Cần nhìn thoáng hơn về thơ trẻ

Đăng lúc: Thứ năm - 12/09/2013 10:27
Trong cuộc sống đương đại, nhiều người có thể bỏ ra tiền triệu để mua một món đồ trang sức cá nhân hay rủ nhau đến một nhà hàng sang trọng vào ngày nghỉ cuối tuần, nhưng lại rất ít người bỏ vài chục ngàn ra để mua một tập thơ, nhất là thơ trẻ để đọc. Với những người này khi nói về thơ trẻ thường tỏ ra ấp úng, có người còn kỳ thị ra mặt theo kiểu: “Ôi tưởng gì, thơ trẻ toàn là thứ vớ vẩn, hết buồn lại thất tình, rồi đến nói năng văng mạng. Thế là hết!...”. Liệu như vậy có thực sự công bằng với thơ trẻ?
Cần nhìn thoáng hơn về thơ trẻ

Cần nhìn thoáng hơn về thơ trẻ

Có thể bớt đi những định kiến hẹp hòi với thơ trẻ

Cần phải nói rõ thêm rằng, giản dị hay phức tạp, kín đáo hay bộc trực, dùng dằng hay thẳng tưng... đấy là cách nhìn của những chuẩn mực cũ. Có lẽ điều đáng nói nhất là, với việc xuất hiện ngày càng nhiều những gương mặt thơ trẻ hôm nay trên văn đàn cho thấy thơ vẫn là một sân chơi đầy hấp dẫn đối với giới trẻ. Cuộc sống đương đại với những đổi thay đến chóng mặt, những bộn bề lo toan thường trực hiện ra trong tâm trí như thế nào thì họ viết như thế ấy. Những người trẻ cầm bút làm thơ hôm nay, dù có người được, có người chưa được đọc và học về lý thuyết thơ hiện đại, nhưng điều ấy chẳng can hệ gì đến chất lượng nội dung nghệ thuật thơ của họ.

Mải lo nhồi nhét các lý thuyết, nào là hậu hiện đại, nào là Pop Art (nghệ thuật công chúng), nào là siêu thực, Dada,…vào đầu làm hoa cả mắt lên. Thay vì điều ấy, thấy hứng thì làm, trước hết như một thú chơi tao nhã, hay một cách “giết” thời gian bằng văn hóa, hoặc giả là giải stress cũng chẳng sao. Cứ làm, không chóng thì chầy cũng thành thơ. Còn để thành một nhà thơ có “nghệ hiệu” như các bậc tài danh xưa: Chế Lan Viên 17 tuổi xuất bản “Điêu tàn”, Xuân Diệu 22 tuổi đã có “Thơ Thơ”, Huy Cận 21 tuổi có “Lửa thiêng”, Nguyễn Bính 22 tuổi có “Lỡ bước sang ngang”…hay như thần đồng thơ Trần Đăng Khoa, mới lên 8 tuổi, ông đã có thơ được đăng báo. Năm mới 10 tuổi, 1968, tập thơ đầu tiên của Khoa “Từ góc sân nhà em” và tập thơ tiếp theo là “Góc sân và khoảng trời” đã gây tiếng vang, làm xôn xao dư luận thời ấy, thì chắc chắn các nhà thơ trẻ hôm nay ít ai mơ tới. Chính cái sự chưa/ không “mơ” ấy làm họ càng đáng yêu, đáng quí biết bao.

Không thể chỉ nhìn vào hình thức bên ngoài, rồi dùng cặp kính của các bô lão mà soi thơ con trẻ. Chắc chắn không phải tất cả thơ của lớp người đi trước đều là “báu vật” của đời, cũng không thể nói là mọi thơ trẻ đều là đồ bỏ đi. Thiết nghĩ chúng ta cần phải có một thái độ khách quan, một cái nhìn độ lượng đối với thơ trẻ hơn. Tuổi trẻ và thơ của họ giống như con lắc của chiếc đồng hồ, sau một thời gian dao động ở biên độ cực đại, hết lắc sang trái lại lắc sang phải, nhưng đến một lúc nào đó nó sẽ trở về vị trí thăng bằng.

Dù tôi không phải là người dễ chấp nhận một số khuynh hướng văn chương hôm nay, nhưng cũng rất ít kỳ thị với những gì khác biệt quan niệm cá nhân, nên khi đọc các nhà thơ trẻ gần đây, tôi vẫn thèm được trẻ như họ để mà giải bày, mà thỏ thẻ. Các thế hệ từ 7X trở về trước, thật khó mà có được những cảm hứng tươi mới, cách nghĩ và lối viết của các tác giả trẻ trong tập “Mùa yêu” như thế này.

