Cánh cung bị gãy

Đăng lúc: Thứ ba - 17/12/2013 07:32

(Tác phẩm vào vòng chung khảo Cuộc thi Bút ký văn học ĐBSCL 2013)

Cuối năm 1969, trên địa bàn huyện Cái Nhum, cách mạng rơi vào thoái trào. Tiểu khu Vĩnh Long tuyên bố đã bình định xong quận Minh Đức (tên chính quyền Sài Gòn gọi huyện Cái Nhum). Đồn lính đóng dày đặc theo sông rạch, theo các tuyến lộ, một đồn mẹ, ba bốn đồn con. Hàng ngày chi khu Minh Đức tiếp tục hành quân càn quét, tô dày thêm đồn bót, cả những nơi không có giá trị gì về chiến thuật. Vườn cây bị phát hoang trống trãi, đồn này nhìn thấu đến đồn kia. Binh lính hành quân xách theo chỉa xôm hầm. Toàn huyện không còn ấp nào giải phóng, các lõm căn cứ của cách mạng trước đây bị binh lính hành quân chà đi xát lại.

Thím Chín cương quyết bám trụ, mỗi lần binh lính hành quân càn quét, thím cùng mấy đứa con bơi xuồng tản cư. Nhưng hễ lính đi ngang qua thì nhà thiếm bị đốt. Lính rút khỏi, thím lại dựng tiếp cái nhà mới. Nói là nhà, nhưng thực ra chỉ là mấy cây tre, vài chục tấm lá dừa nước. Tre lớn lấy phần gốc chôn chưn xuống đất, cây nhỏ và phần ngọn làm kèo, đòn tay, trụ vách. Mái thì lợp bằng lá dừa nước mới vừa chằm chưa kịp phơi khô. Vách nhà bên ngoài dừng bằng lá xé cho nhẹ công chằm, bên trong thím chằm lá vàng bạc khép lại làm tấm vách ngăn tạo thành cái buồng cho hai cô con gái. Nhà chỉ đủ kê hai cái chõng chôn chưn cũng bằng tre làm chỗ ngủ cho cả nhà. Phía sau là chái bếp với mấy cục “ông táo” bằng đất, trong đợt cháy nhà lần trước còn sót lại. Có thể nói vật dụng gia đình chỉ có “ông táo”, sau khi bị cháy nhà thì càng cứng thêm ra. Trong nhà nơi trang trọng nhất là cái bàn thờ. Cũng bằng 4 đoạn tre cắm xuống đất, đỡ bên trên miếng vĩ tre làm cái mặt bàn. Dù nhỏ hay lớn, thím Chín cũng làm thành cái bàn có chưn, có mặt đàng hoàng, vì nếu làm cái kệ treo trên vách thì được xem là không tôn trọng vong linh người đã khuất. Trên bàn thờ chỉ có cái lon chao đựng tro làm nơi cắm nhang. Hàng ngày cúng cơm cho chú Chín, nhìn cái lư hương lon chao thím thấy ngậm ngùi, có lần chú Chín về thăm gia đình cùng với các người bạn chiến đấu của mình, trong bữa cơm các chú nói vui:

- Tụi nó bình định ác liệt quá, có ngày chúng tôi chiến đấu đến năm bảy trận, chuyện sống chết trong đường tơ kẻ tóc. Ở nhà nếu có ăn chao, các bà, các chị nhớ để dành cái lon.

Không biết đó có phải là lời nói vui hay lời dự báo linh nghiệm mà ngày nay lư hương của chú chỉ được làm bằng cái lon chao rỉ sét. Đã vậy cái lon chao cũng bị cháy mấy lượt. Trước sự khủng bố ác liệt, sợ cho mạng sống mấy đứa nhỏ trong cảnh tên bay đạn lạc, thím Chín phải vào ấp tân sinh ở đậu trong cái chái nhà của người bà con.

