Đằng sau vai diễn cuộc đời

Đăng lúc: Thứ ba - 07/11/2023 11:04

(Tác phẩm vào vòng xếp giải Cuộc thi Truyện ngắn khu vực ĐBSCL năm 2023)

Sóng nước từ cái ghe chèo bẹo cưa đôi đám lục bình nổi trôi trên sông, làm nát những cánh hoa bưng biếc tím lịm cả khúc sông sâu. Ông Nhị lái cái ghe chèo bẹo tắp vô bờ. Sau chuyến đi cả hai đều mệt mỏi rã rời. Ăn vội chén cơm với chén mắm chưng cùng mớ bông lục bình vừa mới hái, ông thủ thỉ bàn với bà Hiền.

- Tui bán đất nghen mình! Bà Hiền đặt chén cơm xuống một cái choảng rồi nhìn ông Nhị chằm chằm. 

- Mình điên rồi? Đất bán thì mình ở đâu? 

- Ở cái ghe này chứ còn đâu nữa?

Bà Hiền đặt đôi đũa xuống, nhìn theo sóng nước thở dài thườn thượt. 

- Tui chán cái cảnh này rồi. Tui muốn có nhà. Mình hông thương tui thì thương thằng Bính chứ? 

Ông Nhị đặt chén cơm xuống: “Tui thương bà, tui cũng thương thằng Bính, nhưng...”. Nói đến đó mắt ổng nhìn xa xăm, theo từng vệt nắng còn sót lại của ánh hoàng hôn. Nhìn theo những cánh chim chiều lặng lẽ bay về cuối chân mây mà rưng rưng nước mắt, khẽ buồn miên man. Bà Hiền với lấy vạt áo bà ba màu rêu phong, lau ngang giọt nước mắt. Ôm đứa con mới một tuổi cất tiếng hát ru cho nó ngủ, khi bỗng dưng nó òa khóc. Thằng nhỏ có tội tình gì đâu mà tía nó đối xử với nó như thế? Bao năm đi làm dành dụm được chút tiền chuẩn bị cất căn nhà, mai này nó lớn lên còn đi học với người ta. Tiền đó vẫn không đủ để ổng xoay sở hay sao mà còn đòi bán đất. Bao năm theo ổng ngược xuôi xuôi ngược khắp tỉnh thành, được cái gì đâu, còn đất đó là tía má cho trước khi mất, vậy mà ổng nỡ bán nó sao? Nghĩ đến cái cảnh rày đây mai đó, sống trên cái ghe chèo bẹo này cuộc đời của nó sẽ nổi trôi về đâu. Càng nghĩ mà bà Hiền càng khóc, tiếng khóc nghẹn lại với tiếng hát ru nghe não cả ruột. 

- Ầu ơi... Ví dầu cá bống xích đu, tôm càng hát bội.  Ầu ơi... Tôm càng hát bội, cá thu cầm... chầu.

- Tui bán đất để đầu tư gánh hát mà!

- Thì mình cứ bán đi! Rồi bán vợ con luôn một lượt cho vừa. Tối ngày hát bội, hát bội! Mình làm bầu hát mình có giàu hông?

Ông Nhị ấp úm trả lời: “Hông giàu, nhưng..!”. 

- Hông giàu vậy mần chi? Hông có hát bội gì hết!

Vừa nói bà Hiền vừa với lấy áo mũ quăng xuống sông. Ông Nhị không nói không rằng lao theo dòng nước để vớt từng cái áo, cái mũ lên bờ. Nâng niu. Bật khóc:

- Hát bội còn thì còn bầu Nhị, mình hiểu hông?

Bà Hiền giận dữ quát: “Tui hông hiểu, cũng hông muốn hiểu!”.

