Tìm về làng nghề truyền thống dệt chiếu Long Định (làng dệt chiếu) vào những ngày này, chúng ta dễ dàng bắt gặp cảnh chiếu phơi ven tỉnh lộ 867 của gần 300 hộ dân thuộc xã Long Định, đã giải quyết việc làm cho gần 2.000 lao động ở vùng nông thôn, giúp họ có mức thu nhập ổn định.
Theo bà con ở đây, nghề dệt chiếu ở xã Long Định do các cư dân vùng chiếu nổi tiếng ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình đem vào. Vì thế, chiếu Long Định bao giờ cũng dày dặn hơn, màu sắc, hoa văn cũng tươi tắn và đẹp hơn.
Gia đình anh Việt đang dệt chiếu truyền thống bằng thủ công. |
Trong mỗi ngôi nhà ven Tỉnh lộ 867 đều có các khung dệt dập dềnh theo nhịp thoi đưa. Nhà này là 2 cô gái, nhà kia là đôi vợ chồng, kẻ đan lác, người dập khung cửi. Ghé vào nhà anh Nguyễn Văn Việt, khi anh chị đang căng đai, rồi cùng nhau ngồi dệt, tạo ra sản phẩm đẹp cho đời.
Quan sát quá trình dệt chiếu của vợ chồng anh Việt, chúng tôi mới cảm nhận được nỗi vất vả của người dệt chiếu bằng thủ công. Sau khi chuẩn bị xong phần nguyên liệu cần phải có 2 người cùng làm. Thông thường, khi căng đai xong thì người thợ chính sẽ ngồi lên khung, người thứ 2 luồn từng sợi lác vào khuôn và người thợ chính sẽ dùng lực mạnh dập vào lác để kết chặt lác vào nhau.
Động tác dập phải dứt khoát, đủ độ mạnh để lác thẳng hàng, không xếp chồng lên nhau. “Tay nghề của người thợ quan trọng lắm, phải đan như thế nào để chiếu vừa khít, vừa đều và có độ bền, dẻo dai nhất định, như vậy chiếu sử dụng mới lâu được” - anh Việt chia sẻ.
Tay thoăn thoắt dập mạnh từng khung dệt, anh Việt vẫn tiếp chuyện vui vẻ với chúng tôi: “Với khung dệt tay, mỗi ngày 2 vợ chồng dệt được 4 chiếc chiếu. Nếu có máy dệt chiếu hiện đại thì có thể sản xuất được 10 chiếc/ngày mà chỉ cần 1 người ngồi máy.
Tuy nhiên, giá 1 máy dệt chiếu hiện đại từ 30 - 60 triệu đồng, quá đắt đỏ nên tôi chưa dám đầu tư. Với lại, nhiều người mua chiếu thường chọn mua chiếu dệt tay vì chất lượng bền hơn và ít bị lỗi hơn so với chiếu dệt bằng máy nên tôi còn phân vân, chưa muốn chuyển sang dệt bằng máy”.
Dệt chiếu bằng máy. |
Một trong những gia đình dệt chiếu có tiếng ở Làng dệt chiếu Long Định là gia đình bà Trần Thị Bạch Tuyết, một người có 50 năm kinh nghiệm dệt chiếu ở xã Long Định cho biết, trước đây dệt chiếu theo lối thủ công, mỗi tháng 1 người thu nhập khoảng 1,5 triệu đồng. Bây giờ, nhiều nhà đầu tư máy dệt chiếu, năng suất cao hơn nên thu nhập cũng cao hơn trước rất nhiều.
Theo bà, chiếu Long Định nổi tiếng dày, bền, nằm vừa êm lại thoáng mát, giá phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng nên hàng ngày thương lái các nơi đến mua rất đông. Có những thời điểm, làng dệt chiếu “ăn nên làm ra”, mỗi ngày giao cho thương lái hơn 5.000 chiếc chiếu. Không những thế, chiếu Long Định còn được xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Nhật, Mỹ…
“Để làm ra 1 chiếc chiếu đẹp, lác phải thật khô, trắng, cọng bóng tròn, không quá to. Kỹ thuật dệt là yếu tố quyết định chiếu đẹp hay xấu. Khi dệt, người cho ăn lác cần phải có kỹ thuật, phải làm đều tay tránh bị rớt nhịp.
Công đoạn tạo màu cũng lắm công phu. Muốn màu không phai, không dính lên quần áo khi nằm, lác phải được nhúng vào chảo màu đang sôi, chờ cho nước sôi lại lần nữa để màu thấm vào từng sợi lác. Đặc biệt, khi may chiếu, đường may phải sắc nét, không quá dày cũng không quá thưa” - Bà Tuyết chia sẻ kinh nghiệm.
Hiện nay, ngoài sản phẩm chiếu lác truyền thống, người dệt chiếu ở xã Long Định còn nghiên cứu làm thêm sản phẩm chiếu bằng thân cây lục bình phơi khô, một loại nguyên liệu khá phổ biến ở vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, giá thành một chiếc chiếu lục bình cao hơn rất nhiều so với chiếu lác, nên chiếu lục bình ít được sử dụng trong nước mà chủ yếu xuất khẩu ra nước ngoài.
Để đáp ứng nhu cầu người sử dụng chiếu ngày càng cao, đòi hỏi chiếc chiếu phải được làm tỉ mỉ, hoa văn bắt mắt. Vài ba bông hoa, vài hình con thú vui nhộn và dòng chữ “trăm năm hạnh phúc”... đủ làm nên một chiếc chiếu đẹp mắt, gắn với thương hiệu chiếu Long Định.
Ông Nguyễn Hữu Văn Tiến, một người có 40 năm gắn bó với việc trang trí hoa văn cho biết: “Người làm hoa văn phải khéo léo, có mắt thẩm mỹ, biết pha màu cho thật đều để màu sáng và phải biết cách bảo quản để hoa văn không bị phai màu.
Các chi tiết hoa văn phải thay đổi thường xuyên theo thị hiếu người tiêu dùng. Sau khi trang trí hoa văn xong phải đem chiếu vào hấp cách thủy, hấp phải đúng giờ, nếu già lửa chiếu sẽ tối màu, còn nếu chưa đủ thời gian thì dễ bị phai màu khi nằm”.
Ông Tiến đưa chiếu vào hấp cách thủy. |
Hiện nay, trong quy hoạch phát triển kinh tế của Tiền Giang, việc đầu tư và phát triển các làng nghề truyền thống được xem như một hướng đi quan trọng nhằm giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn, nghề làm chiếu thực sự trở thành nguồn thu nhập chính trong đời sống của người dân xã Long Định.
Ông Trần Văn Thuê, Phó Chủ tịch UBND xã Long Định cho biết: “Hiện nay, Làng nghề truyền thống dệt chiếu Long Định giải quyết việc làm rất hiệu quả. Lao động không cần tuổi tác, trình độ. Các em học sinh có thể làm thêm dịp nghỉ hè, các cụ già thì có thể lựa, phân loại lác... Bước đầu, làng dệt chiếu đã bảo đảm an sinh xã hội cho bà con trong làng nghề”.
Với hiệu quả mà nghề dệt chiếu mang lại đối với việc phát triển kinh tế, xã hội của xã, cùng với những nỗ lực của các cấp, các ngành trong việc hỗ trợ cho làng nghề vượt qua những khó khăn trước mắt, đã động viên những người tâm huyết với nghề ra sức giữ gìn thương hiệu chiếu Long Định mãi tươi màu.
chiếu Long Định, thương hiệu, Tiền Giang, làng nghề truyền thống, xã Long Định, huyện Châu Thành
Ý kiến bạn đọc