- Ông sống khôn, thác thiêng, phù hộ cho mấy đứa nhỏ đang ngày đêm đối mặt bom đạn hiểm nguy - Thím Chín đốt cây nhang, cẩn trọng xá 4 xá, cắm vào cái lon tro và tâm sự cùng chú Chín.

- Chào bác Chín. Người đàn ông mặc áo sơ-vin bảnh bao, dáng cao ráo, gương mặt trắng trẻo như một thư sinh, chỉ có đôi mắt thường hay liếc xiên lộ vẻ gian xảo của một con người có học bước vào nhà một cách đột ngột.

- Không dám, chào ông thiếu úy.

- Xin bác đừng gọi cháu bằng ông, mà hãy xem cháu như con cháu trong nhà. Cháu xin được thắp cho bác trai cây nhang và có chút quà xin biếu bác - Vừa nói thiếu úy Hoàng vừa để lên bàn thờ một gói quà gồm có đường, một hộp sữa con chim và một ốp nhang. Hoàng cẩn trọng đốt nhang cắm trên bàn thờ. Ba má cháu cũng ở trong nông thôn, hoàn cảnh chiến tranh đưa đẩy, nhà cửa cũng bị bom đạn phá hủy nhiều lần. Cháu nhờ được người bà con cưu mang nên được đi học. Nhưng mới đến hết tú tài một thì bị động viên đi học lớp sĩ quan ở Thủ Đức, ra trường chưa liên lạc được với gia đình thì bị điều về đây. Gặp bác đây âu cũng là cái may cho cháu. Có lẽ sau này cháu phải nhờ bác giúp nhiều việc.

- Ông thiếu úy nói vậy, chứ tôi mẹ góa, con côi, nhà nghèo, ít học thì giúp gì được cho quan quyền như ông.

- Được nhiều chứ bác, cả việc chung và việc riêng nữa. Mà thôi việc đó để sau. Hôm nay cháu đến nói với bác là ngày mai bác ký tên vào tờ khai gia đình tỵ nạn cộng sản, chúng cháu sẽ cấp cho bác tol và tiền, gạo để làm lại nhà ở cho bác.

Trong những đợt bình định ác liệt của binh lính cộng hòa, nhà thím Chín đã 4 lần bị đốt. Không biết mắc mớ gì, mà bọn lính thù oán tìm theo theo đốt nhà thím liên tục. Từ khi về ở trong cái ấp tân sinh này tuy phải sống trong chật hẹp, ngột ngạt song cũng khá yên ổn, bọn lính tới lui nhan nhản nhưng chúng không phá phách gì lắm. Những gia đình khác ký tên vào tờ khai tỵ nạn cộng sản thì được cấp 10 tấm tol, một ít tiền đủ mua cây tre lá cất được cái nhà và 30 ký gạo cứu trợ. Riêng thím thì không chịu ký. Vì binh lính Sài Gòn bắn phá, đốt nhà liên tục, thím lo cho mạng sống mấy đứa nhỏ nên chấp nhận vào cái ấp này chớ có phải tỵ nạn cộng sản đâu. Nhưng mà không ký thì liệu có được không? Hôm nay chúng để yên, nhưng ngày mai liệu chúng có để yên cho gia đình không? Tên thiếu úy này có phải thật là người của cách mạng hoặc có cảm tình với cách mạng không? Bao nhiêu câu hỏi thím không sao trả lời hết được. Thôi thì đành nhắm mắt thực hiện theo yêu cầu của chúng. Mà việc ký tờ khai thì ai vào ở trong cái ấp này cũng vậy chớ đâu phải riêng gia đình thím. Thím cũng đã mấy lần trả lời với bọn an ninh, cảnh sát là không còn liên hệ với cộng sản nữa rồi. Chú Chín hy sinh. Thím chỉ lo cho thằng Lành đứa con trai lớn của thím đang công tác ở Văn phòng huyện ủy Cái Nhum. Không biết khi nó cần được tiếp tế, nuôi dưỡng thì nó làm sao liên hệ được với gia đình.

