Nhà giáo nhân dân, dịch giả Lê Hồng Sâm: Cần giáo dục thói quen tự vấn

Đăng lúc: Thứ năm - 15/11/2012 03:01

Là tác giả nhiều bản dịch tác phẩm cổ điển lẫn hiện đại của văn học phương Tây, là chiếc cầu nối bộ môn văn học Pháp của hai trường đại học Paris 7 và đại học Tổng hợp Hà Nội (cũ), ở tuổi 82 nhà giáo nhân dân Lê Hồng Sâm vẫn thật sắc sảo và khúc chiết mỗi khi tranh luận. Nhà triết học Bùi Văn Nam Sơn đã nói về bà: “Bây giờ, làm sao có thể tìm thấy một phụ nữ quý tộc thực sự như thế nữa. Phải có người như bà mới có thể có những bản dịch tuyệt vời như Emile…”

Cha bà, cụ Lê Đình Lục, được dân huyện Quốc Oai (nay thuộc Hà Nội) tặng câu đối “Lập ấp, đắp đê, mong làng xóm qua vòng đói khổ. Xây trường, mở lớp, dạy cháu con biết đạo làm người”. Truyền thống giáo dục nào từ gia đình mà bà cho là quý giá nhất, để hình thành nên cốt cách của riêng mình?

Nhà tôi có sáu chị em. Cha mẹ tôi coi trọng tính trung thực, lòng nhân hậu, sự hiếu học, và giáo dục các con chủ yếu qua cách hành xử của bản thân. Hình ảnh sâu đậm nhất trong tôi là người cha râu dài tóc bạc suốt ngày ngồi đọc sách. Đôi khi có điều cần dạy bảo, cha viết cho tôi những bài thơ rất hài hước. Từng làm quan, ông nổi tiếng thanh liêm. Về làng sinh sống, ông đã mở một trường học ngay trong nhà và vận động để xây được một ngôi trường khang trang, đẹp đẽ cho quê hương. Giản dị, thanh bạch, mỗi lần gặp các cụ già trong làng, ông đều chào hỏi, trò chuyện thân tình và kính trọng. Hiện nay huyện và xã đều có quỹ khuyến học mang tên ông. Mẹ tôi rất dịu dàng, nhân hậu. Tôi cho rằng chị em tôi đều tiếp thụ được sự trung thực, lòng nhân hậu, từ cách sống của cha mẹ.

12 tuổi bước khỏi làng vào trường Đồng Khánh, 17 tuổi rời thủ đô lên chiến khu, những bước ngoặt ấy đã mang lại cho bà sự đổi thay như thế nào?

Trường học thời đó như một môi trường khép kín, tách khỏi xã hội, quả là xa rời thực tế, nhưng cũng có điều hay là ít bị những cái xấu bên ngoài xâm nhập. Ngoài xã hội, có sự phân biệt đối xử giữa trai gái, giàu nghèo, sang hèn… còn trong trường, bậc thang giá trị căn cứ vào khả năng học tập và tư cách đạo đức. Ai học giỏi, hạnh kiểm mẫu mực, là được biểu dương, được thầy yêu bạn quý. Tất nhiên, đám nữ sinh chúng tôi còn ngưỡng mộ những nhan sắc trời cho. Mới vào trường, lại thuộc loại bé nhất lớp, mỗi khi tan học tôi thường lẽo đẽo đi theo ngắm nhìn mấy chị lớp trên, đẹp nổi tiếng… Rồi Cách mạng tháng 8, và kháng chiến, có thể nói thế hệ học sinh chúng tôi chuyển thẳng từ không khí lãng mạn trong thơ văn Pháp thế kỷ 19 sang không khí lãng mạn của cách mạng thời kỳ đầu, trong veo, đầy chất lý tưởng, khi tất cả đều trẻ trung, chân thực, kể cả đôi lúc, đôi người hơi “lên gân” cũng hết sức thành thực. Có lần, gặp một vài bạn cũ đang chuẩn bị học tiếp, tôi ngỏ ý với anh phụ trách, và nhận được lời khuyên: “Hãy yên tâm công tác, trường học tốt nhất bây giờ là trường học cách mạng”. Anh ấy thật lòng tin như vậy, và tôi tin theo. Sau này, khi nghĩ khác đi, anh ấy đã cho tôi biết. Bây giờ, hình như thanh niên không còn, hoặc không thể tin ở người lớn, tôi thấy một tuổi trẻ như vậy thật đáng ái ngại (và đáng ngại).

