Kính trọng và suy tôn AHDT Trương Định

Đăng lúc: Thứ sáu - 15/08/2014 15:02
“Chúng ta thề sẽ đánh mãi và đánh không ngừng, khi ta thiếu tất cả ta sẽ bẻ nhánh cây làm cờ, lấy gậy gộc làm võ khí cho quân lính ta” - Tuyên bố của Trương Định nhân danh toàn thể dân chúng Gò Công gởi cho giặc Pháp sau khi Gò Công thất thủ lần thứ hai vào tháng 2-1863. Và có lẽ, cũng chính khí phách ấy mà mãi hơn trăm năm sau người dân vẫn kính trọng và suy tôn ông.

CẢM PHỤC

Đền thờ Anh hùng dân tộc (AHDT) Trương Định tại TX. Gò Công đang trưng bày trang trọng lời tuyên bố của ông trả lời Thư dụ hàng của Bô-Na vào cuối năm 1862: “Triều đình Huế không nhìn chúng ta, nhưng chúng ta cứ bảo vệ Tổ quốc chúng ta”. Có lẽ, chỉ bấy nhiêu cũng đủ để hậu thế khi đến viếng nơi đây vô cùng cảm kích và kính trọng khí phách của ông.

“Nghe nhiều về vị AHDT Trương Định, nay được đến viếng nơi cụ nằm và nhà tưởng niệm. Kính cẩn nghiêng mình trước cụ, cảm phục tấm gương anh hùng, bất khuất của cụ. Các thế hệ sau này luôn nhớ và kính trọng nhân cách, khí phách của cụ” - PGS.TS Nguyễn Đức Công, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất TP. Hồ Chí Minh đã ghi như thế nhân chuyến ông về Gò Công gần đây.

Còn đối với ông Nguyễn Văn Hoa, Bí thư Huyện ủy Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh khi đến thăm Lăng mộ và Đền thờ AHDT Trương Định ở TX. Gò Công cũng đã ghi lại: “Chúng tôi vô cùng khâm phục về ý chí kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm của AHDT Trương Định và nhân dân Gò Công - một biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, để lại cho hậu thế về truyền thống yêu nước tuyệt vời của dân tộc Việt Nam”.

Lãnh đạo TX. Gò Công đón nhận quyển sách gỗ độc bản về tiểu sử AHDT Trương Định.
Lãnh đạo TX. Gò Công đón nhận quyển sách gỗ độc bản về tiểu sử AHDT Trương Định.

Cũng chính từ khí phách của người anh hùng ấy mà đã thôi thúc rất nhiều thế hệ đến viếng ông. Ông Đặng Văn Thương, cán bộ phụ trách Bảo tồn bảo tàng ở TX. Gò Công; đồng thời là Quyền Trưởng ban phụng tự Đền thờ Trương Định đã nói với chúng tôi rằng, lượng người về viếng AHDT Trương Định hàng năm ngày càng đông, lên đến cả ngàn lượt người từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước như: Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre…

Riêng dịp lễ giỗ, lượng khách đến viếng rất đông, như vào ngày 19-8-2013, nhân lễ giỗ lần thứ 149 của AHDT Trương Định, theo thống kê sơ bộ có đến 1.500 lượt người về viếng. “Có điều rất đặc biệt là có không ít con em vùng đất Gò Công trước khi đi thi đều đến viếng ông và sau khi thành đạt đều tự nguyện trở về viếng, nhất là nhân dịp lễ giỗ. Còn gần đến ngày giỗ ông, người dân tự nguyện đăng ký đóng góp, người thì gạo, người thì hoa quả, bột ngọt, đường…” - ông Đặng Văn Thương cho biết.

Và rồi mãi hơn trăm năm sau, ông vẫn được suy tôn. Mới đây nhất là Bằng tôn vinh giá trị kỷ lục Việt Nam, với 3 công trình được tôn vinh gồm: Đền thờ và Lăng AHDT Trương Định, Tượng đài Trương Định và quyển sách gỗ độc bản “Tiểu sử Trương Định” bằng 3 thứ tiếng cũng đã được trao cho lãnh đạo TX. Gò Công.

Nhân sự kiện này, ông Nguyễn Tấn Phong, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói rằng, trong thời gian qua tỉnh và thị xã đã trùng tu, tôn tạo các di tích từng gắn liền với cuộc đời và hoạt động của Trương Định, trong đó có 3 di tích được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia gồm: Đền thờ ở xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông; Lũy Pháo Đài ở huyện Tân Phú Đông và Đền thờ, lăng mộ ông ở TX. Gò Công.

