Thương binh Lê Văn Giàu: Cuộc sống khấm khá nhờ nuôi cá cảnh

Đăng lúc: Chủ nhật - 27/07/2014 12:12
Xuất ngũ trở về địa phương, thương binh Lê Văn Giàu đã lập gia đình, sinh sống tại xã Tân Hội (TX. Cai Lậy). Từ 2 bàn tay trắng, ông đã cất công gầy dựng nên một cơ ngơi bề thế, chăm lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn.

Ông cho biết, khi xuất ngũ trở về quê, ông giữ nhiều chức vụ khác nhau từ Phó Chủ tịch UBND xã rồi đến Trưởng Công an xã Tân Hội. Đến năm 1987, do sức khỏe yếu, ông xin nghỉ công tác, trở về nhà chăm lo phát triển kinh tế gia đình.

Trước sự khó khăn của cuộc sống lúc bấy giờ, nhớ ngay lời dạy của Bác “Thương binh tàn nhưng không phế”, ông tiến hành đào ao thả cá. Thời gian đầu ông tập trung nuôi cá điêu hồng, cá tra, cá trê... nhưng hiệu quả kinh tế không cao do chưa có kinh nghiệm chăn nuôi. Nhiều tháng liền ao bị bỏ hoang.

Lúc này, thấy nhiều địa phương khác phát triển mô hình nuôi cá cảnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sau khi tìm hiểu giá trị kinh tế, kỹ thuật nuôi trên sách, báo và các phương tiện thông tin đại chúng, với số vốn ít ỏi của gia đình, ông quyết định đầu tư vào nuôi cá cảnh và tìm mua cá giống tận TP. Hồ Chí Minh về gầy đàn.

Ông Giàu bộc bạch, việc nuôi cá cảnh lúc đầu liên tục bị thất thu do chưa có kinh nghiệm. Năm thì cá sinh sản không đều; năm thì thời tiết khô hạn, nắng nóng, cá chết trắng ao... Không nản chí, ông bà tự nhủ “có thất bại mới có kinh nghiệm”. Cũng từ đó, kinh nghiệm ngày càng nhiều, việc nuôi cá cảnh dần dần đi vào ổn định và bắt đầu có lãi cao.

Sau hơn 10 năm tích lũy vốn, kinh nghiệm, diện tích mặt ao nuôi cá cảnh của gia đình cũng mở rộng theo. Lúc đầu chỉ gần 2.000 m2, đến nay gia đình ông đã có đến hàng chục ao nuôi với diện tích hơn 10.000 m2, nuôi đủ các giống cá cảnh như: cá chép Nhật, cá chép Nam Dương... thương lái đến tận nhà để mua, với giá từ 120.000 - 180.000 đồng/kg tùy theo kích cỡ của cá. Thị trường tiêu thụ chủ yếu ở trong tỉnh và TP. Hồ Chí Minh.

Ông Giàu cũng cho biết thêm, nuôi và ươm cá cảnh không khó, chủ yếu cần sự siêng năng, đầu ra ổn định, ít xảy ra dịch bệnh trên cá. Thông thường mỗi tháng cho cá giống sinh sản 1 đến 2 lần để bán cá con, tỷ lệ cá con sống rất cao. Trước đây, ông thường lấy cá từ nơi khác về làm giống, nhưng vài năm trở lại đây ông tự tuyển chọn những con cá đẹp nhất để làm cá giống cho vừa ý. Hàng năm, sau khi trừ chi phí sản xuất, ông thu lãi từ nuôi cá cảnh trên 100 triệu đồng.

Từ một thương binh, bệnh tật nhưng với ý chí, nghị lực, ông Lê Văn Giàu đã trải qua biết bao khó khăn, những trận đau đớn dữ dội do vết thương hành hạ để có cuộc sống ổn định như ngày hôm nay. Đó là cả một quá trình phấn đấu đáng để nhiều người học hỏi, noi theo.

Ông Quách Xuân Thanh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Tân Hội hết lời khen ngợi ông Giàu: “Không chỉ lo làm giàu cho gia đình, anh Giàu còn giúp đỡ anh em trong Hội CCB xã Tân Hội làm giàu chính đáng từ bàn tay và khối óc của mình.

Trong các cuộc họp anh luôn đưa ra nhiều ý kiến thiết thực làm cơ sở cho Hội hoạt động. Đặc biệt, anh luôn vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng của vùng. Chúng tôi rất tự hào khi Hội CCB xã nhà có được một người năng nổ, tích cực như anh Giàu”.

Minh Toàn
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 192
  • Hôm nay: 45021
  • Tháng hiện tại: 2601464
  • Tổng lượt truy cập: 48975591