Những vần thơ thế sự của Đặng Cương Lăng

Đăng lúc: Thứ ba - 10/12/2013 08:36
Trong tập thơ thứ năm vừa xuất bản mang tên “Mùa thiêng”, nhà thơ Đặng Cương Lăng gửi gắm nhiều nỗi niềm, tâm sự về thời thế.

Đặng Cương Lăng chưa phải là cái tên nổi bật trên thi đàn đương đại, song ông là người viết khỏe và không ngừng đổi mới thơ mình. Ông đoạt nhiều giải cao tại các cuộc thi thơ, từng xuất bản 4 tập thơ riêng và có thơ in trong nhiều tập thơ chung.

1DCL-dung-8830-1386409016.jpg

Bìa tập thơ Mùa thiêng.

Tập Mùa thiêng gồm 55 bài thơ mới sáng tác của Đặng Cương Lăng, được nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành. Trong buổi ra mắt tập thơ diễn ra chiều 6/12, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cho biết ông đã đọc thơ Cương Lăng từ vài năm nay và quan sát thấy tác giả đã có nhiều tìm tòi nỗ lực không ngừng với thơ. “Từ buổi đầu chỉ viết thơ lục bát, nay Đặng Cương Lăng đã thử sức với nhiều thể loại thơ khác nhau. Anh không chỉ là người viết khỏe mà thơ anh còn có sự biến đổi về chất qua từng tập” - Nguyễn Trọng Tạo nhận xét. 

Nhà thơ Đặng Huy Giang thì cho rằng Mùa thiêng thể hiện một Đặng Cương Lăng “đầy đặn hơn và thi sĩ hơn”. Đặng Huy Giang đã đọc ra những vần thơ sâu lắng của Cương Lăng để minh chứng cho nhận xét của mình. Mùa thiêng có những vần thơ đẹp, tinh tế mà ý nhị, thể hiện qua những câu thơ của Thu Hà Nội: “Những giọt thu Hà Nội/ Thu gom cả đất trời/ Cầm giọt thu trong trắng/ Bao nỗi niềm đầy vơi”, hay trong Cao nguyên hoang sơ: “Bàn tay H’Mông làm mềm đá/ Bước chân người Dao đưa núi đi xa? Giọt mồ hôi hóa thành hoa đá”…

Bên cạnh chất trữ tình, đọc thơ Đặng Cương Lăng dễ nhận thấy các khía cạnh bức xúc của đời sống. Dường như Đặng Cương Lăng đã chuyển tải những suy nghĩ, trăn trở của mình về các vấn đề xã hội thành thơ. Đó là những trăn trở thao thức về phận người trong Chợ nổi: “Chơi vơi/ chơi vơi/ chơi vơi/ Phận chợ thì nổi/ phận người chìm sâu”, là những chuyện thế thái nhân tình trong Phúc – họa: “Những người đi cầu phúc/ Phúc ở bến mù khơi/ Những người đi giải họa/ Họa ở chín tầng mây/ Mà sao người không biết/ Phúc – họa đầy trên tay”. Những vần thơ thế sự của Đặng Cương Lăng còn được thể hiện qua nhiều bài trong tập thơ như Nỗi đau, Lính đảo, Trống rỗng, Lời mẹ, Láng giềng, Miền Trung ngày giông tố

2-DCL-8755-1386409016.jpg

Nhà thơ Đặng Cương Lăng.

Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Thị Trâm cho rằng thơ Đặng Cương Lăng không đi vào những bi kịch cá nhân, không khóc than cho số phận riêng của mình, mà nghiêng về phản ánh những bi kịch lớn lao mang nỗi đau nhân thế: nỗi đau của mẹ đất bị lũ con bất hiếu tham lam chia ngang, xẻ dọc; nỗi xa xót trước đạo đức xã hội đang có nguy cơ băng hoại, nỗi đau quằn quại của khúc ruột miền Trung trong lũ kinh hoàng, nỗi đau trong trái tim cô đơn của người mẹ liệt sĩ đã hiến dâng các con cho Tổ quốc. Viết về những nỗi đau ấy, ngòi bút Cương Lăng dường như ứa lệ: "Viết về cái nỗi bể dâu/ Câu thơ gập xuống bút đau ướt đầm".

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cũng đưa ra nhận định chung về thơ Cương Lăng, rằng dường như nhà thơ họ Đặng không mấy quan tâm tới những trào lưu, phong cách, mà chỉ làm thơ theo bản năng. Nhưng chính cái bản năng đó lại tạo ra những nét đáng yêu, đáng quý cho thơ Đặng Cương Lăng.

Hiền Đỗ
(Theo VnExpress)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 276
  • Khách viếng thăm: 273
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 71681
  • Tháng hiện tại: 2440106
  • Tổng lượt truy cập: 48814233