Đoàn Cầm Thi: "Viễn vọng" là hiện thân của lối viết mới

Đăng lúc: Thứ sáu - 06/12/2013 08:48
"Viễn vọng" của Patrick Deville vừa được xuất bản tại Việt Nam. Dịch giả Đoàn Cầm Thi chia sẻ với VnExpress về tác phẩm.

- Vì sao chị chọn dịch tiểu thuyết "Viễn vọng" để giới thiệu với độc giả Việt Nam?

Viễn vọng hấp dẫn tôi bởi nhiều thứ. Nó là một tiểu thuyết tình yêu. Nó cũng là một thứ truyện trinh thám. Nhưng trên hết, nó là hiện thân của một lối viết mới. Viễn vọng là sự tồn tại của hai đối cực, đối cực giữa cái "hư cấu" và các tư liệu khoa học có tính "chính xác", đối cực giữa cái nhìn "chủ quan" và các thiết bị quang học mang lại một hình ảnh "khách quan". Tác phẩm buộc chúng ta phải đặt lại các câu hỏi về các khái niệm tưởng như hiển nhiên: thế nào là hư cấu, thế nào là chính xác, "chủ quan" và "khách quan" thực sự cách nhau bao xa...

- Như vậy vấn đề vẫn là cái nhìn?

- Tất cả trường phái cách tân văn học có lẽ đều đặt ra vấn đề điểm nhìn. Câu thơ nổi tiếng của Paul Éluard "Trái đất xanh như một trái cam" nói lên điều đó: màu của trái đất không hề khách quan, nó thay đổi theo chủ quan của kẻ nhìn. Ở Việt Nam, Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Cơ hội của chúa của Nguyễn Việt Hà, Trí nhớ suy tàn của Nguyễn Bình Phương đều chọn khai thác đề tài này. Trong Cơ hội của chúa tồn tại song song ngôi thứ ba (người kể chuyện) và ngôi thứ nhất (bốn cái "tôi" của bốn nhân vật chính). Thủ thuật này cho phép tác giả dựng lên những chân dung đa dạng, nhiều khi trái ngược nhau. 

body-2-5908-1386155643.jpg

Dịch giả Đoàn Cầm Thi.

- Vậy cụ thể vấn đề cái nhìn được "Viễn vọng" đặt ra như thế nào?

- Tác phẩm mở ra với một câu thoáng qua tưởng đơn giản: "Đây là một cuốn sách khoa học, vì quả thực Skoltz và Körberg, tôi đều đã biết họ". Nhưng nếu ai tinh ý, sẽ thấy ngay sự đối lập giữa cái "khách quan" của "cuốn sách khoa học" và cái "chủ quan" của "tôi", người-kể-chuyện. Viễn vọng là sự lồng ghép bất tận của hai cái nhìn đó. Như vậy, câu đầu tiên này phải được đọc như một "hợp đồng" của tác giả gửi độc giả: tiểu thuyết có một cái nhìn vừa trung tính vừa cảm tính. 

- "Viễn vọng" có những cảnh nhìn lý thú ra sao? 

- Ngắm nghía, quan sát, rình mò là hành động thường xuyên của các nhân vật trong tiểu thuyết. Họ nhìn trời để biết thời tiết, nhìn đồng hồ để biết thời giờ, nhìn ra xa để biết thời thế. Chưa hết, họ nhìn trộm những người xung quanh qua đủ loại dụng cụ quang học: kính lúp, kính viễn vọng, ống nhòm, ống kính máy ảnh, gương xe… Các nhân vật luôn ở sát nhau, rình rập nhòm ngó nhau, nhưng không bao giờ gặp nhau và không hề biết là họ tham dự vào cùng một câu chuyện.

