Tọa đàm: “Truyện ngắn dự thi báo Văn nghệ”

Đăng lúc: Thứ sáu - 09/11/2012 23:04
Sáng ngày 8/11/2012 tại Phòng họp tầng 8, Tòa soạn báo Văn nghệ (17 Trần Quốc Toản, Hà Nội) đã diễn ra buổi Tọa đàm: “Truyện ngắn dự thi báo Văn nghệ” của Tuần báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam

Tham dự buổi tọa đàm có: Nhà văn Khuất Quang Thụy – UV BCH Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Nguyễn Khắc Trường – Chủ tịch Hội đồng Văn xuôi HNVVN, nhà LLPB Lê Thành Nghị - Chủ tịch Hội đồng Lý luận Văn học HNVVN, nhà LLPB Bùi Việt Thắng, và các nhà LLPB trẻ, các nhà báo đến dự và đưa tin. Về phía báo Văn nghệ có nhà văn Nguyễn Trí Huân – Tổng biên tập báo Văn nghệ, nhà văn Thành Đức Trinh Bảo – Phó tổng biên tập và đông đủ thành viên BBT.

 

Mở đầu buổi tọa đàm Nhà văn Nguyễn Trí Huân thay mặt BBT phát biểu đề dẫn và giới thiệu tình hình và diễn biến cuộc thi truyện ngắn của Tuần báo Văn nghệ cho đến ngày hôm nay. Kể từ khi phát động (Tháng 1/2011) đến nay đã trải qua 22 tháng, cuộc thi đã thu hút hàng trăm cây bút tham gia. Trong đó, có cả sự góp mặt của các nhà văn Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từng có nhiều thành tựu trong sáng tác văn học. Đặc biệt vui mừng cuộc thi đã có sức lan tỏa rộng lớn thu hút đông đảo các cây bút trẻ ở hầu khắp các vùng miền trên cả nước tham gia gửi tác phẩm dự thi. BBT báo Văn nghệ đã cập nhật tình hình cuộc thi từng ngày từng tuần, các sáng tác đã lần lượt được công bố trên 2 ấn phẩm chính của báo Văn nghệ. Đến nay, BBT và BTC cuộc thi thấy rằng trước khi bước vào chặng cuối cùng của cuộc thi cần phải có thêm một cú hích, hi vọng với 3 tháng còn lại sẽ có sự xuất hiện đột biến của những sáng tác mà ở đâu đó các tác giả đang còn ấp ủ hoặc chờ đợi thời điểm thích hợp để quyết định tham gia cuộc thi. Chính vì vậy BBT quyết định tổ chức cuộc tọa đàm này để nhìn lại một cách tổng quát chặng đường đã qua của cuộc thi, tạo cơ sở để Ban Sơ khảo bắt đầu làm việc.

 

Nhà văn Sương Nguyệt Minh thay mặt cho Ban Sơ khảo đã nêu lên những nhận xét ban đầu về cuộc thi. Nhấn mạnh, cuộc thi lần này của báo Văn nghệ vẫn rất có sức hấp dẫn với người đọc và người viết. Theo thống kê của thường trực cuộc thi đã có khoảng gần 1000 tác phẩm của gần 700 tác giả gửi về dự thi. BBT đã cho công bố hơn 200 truyện ngắn dự thi trên Tuần báo Văn nghệ và Văn nghệ trẻ. Rồi đây, khi Ban Sơ khảo làm việc chúng tôi sẽ có những đánh giá chính thức về cả quy mô, sức lan tỏa và chất lượng của cuộc thi. Hôm nay, chúng tôi chỉ muốn có thêm một cơ hội để lắng nghe ý kiến của các nhà văn, nhà phê bình văn học đánh giá về cuộc thi. Để qua đó, một mặt kích thích dư luận kêu gọi các tác giả tiếp tục nỗ lực trong chặng cuối cùng của cuộc thi, hi vọng sẽ tạo nên những đột biến. Có một nhận định chung khi chúng tôi thăm dò ý kiến của các nhà văn, các chuyên gia, các nhà báo là cuộc thi đã có một nền tảng tương đối vững chắc tương xứng với tầm vóc của một cuộc thi văn chương quốc gia, không mấy thua kém những cuộc thi trước đây của chính báo Văn nghệ. Trong bối cảnh văn học hiện nay đó là một điều đáng mừng. Nhưng cái mà chúng ta chờ đợi là những đỉnh cao, những sáng tác có sức thuyết phục lớn để báo Văn nghệ có thể kết thúc cuộc thi một cách thành công.