*

Mỗi lần Hoàng đến nhà Tư Lài con gái của thím Chín thường tránh mặt, nhưng chỉ có con đường duy nhất là vô buồng nằm. Do vậy mà các cuộc nói chuyện giữa thím Chín và Hoàng, Lài được nghe rành rọt. Lài nghĩ ở đâu, dù trong hàng ngũ bên nào, cũng có người tốt, kẻ xấu. Đâu phải lính Sài Gòn thì xấu cả đâu.

Sáng hôm sau Hoàng cho lính chở tol, gạo, cây tre đến làm nhà cho thím Chín. Hoàng trực tiếp chỉ huy bọn lính và có cả mấy tên tâm lý chiến chụp hình, quay phim. Chưa hết buổi sáng căn nhà đã làm xong. Bọn lính cũng không đòi hỏi cơm nước mà làm xong còn cám ơn rồi mới ra về.

Hoàng thường xuyên ghé nhà thím, khi thì hộp sữa, lúc gói bánh, bịch đường, không biết tự lúc nào thím Chín thấy Hoàng cũng là người biết lễ phép, dù biết gia đình thím là gia đình việt cộng vẫn tỏ ra tử tế, dễ thương. Mỗi lần Tư Lài có việc cần đi chợ Cái Nhum thì y như rằng Lài đều được Hoàng hoặc lính của Hoàng dùng xe honda chở đưa về đến nhà. Trên con đường đất dù chưa tới 2 cây số ấy, ngồi sau xe honda, Lài nổi bật như một tiểu thư con nhà quyền quí. Cái vị trí mà nhiều cô gái con nhà khá giả, quyền chức ở cả cái quận Minh Đức này đang hằng ao ước. Mà không ao ước sao được, một thiếu úy trẻ, đẹp trai, đang là đại đội trưởng đại đội bảo an 160, một đại đội con cưng của ngài quận trưởng. Cái chức, cái quyền, cái lợi của Hoàng ở quận Minh Đức này ai mà không biết. Và không biết tự lúc nào Lài đã không còn xem Hoàng là người lính tay sai, là người đã từng chỉ huy các cuộc hành quân bắn giết nhiều người cách mạng, trong đó có chú Chín - cha nàng.

Những lần thím Chín vắng nhà với lý do về vườn quơ củi, kiếm cá hay “đi thăm bà con”, thực chất là đi tiếp tế cho Hai Nhàn và Lành, Hoàng đều biết cả, nhưng tuyệt nhiên Hoàng không nói gì mà còn ngầm khuyến khích và tạo mọi điều kiện giúp đỡ cho thím và gần như bọn lính đồn không làm khó dễ gì mỗi lần thấy thím chèo xuồng “đi thăm bà con”. Thím nghĩ có lẽ chúng biết thiếu úy Hoàng là người rất thân cận với gia đình thím.

Rồi cái tin Tư Lài làm đám cưới mà chú rể không ai xa lạ chính là thiếu úy Hoàng được lan truyền. Các cô gái bấy lâu nay si mê Hoàng thất vọng, nuối tiếc, đau khổ cho cuộc tình đơn phương. Tư Lài theo chồng về sống tại chợ Cái Nhum vui hưởng hạnh phúc trong giàu sang, nhung lụa.