Dịch giả Lê Hồng Sâm sinh năm 1930, nguyên giảng viên văn học Pháp và chủ nhiệm bộ môn văn học phương Tây, khoa văn đại học Tổng hợp Hà Nội từ năm 1970 – 1990. Bà là dịch giả, nhà nghiên cứu có uy tín về văn học và văn hoá Pháp.

Năm 2003, bà được Nhà nước Pháp trao tặng huân chương Cành cọ Hàn lâm Pháp. Bà đã chủ trì công trình dịch thuật bộ tiểu thuyết Tấn trò đời gồm 90 cuốn của H. Balzac, cùng giáo sư Đỗ Đức Hiểu đồng chủ biên bộ Lịch sử văn học Pháp. Sau Emile – tác phẩm được trao giải Sách hay năm 2012 – bà vừa cho ra mắt cuốn Những lời bộc bạch của J.J. Rousseau.

Thấy được cái đẹp toàn thể của nền văn minh Pháp có giúp bà thấu hiểu hơn cái đẹp toàn thể của văn hoá Việt?

Có thể câu chuyện nhỏ, rút từ bài Fantine, Cosette và chiếc đòn gánh Việt Nam mà tôi viết cách đây đã lâu, nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Victor Hugo, giúp trả lời phần nào câu hỏi này. Khi còn bé, tôi thường được nghe cha kể truyện Những người khốn khổ mà ông đọc qua bản dịch chữ Hán, và ông còn “Việt hoá” tên nhân vật: Jean Valjean thành Giăng Văn Giăng, Cosette thành Cô Rét (tội nghiệp, đã cô lại còn rét). Lớn lên, đi học, vào kỳ nghỉ hè đến lượt tôi đọc để cha nghe bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh. Rồi, như nhiều bạn bè, tôi rời gia đình tham gia kháng chiến. Năm 1950, trong đoàn dân công vận chuyển lương thực chuẩn bị cho một chiến dịch, tôi được phân công phụ trách một đội hầu hết là chị em thành phố tản cư. Quy định rất nghiêm: sẩm tối mới lên đường, còn ban ngày ẩn náu và nghỉ trong rừng hay làng bản để tránh máy bay địch. Sau vài ngày, tôi bắt đầu gặp khó khăn: chiều nào đội của tôi cũng tập hợp chậm nhất, vì vậy phải đi cuối đoàn, mà ban đêm trong rừng, ngay các chị có vẻ gan góc cũng thú nhận sợ hổ, sợ ma. Nhưng hôm sau, các chị vẫn không tập trung đúng giờ. Quan sát kỹ, tôi thấy ra nguyên nhân: trẻ trung, đầy sức sống, sau khi đã ngủ hết buổi sáng, thêm một phần buổi trưa, các chị chẳng thể ngồi không cả chiều đợi giờ tập hợp, nên tản mác tìm hái quả bứa quả vả để ăn, nhặt lá quế nhành quế để đun nước gội đầu, chẳng nhớ giờ tập trung, thời ấy cũng ít ai có đồng hồ. Vậy phải làm sao cho các buổi chiều, chị em cùng bận rộn, và vui. Tôi rủ các chị học hát, đọc thơ, rồi kể chuyện. Không ngờ các chị hưởng ứng rất nhiệt tình: Tống Trân Cúc Hoa, Phạm Tải Ngọc Hoa, Thạch Sanh... lần lượt được kể, cho đến cả Truyện Kiều, người thuộc đoạn này, người thuộc đoạn kia, đoạn nào không ai nhớ nổi thì tạm kể bằng văn xuôi! Đến lượt mình, thấy khó khai thác tiếp kho tàng văn học dân gian, tôi thử kể Những người khốn khổ, và ngạc nhiên thấy Fantine, Cosette, Éponine thu hút các chị không kém Cúc Hoa, Ngọc Hoa. Và công việc trôi chảy, đội chúng tôi còn được tuyên dương!

