Giỗ Tổ sân khấu - Một nét đẹp văn hóa truyền thống của văn hóa Việt Nam

Đăng lúc: Chủ nhật - 15/09/2013 18:44
(Tiến tới ngày Giỗ Tổ Sân khấu 16/9/2013, nhằm ngày 12/8/2013 ÂL)

Với tấm lòng “tôn sư trọng đạo”, “uống nước nhớ nguồn”, những người làm sân khấu luôn dành trọn tấm lòng tôn kính, trân trọng Tổ nghiệp trong ngày giỗ Tổ và bày tỏ niềm tự hào, sung sướng, hân hoan trong ngày Sân khấu Việt Nam.
Giỗ Tổ sân khấu - Một nét đẹp văn hóa truyền thống của văn hóa Việt Nam

Giỗ Tổ sân khấu - Một nét đẹp văn hóa truyền thống của văn hóa Việt Nam

Đây là ngày giới sân khấu, đờn ca tài tử họp mặt để giao lưu, thăm hỏi nhau, cùng ôn lại truyền thống của ngành, cùng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn sau một năm làm nghề. Đặc biệt hơn các ngành khác, trong ngày Giỗ Tổ Sân khấu, các nghệ nhân nghệ sĩ vẫn giữ phong tục truyền thống là thắp hương trước bàn thờ Tổ một cách trang trọng để bày tỏ lòng tri ân Tổ nghiệp với niềm mơ ước được Tổ ban phúc cho việc làm nghề được nhiều may mắn. Người sáng tác, dàn dựng thì cầu Tổ phù hộ cho ra đời những bài ca, những kịch bản, những vở diễn giàu tính nghệ thuật, sâu sắc về nội dung, hấp dẫn người xem, tạo được ấn tượng tốt đẹp trong lòng công chúng và đồng nghiệp. Người biểu diễn thì xin Tổ phù hộ cho đờn hay, ca tốt, diễn giỏi, được công chúng hâm mộ, được tặng thưởng nhiều huy chương qua các cuộc hội diễn. Người tổ chức, quản lý thì cầu cho đơn vị mình biểu diễn thành công, đắc sô, thu nhập cao.

 Lạ một điều, dù trong cuộc sống hiện đại, khoa học kỹ thuật phát triển  như vũ bão, công nghệ thông tin bùng nổ ào ào, cuộc sống quay cuồng trong nền kinh tế thị trường với những bon chen hơn thua, được mất; sân khấu phát triển mạnh mẽ với âm thanh tối tân, ánh sáng hiện đại, màu sắc rực rỡ, kỹ thuật kỹ xảo tân kỳ. Nhưng ở khắp nơi, từ nhà hát lớn ở trung tâm các đô thị cho đến những gánh hát nghèo ở vùng sâu, từ những tụ điểm biểu diễn to lớn, đến những ban đờn ca tài tử trong xóm ấp, người nghệ sĩ sân khấu vẫn không quên một việc tưởng chừng như dễ bị quên. Đó là trang trọng thắp hương bàn thờ Tổ nghiệp trước khi bước ra khỏi cánh gà, trước khi cất lên lời ca tiếng đàn biểu diễn. Nơi nào không có điều kiện lập bàn thờ Tổ thì các nghệ nhân, nghệ sĩ lâm râm khấn vái trong miệng với niềm tôn kính sâu sắc công ơn Tổ nghiệp, cầu xin Tổ nghiệp độ trì cho buổi diễn được thành công. Đó chính là một nét son của ngành ta. Hoàn toàn ở đây không có sự mê tín. Mà chính đó là lòng tri ân của những con người không quên nguồn cội. Đó là niềm tin và ước vọng của những người đam mê nghề nghiệp và biết coi trọng con đường mình đang theo với một ý chí vươn lên, một niềm ước vọng theo chân Tổ nghiệp. Đó là một việc làm có thủy có chung, giúp người nghệ sĩ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm khi hành nghề.

Tổ nghiệp sân khấu là ai? Nhiều truyền thuyết còn để lại. Đó là một hoàng tử bỏ cung vàng vì đam mê nghề hát; một lão ăn xin chấp nhận kiếp đời nghèo khổ tha phương, thà chịu đói rách chớ quyết không bỏ cung đàn; một thầy tuồng miệt mài truyền nghề hát cho dân tộc v.v... Qua các hình tượng Tổ nghiệp, ông cha ta cố ý truyền lại cho con cháu đời sau những bài học giáo dục nhân cách người nghệ sĩ rất sâu sắc.