Trời đêm mùa thu thao thức cõi lòng, khi trời bất chợt trút xuống cơn mưa. Ông Nhị quàng dậy đi kiếm cái đèn dầu, coi đồ đạc có bị ướt mưa không. Ông ra mũi ghe rồi lại vào trong mấy bận, dòm trước dòm sau mãi vẫn không thấy bà Hiền với thằng Bính ở đâu. Trên ghe vẫn còn để đôi dép lào hướng mũi về phía sông sâu. Ông sợ bà làm điều dại dột, lao ùm xuống sông, lặn sâu mấy bận tìm hoài không thấy hai mẹ con. Ông vẫy vùng trong làn sóng con nước hét lớn: “Mình ơi! Con ơi!..”. Không gian im lặng trời càng lúc càng mưa to hơn. Không ai trả lời. Bất giác ổng khóc, nước mắt hòa theo nước mưa kéo theo một nỗi buồn không tả được.

Sáng hôm sau, người ta nhìn thấy ông Nhị vẫn ra sức tìm kiếm đục nước cả khúc sông. Bà con mỗi lúc đến đông hơn. Người ta ra sức lặn sâu đi tìm kiếm, dòng nước lạnh lùng vẫn cuốn những đám lục bình trôi hững hờ ra xa xa. Tìm kiếm đã mấy tháng trời không có kết quả. Ông Nhị lập bàn thờ cho vợ con. Ổng bỏ cuộc, đinh ninh rằng vợ con mình đã chết. 

Ông Nhị bán miếng đất, cộng với số tiền tích cóp bao năm ổng sửa sang trang thiết bị cho gánh hát, rồi mua áo mũ mới cho đẹp hơn. Những năm tháng đó, hát bội là thứ mà con người ta mong chờ, đến mức đợi hát bội như đợi mưa trên sa mạc, đợi nắng sau những ngày bão giông. Khoản tiền ông Nhị đầu tư không bao lâu đã có lãi để có thể chuộc lại miếng đất. Nhưng lòng ông thì vẫn đau đáu về nỗi buồn năm xưa trên dòng sông lơ đãng, lạnh lùng.

*

- Con Phượng nó có bầu rồi bà con ơi! Tui nghe đâu nó có bầu với ông Nhị!

Tiếng xì xào bàn tán của người dân gần đó càng lúc càng nhiều hơn. Phượng đang ở thai kỳ thứ tám còn hơn một tháng nữa thôi, cô sẽ sinh ra một thằng nhóc đáng yêu. Đứa con với cô là chỗ dựa tinh thần, vì Phượng không có nhà, chỉ có ông Nhị làm chỗ dựa suốt bao nhiêu năm nay. Những lời bàn tán xì xào đó, ban đầu nó khiến cô khó chịu dữ lắm, nhưng nghe suốt một quãng thời gian thì cô không còn thấy khó chịu nữa. Đời người kiếp sống mong manh, cô cố gắng gác nỗi buồn mấy bận đó để còn lo cho tương lai đứa nhỏ. 

Đến tháng thứ tám rồi, mà cô còn thèm trái bần chấm muối ớt. Nên phải dặn ông Nhị đi bẻ cho cô. Đến khi ổng đem về cả rổ bần ổi, cô ngồi đó ăn cả rổ mới đã cơn thèm. Ngày cô sinh con, ông Nhị chở cô đến trạm xá rồi túc trực ở đó đi mua lỉnh kỉnh đồ, bình thủy, bình sữa, khăn, tã cho em bé. Nhìn cái cách mà ông Nhị chăm sóc cô, ai nấy đều chắc như đinh đóng cột. Chính ông Nhị là tác giả bào thai. Người ta xì xào từ trạm xá đến lúc cô về nhà, cho đến khi thằng nhỏ ba tuổi rồi tiếng xì xào vẫn không chịu dứt. Gặp ông Nhị ở đâu người ta lại hất hàm, liếc mắt, nói móc mấy câu thì mới chịu.

- Nuôi con cho lớn rồi bắt con làm vợ. Quá trời quá đất ông bầu rồi!

Những lúc đó, ổng giận dữ lắm nhưng không nói gì, vẫn tiếp tục thả tay lưới kiếm cá dưới khúc sông sâu rồi lại bẻ bông điên điển theo mùa con nước, hay đọt lục bình lũ lượt nổi trôi đem ra chợ bán kiếm tiền.

