Nghệ sĩ Trần Hữu Trang sinh năm 1906, tại xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc tỉnh Tiền Giang) tuy không thuộc vào lớp nghệ nhân có công đặt viên gạch nền móng cho sự ra đời của cải lương, nhưng chính ông sau đó lại góp phần mở đường cho sự nghiệp xây dựng nền nghệ thuật cải lương cách mạng ở miền nam.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân ở vùng đất có truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm, nơi Thủ Khoa Huân dũng liệt, bất khuất ngã xuống trước làn đạn quân thù, khi chúng chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Bộ, nơi Trương Định khảng khái chống giặc, chính miền quê này cũng là cái nơi phát sinh và phát triển sân khấu cải lương ngay từ buổi rạng đông. Tắm mình trong môi sinh văn hóa đó suốt những năm tháng của tuổi thơ, kịp đến khi trưởng thành, bước vào cuộc sống tự lập, ông luôn gắn bó với tiếng đàn, tiếng hát, với nghệ thuật cải lương, để rồi thật sự dấn thân vào nghiệp cầm ca một cách tự nguyện, say mê. Lúc đầu, trong vai trò khiêm nhường của người thư ký ghi chép kịch bản, bằng ý chí và nỗ lực tự học, bằng khả năng vốn có, dù chỉ tốt nghiệp văn hóa bậc tiểu học, Trần Hữu Trang đã vươn lên trở thành nhà soạn giả, rồi tác giả của sân khấu cải lương khi tuổi còn rất trẻ. Từ kịch bản đầu tay Lửa đỏ lòng son xuất hiện năm 1928, lúc ông mới ngoài 20 tuổi, đến vở diễn Tâm hồn nghệ sĩ tuy còn nhiều vụng về, non nớt nhưng đã bộc lộ những dấu hiệu đáng hy vọng về sự ra đời của một tác giả sân khấu tương lai mang nhiều nhân tố mới mẻ trong nội dung cũng như trong hình thức nghệ thuật, đó là khả năng hướng cải lương vào những vấn đề xã hội đương thời, với một bút pháp hiện thực nghiêm ngặt.
Có thể nói những năm 30 là thời kỳ tài năng nghệ thuật của Trần Hữu Trang chín muồi và nở rộng với hàng loạt sáng tác tiêu biểu như Tô Aánh Nguyệt (1934), Lan và Điệp (1936), nhất là Đời cô Lựu (1937) được ghi nhận như là một trong những đỉnh cao của sân khấu cải lương trước Cách mạng Tháng Tám. Giữa lúc nền cải lương công khai dưới chế độ thuộc địa đắm chìm trong vở diễn đậm màu sắc lãng mạn hoặc thiên về tình yêu đôi lứa ướt át, hoặc dừng lâu ở những cảnh đời éo le bi lụy của một thời xưa cũ xa cách với hiện thực xã hội đương thời, thì những tiết mục của Trần Hữu Trang với cái nhìn tiến bộ, sắc sảo trực diện phơi bày những số phận của những tầng lớp nhân dân bị áp bức bóc lột, bần cùng hóa như là nạn nhân của bọn thực dân cướp nước, câu kết với bè lũ phong kiến, địa chủ gian ác, từ đó nhen lên ngọn lửa bất bình, công phẫn với cường quyền, đồng thời nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, ý chí đòi quyền sống, đòi tự do, dân chủ trong lòng công chúng rộng rãi.
Tiếp tục mạch sáng tạo dồi dào đó, Trần Hữu Trang còn cho ra đời liên tiếp nhiều kịch bản đáng chú ý khác như Tìm hạnh phúc, Mộng hoa vương, Chị chồng tôi, Tình lụy, hay cộng tác với Năm Châu, Lê Hoài Nở hoàn thành vở diễn Khi người điên biết yêu nổi tiếng đề cập những tấn kịch của tình yêu và hôn nhân đôi lứa nhưng biết đặt nó trong tương quan với hoàn cảnh xã hội đương thời nên vẫn thấm đượm giá trị tố cáo, vạch trần những tệ nạn và sự thối nát của xã hội thuộc địa, lên tiếng bênh vực những khát vọng giải phóng con người thoát khỏi mọi dây trói của lễ giáo, hủ tục, cũng như những bất công ngang trái...
