Tranh sơn dầu của họa sĩ Mai Anh
Không bắt chước hậu hiện đại: mô tả sự gồ ghề, gai góc, sự bấn loạn, chọc phá, tạo phản để tìm đến tự do.
Mai Anh làm một cuộc hành hương khác trong tâm tưởnglà trở về với những gì đã đi qua đời mình. Giản dị và dễ hiểu. Quê mùa và sang trọng. Tươi sáng và bịn rịn. Đó là bản nháp của một cá tính lơ ngơ, ngớ ngẩn, thô vụng của lối sống nhưng lại được hiện hình trên toan với những bức tranh không TÊN nhưng chắc chắn là những bức tranh có TUỔI.
Hoá ra, hội hoạ không cần đến trí khôn mà cần đến tư tưởng.
Những bức sơn dầu của Mai Anh đều hàm chứa những tư tưởng xuất thần mà không biết nó xuất phát từ điểm tựa của tư duy nào, không biết đến từ đâu, vụt sáng bất ngờ.
Mai Anh rất thích dùng những màu đỏ của chuồn chuồn ớt, đó là tuổi thơ. Và rất thích dùng những màu vàng chùa đó là chất của thiền.
Những mặt người thô kệch và dung dị, lam lũ ruộng đồng mà vẫn ánh lên vẻ ngợi ca mồ hôi nước mắt... ánh lên nỗi nhung nhớ một làng chài, làng biển, làng muối, nơi Mai Anh đã tha thẩn và cực nhọc với những kỷ niệm ngậm ngùi.
Ở đấy có bà và mẹ, có phiên chợ quê, có giếng nước làng, có người gồng gánh, có những nếp nhà xiêu vẹo. Một làng quê chôn rau cắt rốn, nghèo, buồn, lam lũ bốn mùa.
Hiện lên tranh Mai Anh là khung cửa ký ức ấy. Cái ánh sáng hội hoạ rực rỡ trên sự tiều tụy, phờ phạc của làng quê.
Rất dễ nhầm đó là sự lạc quan.
Ông John Kerry tại Galerry Ngàn Phố
Quê và số phận của những người Việt bình thường là căn cước để Mai Anh ra thế giới.
Thiết nghĩ có cần cấp visa cho sự tuyệt mỹ hay không?
Ngoại trưởng John Kerry trong chuyến thăm Việt Nam đã đến gặp nữ hoạ sĩ duy nhất này: người phụ nữ thẹn thùng, rụt rè, cười như chưa bao giờ lớn, sợ nghi lễ ngoại giao và ngớ ngẩn trước thế giới. Ngài Ngoại trưởng đã từng tham chiến tại đồng bằng sông Cửu Long (Việt Nam) không hiểu có đánh giáquá cao về hoạ sĩ Mai Anh hay không khi ông thì thầm một câu: Chị ra thế giới được rồi!
Ý kiến bạn đọc