Rất lâu sau này, đi học tiếp, đọc lại Những người khốn khổ, tôi hiểu được mối thiện cảm hồn nhiên, tự phát mà các chị dân công của tôi dành cho nhân vật tiểu thuyết Hugo. Các chị đã yêu mến, xót thương ở Fantine, Cosette, Éponine, cũng như ở Cúc Hoa, Ngọc Hoa, Nghi Xuân… những thân phận em bé mồ côi, người thiếu nữ đang yêu, người phụ nữ bị vùi dập, người mẹ hy sinh cho con, những người nghèo khổ, nhỏ bé, yếu đuối, mà Hugo cũng như các tác giả khuyết danh cảm thông, bênh vực. Tôi đã nói đùa với Guy Rosa, nhà Hugo học nổi tiếng rằng V. Hugo đại văn hào lãng mạn, đặc biệt ưa thích những sự tương phản, hẳn rất vui khi biết rằng Fantine, Éponine với nỗi đau nặng trĩu, Cosette xách thùng nước đầy quá nặng, “khiến cánh tay gầy gò thẳng căng và cứng đơ”, đã giúp cho chiếc đòn gánh của người nữ dân công Việt Nam giàu lòng cảm thông trở nên nhẹ nhõm!

Là thành viên Việt Nam của tổ chức quốc tế nghiên cứu Balzac ở Pháp, theo bà thì giá trị lớn nhất của tác phẩm Balzac là gì?

Bây giờ, hình như thanh niên không còn, hoặc không thể tin ở người lớn, tôi thấy một tuổi trẻ như vậy thật đáng ái ngại (và đáng ngại).

Nếu thơ và tiểu thuyết Hugo tràn đầy cảm hứng lãng mạn, thì Tấn trò đời của Balzac phơi bày sự thực tàn nhẫn của một xã hội bị chi phối bởi đồng tiền và tham vọng. Đồng tiền quyết định hết thảy, chân lý ảm đạm này vang vọng trong tác phẩm Balzac, mỗi nhân vật của ông đều rút ra kết luận ấy, từ góc độ của họ, theo cách riêng của họ. Goriot, người cha bị bỏ rơi, thấy “đồng tiền ban cho mọi thứ, kể cả những đứa con”. Với Grandet, con người thực tế, “có tiền mới có hạnh phúc, không thì bánh vẽ”. Gobseck, gã Do Thái quan tâm đến quyền lực, nhận định “đồng tiền mua được lương tâm những kẻ giật dây các bộ trưởng”. Trong tiểu thuyết Chị họ Bette, Balzac nói: “Chính Louis Philippe cũng biết là bên trên bản hiến chương của ông còn có đồng tiền thần thánh, tôn kính, kiên cố, khả ái, duyên dáng, xinh đẹp, cao quý, trẻ trung, đồng trăm xu vạn năng”. Trong Louis Lambert, tác phẩm mang ít nhiều nét tự thuật, nhà văn nói rằng “Phải có tiền, dù chỉ để không cần đến nó”. Năm 1950, kỷ niệm lần thứ 100 ngày Balzac qua đời, Pierre Abraham cảm ơn Balzac vì ông “đã xác định được với sự minh mẫn cực kỳ sắc sảo (…) căn bệnh hiện chúng ta vẫn đang đau”. Hai phần ba thế kỷ đã trôi qua, hình như chúng ta vẫn nên nhắc lại lời cảm ơn trên.

