150 năm kính trọng và suy tôn AHDT Trương Định: Tháng Tám giỗ Ông

Đăng lúc: Thứ ba - 19/08/2014 10:15
Hầu như người dân Gò Công nào cũng nhớ ngày giỗ của Anh hùng dân tộc (AHDT) Trương Định vào tháng tám (dương lịch) hàng năm. Vì thế, những ngày này, những nơi quan trọng như: Khu lăng mộ ở TX. Gò Công; Đền thờ ở xã Gia Thuận, Di tích Ao Dinh ở xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông… đều được dọn dẹp, chỉnh trang để chuẩn bị Lễ giỗ lần thứ 150 ngày AHDT Trương Định tuẫn tiết. 

TẤT BẬT CHUẨN BỊ

Những ngày này, Khu di tích Ao Dinh đã được người trông nom dọn cỏ, tỉa cành cây và lau chùi bàn ghế. Bởi đến ngày giỗ ông, người dân khắp nơi sẽ về đây thắp hương tưởng nhớ ông. “Khu vực xung quanh Ao Dinh ngày xưa toàn là rừng, kéo dài đến sông Soài Rạp, có khu được gọi là “Đám lá tối trời” do rừng lá dừa nước bạt ngàn. Nhưng từ đời cha tôi đến nay, đám lá không còn do người dân đã khai khẩn đất để làm ruộng.

Ngày trước chưa có Ao Dinh. Sau khi khai khẩn ruộng, người dân vét đất thành ao để lấy đất đắp một đoạn đường dài. Cả 3 đời của gia đình tôi đều sống ở vùng đất này. Còn tấm bia lưu niệm cụ Trương Định đặt trước Ao Dinh chỉ mới được dựng lên cách đây vài năm” - ông Châu Văn Vốn, người nhiều năm trông nom di tích Ao Dinh cho biết.

Khu mộ AHDT Trương Định tại TX. Gò Công vừa được chỉnh trang.
Khu mộ AHDT Trương Định tại TX. Gò Công vừa được chỉnh trang.

Người dân xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông nói riêng và vùng Gò Công nói chung đều rất kính trọng ông Trương Định. Để tỏ lòng tưởng nhớ, ngay tại khu vực ấp 3, xã Tân Phước, người dân tự lập miếu thờ ông. Hàng năm, bà con trong ấp đều tụ hội về tổ chức lễ giỗ, ai có gì đóng góp nấy.

Những năm trước, tại nhà ông Hai Khai (ngôi nhà của ông Đoàn Văn Lâu, nơi Trương Định thường lui tới trong giai đoạn kháng Pháp), năm nào ông bà cũng tổ chức giỗ Trương Định. Sau này do gia đình đã cúng vực lề, ông Hai Khai cũng đã mất, không còn tổ chức giỗ Trương Định nữa, nên bà con trong ấp mới thỉnh ông về miếu thờ để hàng năm tổ chức giỗ.

Có điểm khác là người dân ấp 3, xã Tân Phước giỗ ông Trương Định tính theo ngày âm lịch, tức là ngày 17-7 hàng năm, còn chính quyền địa phương tổ chức giỗ ông tính theo ngày dương lịch (20-8 hàng năm).

Còn ở Đền thờ Trương Định tại xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông mấy ngày nay cũng chộn rộn chuẩn bị mọi thứ để cúng ông, nhất là năm nay là lễ giỗ lần thứ 150, nên dự kiến khách thập phương về viếng sẽ đông hơn.

Ban phụng tự Đền thờ Trương Định cho biết, những ngày qua Ban phụng tự cùng với bà con địa phương tổ chức dọn dẹp, treo cờ, phướn, cắt tỉa cành cây để đón ngày giỗ. Một năm tại Đền thờ có 4 lệ cúng gồm: Cúng Kỳ yên (vào ngày 18-1 AL), cúng Hạ điền (18-4 AL), giỗ ông Trương Định (vào 2 ngày 19 và 20-8 DL) và cúng Thượng điền (18-10 AL).

Chỉ riêng giỗ Trương Định, Ban phụng tự tổ chức trong vòng 2 ngày, có khoảng 2.500 - 3.000 khách đến tham dự. Kinh phí để tổ chức lễ giỗ hàng năm chủ yếu do bà con đóng góp, một phần huy động từ các nhà hảo tâm.

“Ở Gò Công bà con rất tôn trọng cụ Trương Định. Hầu như trong mỗi nhà đều có bàn thờ, ảnh chân dung của cụ trên bàn gia tiên. Đến ngày giỗ, bà con mang ra cửa lập bàn hương án. Trong bàn hương án đều có ảnh của cụ Trương Định, nhang đèn, trái cây rất nghiêm chỉnh. Ngày giỗ, Ban phụng tự lo từ khâu tổ chức, lễ tiết, tiệc tùng…” - đại diện Ban phụng tự Đền thờ Trương Định ở xã Gia Thuận cho biết.

VỊ KHÁCH LẠ

Chiều muộn ngày 11-8, trong lúc bà con đang phụ chẻ củi chuẩn bị phục vụ cho Lễ giỗ lần thứ 150 ngày AHDT Trương Định tuẫn tiết trong khuôn viên Đền thờ Trương Định ở phường 2, TX. Gò Công, bất ngờ được đón 2 vị khách lạ.