Một bận đang diễn xong, mọi người tranh thủ tẩy trang để đi ngủ, sáng còn có sức thức sớm để đi qua đình khác để diễn tiếp. Thì thằng Tú chạy ra ngây ngô gọi: “Tía ơi!”. Cả đoàn người ngơ ngác nhìn xem ai là tía đứa nhỏ. Thằng Tú chạy đến ôm chầm ông Nhị rồi gọi: “Tía ơi!”. Sự thật bao năm cuối cùng đã đến lúc bật mí. Không nghi ngờ gì nữa, ông Nhị quả thật là tía ruột của thằng Tú rồi. Cả đoàn nhìn ông Nhị cười lớn, đúng là “gừng càng già càng cay”. Phượng nắm chặt tay lại bước lên, ông Nhị xua tay cô lùi xuống. Ra hiệu cô dắt thằng Tú đi ngủ sớm.

Ngày mai là buổi biểu diễn đình cuối cùng trong năm nay, phải qua một năm sau thì mới có lễ cúng đình. Còn hát bội thì có thể có, cũng có thể là không. Khi nghệ sĩ không thể chống lại sức mạnh của thời gian, những vết chân chim đã lộ rõ, giọng bị bể, da thì nhăn nheo. Sức khỏe không còn dẻo dai như trước nữa. Tiền thù lao cho mỗi đêm diễn cứ thế mà vơi đi. Khán giả bây giờ người ta không còn mặn mà với hát bội nữa. Ngồi quán cơm ven đường mà hỏi mấy đứa con nít bây giờ: 

- Biết hát bội là gì hông?

Đám học trò ngơ ngác nhìn nhau đồng thanh:

- Dạ, con hổng biết!

Hát bội đã hết thời rồi sao? Ông Nhị càng nghĩ càng âu sầu. Gánh hát thiếu khán giả đã đành, còn thiếu luôn nghệ sĩ biểu diễn. Một người đảm nhận mấy vai, vừa lên hát làm kép đẹp uy nghiêm, bước xuống sân khấu trang điểm cho nhanh làm kép lão cho xong vở tuồng. Thiếu người đến mức, ông bầu sô phải lên biểu diễn chuyên trị mấy vai hề. Bước lên sân khấu nở nụ cười cho thiên hạ, chứ thật ra tâm tư rối nùi chẳng biết nói với ai. Đã nhiều năm trời nỗi đau về đứa con và người vợ vẫn còn đó chưa nguôi ngoai với ông Nhị. 

Một đồn mười, mười đồn trăm. Cái tin thằng Tú là con ông Nhị làm ì xèo cả khúc sông. Gánh hát đã ế khách, cực nhọc lắm mới kiếm được cái đình chịu cho nghệ sĩ hát, mà nghe thấy tên ông là người ta quay lưng luôn. Mãi cho đến khi ông gặp một đình kia:

- Đình tui nghèo lắm! Không có tiền trả cho ông đâu!

Ông Nhị nắm chặt đôi tay: 

- Tụi tui hát miễn phí để phục vụ bà con!

Phượng đứng bên cạnh cũng lặng người đi. Cô hiểu cái tính nết ông Nhị ra sao. Anh em cả năm trời chưa được đi diễn, ai nấy nhớ đều nghề. Nhớ gánh hát, nhớ khán giả lắm. Với ông đi hát không chỉ là cái nghề mưu sinh, mà còn là cái nghiệp lỡ mang vào người. Vì cái nghề này bạc bẽo lắm. Nó nào đủ để anh em nuôi thân đâu. Nhưng ông muốn anh em được hát, để phục vụ bà con như vậy ông vui rồi. Làm nghệ sĩ để rực rỡ mấy giờ trên ánh đèn sân khấu, để người ta nhớ đến vai diễn. Còn lại những gì xót xa thì xin giấu kín sống để vậy, chết mang theo. 

Ông Nhị chạy qua kiếm từng người anh em trong gánh hát, để báo cho họ cái tin tuần sau được đi diễn rồi, làm ai nấy đều mừng rơn. Thằng Tí đang đi làm phụ hồ cho một công trình xây dựng gần đó, mừng rỡ nhảy cẫng lên. Lúc ông Nhị qua nói chuyện, anh em công trình mới biết cái thằng phụ hồ khù khờ đó, thấy vậy mà là nghệ sĩ đó chèn. Mà nghệ sĩ gì nghèo đến mức, phải đi phụ hồ kiếm ăn. Trăm cái nghề, sao lại lao theo cái nghề hát bội, đúng là tự làm khổ mình, chứ có ai làm khổ mình đâu. 