Với cuốn Emile hay là về giáo dục, những tư tưởng canh tân giáo dục của J. J. Rousseau có phải là vấn đề cốt lõi cần được khai thị trong mỗi người làm giáo dục hôm nay? Bà có tìm thấy sự đồng cảm nào với Rousseau trong những bất hạnh của đời ông qua tác phẩm Những lời bộc bạch, như lời trần tình của bản thân với công chúng và hậu thế?

Goethe coi Emile là “kinh Phúc âm của các nhà giáo”. Theo Rousseau, tiêu chuẩn để phân biệt con người với động vật là khả năng tự hoàn thiện của con người trong suốt cuộc đời. Con vật được dẫn dắt bởi một bản năng không lầm lẫn, chung cho giống loài của nó, nói theo ngôn ngữ thời nay thì như một thứ phần mềm được cài đặt, một thứ chương trình tự nhiên mà nó bị cầm tù, trong khi chẳng một chương trình nào giam hãm được con người một cách tuyệt đối. Trong Luận về nguồn gốc sự bất bình đẳng giữa những con người, Rousseau viết: “Một đằng lựa chọn hay cự tuyệt do bản năng, còn đằng kia thì do một hành vi tự do: điều này khiến con vật không thể đi chệch khỏi quy tắc đã được chỉ định cho nó, ngay cả khi làm vậy sẽ có lợi cho nó, còn con người lại thường hay đi chệch quy tắc để thiệt hại cho mình”. Chính vì tự do, vì không là tù nhân của một bộ mã tự nhiên hay lịch sử có tính quyết định nào mà con người là một sinh thể mang tính đạo lý, có thể tiến triển vô cùng tận, tàn nhẫn cực độ hay hào hiệp kỳ lạ, có thể thực hiện những điều tệ hại nhất hay những điều tốt đẹp nhất. Và sứ mệnh của giáo dục, theo Rousseau, chính là làm cho những tiềm năng tốt đẹp trong con người có thể được phát huy tối đa: “Làm người là nghề mà tôi muốn dạy Emile”.

Sinh thời Rousseau từng được hâm mộ nhiệt liệt, rồi bị đả kích, trục xuất, tác phẩm Julie tái bản đến đâu hết đến đó, còn Emile và Khế ước xã hội bị lên án, bị thiêu huỷ. Từ bấy đến nay, những tư tưởng mới mẻ và sâu sắc kỳ lạ của Rousseau không ngừng gây tranh cãi. Chẳng phải ngẫu nhiên mà cuộc triển lãm năm 2012, kỷ niệm 300 năm ngày sinh của Rousseau tại Genève, lại mang tiêu đề “Sống hay chết, ông sẽ luôn khiến người ta lo ngại bất an”.

Cách đây vài tháng, cùng trò chuyện về Rousseau và Những lời bộc bạch, nữ chiến sĩ, nhà báo và nhà văn Madeleine Riffaud bảo tôi: “Rousseau hiện đại vô cùng, tư tưởng của ông về quan hệ giữa con người với tự nhiên, về sự cần thiết của con người phải tìm lại sự hài hoà với thiên nhiên, rất có ý nghĩa, hiện nay đang nóng bỏng tính thời sự”.

Và tình trạng cô đơn của ông, sự xa cách dần của bạn bè trong nhóm Bách khoa toàn thư (thoạt tiên hồ hởi đón nhận ông), chủ yếu là vì những suy nghĩ độc đáo, những điểm khác biệt, có thể nói là đi trước các nhà Khai sáng, như niềm hoài nghi ở bước tiến của khoa học kỹ thuật, hoài nghi niềm tin ở lý tính trừu tượng và đơn thuần…

Những tác phẩm ấy cùng triết lý Phật giáo có vai trò thế nào trong đời sống tinh thần của bà?

