Tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống trong Đảng

Đăng lúc: Thứ hai - 17/03/2014 15:20
Qua hơn 1 năm triển khai thực hiện Kế hoạch 33-KH/TU ngày 8-1-2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống trong Đảng đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong cán bộ, đảng viên, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng.

Trong sinh hoạt chi bộ, có liên hệ việc thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm và các biện pháp khắc phục khuyết điểm, hạn chế qua kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Các cấp ủy luôn chú trọng tổ chức việc học tập quán triệt, phổ biến chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giám sát, kiểm tra tổ chức Đảng và đảng viên trong việc chấp hành Điều lệ Đảng, nghị quyết của Đảng trên tinh thần “giám sát phải mở rộng”, “kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm”.

Nhiều cơ sở đảng làm tốt việc biểu dương, khen thưởng gắn với sơ kết, tổng kết các chuyên đề và biểu dương thường xuyên những tập thể, đảng viên gương mẫu, có thành tích xuất sắc; coi trọng giúp đỡ, giáo dục, xử lý cán bộ, đảng viên có thiếu sót, khuyết điểm, sai phạm.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy duy trì hội nghị báo cáo viên hàng tháng để thông tin tình hình thời sự, các chuyên đề vì chính trị tư tưởng và đạo đức, lối sống cho báo cáo viên cấp tỉnh, các ban, ngành, đoàn thể tỉnh và Ban Tuyên giáo các huyện, thị, thành. Hình thức thông tin, tuyên truyền thông qua kênh báo, đài, bản tin nội bộ các cơ quan và vai trò báo cáo viên, tuyên truyền viên ngày càng phát huy. Nội dung và hình thức tuyên truyền có sự đổi mới, phong phú, chất lượng hơn.

Hệ thống chính trị cơ sở thường xuyên quan tâm phối hợp thực hiện và phát huy vai trò, chức năng của từng tổ chức trong việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

Bằng nhiều biện pháp thiết thực, kết quả cuối năm 2013, toàn tỉnh có 421.083/421.246 hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hóa (đạt 99,94%), đã xét công nhận 400.582 hộ đạt chuẩn (tăng 0,36% so với năm 2012). Đến nay, đã ra mắt 64 xã (phường, thị trấn), 940 ấp (khu phố), 23 chợ, 9 công viên, 170 con đường và 267 cơ sở thờ tự văn hóa.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy chế học tập lý luận chính trị trong các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể, cơ quan, đơn vị. Các cấp ủy đảng rà soát và có kế hoạch cử cán bộ dự các lớp đào tạo, bồi dưỡng, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ dự nguồn quy hoạch, bổ sung quy hoạch cán bộ.

Trong năm 2013, Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm Thông tin công tác Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức 537 lớp đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho 44.980 lượt cán bộ, đảng viên.

Đến nay, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt ở cấp huyện đều đạt trình độ lý luận chính trị cao cấp trở lên; ở cấp cơ sở đạt từ trung cấp lý luận chính trị trở lên. Đa số cán bộ sau đào tạo, bồi dưỡng phát huy được kiến thức đã học, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành, góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy và đội ngũ cán bộ của Trường Chính trị, các Trung tâm Bồi dưỡng chính trị được đảm bảo, góp phần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Từ đó, chất lượng nghiên cứu, giảng dạy được nâng lên theo hướng tích cực, lấy người học làm trung tâm, khuyến khích tư duy sáng tạo và tính chủ động của người học.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy duy trì chế độ hội nghị giao ban về an ninh tư tưởng, họp cộng tác viên dư luận xã hội; từ đó kịp thời tham mưu, đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ngành hữu quan chủ động có biện pháp giải quyết những vấn đề xã hội phát sinh; phòng ngừa, đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng, chính quyền và đấu tranh phòng, chống có hiệu quả âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

Qua 1 năm thực hiện Kế hoạch 33-KH/TU, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã chỉ ra những mặt hạn chế như: Nội dung chương trình hành động và kế hoạch thực hiện nghị quyết ở một số cấp ủy còn nặng tính lý luận, chưa sát với thực tế địa phương.

Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa tự giác trong rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống theo tấm gương đạo đức, phong cách của Bác và những vi phạm chưa được xử lý nghiêm minh. Thực hiện trách nhiệm nêu gương của một số cán bộ, đảng viên chưa rõ nét.

Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống có lúc, có nơi còn hình thức, thiếu chiều sâu. Công tác kiểm tra, giám sát ở một vài cơ quan, đơn vị, địa phương chưa tốt nên chậm phát hiện, đấu tranh với các vi phạm và vai trò giám sát của nhân dân thông qua các đoàn thể chính trị - xã hội còn hạn chế.

Từ kết quả và những hạn chế nêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giáo dục chủ nghĩa yêu nước, truyền thống cách mạng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Tăng cường đấu tranh, xử lý nghiêm các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Định kỳ hàng tháng nâng cao chất lượng sinh hoạt chủ đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong các tổ chức cơ sở đảng, chính quyền, đoàn thể gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) và thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm.

Các cấp ủy đảng thực hiện tốt việc kiểm điểm, phê bình và tự phê bình, phát huy dân chủ; đề cao trách nhiệm bí thư cấp ủy đối với công tác tư tưởng, bám sát thực tiễn cơ sở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, giải quyết kịp thời vướng mắc trong tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân; đấu tranh với các quan điểm sai trái, biểu hiện phai nhạt lý tưởng.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền miệng theo phương châm “hướng về cơ sở, thực hiện thông tin nhiều chiều, tích cực đối thoại, giải đáp những vấn đề bức xúc đặt ra trong cuộc sống”. Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác dân vận nhằm phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, trong đó chú trọng công tác dân vận chính quyền và việc quản lý Nhà nước về tôn giáo, dân tộc ở cơ sở…

Thái Sơn
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 445
  • Khách viếng thăm: 442
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 32183
  • Tháng hiện tại: 1781083
  • Tổng lượt truy cập: 48155210