Mọi người đã xúm xít đông đủ ở cái gánh hát trước đêm diễn mấy ngày, ông Nhị lại kiểm tra từng người, rồi lại coi lại phục trang, quần áo đủ chưa. Ổng cho dàn nhạc đệm mấy bài cho anh em tập luyện. Cả năm trời không lên sân khấu chắc quên bài rồi, phải tập dợt cho chỉn chu. Làm nghệ sĩ bước lên sân khấu phải tỏa sáng hết mức, cốt để bà con nhớ đến hát bội mãi không quên. Chứ khán giả mà quên hát bội, quay lưng lại hát bội, thì anh em gánh hát biết biểu diễn cho ai xem. 

Thằng Tí vừa hát xong bước xuống sân khấu mà nó khóc tại chỗ. Lâu lắm rồi nó mới được lên sân khấu. Dù là thù lao có năm mươi ngàn hay miễn phí đi nữa. Nhưng đối với nó được đứng lên sân khấu với bộ đồ giáp lấp lánh, đầu đội mũ được vuốt đôi trĩ mà nó hạnh phúc sướng rơn. 

- Rồi con có được hát miễn phí như hôm nay không chú? Con sợ rằng hát miễn phí cũng khó nữa chú ơi! 

Nghe nó nói mà cả gánh hát xót xa, con Phượng lấy tay vệt ngang giọt nước mắt. Khi khán giả bên dưới chỉ vỏn vẹn năm người, còn theo dõi đến hết buổi biểu diễn. Ban đầu có ba mươi người, rồi lặng lẽ ra về. Thằng Tí cứ trách bản thân, rấm rứt:

- Do con diễn dở hay sao chú ơi? Khán giả bỏ về hết trơn!

Ông Nhị ôm lấy nó, rồi vỗ vai an ủi:

- Dù còn một người coi thì mình vẫn hát được mà!

Nghe câu nói đó, cả đoàn rưng rưng nước mắt. So với những nghề khác, làm nghệ sĩ hát bội đã là cái khó, vừa hát lại vừa phải biểu diễn điệu bộ, màu mè để khán giả bên dưới hiểu tuồng mà hình dung ra. Vuốt râu nghĩa ra sao, mỗi cách vuốt có nghĩa thế nào. Mắt trợn to hay đảo đều có hàm ý ước lệ ra sao. Mắt trợn tròn tượng trưng cho sự tức giận, còn mắt liếc qua liếc lại tượng trưng cho sự oai vệ uy nghiêm của các vai kép võ hay vai đào võ(1). Người học đã hiếm vì khó học, đâu phải ai muốn học cũng học được. Những câu hát từ những câu thơ Hán Nôm, mà bây giờ còn mấy ai hiểu được từ Hán Nôm?

Học xong cái lời, cái điệu bộ rồi đến tiết mục tự trang điểm cho chính mình. Chỉ có kép văn, đào, lão, và vai mụ thì còn để mặt thật hay còn gọi là mặt sạch. Còn những vai khác như nịnh thần, thầy rùa, tướng phiên..v.v thì phải hóa trang vẽ mặt với từng đường nét rằn ri khác nhau cái đó người ta gọi là mặt nạ(2). Từng đường nét trang điểm đó sẽ được vẽ trên nền mặt màu đỏ, đen, trắng, xanh ước lệ cho tính cách và vai diễn. Còn đôi mắt thì có mắt kẻ thường, mắt tròng táo (khoanh trắng bao quanh mắt sẽ nhỏ), mắt tròng lõa (khoang trắng bao quanh mắt loang rộng ra để ước lệ độ tuổi của nhân vật) ngoài ra còn có mắt chim và mắt dơi(3). Vẽ làm sao để người ta nhìn vào là biết mình đang hát vai gì, nịnh thần hay trung thần. Tự họa mặt cho mình là một trong những cái khó của nghề hát bội.

Vài tiếng ngắn ngủi trên sân khấu đó, là cả những cố gắng mệt nhoài của anh em gánh hát. Để cùng gìn giữ truyền thống văn hóa, anh em trong đoàn đã không ngần ngại bôn ba làm đủ nghề tay trái mưu sinh. Để khi có dịp được hát dù là miễn phí đi nữa, nhưng anh em cũng an lòng. Một đêm đặc biệt với anh em trong gánh hát. Cả năm trời anh em mới được đi diễn, ai nấy đều xốn xang trong dạ, không ai chịu đi ngủ sớm. Trong lòng phấn khởi vì cuối cùng đã được đứng trên sân khấu, mà hát cho thỏa nỗi lòng. 

*

Thằng Tú đi theo gánh hát từ bé, nó thuộc lào mấy vở tuồng một cách diệu kỳ. Ông Nhị thấy nó thông minh hát lại hay nữa, nên dạy nó cái tuồng Sơn Hậu kinh điển. Nó học nhanh dữ lắm. Dạy đâu nhớ đó làm ông Nhị mát lòng. Sau buổi biểu diễn, nó đang cầm củ khoai lang vừa thổi vừa ăn. Ông Nhị ôm nó vào lòng: 

- Nếu cho mày hát, mày chọn vai gì của tuồng Sơn Hậu? Nó cười cười tít con mắt.

- Dạ, được lên đó hát thì vai nào cũng được! 

Cái câu nói ngây ngô của đứa trẻ làm ông Nhị suy tư mãi. Mà nó nói đúng chứ có sai đâu. Làm nghệ sĩ mà được đứng lên sân khấu hát thì vai gì cũng được. Xa xa đám lục bình trôi miên man theo con nước đã tụ tập lại thành đám to, dạt vào bờ theo sóng đánh mỗi lần ghe hay vỏ lãi chạy qua. Mắt ông lại đăm chiêu nhớ lại khúc sông năm nào và bầu trời ký ức. 

Ngày đó, đoàn hát bội nhiều lắm, đậu kín cả khúc sông. Người ta gọi là “bến hát”. Để khi tiếng “loa loa chiều nay có đoàn hát bội Thanh Bình biểu diễn” là bà con lại chen chúc, đi coi hát bội nhiều lắm. Cái thời đó, có người còn đem cả chiếu, rồi quạt giấy đi theo. Người ta trải chiếu để giành chỗ coi, rồi sẽ kẹp những tờ tiền vào cái quạt giấy quăng lên sân khấu, để ủng hộ đoàn hát có thêm kinh phí. Họ yêu mến gánh hát lắm. Người dân dù nghèo mà thấy thương ghê. Không có tiền cho nghệ sĩ thì đem bắp, có khi là khoai, bí rợ để cho nghệ sĩ. Có người lặn lội đường xa đến đây, cốt để nhìn cho bằng được nghệ sĩ hát bội. Ngày xưa người ta quý nghệ sĩ hát bội dữ lắm. Cái thời huy hoàng đó giờ còn đâu? Ông Nhị buột miệng ca lên một câu hát rồi lại khẽ rơi nước mắt, thả hồn vào mông lung. Nhánh lục bình còn trôi nổi trên sóng nước mênh mông, vậy mà hát bội đã lùi vào trong ký ức.

*

Một bữa đi diễn ở huyện Vũng Liêm, Phượng vừa tẩy trang xong bước xuống sân khấu. Một người đàn ông từ đâu chạy đến ôm chầm lấy cô. Mọi người túm lấy anh ta. Ông Nhị đấm một cái vào mặt người thanh niên làm mọi người ngỡ ngàng. Trước giờ có thấy ổng lớn tiếng với ai đâu, chưa nói đến cái việc đánh người ta. Anh em đoàn hát túm lấy người thanh niên lôi ra, bàn giao cho người dân toàn quyền quyết định. Mọi người cũng lạ gì với việc gánh hát có cô đào đẹp mơn mởn thế kia, người ta nói gái một con trông mòn con mắt nào có sai. Phượng đã đẹp, sau khi sinh thằng Tú ra thì cô càng đẹp hơn nữa. Nét sắc sảo của người đàn bà đang độ xuân thì, đúng là có ma lực thu hút ánh nhìn đàn ông. 

