Bắt chuột đồng mùa nước nổi

Đăng lúc: Thứ hai - 23/01/2017 13:12
Đang còn ngáy  ngủ, co ro trong chiếc mền dày, ông anh họ lay mạnh: "Dậy mau đi bắt chuột đồng". Như có lực thôi miên, tôi bật dậy tỉnh queo: "Sớm vậy huynh?". "Ờ, phải đi từ sáng sớm mới bắt được nhiều”. Sở dĩ ông anh tôi bảo thế vì sáng sớm, con nước lên cao, các sản vật của làng quê như rắn, cúm núm, chuột đồng, cò... kéo nhau lên các gò cao trú ngụ. Đây là cơ hội ngàn vàng để đi săn.
Minh họa

Minh họa

Sáng sớm, cảnh vật làng quê yên bình thấy rõ. Bước ra khỏi nhà, ngửa mặt lên trời, hít một hơi thật sâu, lòng cảm thấy lâng lâng với dòng không khí mát rượi đang ùa vào lá phổi. Mùa nước  lên (độ từ đầu tháng 8 đến cuối tháng 9 Âm lịch), dường như nhịp thời gian chầm chậm lại bởi con người. Xung quanh là bốn bề sông nước. Trẻ con được nghỉ học vì trường ngập. Phụ nữ chẳng phải cần đi chợ vì thực phẩm đã có đầy từ việc cất vó, giăng lưới, đặt trúm, nò... Chỉ có những cô gái trên chiếc xuồng ba lá phủ đầy phù sa, mênh mang theo sông nước để hái hoa súng, bông điên điển, rau nhút, bồn bồn... Và những chàng trai lưng trần rám nắng phì phèo khói thuốc sau những mẻ lưới bội thu.

Thoạt đầu, tôi cảm thấy lạnh tê tái, nổi da gà cả người vì cơn gió sông quẩn quanh trên cơ thể. Nhưng rảo bước chừng hai cây số, băng qua nhiều cánh đồng, rồi trầm mình dưới nước một hồi, cái lạnh tan biến biệt tăm. Thấy tôi ái ngại khi đưa chân xuống ruộng, anh tôi bảo: "Coi vậy chứ cạn lắm, lội đi cho quen". Cạn thiệt, chừng ngang ngực, vậy mà tôi cứ tưởng sâu độ 2 - 3m. Hết ruộng sen, băng qua một hàng gáo cao là tới gò đất. Ông anh nói: "Đây là gò của nhà mình, cho nên không ai dám đi đào đất bắt chuột. Có chủ quyền đàng hoàng nghen mậy". Rồi huynh chỉ tay về phía xa, trong lớp sương dày, cũng có một đám thanh niên dẫn theo đến hai chú chó đi bắt chuột: "Tụi nó là dân bắt chuột chuyên nghiệp đó. Mùa nước nổi, một ngày có thể thu cả triệu đồng. Chủ yếu là bán mối cho quán ăn, nhà hàng". Tôi thảng thốt: "Thu nhập cao thế sao huynh không làm?". Ông anh tôi giải thích, không phải ai cũng làm được, phải nhanh tay lẹ chân, đông người, đặc biệt phải biết hang nào có chuột nhiều. Rồi huynh chỉ tay xuống một hang cạnh chân tôi: "Mày né qua một bên, hang rắn hổ hành đó". Theo kinh nghiệm của người nhà quê, thì hang rắn nhỏ hơn hang chuột, lại trơn nhẵn do chúng trườn. Trong khi hang chuột có đụn đất vo thành từng viên tròn đùn lên, thô và to. Tôi hỏi: "Thế sao mình không bắt rắn nhỉ? Rắn xào lá cách hoặc nướng, nấu lẩu cũng ngon đáo để mà?". Nhún vai tức thì, gã huynh to xác ồ lên: "Tao sợ! Con gì uốn éo tao rất sợ. Ha ha ha". Không riêng gì ông anh họ mà cả tôi, dù khoái ăn loài bò sát này nhưng vẫn sợ khi chạm vào chúng lúc còn sống.

Cặm chiếc xẻng xuống đất, ông anh tôi bảo lấy cái giỏ mà nãy giờ tôi xách theo kè kè. Rồi anh lấy ra mớ bùi nhùi xơ dừa, dùng hột quẹt bật lửa lên và đốt. Mớ lửa ấy được đặt vào hang chuột cho khói tỏa ra. Sở dĩ làm thế để chúng ngợp chịu không nổi và chạy ra ngoài. Bên ngoài có chiếc rọ to chờ sẵn, và sẵn sàng đậy nắp lại khi chúng chui vào. Vác xẻng đi lòng vòng, ông anh tôi tìm xem chuột có đào hang ngách không để biết mà bịt đường. Chiếc xẻng có giá trị vào lúc này vô cùng, lưỡi xẻng lần vào tận cùng hang, tìm xem có ngách và dồn chuột vào “chân tường”. 5 phút sau khi khói trắng bay mù mịt, củi khô được tiếp thêm, chuột chịu không xiết, chạy vội ra hang và "trúng kế". Tuy nhiên không phải hang nào cũng nhiều chuột, đôi khi chỉ là một cặp uyên ương xây tổ ấm mà thôi.