 

Mở đầu phần thảo luận, nhà văn Khuất Quang Thụy đã phát biểu. Theo ông, tuy chưa phải là kết quả cuối cùng nhưng đến ngày hôm nay, cuộc thi truyện ngắn của Tuần báo Văn nghệ đã có thể coi là thành công. Nói như vậy là trên cơ sở đánh giá cụ thể trên những sản phẩm mà BBT đã công bố đến ngày hôm nay. Thành công đầu tiên là cuộc thi đã tiếp nối được truyền thống của báo Văn nghệ trong việc định hướng sáng tác tạo sự lan tỏa, duy trì được tình yêu của người đọc người viết với thể loại truyện ngắn. Cuộc thi có biên độ nội dung tư tưởng rất rộng, bao trùm nhiều lĩnh vực của đời sống đương đại, trong đó đáng mừng là các tác giả đã không ngại dùng thể loại vào loại khó nhất của văn học để lý giải nhiều vấn đề gai góc của cuộc sống, kể cả các tác giả trẻ. Xét về mặt nghệ thuật, cuộc thi đã có những đóng góp đáng kể trong việc làm mới, làm giàu các hình thức thể hiện. Ngay cả khi viết truyện ngắn theo phương pháp truyền thống thì các tác giả cũng đã thổi vào đó những cách tiếp cận mới. Xét về đội ngũ, rõ ràng là ta nhận thấy sự nổi trội đông đảo của các tác giả trẻ. Họ tham gia cuộc thi lần này với một sự tự tin đặc biệt, với mặt bằng văn hóa và kỹ năng nghệ thuật thể loại khá vững chắc. Các nhà văn thuộc lớp trước khi tham gia cuộc thi này đều có ý thức muốn làm mới mình để hòa nhập với không khí văn chương của ngày hôm nay. Có lẽ, sẽ rất thú vị nếu chúng ta thử khảo sát sáng tác của một nhà văn lớp trước (ví dụ như trường hợp nhà văn Văn Chinh với truyện ngắn “Chị Mịch làng Minh Quang”) với trường hợp của nữ tác giả trẻ Chu Thị Minh Huệ (với truyện ngắn “Hồng trần”). Cả hai nhân vật nữ trong 2 tác phẩm kể trên đều là những người phụ nữ đều là nạn nhân của cái ác, nhưng do sống trong những môi trường xã hội khác nhau họ đã lựa chọn cách “chung sống với cái ác” hoàn toàn khác nhau, cả hai sự lựa chọn ấy đều khiến chúng ta không yên lòng và đều không đem lại một kết cục có hậu cho nhân vật. Nhưng đó chính là cuộc đời. Hiệu ứng nghệ thuật mà các tác phẩm này mang lại cho chúng ta chính là ở sự bất an ấy.

 

Tiếp tục cuộc thảo luận các nhà phê bình trẻ Đoàn Ánh Dương, Cao Việt Dũng, Hải Ninh đã phát biểu ý kiến. Có một điểm chung trong những ý kiến của họ là cuộc thi truyện ngắn của Tuần báo Văn nghệ luôn là một sự kiện văn học lớn đối với cả nước. Nhưng để xứng đáng với tầm vóc ấy, họ vẫn chờ đợi được chứng kiến những đột biến về chất lượng trong các sáng tác dự thi. Điều đó dường như còn rất hiếm hoi. Chặng đường còn lại rất ngắn, hi vọng có được những đột biến vào “phút 89” là rất mong manh. Vì vậy, cần phải có cái nhìn thực tế hơn để đánh giá cuộc thi này.