*

Cuối năm 1970, thím Chín được tin Hai Nhàn đứa con gái lớn của minh đang công tác ở Dân y huyện bị địch xôm hầm, hy sinh, chỉ sau khi thím đi thăm Nhàn được hai ngày. Rồi tiếp theo lại nhận được tin Năm Thơm đang công tác thanh niên ở tỉnh đoàn hy sinh trong một trận càn của địch ở tận vùng Chữ V xa xôi, ác liệt. Đau thương chồng đau thương, mất mát chồng mất mát. Thím Chín như không còn nước mắt để khóc. Trên bàn thờ có đến 3 cái lư hương. Chưa đầy hai năm thím đã mất 3 người thân thương. Mỗi bữa cơm, thím đặt lên bàn thờ ba chén cơm, ba đôi đũa. Gần phân nữa gia đình đã gom lại trên cái bàn thờ nhỏ xíu. Thân thể ngày càng tiều tụy, hốc hác, đôi mắt trũng sâu, mới mấy tháng mà trông già đi mấy tuổi, thím Chín gần như không còn nước mắt để khóc.

- Thôi má đừng buồn, đừng khóc nhiều mà ảnh hưởng sức khỏe. Chiến tranh mà biết sao được - Hoàng vừa đặt gói quà trên bàn thờ, vừa xoay qua nói nhỏ nhẹ với thím Chín.

- Biết rằng ba con và chị, em của con đã đền nợ nước. Nhưng mất mát nào mà không đau hả con.

- Gia đình ta đã hy sinh cho cách mạng quá nhiều rồi. Nhà chỉ còn một mình em Lành. Nếu không khéo Lành có mệnh hệ nào thì làm sao má sống nổi.

Hoàng đã đánh trúng vào cái lo sợ to lớn nhất của thím Chín.

- Má cũng thật sự rất lo. Không phải mới hôm qua, hôm nay đâu, mà từ khi ba con tham gia kháng chiến, rồi lần lượt các chị, em của con đi theo cách mạng thì cái lo của má ngày càng lớn con à.

- Tình thế hiện nay như má thấy đó. Cả quận Minh Đức này có chỗ nào cách mạng trốn tránh được nữa đâu. Không sớm thì muộn, không hôm nay thì ngày mai, ngày mốt, lần lượt rồi họ cũng bị giết, bị bắt hoặc phải trở về với chánh nghĩa quốc gia thôi.

- Má lo sợ phải mất thêm đứa con nữa, nhưng má cũng không muốn con mình là người phản bội.

- Chiến tranh sắp lụi tàn rồi. Trên bàn đàm phán ở Ba Lê dù kết quả đi đến đâu thì Việt cộng cũng phải chịu thua thôi. Má nên tìm cách liên lạc với em Lành đi. Nếu em Lành chịu trở về, thì con sẽ bảo lãnh, sẽ lo cho cuộc sống, cho tương lai của nó.

- Thằng Lành nó đã lớn, nó có quyền định đoạt tương lai của nó.

- Má chỉ cần gặp em Lành, nói ý của con như thế thôi. Nó trở về để giữ được mạng sống. Còn nếu tình hình thay đổi, cách mạng họ giành được lợi thế, lúc đó nếu muốn thì em Lành và cả con nữa sẽ lập công trở về với cách mạng.

Lời nói của Hoàng thật sự làm cho thím Chín suy nghĩ. I1rong thâm tâm, thím không muốn khuyên con đầu hàng. Nhưng mỗi ngày nghe tiếng súng nổ, mỗi lần có tin người cách mạng bị hy sinh thì thím như lửa đốt trong lòng, chân bước đi không nổi. Thím thấy sợ tất cả những người quen từ trong vùng ra gặp mình, sợ họ mang cái tin dữ đến với mình.

*

Sau Tết Tân Hợi, đồng ruộng vào mùa khô, nhân dân ở ngoài ấp tân sinh ban ngày tìm cách trở về ruộng vườn cũ thu hoạch lúa thóc, cây trái còn sót lại. Lính quốc gia sau khi đóng đồn bót xong, số tâm lý chiến kêu gọi nhân dân trở về cất nhà gần đồn bót, vì nếu họ đã tuyên bố bình định xong mà không có dân thì kể như họ chỉ kiểm soát được một vùng hoang vu, về tâm lý mà nói như thế là dân đang xa lánh họ. Nên lúc này số dân tản cư khi lính đến đóng đồn, nay cũng có một số lần lượt trở về.

