Những nẻo đường cà phê

Đăng lúc: Thứ hai - 30/12/2013 08:01
Cà phê bây giờ có mặt ở khắp nẻo đường, với “muôn hình, vạn trạng”, từ cà phê võng, cà phê lề đường, các quán cóc, đến cà phê cao cấp wifi. Người uống cà phê cũng “muôn mặt” và cũng tùy nghề nghiệp mà chọn địa điểm phù hợp cho mình.

CÀ PHÊ VEN ĐƯỜNG ĐẾN NHỮNG QUÁN BÌNH DÂN

Vòng quanh Giếng Nước (TP. Mỹ Tho) là nơi tập trung nhiều quán cà phê nhất. Đoạn đường Yersin (từ đầu đường Ấp Bắc đến đầu đường Lý Thường Kiệt cắt ngang) có gần 30 quán cà phê như: Yersin, Dạ Nguyệt, Nghĩa Thuận, 190, Ty Ty, Góc Phố…. và có 2 quán “hoành tráng” là Tiểu Lan Phố.

Buổi sáng, người uống cà phê ngồi dọc các quán ven bờ hồ khá dày đặc, trong không khí mát mẻ, có cây xanh soi mình xuống mặt nước. Mùa này, ven bờ, lá bàng rụng vàng lối đi, tạo thêm chút lãng mạn cho giới sáng tác. Những gương mặt trầm tư bên phin cà phê bốc khói. Những đôi mắt chăm chú vào tờ báo mới phát hành. Có người thì râm ran chuyện thời sự… Tiếng lách cách khuấy cà phê như khúc nhạc đón chào ngày mới. Những ngày nghỉ, đến 10 giờ trưa khách vẫn còn “ngồi đồng” tán gẫu hoặc đọc báo; có nhóm đánh cờ…

Khách cà phê ven đường hay quán bình dân đa phần là giới lao động phổ thông, uống xong rồi ra đi vội vã để lo công việc của mình. Cũng có những khách hàng mua ly cà phê mang về để tiết kiệm thời gian. Anh Lê Văn Hưng, 34 tuổi (ngụ phường 5, TP. Mỹ Tho) làm nghề thợ xây, cho biết: “Tôi cũng thích ngồi uống cà phê thư giãn, thường uống những quán quanh khu giếng nước.

Nói chung, các quán ở đây pha chất lượng để cạnh tranh khách hàng. Có lúc vội quá, ghé vô quán ăn, gọi thêm ly cà phê, hiếm quán ăn nào pha cà phê ngon. Các quán cóc pha cà phê khá chất lượng mà rẻ, nếu không thì khó mà tồn tại, vì bây giờ ra ngõ là đã thấy quán cà phê.

Chủ quán cà phê A Đẩu (trên đường Yersin) cho biết: “Quán ở đây đông lắm, đa phần bán cho khách quen. Muốn giữ khách thì pha cà phê ngon, biết chiều từng sở thích của khách. Hàng tháng, tôi đăng ký Báo Tuổi trẻ, Báo Bóng đá để có báo mới cho khách xem hàng ngày…”.

Các quán cà phê bình dân bày trí đơn giản, trang trí trang nhã, đặt khoảng 20 ghế ngồi có chỗ tựa lưng và một quầy pha chế chưng các loại nước đóng chai ngăn nắp, sạch sẽ. Còn quán cà phê cóc, cà phê lề đường ẩn mình dưới một bóng cây hay mái hiên của vỉa hè, với vài chiếc ghế nhỏ quanh cái bàn con; nơi pha chế có mớ ly tách, phin pha cùng bếp gaz mini và cái ấm nhôm; khi không bán nữa thì chủ quán gom các thứ cho vào gánh hoặc xe đẩy. Khách uống cà phê ở đây thường dừng khoảng 15 - 20 phút nhấp nháp nhanh ly cà phê.

Nói đến cà phê ven đường, không thể không đề cập đến những quán cà phê võng dọc tỉnh lộ, Quốc lộ. Quán lớn thì trên 20 chỗ giăng võng, quán nhỏ thì 5 - 10 cái võng. Các quán này thường phục vụ khách đi đường xa, dừng chân nghỉ, mệt kêu ly cà phê hay trái dừa, chai nước ngọt uống và tranh thủ ngả lưng nhắm mắt ngủ vài mươi phút để lấy lại sức. Đa phần cà phê võng ven Quốc lộ, tỉnh lộ pha chế không ngon, cũng không trang trí cầu kỳ, nhưng yêu cầu mát, sạch và có chỗ đi vệ sinh.

CÀ PHÊ WIFI NỞ RỘ, MỖI NƠI MỖI VẺ

Hiện nay, quán cà phê wifi bậc trung từ thành phố đến các huyện, thị đều có; riêng TP. Mỹ Tho có rất nhiều quán cà phê wifi có “đẳng cấp” như các “tập đoàn” của Tùng Jazz, các Tiểu Lan phố, Caraven 1, 2, 3…; các quán lẻ: Mộc, Lãng Du, Điểm Hẹn, Kim Ngân, Nét Xưa, Thủy Viên, Hoa Viên… Mỗi quán có đặt thù riêng để tạo “gu” ưa thích của khách.