Nhà thơ trẻ Nguyễn Thị Nương tha thiết nhớ nhung: “Thời gian… mất dấu/ Xao xác ngã rẽ đời/ Có đôi mắt long lanh thầm thỉ màu hoa nhớ/ Bong bóng vỡ rồi mộng mị biết tìm đâu?” (Hoa Bóng mơ). Còn giọng thơ Tóc Mây lại da diết, như muốn níu giữ lại những kỷ niệm xưa: “Em gửi lại giấc mơ/ Và những môi hôn xa vời/ Cuối mùa/ Còn sót lại tiếng thở dài chênh vênh le lói…”(Bước qua).

Trong tình yêu thương đối với mẹ, trước cuộc sống đầy lo toan thì Nguyễn Đức Phú Thọ bộc bạch: “…những vì sao buồn/ như đốm lửa đêm đông/…dẫu đi đến cuối cuộc hành trình con biết/ chẳng bao giờ con đi hết/ những vì sao trong mắt mẹ, mẹ ơi…” (Những vì sao trong mắt mẹ). Cao Phú Cường, nghĩ về mẹ đầy xót xa: “Giữa đêm xuân đương vui/ Nghe tiếng rao mẹ lạc/ Trở trăn, bùi ngùi…/ Thương mẹ/ Mẹ ơi!” (Xuân).

Nguyễn Thanh Thúy Hằng lại day dứt nỗi niềm xa ngái: “…Xa nhau trăm mối nghìn thương/ Xa nhau một mối đoạn trường. Xa nhau.../ Vầng trăng chết ở bờ ao/ Đêm sương hoa rụng phía sau thềm nhà. (Tơ Lòng). Còn Trần Mỹ Hiền trong “Mùa yêu” vừa rất hiện đại, mãnh liệt nhưng cũng ngập tràn khát vọng yêu: “Trái chín đầu cành/ đòi hiến ngọt đôi môi…/ Trưa nực buồn/ Gió lẻ/ không thổi bùng ân ái/ Nguội lạnh/ cơn mơ đòi/ trao thân…/ Ta cởi lớp rong rêu/ lưng trần/ ngực trần/ phơi thân/ đợi/ mùa yêu…” (Mùa Yêu)…

Có thể nói đây là một thi thơ độc nhất vô nhị tính đến thời điểm này. Bởi lẽ cuộc thi chỉ diễn ra trong một tháng. Không gian cuộc thi là trang mạng xã hội facebook. Nhà tài trợ và là Trưởng ban tổ chức cuộc thi là một cá nhân, ông Phạm Thanh Long. “Lời tỏ tình đầu tiên” là chủ đề cuộc thi, dành cho tất cả các đối tượng là người Việt Nam, nhưng chủ yếu số người tham gia lại là giới trẻ.

Và gần đây, tháng 7/2013 vừa qua, tại khách sạn Continental thuộc quận I, thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra lễ trao giải cuộc thi. Có thể coi đây là một sáng kiến khá độc đáo của một người yêu thơ. Mọi chi phí tổ chức từ thuê hội trường, trang trí, MC, tiền thù lao cho Ban giám khảo, tiền giải thưởng… đều do ông Long đứng ra lo liệu hết và ông không nhận bất cứ sự tài trợ nào khác. Theo ước tính toàn bộ chi phí cho cuộc thi có thể lên đến hàng trăm triệu đồng.

Ngay cả việc quyết định tăng số lượng giải khá linh hoạt và bất ngờ, không cứng nhắc như các cuộc thi từ trước tới nay mà chúng ta thường thấy. Lúc đầu dự kiến trao 10 giải khuyến khích, nhưng vì sau khi đọc và chấm, thấy có nhiều thơ hay nên Trưởng Ban tổ chức Phạm Thanh Long quyết định tăng lên 15 giải. Ban giám khảo gồm các nhà thơ nổi tiếng và có uy tín như: Nguyễn Trọng Tạo, Hồng Thanh Quang, Văn Lê, Lê Minh Quốc và Nguyễn Phong Việt cũng đều nhất trí cao. 