Sáng ngày 26 tháng giêng (21/2/1971), thím Chín âm thầm xuống xuồng chèo vào rạch Mù U.

Bọn lính đồn Mù U không chặn xuồng mà nói với theo:

- Bà Chín đi thăm bà con sớm quá vậy Bà Chín.

- Ừ, đi sớm để về còn ghé vườn quơ mớ củi.

- Đi vô đó có gặp Việt cộng nhớ nói con gởi lời thăm, kêu mấy ổng về ngoài này nhậu chơi.

- Đồn bót đóng giăng giăng, Việt cộng nào còn ở được mà cho tui gặp.

*

Tin thím Chín chèo xuồng vào ngọn Mù U được báo cáo về chi khu Minh Đức. Các đồn dọc theo tuyến sông rạch thuộc các xã Chánh Hội, Nhơn Phú, Bình Phước được lệnh theo dõi và báo cáo hành trình đi của người đàn bà đang là mẹ vợ của thiếu úy Hoàng. Mệnh lệnh hành quân được phát ra. Đại đội bảo an 160 do Hoàng chỉ huy được lệnh sẵn sàng lên đường. Nhìn trên bản đồ hành quân, các vùng khoanh tròn đỏ được xác định Giồng Lức, Giồng Dài, Cây Sộp, Phước Chí, Long Quới, nơi nào là cứ của huyện ủy Việt cộng?

Đích thân quận trưởng kiêm chi khu trưởng Minh Đức giao nhiệm vụ cho Hoàng:

- Kế hoạch của thiếu úy đã đạt mức hoàn hảo đến từng milimet. Năm lần bị đốt nhà sau khi chồng vừa mới chết, thì làm sao bà ta chịu nổi cảnh khó khăn đó. Cho bà ta đi thăm con tức là thiếu úy thả con chim để cho nó tìm đường bay về tổ, khỏi cần tìm xa, cứ thấy con chim đậu vào cây nào thì tổ của nó ở đó thôi. Chúng ta đã diệt được tên nữ Việt cộng và đánh tan nát khu căn cứ này (vừa nói hắn vừa chỉ cây gậy vào cái khoanh tròn đỏ đã bị gạch chéo màu xanh trên bản đồ hành quân - nơi mới cách đây không lâu Hai Nhàn hy sinh). Hôm nay thiếu úy phải đánh cho được Huyện ủy Việt cộng đang còn lẫn trốn trong các nơi này (Hắn lại dùng đầu gậy đập đập lên các khoanh tròn đỏ trên bản đồ). Tôi cho thằng 835 tấn từ Nhơn Phú vào Cây Sộp để bịt đường về Nhơn Phú của chúng. Thiếu úy hãy cho lính chà đi, xát lại và tóm gọn tất cả bọn chúng (vừa nói tên quận trưởng vừa xòe bàn tay xoay xoay trên những vùng có vòng khoanh màu đỏ và nắm chặt lại). Thiếu úy rõ chứ.

- Tuân lệnh thiếu tá - Hoàng dập gót giầy, giơ tay lên chào.

- Chúc thiếu úy chiến thắng trở về. Chiếc lon trung úy đang chờ ông anh cột chèo đó.

- Cám ơn thiếu tá.

Hoàng rời khỏi bộ chỉ huy chi khu, thầm nghĩ cô em vợ của mình mới hơn mười bảy tuổi, vậy mà lão dê xồm này đã ghé mắt tới. Ở cái quận này ý muốn của lão khó ai chống được. Việc này kể ra cũng hay. Bạn cột chèo với thiếu tá quận trưởng thì sự thăng tiến của mình quá ư thuận lợi rồi.

