Lạ kỳ tiếng Việt đó đây - Kỳ 3 Làng Huế nói giọng... Quảng

Đăng lúc: Thứ năm - 15/11/2012 11:21
“Anh về làng “kìa sao vậy” làm chi rứa?”, chị chủ quán nước ở làng Phụng Chánh hỏi, khi biết tôi tìm về làng Mỹ Lợi gần đó.
Người Mỹ Lợi nói “kìa sao vậy” chứ không phải “răng rứa tề” như cách của người Huế. Họ phát âm và đặc biệt là giọng nói gần như giọng Quảng Nam. Giữa bốn bề giọng Huế, nhưng làng Mỹ Lợi lại nói bằng một giọng Quảng đậm đặc. Như một “ốc đảo” lạ!

Một sinh hoạt truyền thống ở làng Mỹ Lợi - Ảnh: Đào Hoa Nữ 

Làng... bẹ bẹ
“Chú hỏi về loòng (làng) tui à? Loòng tui thì có chi mà viết, chỉ có cái giọng nói bẹ bẹ thôi”, một cụ già đang vác cuốc vừa nói vừa chỉ đường. Cái chất giọng của cụ, nhất là cách phát âm chữ “làng” thành “loòng” thì đúng là giọng Quảng Nam.

Giải thích giọng Quảng của người làng mình, cụ Lại Cọi, 70 tuổi, nói “lơ lớ”: “Do trước đây tổ tông ông bà về cư ngụ ở đây để đánh có (cá), sau đó bỏ đi vào

Làng Mỹ Lợi cách Huế chừng 30km về phía đông, nằm trên dải cát giữa biển và đầm phá nay thuộc xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế.         

Tổ tiên của làng từ Lương Niệm, Quảng Xương, nay thuộc thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, theo Chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào Mỹ Lợi khai hoang lập ấp vào giữa cuối thế kỷ 16...                                                    

Đây là làng có bề dày văn hóa và nổi tiếng bởi truyền thống hiếu học, trọng chữ, thể hiện qua nhiều thế hệ dân làng học hành, đỗ đạt từ xưa đến nay. Hệ thống văn bản Hán Nôm cổ còn được làng gìn giữ rất có giá trị về mặt văn hóa lịch sử. Trong số đó có cả văn bản từ thế kỷ 17 liên quan đến chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam, đã được dân làng đồng thuận hiến tặng cho Nhà nước làm cơ sở đấu tranh đòi lại chủ quyền...                                                                        

Quảng Nôm (Nam) một thời gian rồi trở ra lại nên người làng tuồn (toàn) nói lai lai tiếng Quảng, nhưng nó lạt hơn một xí (tí). Giọng Quảng Nôm nhưng có Huế một xí”.

Điều này nhà nghiên cứu Chu Sơn cho rằng giọng làng ông chỉ có âm gần giống Quảng thôi, còn từ ngữ thì khác hẳn. Ông dẫn chứng: “Người Huế và người Quảng đều nói mô, tê, răng, rứa, nhưng người Mỹ Lợi lại nói là đâu, gì, sao, vậy, kìa...”. Ông nói: “Nếu so sánh nên đặt tam giác Huế, Quảng và Mỹ Lợi rồi dựa trên một số đặc điểm về âm và từ sẽ thấy khác biệt rất rõ (giữa giọng Mỹ Lợi và hai giọng còn lại - PV)!”.

Còn nhà văn Hồng Nhu cho rằng: “Rất có thể giọng Mỹ Lợi quê tôi ngày nay còn giữ nguyên chất giọng của gốc tổ Lương Niệm ở Sầm Sơn, Thanh Hóa xưa, cho dù đến nay giọng nói người làng Lương Niệm không còn giữ nguyên xi mà đã biến đổi mang chất Bắc!”.

Hơn 50 năm xa quê nhưng ông Nguyễn Phố, một giáo viên ngữ văn về hưu ở TP Huế, vẫn đặc sệt giọng Mỹ Lợi cả khi giảng dạy lẫn giao tiếp. Hồi còn trẻ rời làng đi học, ông cũng mặc cảm vì thấy giọng mình quá khác xung quanh. Nhưng càng ngày ông càng thấy giọng mình rất đỗi bình thường, thậm chí có phần tự hào vì đi đâu người làng cũng nhận ra nhau qua chất giọng rất riêng...

Ông Phố kể mấy năm trước con trai ông làm ăn ở Đà Lạt thật bất ngờ nhận ra một người đồng hương Mỹ Lợi thông qua giọng nói, dù người này cư ngụ ở Đà Lạt đã mấy chục năm, bởi “Người Mỹ Lợi tìm đồng hương rất dễ, cái chất giọng bẹ bẹ không lẫn vào đâu được!”.