Với sự kiện tôn vinh giá trị kỷ lục cho 3 công trình di tích lịch sử, bên cạnh việc nâng cao giá trị di sản lịch sử, văn hóa cho thế hệ kế thừa, niềm tự hào về tấm gương kiên trung, bất khuất của Trương Định còn có ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước của ông cha ta cho các thế hệ mai sau.

BÀI HỌC LỚN

Nhiều nhà sử học cho rằng, có nhiều yếu tố rất đặc biệt xoay quanh AHDT Trương Định. Trước hết phải nhận thấy được rằng, Gò Công là quê của ông Phạm Đăng Hưng, thân sinh của bà Phạm Thị Hằng, tức Từ Dụ Thái Hậu (thân mẫu của vua Tự Đức). Lúc bấy giờ nói yêu nước phải gắn với tôn kính vua Tự Đức.

Tuy nhiên, câu hỏi đang đặt ra là làm sao vừa đánh Pháp vừa triệt tiêu tư tưởng bạc nhược của vua Tự Đức, đó là điều rất khó nhưng Trương Định đã làm được. Bởi vì Trương Định đã theo lòng dân. Giữa dân và nước, Trương Định đã chọn dân. Đất nước lâm nguy, chọn dân tức là chọn đối tượng quyết định vận mệnh của dân tộc, từ bỏ ảnh hưởng của hoàng đế để đi theo lòng dân. Đó là sự chọn lựa rất sáng suốt, rất đúng đắn và lịch sử đời đời trân trọng.

Bởi thế, chính AHDT Trương Định đã để lại những bài học lớn cho hậu thế, nhất là thế hệ trẻ hôm nay. Anh Trần Phạm Vĩnh An, Bí thư Thị đoàn TX. Gò Công chia sẻ với chúng tôi rằng, tuổi trẻ TX. Gò Công hôm nay rất tự hào khi được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Gò Công, nơi AHDT Trương Định đã cùng với nhân dân Gò Công đứng lên chống giặc Pháp.

Tất cả đoàn viên, thanh niên Gò Công luôn tự hào và học tập ở AHDT Trương Định tinh thần yêu nước, không khuất phục trước kẻ thù, hành động vì chính nghĩa, vì độc lập cho dân tộc và hạnh phúc cho nhân dân. “Phát huy truyền thống yêu nước tốt đẹp đó, tuổi trẻ Gò Công hôm nay sẽ ra sức rèn đức, luyện tài, hăng hái trong học tập, lao động sản xuất để làm giàu cho quê hương TX. Gò Công, phấn đấu đưa TX. Gò Công đến năm 2015 đạt chuẩn đô thị loại II và thị xã đạt chuẩn văn minh đô thị.

Về các hoạt động nhân kỷ niệm 150 năm ngày AHDT Trương Định tuẫn tiết, Ban Thường vụ Thị đoàn cũng đã phối hợp với các ngành để tham gia tổ chức các hoạt động có ý nghĩa” - anh Trần Phạm Vĩnh An cho biết.

Khi chúng tôi nhắc đến AHDT Trương Định, nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần đã chia sẻ rằng, nói đến Trương Định là nói đến một người có năng lực, có ý chí và có nghệ thuật tổ chức khẩn hoang. Tên tuổi của Quản cơ Trương Định đã gắn liền với sự nghiệp tổ chức khẩn hoang của ông.

Ngày xưa chỉ có khẩn hoang, ngày nay tuổi trẻ có quá nhiều công việc để làm. Trương Định là người nêu cao nghĩa khí, cầm vũ khí để chống lại quân xâm lăng. Bài học đó đối với tuổi trẻ hiện nay là phải có trách nhiệm với dân tộc, thực hiện trách nhiệm bằng tất cả khả năng và điều kiện riêng của mình.

“Lúc này kẻ thù xâm lăng không còn nữa, nhưng sự đói nghèo thực sự là kẻ thù. Tuổi trẻ luôn phải làm giàu cho quê hương, làm giàu cho đất nước. Nhưng làm giàu không phải với bất cứ giá nào, mà phải làm giàu một cách đàng hoàng. Làm giàu để không thể chỉ đem lại giá trị kinh tế mà còn đem lại những giá trị về trí thức và văn hóa cho đời sau. Đó là bài học cốt lõi từ AHDT Trương Định mà chúng ta rút ra” - nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần chia sẻ.

Phương Anh - Ngô Văn
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 438
  • Khách viếng thăm: 436
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 91884
  • Tháng hiện tại: 1957663
  • Tổng lượt truy cập: 48331790