Mấy ngày sau người đàn ông kia lại đến. Lại tiếp tục chọc ghẹo cô với những từ ngữ khó nghe. Phượng bất lực nhìn hằn học vào anh ta, cô hét lớn:

- Mày muốn cái gì?

Hắn cười hô hố khoái chí, nụ cười khiến cho người ta sởn tóc gáy.

- Tao muốn mày, một đêm thôi!

Từ phía sau, ông Nhị túm lấy cổ áo người thanh niên giơ cao lên. 

- Mày tha cho con gái tao được rồi đó! 

- Con gái à? Nực cười! Con gái mà tụi mày có con với nhau?

- Khốn nạn! 

Phượng táng một cái thật mạnh làm mặt hắn in hằn năm đầu ngón tay, hắn vệt ngang giọt máu rồi đưa tay lên nếm thử rồi chép miệng:

- Mày ngon hơn tao nghĩ rồi đó!

Nói đoạn, hắn đá lấy chân ông Nhị, rồi xoay người lật ngược tình thế khiến ông ngã nhào xuống trúng cái hòm sắt đựng đồ. Bất tỉnh dân sự. Gánh hát đã qua dịp hát đình rồi, anh em ai nấy về lại công việc tay trái, cái ghe chèo bẹo chỉ còn có Phượng, ông Nhị và thằng Tú thôi. Thằng Tú òa khóc, nó chạy đến lay lay ông Nhị rồi khóc to hơn. 

Phượng chạy đến ôm lấy Tú, nhưng vẫn không nhanh hơn sức mạnh của thằng đàn ông. Nhanh hơn cắt, hắn túm áo thằng Tú kéo lên, làm nó khóc to hơn. Hắn hất cái mặt, nhướng chân mày, nháy mắt ra hiệu Phượng:

- Mày chiều tao hay để tao ném nó xuống sông?

Phượng bất lực quỳ xuống, van xin: 

- Buông con tui ra, đi mà!

Hắn vẫn lạnh lùng nhấc bổng thằng Tú chìa ra gần mép sông, chân thằng bé vẫn đang cố gắng để bám lấy vào mạn ghe. Nó sợ hãi, khóc càng to hơn.

- Buông nó ra! Nó là con của mày đó!

- Cái gì?

Bất ngờ quá, hắn giật mình buông tay ra khiến cho thằng Tú rơi xuống sóng nước mênh mông, phải mất cả phút sau hắn mới hoàn hồn lại. Phượng run rẩy, nhìn theo vệt sóng nước xa xăm, đám lục bình lững lờ trôi miên man theo từng ký ức. Cô lao mình xuống dòng nước sâu hun hút, cô muốn tìm đứa con cô đứt ruột đẻ ra. Dòng nước trôi lạnh lùng đó nhấn chìm cô. Như vô thức cô đưa tay lên chới với kêu cứu. Hắn vội nhảy xuống để cứu cô lên bờ. Khoảnh khắc cô chìm dần dưới làn nước sâu đó. Hình như cô đã nhìn thấy Tú, đang vẫy vẫy tay gọi cô. Nhưng khi cô đưa tay ra để nắm lấy, thì cái bóng Tú dần dần trôi xa cô.

Hắn lặn sâu để kiếm thằng Tú. Nhưng tìm hoài vẫn không thấy. Dòng sông sâu hun hút, lạnh lùng. Trời đêm khuya tĩnh mịch, tiếng kêu xé lòng vang vọng khúc sông. Khi đó người dân kéo đến, đèn đuốc sáng bừng. Người ta lặn xuống dòng sông lạnh lẽo để tìm kiếm một phép mầu nào đó. Hắn cởi cái áo văng lên bờ cho khỏi vướng víu, lặn xuống sông sâu thêm mấy hơi nữa. Nhưng vẫn không tìm thấy. Ông Nhị tỉnh dậy, đầu ươn ướt một vết thương sâu, máu loang lỗ lan ra thấm ướt cả áo ông. Người ta dìu ông lên, để chuẩn bị đưa ông đi trạm xá. Nhưng đầu ông vẫn còn quảnh lại nhìn theo, ánh sáng loe lóe sáng bừng khúc sông sâu. Hình ảnh đó cứ như là của ba mươi năm về trước tái hiện. Tay ông vẫn còn vẫy vẫy mắt rưng rưng, môi mấp máy định nói điều gì đó rồi ông lại bất tỉnh lần nữa.