Chuột đồng (chuột cơm) là loài gặm nhấm chỉ thích ăn lúa. Chúng phá bĩnh mùa màng nên việc bắt chúng có lẽ càng giúp nhà nông đỡ gánh nặng lo toan. Trung bình, một con chuột cơm trưởng thành khoảng chừng 200gram, lông vàng sậm, rất nhanh nhạy. Ngày thường, nếu bắt chúng thì phải gặp dịp gặt lúa xây cù. Nhưng mùa nước nổi, lũ gặm nhấm phá phách này tự dẫn xác lên gò nên rất dễ bắt. Tuy nhiên, nếu nghiệp dư như hai anh em tôi thì có lẽ lũ chuột nằm trong hang mà cười khúc khích vì chúng tôi quá vụng về. Phải mất cả buổi sáng, trầy trật lắm mới bắt được khoảng 15 chục con chuột đồng béo núc. Ngước nhìn đồng hồ, ông anh tôi hất cằm ra hiệu đi về nhà: "Nhiêu đó đủ lai rai rồi!". Rồi chúng tôi ra về. Trưa, nước hạ xuống chừng 50cm nên đi khá dễ dàng. Sẵn tiện ghé mấy luống rau, tôi và ông anh hái một ít bông súng, điên điển, rau muống, cù nèo... về dùng chung với chuột đồng nướng áp đất.

Chuột đồng sơ chế bằng cách lột bỏ lớp da nhám nhúa, bỏ đuôi và ruột. Sau đó rửa sạch rồi ướp với ngũ vị hương cho vừa miệng. Dùng một thanh tre tươi non, chẻ đôi một đoạn rồi kẹp chuột vào, lấy dây chuối xiêm tươi buộc gia cố ở đầu hở. Lò nướng là một cái hố hình chữ nhật cạn, bên dưới đốt than củi cho cháy đỏ rực (than cây gáo cháy rất dai) rồi đặt chuột lên bề mặt. Dưới tác động của hơi đất, mùi than củi và ngũ vị làm cho thịt chuột thơm, ngọt và mềm hơn. Món này phải chấm chao mới đúng bài bản. Đừng quên kèm với rau sống và... rượu đế chính hiệu.

Mặt trời đã đứng bóng, lui cui mãi mới xong món chuột nướng. Ông anh bảo: "làm một chén cơm cho no bụng rồi hẳn nhậu, kẻo rượu phá bao tử đấy!". Rồi hai anh em xơi hai tô cơm với món cá chốt kho tiêu ngon ơi là ngon. Nếu không được ông anh ngăn lại, có thể tôi làm thêm tô nữa: "Nhiêu đó đủ rồi, chừa bụng để ăn chuột nướng chứ mậy". Phải công nhận bà dì tôi làm món kho ngon đáo để, cưỡng lại không được. Con cá đồng nào qua tay dì cũng biến thành món kho tiêu, kho lạt, kho sệt, kho quẹt... quá xá ngon.

Địa điểm nhậu tại một chiếc ghe to của bạn ông anh tôi. Nhà anh ở trên ghe, rày đây mai đó. Thỉnh thoảng mới đặt chân lên đất liền. Cái nghề bán khô, mắm dù không làm giàu nhưng cũng đủ anh nuôi hai đứa con ăn học nên người: "Tụi nó lên bờ hết rồi, giờ chỉ còn vợ chồng tui thôi. Chúng lên cấp 2 nên phải học nội trú".

Giữa không gian bốn bề sông nước, sóng gợn nhấp nhô, tôi có cảm giác như đang chơi bập bênh của thời con nít. Nhấp chén rượu gạo chính cống, dùng miếng thịt chuột nướng "thần thánh", cảm thấy đời thi vị biết bao. Dường như hiểu sự quyến luyến mảnh đất miền Tây Nam bộ, anh họ tôi mời mọc: "Năm sau rảnh nhớ về đây chơi tiếp. Tao hứa với mày, tập quen với rắn, không sợ nó nữa, về tao bắt xào lá cách cho mày nhâm nhi". Dù chưa mường tượng ra cảnh đi bắt rắn, nhưng với cái tình chân chất, hào sảng của người miền Tây mênh mông sông nước cũng đủ cho tôi ấm lòng. Chúng tôi trò chuyện trong vui vẻ, ca hát nghêu ngao, hòa mình cùng đất trời sông nước miền Tây ngọt ngào đến độ mặt trời đi ngủ tự lúc nào không hay.

Đặng Trung Thành
(Theo Văn nghệ Tiền Gaing số 77)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 83
  • Khách viếng thăm: 75
  • Máy chủ tìm kiếm: 8
  • Hôm nay: 11048
  • Tháng hiện tại: 1462493
  • Tổng lượt truy cập: 45429726