Tăng cường thực hiện tốt chính sách đối với người có công

Đăng lúc: Thứ hai - 24/07/2017 09:48
Công tác thương binh, liệt sĩ và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa“ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tăng cường thực hiện tốt chính sách đối với người có công

Tăng cường thực hiện tốt chính sách đối với người có công

NGUYỄN VĂN DANH
(Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh)
 
Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh: “Thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ là những người có công với đất nước, với nhân dân, cho nên chúng ta phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”. Đây vừa là truyền thống, đạo lý nhân văn của dân tộc, vừa thể hiện trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và của toàn xã hội đối với người có công với cách mạng.
 
Xác định công tác thương binh, liệt sĩ và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” là một trong những nhiệm vụ quan trọng của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhằm góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển bền vững và đảm bảo an sinh xã hội, những năm qua, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công; tăng cường hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và huy động các nguồn lực trong xã hội, các doanh nghiệp và nhân dân cùng chung tay, góp sức hỗ trợ, giúp đỡ gia đình chính sách khắc phục khó khăn, cải thiện và nâng cao cuộc sống. Tiêu biểu là phong trào Toàn dân chăm sóc, nuôi dưỡng thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng và phụng dưỡng suốt đời Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, đã phát huy hiệu quả thiết thực, thu hút ngày càng nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia với tinh thần và ý thức trách nhiệm cao.
Đồng chí Nguyễn Văn Danh (thứ ba từ phải sang), cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh và huyện Cai Lậy chụp ảnh lưu niệm với “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” ở huyện Cai Lậy.
Việc chăm sóc gia đình người có công luôn được chú trọng, đã giữ vững 100% xã, phường, thị trấn thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ và hằng năm vào dịp lễ, tết ngân sách địa phương chi hơn 10 tỷ đồng thăm, tặng quà cho người có công, gia đình chính sách; cùng với việc thực hiện chế độ ưu đãi, đã vận động đóng góp Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” trên 121 tỷ đồng để bổ sung chăm lo đời sống cho người có công, xây dựng, bàn giao 2.973 nhà tình nghĩa với kinh phí 83 tỷ đồng và sửa chữa 1.548 nhà tình nghĩa với số tiền 16,3 tỷ đồng...
 
Nhìn chung, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đạt kết quả cao; quan tâm chỉ đạo thực hiện toàn diện các chính sách, chế độ, tránh bỏ sót người thật sự có công; thường xuyên phát động phong trào chăm lo đời sống người có công và kịp thời hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người có công nhằm bảo đảm cuộc sống cao hơn. Công tác tham mưu bổ sung, hoàn thiện chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước đối với người có công với cách mạng được chỉ đạo thực hiện thường xuyên, đã tham gia đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực người có công với cách mạng như: Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (năm 2012); Pháp lệnh Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; các Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành có liên quan..., nhằm bảo đảm chính sách ưu đãi đối với người có công ngày càng hoàn thiện, phù hợp với điều kiện lịch sử, kinh tế - xã hội của từng giai đoạn. Công tác cải cách thủ tục hành chính ở lĩnh vực người có công thực hiện khá chặt chẽ, thống nhất, thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực người có công được thực hiện theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” và được niêm yết công khai, rộng rãi ở các xã, phường, thị trấn..., tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người có công tìm hiểu và kê khai, lập hồ sơ hưởng chế độ.
 
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Một số nơi chưa xác định đầy đủ vai trò, tầm quan trọng trong việc chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa thật sự chú trọng việc lãnh đạo, chỉ đạo nên kết quả tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng chưa cao; còn có trường hợp người tham gia hoạt động kháng chiến chưa được xác nhận là người có công, do không có các giấy tờ liên quan theo quy định; một số quy định về điều kiện, thủ tục hồ sơ trong việc giải quyết các chế độ ưu đãi cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, công nhận Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày, người có công giúp đỡ cách mạng... còn bất cập, vướng mắc. Công tác “Đền ơn đáp nghĩa” một số nơi chưa gắn với việc giáo dục truyền thống, tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, còn nặng về hoạt động quyên góp nên việc huy động đóng góp Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” tuy vượt kế hoạch đề ra nhưng chưa huy động được sự tham gia của cộng đồng.
Để thực hiện tốt hơn công tác thương binh, liệt sĩ và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trong thời gian tới, các cấp, các ngành và địa phương cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm quan điểm, mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
 
Về quan điểm, thực hiện công tác thương binh, liệt sĩ, người có công và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” là nghĩa vụ, trách nhiệm của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị, trong đó đội ngũ cán bộ, đảng viên phải tiên phong, gương mẫu trong thực hiện; đồng thời vận dụng các nguồn lực của địa phương để chăm lo thật tốt cho người có công, đảm bảo người có công phải có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.
 
Về mục tiêu, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội; kiên quyết khắc phục các thiếu sót, chậm trễ trong thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, đẩy mạnh phong trào “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” và nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người có công với cách mạng và thân nhân của người có công.
 
Về nhiệm vụ, tập trung giải quyết dứt điểm những hồ sơ người có công còn tồn đọng, trước tiên tập trung vào hồ sơ thương binh, liệt sĩ; đồng thời, quản lý chặt chẽ việc chi trả chế độ ưu đãi cho người có công kịp thời, đúng đối tượng. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý đúng pháp luật những trường hợp sai phạm đối với chính sách ưu đãi người có công.
 
Thường xuyên phối hợp tuyên truyền, vận động các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm chung tay hỗ trợ, giúp đỡ gia đình người có công còn khó khăn; quản lý chặt chẽ và sử dụng đúng mục đích Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” để chăm lo đời sống vật chất cho gia đình chính sách.
 
Về giải pháp, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Tập trung giải quyết kịp thời, đầy đủ chính sách cho người có công theo quy định. Tiếp tục nâng chất phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, phát huy truyền thống cao đẹp “Uống nước nhớ nguồn” và những thành quả về công tác thương binh, liệt sĩ, người có công trên địa bàn tỉnh.
 
Lồng ghép với các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục, đào tạo, dạy nghề, việc làm, giảm nghèo tạo điều kiện cho người có công và thân nhân của người có công tham gia phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và giữ vững 100% xã, phường, thị trấn thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ hằng năm.
 
Tiếp tục phát động tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; có kế hoạch nâng cấp, tu bổ phần mộ liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn hằng năm, đảm bảo các công trình ghi công liệt sĩ ngày càng khang trang, tôn nghiêm. Thực hiện tốt việc khai thác cơ sở dữ liệu báo tin mộ liệt sĩ và tổ chức xét nghiệm ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ chưa biết tên.
 
Thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách đối với người có công, đảm bảo các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được thực hiện đầy đủ, chính xác và kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp vi phạm, đảm bảo chính sách được thi hành đúng, công bằng.
Hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” là truyền thống, đạo lý hiếu nghĩa, bác ái của dân tộc ta. Triển khai thực hiện tốt các chế độ đối với gia đình chính sách là việc làm vô cùng ý nghĩa, thể hiện lòng biết ơn đối với các thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng đã hy sinh xương máu, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

(Theo NGUYỄN VĂN DANH)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 148
  • Khách viếng thăm: 147
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 6206
  • Tháng hiện tại: 287320
  • Tổng lượt truy cập: 67261811