*

Nằm trong trạm xá cấp cứu, do vết thương nghiêm trọng quá, ông Nhị được chuyển thẳng lên bệnh viện tỉnh. Tại đây bác sĩ làm giấy tờ thăm khám rồi một lần nữa ông Nhị lại được chuyển thẳng lên tuyến trên, mới có đủ cơ sở y tế thực hiện ca phẫu thuật mở hộp sọ. Khi bác sĩ phát hiện một cục máu bầm chèn ép dây thần kinh, đứng trước tình thế nguy kịch cần phải phẫu thuật gấp. Sau ba tiếng đồng hồ chạy đua với thời gian, đội ngũ y bác sĩ cuối cùng cũng đã thành công kéo ông Nhị khỏi bàn tay tử thần. 

Sau ca mổ, ông được chuyển qua phòng hồi sức để theo dõi tình hình. Đầu ông đau như búa bổ, ánh sáng loe lóe đó khiến ông bật khóc. Nó là cái gì mà tim ông đau nhói. Anh em gánh hát biết cái chuyện ông bầu nhập viện, mọi người lên thăm ông. Thi thoảng ông lại khóc rồi cười cười, ném đồ lung tung, làm mọi người sợ hãi. Anh em trong đoàn nhìn nhau mà chạnh lòng chua xót. Vết máu tụ bầm đó được lấy ra hết, nhưng di chứng sau lần đó vẫn còn, có lẽ ông bầu cần một thời gian để bình phục. 

*

Phượng như người mất hồn, cô cứ khóc thổn thức đêm ngày như thể khóc trôi cả cái ghe chèo bẹo đó ra ngoài biển lớn. Cuối cùng người ta đã tìm được xác thằng Tú lạnh tanh ở khúc sông đó, vậy mà mọi người kiếm hoài vẫn không thấy. Hắn đã bị bắt sau hành vi hung ác. Sau lớp song sắt hắn vẫn đau đáu khôn nguôi, về chuyện vừa mới biết cái tin, có thằng con trai lại chính tay mình giết chết nó. Công an vào cuộc điều tra làm rõ, mọi chuyện được dời lại để khi ông Nhị và Phượng đủ sức khỏe, tâm trí bình ổn lại để lấy lời khai. Vì sóng nước mênh mông trên cái ghe chèo bẹo đó, chỉ có hai người mới biết rõ tình tiết sự việc. 

Bà Chín tốt bụng đưa Phượng lên bờ ở, vì cái ghe chèo bẹo đó Công an đã phong tỏa hiện trường để tiến hành điều tra làm rõ. Ba tháng sau, sức khỏe Phượng cũng dần ổn định, thi thoảng vẫn khóc khi nhìn theo mé sông sâu. Đêm đêm cô vừa hát, vừa múa mái có khi cô hát tuồng Tiết Đinh San, có khi hát cái tuồng Phạm Công Cúc Hoa. Hết múa hát xong lại khóc, rồi lại ôm lấy cái gối mà ru con. Bà Chín thấy vừa tội và cũng vừa sợ, khi cô vừa hát xong lại cười ha hả rợn người. 

Hôm nay là ngày mở phiên tòa xét xử lưu động, đứng trước vành móng ngựa hắn gục mặt xuống, khóc nức nở đồng ý kết quả xét xử và không muốn ai biện hộ cho mình. Lúc đó ông Nhị và Phượng đều có mặt đầy đủ. Vì họ là nhân chứng đặc biệt cho phiên tòa. Kết quả tòa phán quyết xong, người ta áp giải hắn đi, đến khi ngồi lên chiếc xe chuẩn bị lăn bánh. Ông Nhị hét lớn, khi chợt nhớ ra điều gì đó: 

- Bính ơi! Tía nè con ơi! 