Hoàng tin chắc rằng nơi mẹ vợ của mình tìm đến cũng là nơi Huyện ủy Cái Nhum đang trú đóng. Bà ta đã trở thành tên chỉ điểm, dẫn đường không công cho hắn. Mũi tên từ hắn bắn ra đang bay tới đích.

*

Thím Chín vẫn một mình chèo xuồng đi tìm, tiếp tế cho Lành. Trời càng ngày càng trưa, có những đoạn phải chèo nước ngược, mồ hôi vả trên chiếc áo bà ba bạc màu. Khắp vùng này nhiều gia đình cơ sở, cốt cán đều biết thím. Chỉ cần ghé xuồng hỏi thăm vài câu là có thể biết phải đi tìm Lành ở nơi nào.

Lõm du kích Phước Chí nằm lọt thỏm giữa các đồn bót. Văn phòng Huyện ủy Cái Nhum đang đóng quân tại đây. Trời trưa, anh em quen gọi “tan phèn”, tình hình vẫn yên ả, có lẽ hôm nay bọn lính không hành quân. Đơn vị chuẩn bị họp lại để phân công nhiệm vụ trong ngày thì được tin cơ sở báo có thím Chín tìm đến thăm và tiếp tế cho Lành cùng anh chị em trong đơn vị. Anh em rất mừng. Nhưng nguyên tắc bảo mật không được lơ là. Thím Chín được mời ở lại tại nhà một người quen cách xa khu trú quân. Lành xin phép đơn vị ra gặp mẹ.

Khi chiếc xuồng nhỏ vừa cặp bến, Lành bước lên bờ, mẹ con gặp nhau mừng mừng, tủi tủi, Lành ngày càng ốm đi nhiều, nước da kém hồng hào, quầng mắt trũng sâu.

- Trông con lúc rày xanh xao quá vậy Lành, có bệnh hoạn gì không con? - Thím Chín tỏ vẻ lo lắng hỏi:

- Không má à! Bọn con thường xuyên đi công tác ban đêm, thức đêm nhiều, ban ngày lại đối phó với bọn lính hành quân liên miên nên mất ngủ.

- Con ráng cẩn thận giữ gìn sức khỏe.

-Má yên tâm, sống ở tập thể trong lúc khó khăn này ai sao mình vậy má à. Má đừng lo cho con.

Thím Chín đang lựa thời cơ để nói cái việc mà thím không muốn nói với Lành bao giờ. Ngay lúc đó từ hướng đồn Cầu Bò, đồn Phước Chí, đồn Mười Đạt, đồn Ngã ba Bà Nữ nhiều tiếng súng si-nhal nổ rộ, báo hiệu lính đồn đang xuất quân càn quét. Lành chưa kịp xô xuồng ra để trở lại đơn vị thì cơ sở báo lính đồn bung ra bịt đường về. Bây giờ Lành đã bị tách ra khỏi đơn vị, đành phải lên bờ tìm cách thoát ra đồng. Vừa ra đến chân vườn đã thấy lính từ hướng ruộng đang lố nhố tiến vào. Lành buộc phải chém vè trong mương rau mát ngoài vườn. Thím Chín phải chịu trận ngồi lại trong nhà cơ sở.

Bọn lính ập đến, chúng yêu cầu tất cả mọi người có mặt trong nhà phải ở yên tại chỗ. Bất ngờ Hoàng xuất hiện.

- Má yên tâm. Con giữ đúng lời hứa với má mà. Em Lành đâu rồi?

Thím Chín ngỡ ngàng.

- Má cũng mới ghé vào đây để hỏi thăm, chưa biết em nó ở đâu con à.

- Chúng tôi đã biết cả rồi. Một là em Lành phải ra đây trình diện. Tôi bảo đảm an toàn cho nó và cả má, cả những người trong nhà này. Hai là Má và những người trong nhà này phải chỉ chỗ trốn của Lành. Tới lúc đó thì không biết các người có chịu nổi sự tra tấn của an ninh quân đội hay không. Mà nếu không ai khai thì một đại đội lính của tôi sẵn sàng vạch từng bụi cỏ, xôm từng tấc đất để tìm cho ra tên Lành. Và lúc đó hậu quả thế nào thì các người ở đây phải chịu trách nhiệm.