Tiểu Lan Phố ví như một “tập đoàn” cà phê, vì có khá nhiều quán trong TP. Mỹ Tho. Chỉ vòng quanh Giếng nước đã có 3 quán Tiểu Lan Phố với 3 hình thức khác nhau: Một quán cà phê phim hành động trên đường Tết Mậu Thân, 2 quán tọa lạc trên đường Yersin (1 wifi có lầu, 1 quán wip máy lạnh) và một quán trên đường Trần Hưng Đạo vừa không gian tự nhiên vừa máy lạnh, có khuyến mãi rửa xe với phiếu tính tiền từ 50 ngàn trở lên/ 1 phiếu rửa xe. Tiểu Lan đã có lượng khách nhất định để đứng vững.

Tùng Jazz thì có cà phê nhạc sóng ở Bảo tàng tỉnh, cà phê sách ở Thư viện tỉnh, cà phê máy lạnh gần bến đò Tân Long; đặc biệt nhạc cà phê ở các quán của Tùng sang và hay, bởi lẽ ông chủ quán là một nhạc công chơi Organ rất hay và mê dòng nhạc Jazz; thỉnh thoảng anh tổ chức đêm nhạc Trịnh giao lưu các tay chơi nhạc tiếng tăm ở TP. Hồ Chí Minh. Anh Tùng chia sẻ: “Mở quán cà phê, tôi tự thiết kế, trang trí quán, chọn nhạc. Việc tổ chức các đêm nhạc… do máu đam mê, thu không đủ chi bồi dưỡng cho những nhạc công, nhạc sĩ…”.

Với quán Nét Xưa, ra đời không lâu, nhưng đã gây tiếng vang trong giới “thích ngồi quán”, bởi phong cách phục vụ khách nhiệt tình, lễ phép, từ bảo vệ đến tiếp viên và từ cách trưng bày đến trang phục tiếp viên đã tạo cho Nét Xưa một phong cách riêng - nét cổ kính.

“Lấy kiến trúc ngôi nhà làm chủ đạo. Ngôi nhà gần trăm tuổi (xây dựng năm 1916) mang kiến trúc Pháp, chúng tôi tìm hiểu và thiết kế trang phục cho tiếp viên nữ theo kiểu trang phục nữ tiếp viên nhà hàng của Pháp cùng thời với năm xây dựng ngôi nhà; lấy gam màu ngôi nhà biến tấu màu đồng phục cho nam và rất tốn kém cho việc trưng bày hoa lan - cũng là yếu tố tạo nét tao nhã hầu giữ chân khách uống cà phê yêu hoa…” - anh Nguyễn Thành Nhân, 45 tuổi, chủ cà phê Nét Xưa chia sẻ.

Từ cái gu thẩm mỹ và những ưu điểm đã nêu, Nét Xưa là một trong những quán có lượng khách đứng hàng “top ten” của TP. Mỹ Tho.

Thủy Viên có thể gọi là một “lâu đài cà phê”, nơi “trú ngụ” trọn ngày cho bạn (nhất là những người sáng tác), vì ngoài thức uống, nơi đây còn có phục vụ ăn cả 3 buổi. Bạn sẽ thỏa mãn với một menu thực đơn chay, mặn, đặc biệt là hủ tiếu Mỹ Tho do chị Cao Thị Kim Phi (là 1 trong 4 người chủ của Thủy Viên) ra công thức nấu, bởi món này là bài tốt nghiệp đầu bếp của chị. Khác với Nét Xưa, Thủy Viên có kiến trúc hiện đại, chiếm ưu thế về không gian, có lầu, sân thượng, cầu vòng, thác nước, tiện cho các teen tổ chức tiệc sinh nhật mini.

Buổi tối, khách thích lên sân thượng hứng gió mát, vừa nhâm nhi cà phê vừa tán gẫu, ngắm mây trời, nhất là vào những đêm trăng và nhìn được toàn cảnh cầu vòng nối 2 khu A và B với nhau cùng thác nước bên dưới.

Cà phê wifi như ngôi nhà thứ hai của những người đi làm cả ngày mà nhà xa. Họ mua cơm hộp hoặc thức ăn tùy thích rồi vừa ăn vừa dán mắt vào màn hình. Có nhóm mua thức ăn trưa đem vào, gọi nước, cùng ăn uống, cùng bàn luận. Hiện nay, có nhiều quán cà phê phục vụ cả ăn sáng, rửa xe… hết sức tiện lợi. Có lần, chúng tôi tiếp nhóm bạn ở Báo Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh, các phóng viên báo bạn cảm thấy thích thú với không gian Thủy Viên.

Phóng viên nhiếp ảnh Đỗ Ngọc tâm sự: “Ở TP. Hồ Chí Minh mà được một quán có không gian như thế này thì ok quá. Có được một quán cà phê hoành tráng thế này phải bỏ ra bạc tỷ. Dân Mỹ Tho “chịu chơi” thật!”. Anh Nguyễn Quang Huy chia sẻ: “Lượng khách vào Thủy Viên ổn định. Anh ước ao lập thêm 1 quán nữa, để ngoài giờ lao động mệt nhọc, khách đến thưởng thức cà phê và thư giản”.

Xã hội phát triển, quán cà phê cũng vươn lên theo tầm cao và nét văn hóa riêng khá phong phú. Song song đó, cà phê biến tướng cũng có mặt, là góc tối của cà phê “sân vườn”, cà phê “lồng cu”, cà phê “chòi”... Điều đáng mừng là nó đang bị thu hẹp.

Cà phê bây giờ muôn hình vạn trạng, có thể chúng tôi vẫn chưa nhìn thấy hết.

Ái Quỳnh
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 403
  • Khách viếng thăm: 399
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 12574
  • Tháng hiện tại: 1878353
  • Tổng lượt truy cập: 48252480