Ông Phan Như Ý, phó chủ tịch UBND xã Vinh Mỹ, nói đùa: “Vũ trụ của làng Mỹ Lợi cũng khác. Xung quanh người ta gọi là sao Mộc, sao Thổ, sao Kim, còn làng tui thì sao kìa, sao vậy, sao sao...”. Theo ông Ý, càng vào sâu trong làng thổ âm càng nặng. Giọng “nặng” nhất là thôn 1 và thôn 2 - hai thôn ở phía biển.
 


Ngày 14-12-2009, dân làng Mỹ Lợi đã trao tặng văn bản quý liên quan đến chủ quyền Hoàng Sa cho Nhà nước - Ảnh: Thái Lộc 



Bữa giỗ hết... năm gánh phân

Câu chuyện về bữa giỗ giữa hai người Mỹ Lợi mà nhiều người đồng hương làng này trong cả nước thường nhắc với nhau khiến nghe qua ai cũng phì cười. “Hôm qua giỗ ông hết bao nhiêu mà linh đình vậy thím?”. “Hết năm gánh phân đó o (cô - PV)!”. Gánh phân, một trong những đơn vị tính được quy đổi quen thuộc của người làng Mỹ Lợi. Đóng tiền học cho con, sửa chữa nhà cửa, mua vật dụng gia đình và nhiều thứ tốn kém khác thường tính bằng đơn vị gánh phân.

Nó quan trọng bởi nghề vườn từng là nghề chính của làng Mỹ Lợi, vốn nổi tiếng thông qua câu ca: “Môn khoai Mỹ Á (làng thuộc xã Vinh Hải), mía mả Nam Trường (thuộc xã Vinh Giang), nương vườn Mỹ Lợi” mà ngày nay còn lưu truyền.

Ông Lại Cọi cho biết tổ tiên khi từ Thanh Hóa vào Mỹ Lợi, nghề biển được kế truyền mãi cho đến sau này. Làng còn làm ruộng, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải và dệt lưới cá... Song nghề biển vì bãi ngang nên khó làm, trong khi làm vườn rất được coi trọng. Hàng chục loại đặc sản vườn, từ cau, trầu, thuốc lá, môn, khoai, cam, quýt, ổi... của Mỹ Lợi nổi tiếng từ hàng trăm năm qua. Trời lại phú lợi thế về địa dư, có rú rậm (rừng cây bụi rậm rạp nằm giữa biển và khu dân cư) và nhiều khe nước chạy từ đầu đến cuối làng.

Sống trên đất cát pha thịt kém dưỡng chất, bằng kinh nghiệm và sự cần cù, người Mỹ Lợi hình thành một phương pháp làm vườn rất riêng, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng. Họ có cách bón phân rong, bổi (các loại cây bụi nhỏ) và bánh đậu phộng (đã ép dầu)... làm vườn tược trở nên tươi tốt. Người dân thường rủ nhau “đi phân” (khai thác rong) và “đi bổi” (chặt cây bụi) trên nhiều sông núi xa làng hoặc mua lại từ những làng lân cận. Họ đánh luống thẳng tắp, cách biệt bởi các rãnh nước rồi ủ phân trồng cây trái. Vườn Mỹ Lợi nhiều tầng bậc: trên cùng trồng cau, giữa là cam, quýt, chuối, còn dưới cùng là nhiều loại rau màu, củ quả, môn khoai..., có cái bán được quanh năm. Người Mỹ Lợi tự hào “chạy lóc xóc không bằng một góc vườn” là vì thế.

Nhà nghiên cứu Chu Sơn cho rằng có rất nhiều đặc trưng từ tổ tiên, địa hình, nghề nghiệp... đã vận vào vốn ngôn ngữ khá riêng biệt của Mỹ Lợi. Ông dẫn chứng thành ngữ từ xưa “rú tàn thì làng nát”, “mang lạc thì nát làng”... để chỉ tầm quan trọng của thiên nhiên, mà cụ thể là cái rú nằm trên dải cát ngăn cách giữa các cụm dân cư với biển vốn rất quan trọng đối với làng này. Ông nói: “Hiệu ứng dây chuyền của việc phá rừng làm mất đi sự ổn định về dân cư của Mỹ Lợi nói riêng, người Việt nói chung sống một bên rừng và bên biển. Tổ tiên từ xưa, do đó bảo vệ rú rất nghiêm ngặt, thành nên những câu thể hiện ý thức bảo vệ môi trường rất văn minh!”.

Ông Chu Sơn cho biết thêm: “Ở làng tui, dù rú với biển nằm cạnh nhau, muốn ra biển phải qua rú, nhưng người ta lại nói “đi vô rú, đi ra biển”, tại sao vậy? Vì tầm quan trọng của rú! Còn nữa, “đi ra chợ, đi vô làng”, tại sao vậy? Đó chính là quan niệm “trọng nông khí thương” thể hiện rất rõ trong vốn ngôn ngữ của làng”...

Thái Lộc
(Theo lophocvuive.com)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 92
  • Khách viếng thăm: 84
  • Máy chủ tìm kiếm: 8
  • