNG TÍNH BỀN VỮNG

Từ vài thí điểm ban đầu, mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ rau qua hợp đồng từng bước được nhân rộng về số lượng và quy mô. Theo ngành NN&PTNT, hiện nay rau là nông sản thực hiện mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ qua hợp đồng nhiều nhất với diện tích thực hiện chiếm khoảng 30%.

Các hình thức liên kết được thực hiện theo phương thức DN tiến hành ký kết hợp đồng tiêu thụ rau trực tiếp với ND hoặc qua tổ hợp tác (THT), HTX. Theo đó, để tham gia hợp đồng, ND phải tuân thủ các yêu cầu trong quá trình sản xuất như thời gian cách ly phân, thuốc trước khi thu hoạch; xuống giống, thu hoạch theo yêu cầu, hướng dẫn của DN thu mua.

Về phía DN thu mua phải bảo đảm mua hết sản lượng rau thu hoạch của ND với giá theo hợp đồng đã ký. Ngoài ra, một số DN thu mua còn ứng trước một phần chi phí vật tư và thanh toán sau khi thu hoạch rau; đưa nhân viên xuống hướng dẫn nông dân về kỹ thuật trồng và phòng trừ sâu bệnh cho cây rau.

Với phương thức làm ăn này, ND trồng rau luôn thu được lợi nhuận trên vườn, rẫy rau của mình. Hơn nữa, hầu hết các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ rau đều được yêu cầu sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn, GAP. Vì thế, ND sản xuất theo mô hình này còn tiết kiệm chi phí đến mức thấp nhất, góp phần tăng thu nhập cho nông hộ.

Theo Chi cục Quản lý chất lượng Nông, Lâm sản và Thủy sản, từ thành công của mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ rau đạt tiêu chuẩn VietGAP ở xã Long Thuận (TX. Gò Công), đến nay mô hình đã được nhân rộng thành công ra một số nơi ở TX. Gò Công, huyện Gò Công Tây.

Thực hiện mô hình liên kết này, nông dân không chỉ được bao tiêu sản phẩm đầu ra thông qua hợp đồng với giá cao hơn giá thành của sản phẩm bình thường, mang lại lợi nhuận đáng kể cho người sản xuất, tăng thêm giá trị kinh tế của sản phẩm mà còn tăng tính bền vững trong sản xuất.

“Việc liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ (THT, HTX với DN, công ty) đã cho thấy tính hiệu quả và bền vững trong sản xuất. Việc sản xuất thành công mô hình và nhân rộng mô hình đã chứng minh cho việc gắn kết giữa DN và vùng nguyên liệu là không thể thiếu; mang ý nghĩa quan trọng trong việc củng cố, duy trì và phát triển bền vững các mô hình sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP của tỉnh.

Trên cơ sở tính hiệu quả, bền vững của mô hình liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ rau đạt tiêu chuẩn VietGAP, ngành Nông nghiệp đang tiếp tục mở rộng mô hình theo hướng hình thành chuỗi giá trị, đặc biệt ở các xã xây dựng nông thôn mới” - ông Nguyễn Tấn Quốc, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông, Lâm sản và Thủy sản cho biết.

N.VĂN
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 228
  • Khách viếng thăm: 220
  • Máy chủ tìm kiếm: 8
  • Hôm nay: 74470
  • Tháng hiện tại: 2442895
  • Tổng lượt truy cập: 48817022