Gây tê đám rối thần kinh cánh tay: Tiết kiệm và an toàn cho bệnh nhân

Đăng lúc: Thứ tư - 11/03/2015 13:57
Đây là kỹ thuật mà bác sĩ Nguyễn Kim Doanh - Trưởng khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện (BV) Đa khoa Phố Nối (Hưng Yên) dày công nghiên cứu “Tôi mong muốn qua Đài TNVN gửi 2 cuốn tạp chí Y học thực hành trong đó có đề tài khoa học do tôi làm chủ nhiệm làm quà tặng các thầy thuốc tại bệnh xá ở đảo Trường Sa Lớn” - bác sĩ Nguyễn Kim Doanh - Trưởng khoa Gây mê hồi sức BV Đa khoa Phố Nối (Hưng Yên) chia sẻ với Báo Tiếng nói Việt Nam.

Mối thiên duyên

Đây là món quà mang ý nghĩa nhân văn cao cả từ tấm lòng của bác sĩ Nguyễn Kim Doanh, Trưởng khoa Gây mê hồi sức BV Đa khoa Phố Nối (Hưng Yên) - thông qua Báo TNVN, ông muốn trao tận tay các y bác sĩ - Với nguyện vọng, các y bác sĩ ở hải đảo xa xôi sớm áp dụng được kết quả đề tài nghiên cứu khoa học “Gây tê đám rối thần kinh cánh tay đường trên xương đòn cải tiến tại BVĐK Phố Nối” mà ông và tập thể các y bác sĩ của BV đã dày công nghiên cứu thành công và đã được ban lãnh đạo BVĐK Phố Nối và Hội đồng Y khoa Quốc gia phê duyệt, cho phép in 2 lần trên tạp chí Y học thực hành năm 2014.

Hiện đây là kỹ thuật mới nhất tại Việt Nam và trên thế giới cũng chưa có, với hy vọng giảm được phần nào số bệnh nhân mỗi khi từ đảo phải chuyển về BV Quân đội Trung ương 175 và BV Phú Quốc…

Ngoài ra, ông còn nhờ báo TNVN chuyển số tiền 2.000.000 đồng tới các y, bác sĩ ở bệnh xá đảo Trường Sa Lớn và 2.000.000 đồng cho trường hợp cháu Nguyễn Lâm Quỳnh Như - con gái của thiếu úy Nguyễn Văn Thêu (SN 1984, quê Quảng Ninh - Quảng Bình) đang công tác tại Trường Sa để cháu được phẫu thuật cấy ghép điện cực ốc tai sớm, nếu không cháu sẽ bị điếc vĩnh viễn.

Mặc dù chưa một lần được đặt chân tới Trường Sa, nhưng từ khi đề tài này được đăng báo, BS Doanh đã ấp ủ đề tài khoa học của ông được nhân rộng tới các bệnh viện vùng núi biên cương, hải đảo và ra thế giới...

Ông kể lại, vào những năm 1967, mỗi lần nghe Đài phát bài hát “Cô gái mở đường”, “Chiếc gậy Trường Sơn”..., hình tượng những chiến sĩ Trường Sơn và những thanh niên xung phong, các chiến sĩ biên cương bảo vệ Tổ quốc đã ngấm dần vào cậu học trò Doanh (khi ấy mới 6 tuổi).

Ông thầm ao ước một ngày nào đó được gặp những “thần tượng” của mình là những chiến sĩ biệt động Sài Gòn, để được tiếp nối thế hệ cha anh viết tiếp những trang sử vàng. Vì thế ông quyết tâm học thật giỏi để đỗ vào trường ĐH danh giá nhất nhì của Việt Nam là ĐH Y khoa Hà Nội.

Nhưng tính nhút nhát, cậu học trò nghèo vùng đất Hưng Yên tự ti, không dám nộp đơn vào trường mình mơ ước mà nộp đơn thi vào ĐH Nông nghiệp. Cũng bởi bố mẹ ông là những người thuần nông, nếu con trai trở thành một kỹ sư nông nghiệp cũng là niềm vinh dự.

Năm 1979, thi trượt ĐH Nông nghiệp do thiếu 0,5 điểm, ông càng quyết chí phục thù. Gần đến ngày thi, ông “khăn gói quả mướp” lên Hà Nội để tìm “lò luyện y khoa”. Không ngờ, ngày đầu học ôn, nghe các thầy Toán - Hóa - Sinh bảo “cậu không thua kém gì học sinh thi tuyển quốc gia và quốc tế” nên ông quyết tâm hơn.

Và kết quả ngoài mong đợi khi ông đỗ thủ khoa với 22,5 điểm (trong khi tiêu chuẩn đi du học tại Liên Xô (cũ): 22 điểm, với chuyên ngành Nông nghiệp và điểm chuẩn vào trường ĐH Y khoa Hà Nội là 16,5 điểm). Ông dí dỏm: Ngày ấy mà được du học là “hót” lắm! Nhưng lúc ấy gia đình động viên tôi học bác sĩ ở trong nước vì không muốn... xa con.

