Nghĩa trang giữa lòng địch

Đăng lúc: Thứ tư - 17/12/2014 16:20
Đang bưng ly rượu lên, chợt ông Bảy Đoàn đặt chiếc ly xuống bàn, ngó đăm đăm ra ngoài cổng. Nhìn theo mắt ông, thấy một người phụ nữ đang xăm xăm đi vào, khoảng 60 tuổi, vội cởi chiếc nón lá cũ mèm trên đầu ra, gật đầu: “Em xin chào các anh!”.

Thấy ông Bảy Đoàn vẫn mở to mắt nhìn mình, gương mặt người phụ nữ thoáng buồn: “Anh Bảy không còn nhận ra em nữa sao?!”. Ông Bảy Đoàn nhíu mày, nhìn trân trân một lúc rồi chợt thốt lên: “Trời ơi! Kim Liên hả? Bao năm nay cô sống biệt tích ở đâu, sao lóng rày trông hom hem dữ vậy, cuộc sống khổ cực, khó khăn lắm phải không? Vô đây, cô ngồi xuống đi, toàn chiến hữu cả!”.

Bàn nhậu chỉ có 4 người. Chủ nhà là ông Bảy Đoàn (Đoàn Hồng Quang, nguyên Bí thư Thị ủy thị trấn Sầm Giang), ông Tư Khanh (Đoàn Văn Khanh, nguyên Xã đội chánh xã Song Thuận, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành), ông Năm Phục (Trần Minh Phục, nguyên Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự Công an Tiền Giang) và tôi - người chuyên đi săn lùng “chuyện cổ”.

Ông Bảy Đoàn giới thiệu: “Đây là cô Hà Thị Kim Liên, con ông Hà Văn Thiên. Vuông vườn nhà cô Kim Liên chính là cái nghĩa trang mà tụi mình vừa mới nhắc tới đó…”.

Chuyện của cô Kim Liên khá dông dài và lâm ly, bi đát. Rằng cô tới đây, trước là thăm sức khỏe anh Bảy, sau nhờ anh Bảy chứng cho cái giấy hồi trước có tham gia cách mạng, bởi hoàn cảnh của cô hiện giờ khổ quá, sống một mình, không chồng không con, không nhà, bao năm nay đi làm mướn nuôi thân, sống phiêu bạt rày đây mai đó, giờ tuổi cao sức yếu muốn trở về quê cũ, ngặt nổi không còn chỗ nào nương tựa, xin cái giấy chứng nhận của anh Bảy để mong được Nhà nước và các đoàn thể cất tặng “Mái ấm tình thương”. Nghe kể, nhìn thấy những giọt nước mắt ứa ra trên gương mặt đượm buồn, lam lũ của cô, chúng tôi ai cũng chạnh lòng.

Nhà ông Hà Văn Thiên (Tư Thiên - cha cô Kim Liên) ở bên này là chợ Giữa, bên kia là ấp Vĩnh Quí (xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành), ở giữa là con sông Sầm Giang (còn gọi sông Rạch Gầm). Vuông vườn nhà cha cô chỉ cách chi khu Sầm Giang độ chừng chưa tới 500 m. Vậy mà ở nơi đó đã từng tồn tại một nghĩa trang liệt sĩ.

Giọng ông Bảy Đoàn trở nên trầm ngâm: “Sau Tết Mậu Thân năm 1968, địch phản kích quyết liệt, nào là bọn lính sư đoàn 9 Mỹ, bọn sư đoàn 7 ngụy, bọn bảo an, dân vệ, biệt kích, thám báo, chúng ra sức lùng sục, càn quét, đánh phá cả ngày lẫn đêm. Không chỉ thẳng tay bắn giết, bọn chúng còn kéo xác các cán bộ, chiến sĩ của chúng ta bị chúng giết chết về phơi ở Chợ Giữa nhằm uy hiếp tinh thần đấu tranh của nhân dân ta.

Chung quanh chi khu Sầm Giang, nhất là ở Chợ Giữa những năm đó ngùn ngụt mùi tử khí. Có xác chết bọn chúng để cho trương sình. Có những xác chết chúng để trần, cho ngồi dựa vào tường, ngậm điếu thuốc rê to bằng ngón tay cái.