 

Nhà LLPB Lê Thành Nghị là người đọc rất kỹ bộ sưu tập các tác phẩm đã được công bố của cuộc thi. Ông là người lạc quan nên tin rằng đến thời điểm này cuộc thi đã có cơ sở để nói rằng đã thành công. Tuy vậy, mức độ thành công của các cuộc thi thường khác nhau, điều đó cũng không có gì là lạ khi các cuộc thi được tổ chức trong những thời gian khác nhau, với những bối cảnh đời sống xã hội khác nhau. Ông dành thời gian phân tích một số tác phẩm để chứng minh cho nhận định này.

 

 

Nhà LLPB Bùi Việt Thắng, người theo dõi rất sát sao các cuộc thi truyện ngắn trong những năm gần đây, đã chuẩn bị một bài khảo cứu công phu về cuộc thi truyện ngắn của Tuần báo Văn nghệ lần này. Nhưng trong không khí đối thoại cởi mở của cuộc tọa đàm, ông đã “thoát ly văn bản” để phát biểu một vài ý kiến khá xác đáng khi đánh giá từng mảng đề tài và thành tựu của một số tác giả đã có tác phẩm được công bố. Ông cũng là người lạc quan và tin rằng cuộc thi của báo Văn nghệ lần này thành công trên nhiều phương diện. Việc có xuất hiện hay không những hiện tượng văn học đột biến trong một cuộc thi là cái duyên, là cái may mắn không thể nói trước được. Nhưng, còn thời gian nghĩa là chúng ta còn hi vọng.

 

Nhà văn Nguyễn Khắc Trường với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam nên ông đã phân tích cuộc thi của báo Văn nghệ trên nền tảng tình hình văn xuôi của cả nước trong những năm gần đây. Ông cho rằng, không nên sốt ruột, cũng không nên ảo tưởng mà chờ đợi những hiện tượng văn chương xuất hiện trong một cuộc thi như thế này. Ngay cả các giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn Việt Nam cũng còn chưa đủ sức tạo nên những làn sóng lay động ấy. Vì vậy, trên tinh thần “có hoa mừng hoa có nụ mừng nụ” chúng ta có thể yên tâm chào mừng những thành tựu mà báo Văn nghệ đã đạt được trong cuộc thi này.

 

Để làm sáng tỏ hơn quá trình tổ chức cuộc thi, các nhà văn Lã Thanh Tùng; Y Ban – những người trực tiếp tham gia tổ chức cuộc thi đã phát biểu một vài vấn đề thuộc về “bếp núc” của người biên tập. Qua đó có thể hình dung cuộc thi truyện ngắn của Tuần báo Văn nghệ lần này là một “cuộc chạy Maraton” đầy gian khổ với rất nhiều thách thức.

 

Nhà văn Nguyễn Trí Huân phát biểu lời kết thúc cuộc tọa đàm, cảm ơn các nhà văn, nhà LLPB, các phóng viên báo chí đã đồng hành cùng báo Văn nghệ trong cuộc thi này. Hi vọng trong thời gian 3 tháng còn lại, với sự cổ vũ của bạn đọc, sự ủng hộ của báo chí, sự khích lệ của các nhà văn… cuộc thi Truyện ngắn của Tuần báo Văn nghệ 2011-2013 sẽ về đích thành công.

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Tin: PV; Ảnh: Đỗ Hiếu
(Theo VanVN.Net )
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 206
  • Khách viếng thăm: 185
  • Máy chủ tìm kiếm: 21
  • Hôm nay: 11332
  • Tháng hiện tại: 2567775
  • Tổng lượt truy cập: 48941902