Tốt nghiệp ĐH Y khoa Hà Nội năm 1986, bác sĩ Nguyễn Kim Doanh xung phong vào Quân khu 7. “Khi làm bác sĩ quân y tại Chiến trường Đông Bắc nước bạn Campuchia (1986 - 1990), tôi cảm nhận được sự thiếu thốn, lòng dũng cảm, sự hy sinh cao cả của các chiến sĩ quân y và càng tự hào về thế hệ cha ông mình...”, BS Doanh chia sẻ.

Năm 1990, BS Kim Doanh được cử đi học tại Học viện Quân Y 103 với chuyên ngành Y học dưới nước để huấn luyện đặc công và phi công. Đến năm 1999 - 2001, ông học xong lớp bác sĩ chuyên khoa cấp I: Gây mê hồi sức (Hệ tập trung tại trường Đại học Y khoa Hà Nội) rồi gắn bó với công việc gây mê này tới nay.

Mơ ước chinh phục đỉnh cao

Có lẽ, cũng nhờ nhân duyên, mà ngay từ ngày đầu thành lập BV Đa khoa Phố Nối, ông đầu quân về BV này và gắn bó với ngành y đến nay. Cũng nhờ kinh nghiệm từ mổ tuyến giáp trạng, BS Doanh thấu hiểu, việc phẫu thuật dùng phương pháp gây tê sẽ tiết kiệm và an toàn cho bệnh nhân.

Được biết, hơn 100 năm nay, các nhà nghiên cứu trên thế giới như Hirschel (1911), Pitkine (1953), Winnie (1970), V. Andersen(1983)... đều khẳng định: Không thể có tác giả nào trên thế giới đưa ra được một kỹ thuật gây tê duy nhất để phẫu thuật được toàn bộ chi trên.

Trong khi thế giới hiện nay có 4 kỹ thuật gây tê - phẫu thuật từng phần của chi trên, nhưng còn những hạn chế như tai biến nguy hiểm nếu như: chọc vào mạch máu sẽ gây ngộ độc thuốc tê; chọc vào dây thần kinh hoành gây tử vong do liệt gây ngừng thở, nên phải dùng máy siêu âm trị giá tới 45.000 USD - máy dò dây thần kinh hoành, nhưng cũng chỉ đạt độ tê tốt để phẫu thuật thành công 75 - 80%.

Ông mạnh dạn làm đề tài nghiên cứu khoa học “Gây tê đám rối thần kinh cánh tay đường trên xương đòn cải tiến tại BVĐK Phố Nối”. Sau hơn 3 năm nghiên cứu, kết quả gây tê tốt đạt 100%, được các thầy là các giáo sư đầu ngành Gây mê hồi sức Việt Nam đánh giá cao, diện tê rộng từ vùng trên xương đòn, vùng vai (rất tốt để phẫu thuật nội soi khớp vai), vùng cánh tay, cẳng tay và bàn tay...; không gây biến chứng nguy hiểm như các kỹ thuật của thế giới hiện nay, mà không cần dùng máy siêu âm dò mạch và dây thần kinh hoành...

BS Doanh chia sẻ: “Đây là đề tài được tôi ấp ủ từ lâu, cũng may được Ban lãnh đạo BVĐK Phố Nối và các thầy là GS Nguyễn Thụ, PGS Chu Mạnh Khoa, GS.TS Nguyễn Quốc Kính (BV Việt Đức), PGS.TS Công Quyết Thắng (BV Hữu Nghị), PGS.TS Trần Thị Kiệm (BV Bạch Mai TƯ), TS Nguyễn Hữu Hoằng (PGĐ Bệnh viện Đa khoa Phố Nối) ủng hộ và giúp đỡ đi đến thành công này”.

Với đề tài khoa học, BS Nguyễn Kim Doanh được vinh dự mời đi báo cáo tại Hội nghị gây mê hồi sức toàn quốc 2014 được tổ chức ngày 14 - 15/11/2014 tại khách sạn Sài Gòn - Đà Lạt TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Tại đây, BS Kim Doanh được các giáo sư đầu ngành gây mê trên thế giới ghi nhận và nể phục.

Từ tháng 5-2011 đến nay, BVĐK Phố Nối đã áp dụng kỹ thuật Gây tê đám rối thần kinh cánh tay đường trên xương đòn cải tiến cho 150 bệnh nhân. Đây còn là cơ sở thực hành cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên ngành trong khu vực.


(Theo Theovov.vn)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 409
  • Khách viếng thăm: 406
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 78335
  • Tháng hiện tại: 1827235
  • Tổng lượt truy cập: 48201362