Cơ cấu giải thưởng cũng là nét mới của cuộc thi này. Giải Nhất thuộc về nữ nhà thơ trẻ Sâm Cầm với 2 bài thơ “Sài Gòn Sài Gòn” và “Nấc cụt” trị giá giải thưởng gồm một hiện vật là một chiếc máy ảnh và 7 triệu tiền mặt. Giải Nhì thuộc về Hoàng Anh Tuấn với bài thơ “Mùa phơi váy”, trị giá giải gồm cúp, hiện vật và 5 triệu tiền mặt. Giải Ba thuộc về Phạm Trang với chùm thơ “Nắng thu”, “Gió và em”, “Không thể và có thể”, trị giá giải thưởng gồm cúp, hiện vật và 4 triệu tiền mặt. Ngoài ra còn có 15 giải khuyến khích, mỗi giải gồm một cuốn Truyện Kiều in trên chất liệu đẹp nhất và 1 triệu tiền mặt. Cuộc thi còn có giải thưởng trao cho người khuyết tật là Hàn Vũ Phong, giải dành cho người cao tuổi nhất là bác Phạm Như Lương và một giải dành cho người có nhiều người đọc nhất là 4.600 like của tác giả Nhi Nhi Nhô Nhô.

Vì sự độc đáo của cuộc thi nên Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietking) đã quyết định trao Kỷ lục Việt Nam cho cuộc thi: “Cuộc thi thơ lần đầu tiên tổ chức trên facebook với số lượng người tham gia và tác phẩm nhiều nhất” với 10.000 bài thơ của hơn 3.000 tác giả gửi thơ về tham dự. Kỷ lục này được trao cho chủ sở hữu là ông Phạm Thanh Long. Được biết, 112 tác phẩm đoạt giải tại cuộc thi này đã được nhà xuất bản Trẻ in thành tập với cái tên: “Thơ hay trên facebook” sẽ phát hành vào một ngày gần đây.

Điều đáng nói nhất ở đây ngoài tính độc đáo của nó, cuộc thi còn tạo cho những người yêu thơ, nhất là giới trẻ, một sân chơi lành mạnh, rộng rãi và thoáng đãng, trong khi các cuộc thi trên báo giấy và tạp chí có vẻ như ngày càng trở thành một không gan chật chội, khiến lớp trẻ trên mọi miền đất nước khó có thể chen chân vào được. Còn tôi lại đánh giá cao tấm lòng của người đứng ra tổ chức, ông Phạm Thanh Long. Nếu như có nhiều tấm lòng sẻ chia như ông Long, chắc chắn các tài năng thơ trẻ sẽ có cơ hội đơm hoa, kết trái trong tương lai. 

Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng có một số nhà thơ trẻ loay hoay lập danh, lập ngôn, thường bắt công chúng phải đọc và chấp nhận thơ mình một cách vội vã đôi khi còn chưa chín về cảm xúc lẫn ngôn ngữ thơ. Không ít người đã thoát ly đời sống cộng đồng, khai thác quá sâu vào những mất mát, nỗi buồn cá nhân, biến thơ mình thành một thứ độc thoại nội tâm với những câu chữ cầu kỳ, bí hiểm, không có những tiếng nói chia sẻ với cộng đồng nên khó tìm được sự cộng hưởng, ít có khả năng lan tỏa, tương tự như khuynh hướng thơ “tắc tị” của nhóm “Xuân Thu nhã tập” đầu những năm 40 của thế kỷ trước.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã có lý khi cho rằng: “Thơ trẻ không còn chỉ tồn tại một dòng duy nhất, mà nhiều người vẫn cho là “non nớt” mà đã thể hiện được sự phong phú, thâm trầm rất đáng quý ở những cây bút trẻ”. Dám đương đầu với những thử nghiệm mới từ suy nghĩ đến cách thể hiện và ngôn ngữ thơ, cho dù dư luận có nhiều đánh giá khen chê khác nhau là điều khó tránh khỏi, nhưng rất đáng khích lệ. Cái đích cuối cùng vẫn là những vần thơ hay, cái mà công chúng luôn chờ mong ở giới trẻ hôm nay.

Thơ trẻ - Một sân chơi đa thanh sắc

Thơ trẻ là một sân chơi có tính thể nghiệm, cọ sát cao. Trước hết, người chơi cốt để lấy vui, như các kỳ Seagames hay Olempic hơn là để xếp thứ hạng, đoạt giải. Xin đừng đòi hỏi quá nhiều ở những người chơi. Hết sức, hết mình thế là được, rất được. Không nên đem cặp kính lão của các cụ già mà soi con trẻ, khen họ thì ít mà phán họ lại nhiều. Chỉ biết rằng tuổi trẻ hôm nay là như thế. Thích được ăn, được chơi, được nói, được làm, được thể hiện mình, là thoải mái và quí lắm rồi.