Trong thời đại ngày nay, Tổ nghiệp theo tôi không ai xa lạ. Và Tổ không phải là một người mà là hằng trăm, hằng ngàn, hằng triệu người qua biết bao thế hệ đã dâng hiến cuộc đời vì sự tồn tại và phát triển của ngành sân khấu. Ở Tiền Giang là những ai? Đó là những bậc tiền bối đã mở đường và ghi những nét son đầu tiên cho ngành sân khấu như Tiến sĩ Phan Hiển Đạo, nhạc sĩ Nguyễn Tri Khương, Trần Văn Chiều, Nguyễn Tống Triều, cô Ba Vạn, cô Năm Phỉ, cô Bảy Nam, cô Phùng Há, soạn giả Trần Hữu Trang, Nguyễn Thành Châu v.v… và hằng trăm, hằng ngàn nghệ nhân, nghệ sĩ khác suốt đời âm thầm bám chặt sàn gỗ, dưới ánh đèn màu. Còn những ai nữa? Làm sao chúng ta có thể quên những thế hệ cha anh trong kháng chiến đã vững vàng đứng trên sân khấu văn công vì lòng yêu nước, vì khí phách anh hùng, vì sự tồn tại của một nền sân khấu cách mạng đã ngã xuống trên sàn gỗ vì bom pháo của kẻ thù khi chưa kịp tẩy trang. Đó là niềm tự hào của ngành sân khấu, là ngọn đuốc soi đường, thắp sáng niềm tin và trách nhiệm cho chúng ta hôm nay.

Tất cả là Tổ nghiệp. Tất cả đã làm nên một nền sân khấu vinh quang để hôm nay chúng ta thừa hưởng và tiếp nối. Sân khấu đã dạy đạo làm người. Sân khấu đã góp phần giữ nước. Đó là câu hỏi để mỗi chúng ta suy nghĩ về trách nhiệm của mình khi đứng trước bàn

thờ Tổ.

Từ năm 2010, theo đề nghị của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Ban Bí thư đã có quyết định hằng năm lấy ngày 12/8 ÂL làm ngày Sân khấu Việt Nam. Đây là ngày tôn vinh ngành sân khấu với những nghi thức long trọng. Sự kiện nầy làm nức lòng giới sân khấu cả nước. Theo tôi, Trung ương quyết định lấy ngày 12/8 ÂL làm ngày Sân khấu Việt Nam là một việc làm mang ý nghĩa rất sâu sắc:

Trước hết, việc chọn ngày 12/8 ÂL, ngày Giỗ Tổ, làm ngày Sân khấu Việt Nam là phù hợp với nguyện vọng của đại đa số giới làm sân khấu bởi lẽ ngày nầy đã mang dấu ấn truyền thống, đã ăn sâu vào máu của biết bao thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ của ngành sân khấu Việt Nam. Dù có chọn một ngày khác, tôi chắc rằng hằng năm đến ngày 12/8 ÂL thì lễ Giỗ Tổ vẫn diễn ra không thể bỏ qua.

Một lần nữa, Đảng thừa nhận rằng hoạt động sân khấu có những đóng góp rất lớn cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc và đã có một vị trí xứng đáng với nghệ thuật sân khấu thế giới, rất đáng tôn vinh. Và Đảng cũng thừa nhận rằng sân khấu Việt Nam trong tương lai phát triển và hoà nhập với sân khấu thế giới cũng từ những giá trị của nền sân khấu truyền thống.

Ngày Sân khấu Việt Nam là một ngày hội lớn của giới sân khấu. Trước đây ngày Giỗ Tổ Sân khấu chỉ dành riêng cho giới hát bội, cải lương, đờn ca tài tử và chỉ diễn ra sôi nổi ở các tỉnh phía Nam. Từ đây, ngày Giỗ Tổ trở thành ngày Sân khấu Việt Nam, mở rộng thêm đối tượng tham gia từ các kịch chủng khác như kịch nói, kịch hát, dân ca kịch, kịch rối, kịch múa v.v… và không gian ngày truyền thống sẽ nới rộng trong cả nước.

Ngày Sân khấu Việt Nam sẽ là một ngày khơi gợi niềm tự hào nghề nghiệp đồng thời cũng là ngày nhắc nhở cho giới sân khấu trách nhiệm thiêng liêng cao đẹp của mình. Tài năng, nhân cách người nghệ sĩ cũng từ đây ngày càng tỏa sáng, bay cao. Cho dù ngày nay ngành sân khấu của Tiền Giang và cả nước còn gặp nhiều khó khăn thử thách, nhưng với niềm tin mãnh liệt từ sức mạnh truyền thống ngày 12/8 ÂL hằng năm, chúng ta sẽ vững vàng hơn trên chặng đường sắp tới, tiếp tục vun đắp sự nghiệp sân khấu của cha ông để lại.

Tuy ngày nay một số kịch chủng như hát bội, cải lương đang bị khủng hoảng, khán giả thưa dần, không còn giữ được thời hoàng kim trước đây nhưng các người làm nghề vẫn luôn nôn nao mong cho ngày Giỗ Tổ tới để tề tựu về bên bàn thờ Tổ, cùng thắp nén hương tưởng niệm với quyết tâm cùng nhau vượt qua khó khăn, vững lòng theo chân Tổ nghiệp để góp phần xây dựng nền sân khấu Tiền Giang nói riêng và cả nước nói chung ngày càng vững mạnh.

Huỳnh Anh
(Theo Văn nghệ Tiền Giang số 59)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Từ khóa:

giỗ tổ, sân khấu

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 134
  • Khách viếng thăm: 73
  • Máy chủ tìm kiếm: 61
  • Hôm nay: 37470
  • Tháng hiện tại: 279375
  • Tổng lượt truy cập: 67253866