Ổng chạy theo chiếc xe nhưng làm sao chạy theo kịp, vấp đá mà té xuống rướm máu hai đầu gối. Hắn quay người nhìn lại hai tay vẫn bị còng mà hét lớn lên: 

- Ông là tía tui hả?

- Thật mà! Tía nè con ơi!

*

Ông Nhị lân la tìm hỏi mấy bận để tìm lại bà Hiền, nhưng không có tung tích. Chỉ nghe mấy bạn buôn lúa đồn đoán là, năm đó bà Hiền ôm con trốn lên bờ không có nhảy xuống sông sâu, còn đôi dép ổng nhìn thấy trên ghe là bà ta cố tình làm vậy để ổng nghĩ bả chết trôi sông rồi đừng tìm bả nữa. Bả gặp ông nào giàu lắm rồi nên vợ nên chồng với ổng, vì không muốn ông chồng biết bả có một đời chồng và có đứa con riêng nên bả đã đem thằng Bính cho một bà lão làm nghề ve chai. Khi đó trên người nó một sợi dây chuyền có nửa cái mặt bằng ngọc bích, cái sợi dây chuyền ông Nhị đã nhìn thấy bữa nó nhảy xuống sông sâu. Trên vai nó có cái bớt lớn màu đỏ hình giọt nước, cũng nhờ vậy mà ổng mới nhận ra nó là con mình. Từ đó bà Hiền chưa một lần về gặp con, nghe đâu bà Hiền vượt biên ra nước ngoài sống rồi. 

Dòng sông cù lao xuôi dòng ra vùng miệt thứ, ông Nhị lái cái ghe chèo bẹo vẫn nghêu ngao hát hò. Người ta thấy ổng vẫn còn theo nghề hát bội sau ngần ấy năm biến cố. Hát để quên đi cuộc đời. Hát để gìn giữ văn hóa ông cha. Vì giờ đây ổng đâu còn gì nữa đâu. Con trai thì tù tội, cháu thì mất, đứa con gái ổng nhận nuôi bao năm buồn bã đã quyên sinh dưới dòng sông lạnh ngắt. Còn bà vợ thì không có tung tích sau hơn bốn mươi năm qua. 

Ông bầu sô ngày xưa đi kiếm sô cho gánh hát, thì nay lại càng vất vả ngược xuôi tìm trò để dạy. Hát bội đã hết thời rồi sao? Đi khắp các tỉnh thành sông nước, ổng kiếm đỏ mắt mới kiếm được vài người muốn học, dạy đám học trò xong xuôi lại tất bật ngược xuôi kiếm sô cho trò diễn. Khán giả bây giờ đâu có mặn mà với hát bội như ngày xưa. Có khi họ không biết hát bội là gì, vì chưa hiểu nên chưa thấy cái hay của hát bội. Sau tất cả, học trò của ổng hổng có bỏ nghề hát bội, mà đi hát vẫn còn dăm ba khán giả dưới sân khấu, với ông Nhị đó là hạnh phúc rồi. Khán giả còn nhớ đến hát bội thì ổng có chết cũng an lòng. Chỉ sợ mai này khi ổng không còn nữa, hát bội sẽ lụi tàn khi chẳng ai nhớ đến ở khúc sông sâu tím lịm mấy đám bông lục bình này. Từng là cái “bến hát” với nhiều ghe chèo bẹo tấp nập. Đã từng là nơi neo đậu của rất nhiều gánh hát bội, sống hết mình trong sự yêu quý của bà con. 

Đằng sau vai diễn cuộc đời, mấy ai hiểu hết đoạn trường chông gai?./.

_________________________

Ghi chú: (1): Trích từ sách Sổ Tay Thưởng Thức Hát Bội của Huỳnh Ngọc Trảng 

(2),(3): Trích từ tư liệu nghiên cứu của dự án Hiếu Văn Ngư

MÃ SỐ 37
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 78
  • Khách viếng thăm: 77
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 37600
  • Tháng hiện tại: 347770
  • Tổng lượt truy cập: 67322261