Từ tinh thần yêu nước, Trần Hữu Trang đã chuyển dần sang tư tưởng cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng trở thành người nghệ sĩ kiểu mới, nghệ sĩ - chiến sĩ, tự giác tham gia có hiệu quả bằng sáng tạo nghệ thuật vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Nếu ở thời kỳ tiền khởi nghĩa, Trần Hữu Trang đã có những tiếp xúc với các chiến sĩ cộng sản hoạt động bí mật thì sau Cách mạng Tháng tám, ông đã có lúc tạm rời sân khấu để trực tiếp tham gia kháng chiến cứu nước trong cương vị Chủ tịch Uủy ban kháng chiến xã Phú Kiết quê hương để rồi năm 1947, được điều động vào nội thành Sài Gòn làm công tác vận động văn nghệ sĩ, trí thức trở về gắn bó với cải lương, liên tục cho đến sau Hội nghị Giơ-ne-vơ (1954) - tiếp tục đấu tranh cho độc lập và thống nhất đất nước trong những điều kiện mới. Vượt qua bao nhiêu nguy hiểm, Trần Hữu Trang lăn lộn với phong trào sân khấu lúc công khai, khi bí mật, tập hợp giác ngộ những hạt nhân, giữ cho truyền thống yêu nước không bị gián đoạn, tiến tới thành lập được chi bộ đảng trong các đoàn hát giữa lòng thành phố tạm chiếm. Khi Mặt trận dân tộc giải phóng miền nam được thành lập, Trần Hữu Trang ra vùng giải phóng trở thành thành viên của UBTƯ Mặt trận, rồi là một trong những người góp phần sáng lập Hội Văn nghệ giải phóng miền nam và được bầu làm Chủ tịch Hội, luôn có mặt ở khắp nơi, ngay cả dưới tầm đạn của kẻ thù để xây dựng một nền sân khấu cải lương cách mạng trong vùng giải phóng đang không ngừng mở rộng. Trên những cương vị công tác suốt hai cuộc kháng chiến này, ngọn bút của ông không thể sung mãn như trước, nhưng ông vẫn ấp ủ, thai nghén những dự định viết nên những kịch bản mới. Năm 1946, ông cho ra đời vở diễn Hậu chiến trường, mãi gần 20 năm sau ông mới bắt tay viết về những giây phút làm nên lịch sử trong cuộc đời của người thanh niên cách mạng - cảm tử Nguyễn Văn Trỗi với cái chết đang là sự kiện làm rung chuyển dư luận tiến bộ trên toàn thế giới. Kịch bản còn ở tình trạng bản thảo, Trần Hữu Trang vẫn nung nấu ý định sửa chữa hoàn thiện, nhưng sẽ chẳng thể nào có cơ hội thực hiện được. Vì, trên đường đi công tác, một ngày đầu tháng 10-1966, tại Suối Cây vùng Sa Mát, trận bom B52 của đế quốc Mỹ đã cướp đi vĩnh viễn sinh mạng của ông.
Trần Hữu Trang không có mặt trong hàng ngũ văn công giải phóng từ khu căn cứ trở về Sài Gòn ngày toàn thắng, nhưng những vở diễn của ông như Đời cô Lựu lại hiện diện trên sân khấu những ngày náo nức ấy của lịch sử. Trần Hữu Trang đã ngã xuống, chưa kịp nhìn thấy mơ ước của ông trở thành hiện thực nhưng những sáng tác mà ông để lại, những cống hiến của ông cho sân khấu cải lương cách mạng và cho sự nghiệp giải phóng đất nước đủ xếp ông lên vị trí một tác giả lớn của nền sân khấu Việt Nam hiện đại. Vì tất cả những thành tựu trong nghệ thuật và sự cống hiến cho đất nước, tên ông đã được đặt cho một trường học, một đường phố và cũng đồng thời là tên của một giải thưởng sân khấu lớn ở thành phố Hồ Chí Minh, nơi mà ông gần suốt cuộc đời gắn bó với nó, để cho thế hệ sinh sau nhớ đến một con người sống xứng đáng với danh hiệu của con người chân chính, một nghệ sĩ đã biết dâng hiến tài năng của mình cho một lý tưởng cao đẹp - vì độc lập, tự do của dân tộc.
Nguyễn Văn Thành (Viện Sân khấu)
Nguồn: Nhân dân
Mã an toàn:
Ý kiến bạn đọc