Những thân nhân nào muốn nhận xác về chôn đều phải đóng 10.000 đồng mà chúng gọi là “tiền ngu”, lại còn bị chúng theo dõi, hạch sách, làm tiền. Chứng kiến những cảnh đó, chúng tôi thiệt đau lòng. Chủ trương của ta lúc bấy giờ là phải tìm mọi cách đưa thi thể của anh em mình về chôn cất tử tế”.

Ông Hà Văn Thiên là nông dân bình thường, nhưng lại là cơ sở cách mạng của ta. Qua vận động, lúc đầu ông còn do dự vì sống trong lòng địch, rất dễ bị chúng làm khó; thế nhưng được giáo dục, ông tích cực vận động bà con đấu tranh lý lẽ với địch rằng cộng sản hay quốc gia gì cũng vậy, đã chết thì phải chôn, ăn ở thời phải có nhơn đức, hành hạ thi thể người đã chết là một việc làm vô nhân đạo…

Bọn lính có thằng quát nạt ông, có thằng rút súng đòi bắn ông, có thằng giang thẳng tay tát vào mặt ông nhưng cũng có thằng giơ tay ngăn lại. Bọn chúng bắt ông nộp 10 ngàn đồng “tiền ngu” cho 1 cái xác, ông mừng vô cùng vì đã giành được thắng lợi.

10 ngàn đồng hồi đó là một số tiền khá lớn, nhưng chẳng ai lưu tâm đến chuyện ông Tư Thiên kiếm tiền ở đâu ra. Chỉ biết rằng, hễ có thi thể nào của anh em đằng mình bị địch bắn chết kéo về chợ Giữa là ông và bà con ra nộp “tiền ngu” đem thi thể về chôn cất tử tế.

Chiến tranh ngày càng ác liệt, vuông vườn sau nhà ông hẹp dần, nhường chỗ cho mộ anh hùng liệt sĩ. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, có 22 ngôi mộ trong vuông vườn ông Tư Thiên. Một số ngôi mộ vô danh (đa số là các anh bộ đội ở miền Bắc vào Nam chiến đấu), một số ngôi mộ được ông Tư Thiên dò hỏi được họ tên, quê quán, đơn vị và đã được ông lập mộ chí đàng hoàng.

Sau giải phóng, ông Tư Thiên đã lần theo địa chỉ lặn lội tìm đến các vùng trong tỉnh và ngoài tỉnh như Bến Tre, Long An, Vĩnh Long… thông báo cho thân nhân các liệt sĩ tới bốc cốt đưa về. Số ngôi mộ vô danh, ông báo về trên và đã được ngành LĐ-TB&XH bốc cốt cải táng vào nghĩa trang liệt sĩ.

Tôi cùng với ông Bảy Đoàn đến thăm lại vuông vườn nhà ông Tư Thiên. Nghĩa trang liệt sĩ trong lòng địch hồi đó, giờ đây đã trở thành một vườn cây ăn trái xum xuê, trĩu quả. Ông Tư Thiên đã thành người thiên cổ, chỉ còn tấm hình của ông trên bàn thờ bên cạnh tấm Huy chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất.

Cô Kim Liên cũng có mặt, đang ở nhờ trong nhà người em gái mình là Hà Thị Bích Vân. Ông Bảy Đoàn xác nhận, hồi đó Kim Liên mới mười mấy tuổi, nhưng đã tham gia với cha mình vận chuyển, chôn cất các liệt sĩ, công của cô cũng rất lớn. Giờ đây hoàn cảnh của cô khó khăn, các cấp, các ngành cũng nên xem xét cất cho cô một căn nhà tình thương để cô vui vẻ sống suốt quãng đời còn lại.

Đậu Viết Hương
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 231
  • Khách viếng thăm: 225
  • Máy chủ tìm kiếm: 6
  • Hôm nay: 28223
  • Tháng hiện tại: 2527609
  • Tổng lượt truy cập: 48901736