Nghe giọng nói và thái độ của Hoàng, thím Chín đau xót nhận ra Hoàng là một tên giả nhân, giả nghĩa, lợi dụng thím và gia đình thím để phục vụ ý đồ đánh phá cách mạng. Giờ thì đã muộn, trước tình thế này thím không còn con đường trở lại, đành phải nghe lời Hoàng để bảo tồn mạng sống cho mình, cho con và cho cả nhà người cơ sở đang đứng đây.

- Được! Má chấp nhận kêu Lành ra. Má xin con hãy giữ lời hứa với má.

Hoàng giữ lời hứa, xếp Lành vô diện bỏ hàng ngũ Việt cộng hồi chánh quốc gia. Sau khi khai thác được khu vực văn phòng Huyện ủy Cái Nhum đóng quân, Hoàng cho lính áp giải Lành về chi khu. Thím Chín bị buộc phải quay về. Hoàng thừa hiểu nếu có khai thác thêm thì Lành cũng chẳng chỉ ra được cái hầm nào của Việt cộng nữa. Hắn sẽ tự lực làm việc này.

Hoàng ra lệnh bọn lính hành quân khép chặt lõm du kích Phước Chí. Sau gần 3 giờ đồng hồ lùng sục, mặt trời sắp lặn nhưng Việt cộng như những người tàng hình biến mất khỏi mặt đất không để lại dấu vết.

Biết chắc những con cá bự Việt cộng đang còn ở khu vực này. Hoàng hạ lệnh đóng quân dã ngoại tại chỗ ý đồ chờ cho số trốn ở hầm bí mật trồi lên thì binh lính hắn sẽ hốt gọn. Nếu không đến sáng hắn sẽ tiếp tục lùng sục, xôm từng bờ liếp, từng mô đất để tìm cho ra các hầm bí mật. Vả lại hắn cũng cần nghỉ ngơi đêm nay vì Tám Thanh em ruột ông chủ nhà hắn đang đóng quân là một thôn nữ nhan sắc mặn mà, mặt tươi như hoa và nụ cười duyên dáng mang đậm tính hương đồng, cỏ nội. Tất nhiên là hắn chọn nhà Tám Thanh cho trung đội chỉ huy của hắn, số còn lại phân ra nhà của ông Tám Mùi và nhà ông Mười Xiếu gần đó.

*

Đêm xuống, binh lính tổ chức canh gác, nhưng chúng chỉ lo gác ở mặt sau, mặt trước nhà sát mé rạch chúng cho là an toàn nên tập trung vào ăn nhậu, đánh bài. Lợi dụng sơ hở đó, Tám Thanh xuống cầu bến tắm rồi trầm mình lặn qua rạch Phước Chí, băng đồng qua rạch Trầm Định. Cô nhanh chóng bắt tay được cơ sở bên này rạch và tìm đến gặp anh Sáu Vân, Bí thư Huyện ủy. Cô báo cáo toàn bộ tình hình, kể cả việc bố trí canh gác, đóng quân của binh lính. Xong việc cô quay trở lại lội qua rạch lên nhà. Bọn lính kể cả Hoàng vẫn lo ăn nhậu và say sưa sát phạt.

Sáu Vân một mình băng đồng tìm về Giồng Dài. Anh ra lệnh huy động toàn bộ lực lượng chuẩn bị chiến đấu. Nửa giờ sau lực lượng huyện đội, an ninh vũ trang, binh vận, công trường, du kích các xã và cả bộ phận quân y đang đóng quân tản mát quanh Giồng Dài gom lại được 47 tay súng. Anh Sáu Vân trực tiếp hạ đạt mệnh lệnh.