Đây là một cảnh trong đó những cái nhìn lồng vào nhau: "Jyl vặn to ống viễn vọng để xem dưới mái hiên quán bar, một ông già đang viết một bưu ảnh. Körberg lật tấm bưu ảnh. Đó là tập hợp của bốn tấm ảnh bé: tấm cuối cùng chụp con đường ven vách núi, trên đó thấy rõ cái ống viễn vọng mà Jyl giờ đây buộc phải rời đi với đầy nuối tiếc". Như vậy, Jyl đang nhìn "ông già" chính là Körberg, còn Körberg thì lại đang nhìn bức bưu ảnh chụp cái kính viễn vọng mà giờ đây Jyl đang sử dụng để nhìn ông ta. Những đoạn văn kiểu này làm cho độc giả vô cùng hoang mang không biết đặt điểm nhìn của mình vào đâu. 

Vì vậy "tôi" chính là điểm nối duy nhất giữa bốn nhân vật chính, giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của họ, dẫn dắt câu chuyện, điều khiển các tình tiết để mang lại một sự thống nhất, dù nhỏ nhoi, trong những mảnh đời lộn xộn, phân đoạn và đầy lỗ hổng, mà họ đang sống. Để đạt được mục đích này, Patrick Deville đã làm một phá cách hiếm có trong lịch sử văn học: cho "tôi" vừa là người kể chuyện bên trong - một nhân vật trong truyện, vừa là người kể chuyện bên ngoài, mang thị năng của thượng đế, có thể đọc thấu nội tâm con người, nhìn xuyên không gian và thời gian. "Tôi" cuối cùng có một cái nhìn vừa chủ quan vừa khách quan.

body-1-2347-1386155643.jpg

Patrick Deville (tác giả của Viễn vọng, Yersin, Dịch hạch và dịch tả) sẽ tới Việt Nam giao lưu cùng độc giả vào ngày 12/12.

- Theo chị, vì sao cái nhìn lại quan trọng đến thế đối với văn chương đương đại? 

- Cái nhìn là một trong những chủ đề trọng tâm của văn chương nghệ thuật. Có lẽ vì qua cái nhìn ngày càng phức tạp đó, các tác giả diễn đạt thế giới mà họ đang sống: không thuần nhất, vô nghĩa, không chiều sâu. Khác với văn chương cổ điển, các tác phẩm hôm nay thường bộc lộ sự bất lực của con người trước thế giới, vì vậy mà nhân vật phản-anh-hùng ngày càng đông. Trong tinh thần đó, văn chương đương đại nói với chúng ta rằng: cái nhìn dường như là quyền năng duy nhất con người còn giữ được. Tuy nhiên, nó cũng khẳng định: nhìn không thay đổi thế giới, nhìn cũng không đem lại ý nghĩa cho thế giới. 

- Qua cái nhìn đó, Patrick Deville muốn gửi gắm thông điệp gì? 

- Patrick Deville thường nói: "Nếu có một thông điệp nào đó thì tôi sẽ diễn đạt nó trong một bài báo hay một tiểu luận. Còn văn chương thì không có thông điệp. Thông điệp duy nhất của văn chương, chính là sự hiện diện của nó và tự do mà nó mang lại".

Patrick Deville sinh năm 1957, tác giả của 10 tiểu thuyết, được coi là một trong các nhà văn Pháp hàng đầu hiện nay. Theo giới phê bình nghiên cứu, tác phẩm của Patrick Deville đã góp phần cách tân tiểu thuyết Pháp đương đại. Tiểu thuyết Viễn vọng của Patrick Deville vừa ra mắt độc giả Việt Nam. Tác phẩm xuất bản năm 1988 tại nhà xuất bản danh tiếng Minuit và được dịch ra hơn 10 thứ tiếng, Viễn vọng là thành công đầu tiên của Patrick Deville.

Đoàn Cầm Thi là nhà nghiên cứu văn học, dịch giả, tiến sĩ - giảng dạy tại Đại học Paris VII - Denis Diderot.


Hoàng Nam
(Theo VnExpress)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 189
  • Khách viếng thăm: 188
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 42881
  • Tháng hiện tại: 2275431
  • Tổng lượt truy cập: 46242664