Làm việc cũng là một cách giúp nguôi khuây những ý nghĩ u ám. Vả chăng, mọi người thường tranh giành nhau quyền lợi, địa vị, còn công việc thì nhiều lắm, tha hồ làm mãi không hết, chẳng mấy ai thích tranh giành.

Giống như trẻ thơ trong hầu hết các gia đình Việt Nam, thuở nhỏ tôi thường theo mẹ đi lễ chùa. Triết lý Phật giáo, theo tôi, giàu tính nhân văn và khoa học, với quan niệm vạn vật vô thường, với tinh thần khoan dung và đức từ bi, với niềm tôn trọng con người, coi con người là chủ nhân mọi hành vi của bản thân: “Phật tại tâm”. Triết lý ấy giúp con người vượt được nhiều khó khăn, tìm lại sự an tĩnh tâm hồn.

Như nhiều người, với tôi cuộc đời không luôn mang sắc hồng. Nỗi đau lớn nhất là mất người thân yêu. Bên cạnh tai hoạ ấy, những thiệt thòi khác, thí dụ như về công danh, quyền lợi… trở nên nhỏ nhoi, ít ý nghĩa.

Làm việc cũng là một cách giúp nguôi khuây những ý nghĩ u ám. Vả chăng, mọi người thường tranh giành nhau quyền lợi, địa vị, còn công việc thì nhiều lắm, tha hồ làm mãi không hết, chẳng mấy ai thích tranh giành. Mọi thứ đều có thể tìm ra lời giải. Nỗi đau cũng có thể giải hoà với nó. Làm việc cũng là một cách để cả tâm hồn và trí não đều bận rộn.

Cũng phải tập nuôi dưỡng những ý nghĩ và cảm xúc lành mạnh, trong trẻo, đồng thời gạt bỏ những gì tiêu cực. Tôi thường khuyên con cháu, mỗi khi bị những cảm nghĩ u tối ám ảnh, hãy mau mau bấm phím delete trong tâm tưởng!

Bà có một tình bạn rất đẹp với GS Đặng Thị Hạnh, điều gì đã khiến hai con người khác biệt về tính cách lại gần nhau?

Chúng tôi là một “bộ tứ” chơi rất thân với nhau ở trường đại học Tổng hợp, gồm Sâm, Châu, Huyền, Hạnh. Hạnh học với tôi từ năm 12 tuổi ở Đồng Khánh, sau này cùng dạy văn học Pháp ở khoa Văn. Châu là giáo sư ngôn ngữ học, Huyền dạy Anh văn… Huyền ra đi ngày 11.11.2011, bộ tứ giờ khập khiễng rồi, chỉ còn lại ba chúng tôi. Sự khác biệt về tính cách đôi khi khiến tình bạn thêm phong phú, và dường như làm cho mỗi người giàu có hơn về tâm hồn.

Trong khoa học, nghiên cứu, bà luôn quyết liệt, tranh luận tới cùng, nhưng ngoài đời bà lại rất dịu dàng. Điều gì ở người phụ nữ mà bà coi trọng nhất?

Với phụ nữ, với tất cả mọi người, tôi coi trọng sự trung thực, lòng nhân hậu. Đó cũng là những đức tính mà tôi được dạy dỗ từ nhỏ và cho đến giờ vẫn không ngừng tự rèn luyện.

Tôi cũng coi trọng lòng tự tôn, thói quen tự vấn, là điều mà tôi thấy hình như chưa được quan tâm đúng mức trong giáo dục ngày nay.

THỰC HIỆN: KIM YẾN
CHÂN DUNG HỘI HOẠ: HOÀNG TƯỜNG


(Theo Sài Gòn tiếp thị)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 96
  • Khách viếng thăm: 92
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 6538
  • Tháng hiện tại: 287652
  • Tổng lượt truy cập: 67262143