Sân chơi của thơ trẻ những năm gần đây đã có những thành tựu rất đáng ghi nhận. Các gương mặt thơ trẻ trong các Ngày Hội thơ Việt Nam hàng năm, xét về một khía cạnh nào đấy là rất đáng khích lệ. Họ đến với nhau không/chưa hề vì sự nổi tiếng trong làng thơ ca Việt. Tuổi đời, nghề nghiệp, quê hương,...không giống nhau, nhưng lại có chung một bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ và một thái độ ứng xử rất văn hóa. Những câu/ bài thơ họ đọc, họ diễn ở Văn Miếu vào các Ngày thơ Việt Nam đúng vào dịp rằm tháng Giêng (Nguyên Tiêu) hàng năm và các bài thơ được chọn in trong một số tập, có thể chỉ là ngọn gió thoảng giữa mênh mông rộng dài của lịch sử thơ Việt, nhưng với họ cốt là có chỗ để được nói lên tiếng nói của thế hệ mình.

Ghi nhận sự đa thanh sắc của thơ trẻ cũng là cách nhìn nhận thơ trong đời sống đương đại không còn là độc quyền của một hay một nhóm người nào đấy có sẵn trong tay “sổ đỏ” cứ thế mà đi rao giảng về thơ, dạy cho lớp người sinh sau đẻ muộn cách làm thơ. Nó cũng không phải độc quyền của một hay vài ba khuynh hướng thơ nào đấy: truyền thống hay cách tân, lai căng hay tắc tị, miền Nam hay miền Bắc, trung ương hay địa phương, trẻ hay già,… mà nó là tất cả. Chỉ biết rằng như các cụ ta đã có câu rất chí lý: “Cha lươn không cần phải đào lỗ cho lươn”. Lớp trẻ hôm nay cũng vậy, tự biết mình phải hành xử với thơ ra sao, chứ không đợi ai đó “cầm tay chỉ việc”. Những người trẻ tuổi, thế hệ con cháu chúng ta không chỉ biết cách làm thơ, mà còn làm thơ hay.

Chúng ta hãy “dấn thân” vào nhóm các gương mặt thơ trẻ trong “Thơ trẻ 360 độ”, dù rằng họ chưa thể đại diện cho tất cả các nhà thơ thời @. Nhưng đấy là một cơ sở khá vững chắc để chúng ta có thể tin vào những bước đi tiếp theo của họ trên con đường lắm chông gai, đầy trớ trêu và nghiệt ngã này.

Chúng ta có một Nguyễn Quang Hưng thích tìm thi hứng ở những vùng miền mà anh đã đi qua trong những lần tác nghiệp báo chí của mình như Hà Giang, Nghiã Lộ, Nam Định, Hải Phòng, Tây Nguyên,… hoặc tri ân với những người bạn thơ quá cố thuộc lớp đàn anh như Trần Hòa Bình, Dương Kiều Minh. Cũng có khi Quang Hưng mải mê đi tìm thi hứng sáng tạo cho mình ở mùa Vu Lan (báo hiếu) với các bậc sinh thành, trưởng dưỡng hay các lễ hội dân gian truyền thống, ở đấy có nhiều tích cũ, trò xưa được phô diễn. Đồng Văn hiện ra dưới ngòi bút của Quang Hưng khá độc đáo: “Mắt người xa quay tròn vạch ô/ Mắt người gần đọng từng giọt núi/ Đá xếp nhạc đen lên trời/ Những mây xanh mở lối/ Chất ngất một Đồng Văn” (Thị trấn sắc màu). Hay khi nhớ đến cố nhà thơ Trần Hòa Bình, trong một đêm mưa, Quang Hưng viết: “Mưa ào xuống/ Em nhớ/ Một tên người rất lành/ Rủ rỉ một giọng tâm tình/ 0913…/ 221…/6090/ Số máy này/ Tạm khóa” (Anh Trần Hòa Bình). Vào mùa báo hiếu, như bao chàng trai trẻ khác đi lễ chùa, nhưng Quang Hưng cảm nhận nó theo cách riêng của mình: “Năm một ngày những người mặc tro vàng/ Đính đính thêu thêu bay tung chuyện cũ/ Rơi rơi xám dần nhịp chiều tiếng mõ/ Dòng người theo khói hồi sinh” (Vu Lan). Bên cạnh đấy còn có một Huyền Minh chân thật, giản dị đến mức chỉ cần đọc lên là biết đấy là những gì thuộc về người dân tộc thiểu số ở vùng cao: “Sinh ra ở trên đá/Lớn lên từ ruột đá/ Ăn mèn mén bằng muôi gỗ/ Uống nước đun bằng ấm đồng/ Đi trên con đường núi/ Mọi đỉnh núi/ Đều thấp hơn đầu gối.../ Thương anh/ Em giữ lửa suốt mùa đông…” (Điều giản dị)...