Với dáng vẻ hao gầy, khắc khổ, trên tay khệ nệ hành lý, 2 vị khách xin phép được vào Đền thờ AHDT Trương Định. Bà Thành, 1 trong 2 nữ khách, nói với chúng tôi rằng, bà quê ở tận huyện Tân Châu, tỉnh An Giang. Ý định của bà đến Gò Công lần này là để tham gia phục vụ lễ giỗ AHDT Trương Định. Trước đây bà có đến phục vụ lễ giỗ Trương Định 1 lần.

“Lúc trước, tôi không biết nơi đây có tổ chức lễ giỗ Trương Định hàng năm. Trong 1 lần đi lễ giỗ Nguyễn Trung Trực, tôi mới nghe nói và đến tham gia. Qua tham dự lễ giỗ lần trước, tôi biết ông là người vì nước, vì dân, trung can nghĩa đảm, bất chấp hiểm nguy, gian khổ, dấy binh chống giặc ngoại xâm và đã anh dũng hy sinh.

Mình là người thế hệ sau nên đến đây thắp nén nhang, góp một phần công sức của mình phục vụ lễ giỗ như để nhớ công ơn của ông. Nhưng tiếc rằng, tụi tôi nhớ nhầm ngày giỗ từ dương lịch sang âm lịch nên đến sớm hơn cả tuần” - bà Thành cho biết.

Về Gò Công lần này, chúng tôi được chứng kiến không khí của một trong những lễ hội lớn năm nay. Đường phố trên địa TX. Gò Công những ngày đầu tháng 8 rợp cờ hoa. Việc chuẩn bị Lễ giỗ lần thứ 150 ngày AHDT Trương Định tuẫn tiết đang vào giai đoạn nước rút. Tại Khu lăng mộ Trương Định ở TX. Gò Công đã được chỉnh trang để đón khách về viếng thăm.

Theo lãnh đạo TX. Gò Công, thông lệ hằng năm vào hạ tuần tháng tám dương lịch, chính quyền và nhân dân Gò Công tổ chức lễ giỗ AHDT Trương Định với mục đích để cho mọi người biết và nhớ công đức cao dầy của ông đã xây đắp cho đất Gò Công nói riêng, cho dân tộc Việt Nam nói chung. Đó là truyền thống tốt đẹp của người dân Gò Công dù ở bất cứ nơi nào, trong nước hay ngoài nước và dù hôm nay hay mai sau chúng ta vẫn duy trì mãi mãi.

Lễ giỗ AHDT Trương Định trở thành nét văn hóa của bà con Gò Công. Chiều ngày 11-8, ông Nguyễn Văn Tân, Phó Trưởng Ban phụng tự Đền thờ Trương Định TX. Gò Công cho biết, công tác chuẩn bị Lễ giỗ lần thứ 150 tại Đền thờ đã được chuẩn bị từ 2 tháng trước.

Hiện nay, công tác chuẩn bị hậu cần như gạo, rau, hoa, quả… phục vụ bà con khắp nơi đến tham dự lễ giỗ đã hoàn tất và tất cả do người dân hiến, tặng… Vào ngày 17-8 (dương lịch), chúng tôi sẽ họp lại để phân công, phân việc cụ thể từng bộ phận, từng người phục vụ trong những ngày tổ chức lễ giỗ, từ ngày 18 đến 20-8.

Chỉ riêng số lượng người phục vụ lễ giỗ AHDT Trương Định tại Đền thờ lên đến 80 người. “Những năm qua, lượng người đến dự giỗ AHDT Trương Định rất đông, số lượng lên đến trên 1.000 người, nên chúng tôi chuẩn bị từ rất sớm và chu đáo.

Người đến dự lễ giỗ không chỉ trong tỉnh mà còn ngoài tỉnh. Còn ở vùng này, trong 3 ngày giỗ, hầu như tất cả các hộ dân buôn bán đều đến dự. Điều này đã trở thành truyền thống, tập quán từ rất lâu của người dân Gò Công” - ông Nguyễn Văn Tân cho biết.

AHDT Trương Định trở thành một tấm gương sáng chói như trong bài Hịch năm 1863 của ông khi đồn Tân Hòa thất thủ: “Sống trong danh dự, chết trong danh dự”.

Nhiều hoạt động nhân Lễ giỗ lần thứ 150 ngày AHDT Trương Định tuẫn tiết

Bên cạnh Míttinh kỷ niệm 150 năm AHDT Trương Định tuẫn tiết, còn có các hoạt động như: Triển lãm về thân thế, sự nghiệp AHDT Trương Định; triển lãm nghệ thuật kiểng cổ, bon sai; chiếu phim; chương trình biểu diễn nghệ thuật của Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Tiền Giang.

Trước đó, nhằm đảm bảo phục vụ Lễ giỗ lần thứ 150 của AHDT Trương Định tại TX. Gò Công, dự án sửa chữa và trùng tu Đền thờ tại phường 1 và Tượng đài AHDT Trương Định tại phường 2, TX. Gò Công đã được tiến hành.

Đơn vị thi công đã sơn lại phần mộ, lát gạch khuôn viên mộ, tráng sân, đường, sơn phết tường rào, lắp đặt đèn chiếu sáng tại Đền thờ và chỉnh trang Tượng đài AHDT Trương Định, với tổng kinh phí khoảng 1,4 tỷ đồng, do ngân sách tỉnh đầu tư.


Phương Anh - Ngô Văn
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 293
  • Khách viếng thăm: 292
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 66948
  • Tháng hiện tại: 2435373
  • Tổng lượt truy cập: 48809500