- Các đồng chí! Bọn 160 và 835 đang cặm quân tại Phước Chí và Phú Thạnh. Cả ngày hôm nay bọn chúng lùng sục mệt mõi nhưng không đụng chúng ta nên có phần chủ quan, lơ là, bọn chúng lạ nước, lạ cái, không quen địa hình, đóng quân co cụm.

Sáu Vân nói rõ ý định chiến đấu và kết luận.

- Các đồng chí có quyết tâm không?

- Quyết tâm! Quyết tâm - Những tiếng hô nhỏ, đanh gọn vang lên.

Sáu Vân trực tiếp phân công, giao nhiệm vụ cho từng bộ phận và căn dặn.

- Chúng ta chiến đấu giải phóng dân tộc, giải phóng quê hương, giải phóng nhân dân. Do vậy việc bảo vệ dân, bảo vệ cơ sở phải được đặt lên hàng đầu. Nếu diệt được địch mà không bảo vệ được dân thì tuyệt đối không được nổ súng. Các đồng chí rõ chưa?

- Rõ.

Đêm vắng lặng, ngoài tiếng côn trùng kêu e,e.. đều đặn, thỉnh thoảng một con chim cú cất tiếng kêu cú…cú.. ở những đục vườn hoang. Đoàn người âm thầm tiềm nhập trận địa không gây một tiếng động nào. Theo nhiệm vụ, từng bộ phận bí mật đưa quân tiếp cận mục tiêu.

Đoàng, đoàng.. những tiếng súng xé màn đêm xua đi tĩnh lặng. Những loạt đạn bắn găm, bắn gần tiêu diệt nhanh chóng những tên lính đang còn say ngủ. Số còn sống giật mình tháo chạy tán loạn.

Do đã chuẩn bị trước, Chị Hai, cô Tám và mấy đứa nhỏ vào ngủ trong trảng-xê. Nghe súng nổ, anh Hai cũng chui vào trảng-xê, một số lính hốt hoảng cũng chui vào theo. Chỉ cần ném một quả lựu đạn vào trảng-xê thì bọn lính trong ấy sẽ bị diệt hoàn toàn, nhưng gia đình anh Hai thì sao. Nhớ lời căn dặn của đồng chí bí thư, tất cả anh em đều bỏ qua mục tiêu này. Mà tiếp tục truy kích diệt bọn đang tháo chạy bên ngoài rồi nhanh chóng rút quân. Cùng lúc đó bọn lính 835 cũng bị tập kích bằng hỏa lực, nhiều tên chết tại trận.

Sáng ngày sau, tiểu khu Vĩnh Long chi viện một đại đội hành quân vào lấy thây bọn lính chết trận, trong đó có cả tên Hoàng đại đội trưởng đại đội 160. Xác lính chết đem về để chật cả nhà quàng của chi khu. Binh lính hoang mang cực độ, hơn 20 tên nữa tiếp tục đào ngũ. Đại đội 160 tan rã.

*

Quận trưởng Minh Đức với đòn tâm lý chiến dùng Hoàng làm cánh cung bắn mũi tên trúng nhiều đích, giành được những thắng lợi bước đầu. Nhưng cái ác đã bị trừng phạt. Mũi tên không đến đích cuối cùng và cánh cung trên tay hắn cũng bị bẻ gãy.

Một âm mưu thâm độc bị thất bại, trận đánh mở ra một thế mới, đưa cách mạng ở Cái Nhum vượt qua giai đoạn khó khăn, tiến tới giải phóng hoàn toàn huyện nhà vào mùa Xuân năm 1975.

Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 410
  • Khách viếng thăm: 405
  • Máy chủ tìm kiếm: 5
  • Hôm nay: 38388
  • Tháng hiện tại: 2203048
  • Tổng lượt truy cập: 46170281