Ngọc Tuyết, một cây bút nữ trẻ viết những vần thơ bỡ ngỡ tuổi đầu đời, thấy cái gì cũng lạ, nên cứ hỏi, nhưng vừa da diết, lại vừa đáng yêu làm sao: “Thời gian giấu gì trong đôi mắt?/ tình yêu giấu gì mà lấp lửng nụ hôn?/ anh giấu gì sau ráng chiều đỏ chát?/ em giấu gì trong áo lụa da thơm?/ Giấc mơ không cầu vồng/ hay địa đàng không mở khóa/ hay nỗi cô đơn điêu khắc thành nỗi nhớ/ cho/ đam mê/ chờ đợi/ thấm đời nhau” (Dấu hỏi). Còn Đặng Hải Yến, trong mơ lại có những suy tư mới lạ, mạnh bạo và khiến bất kỳ ai sau khi đọc cũng phải suy ngẫm, vì sao lại là như thế: “Hơi thở chào đón tôi bằng một ngày mới/ Giấc mơ trở về hiện thực/ Gặp nhau và chào nhau/ Những thanh âm vô nghĩa/ Con đường làng/ Có thằng trẻ con đang chọc giận người điên/ Tay cầm hoa sen/ Tay cầm súng nước/ Súng nước đã vỡ/ Hoa sen thì tàn/ Thằng bé không cười/ Người điên lại khóc/ Thằng bé chạy đi/ Người điên giật lại/ Bóng nắng đã tàn/ Thời gian đang trôi/ Có tôi đứng nhìn/ Nửa cười nửa khóc” (Giấc mơ).

Còn Nguyễn Anh Vũ lại quyết liệt, không chấp nhận mộng tưởng, dù chỉ trong giấc mơ: “Xin lỗi những giấc mơ/ Tao sẽ mang đến những chân trời mây trắng/ hoặc sẽ mang đến nhà thổ, nhà xia, nhà xác/ hoặc ngủ một giấc ngủ không mộng mị chúng mày chết ngay…” (Xin lỗi).

Một Nguyễn Phan Quế Mai cuộn chảy chất hiện đại của tư duy thời công nghệ với xa lộ thông tin, mạng internet, điện thoại di động: “Úp mặt vào ngày/ Ngày cuốn em đi bằng email điện thoại/ Những con chữ chạy/ Đuổi theo em theo em…” (Vòng xoáy), đi bên cạnh một Huyền Minh chân thật, giản dị như cách nghĩ và cách nói của người dân tộc thiểu số vùng cao: “Sinh ra ở trên đá/Lớn lên từ ruột đá/ Ăn mèn mén bằng muôi gỗ/ Uống nước đun bằng ấm đồng/ Đi trên con đường núi/ Mọi đỉnh núi/ Đều thấp hơn đầu gối.../ Thương anh/ Em giữ lửa suốt mùa đông…” (Điều giản dị)...

Ngay cả cách đặt tên bài thơ có vẻ như ngẫu hứng, tùy tiện này: “FF3”, “FF (n+1)” của Điệp Giang, hay “Tấu khúc IV”, “Phụ lục 4” của Lệ Bình Quan, cũng đủ cho ta thấy họ làm thơ không “vụ” điều gì, nên không sợ thiên hạ chê cười, phán trách, mà trước hết là làm thơ để cho mình một cách hồn nhiên và vô tư. Dù cách đặt tên ấy có thể tạo ra những hiệu ứng khác nhau từ phía người đọc, nhưng cho thấy họ là những người dám làm và dám chịu trách nhiệm về việc làm của mình.

Đấy chính là điểm mạnh, nét nổi trội của thơ trẻ trong khoảng gần chục năm trở lại đây. Thiển nghĩ, chúng ta cần một thái độ khách quan hơn trong đánh giá nhận định, nhất là đối với thơ trẻ. Chẳng phải mọi đồ cũ, cây già đều là của quý, nhưng cũng không thể nói mọi đồ mới, cây non đều là thứ bỏ đi. Vấn đề là sự chắt lọc qua thời gian và không gian, công chúng yêu thích thơ ca sẽ cho chúng ta câu trả lời đích thực đâu cái hay, cái đẹp của thơ trẻ.

Ngọc Đỗ
(Theo Văn học quê nhà)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Từ khóa:

thơ trẻ

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 301
  • Khách viếng thăm: 299
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 70016
  • Tháng hiện tại: 2438441
  • Tổng lượt truy cập: 48812568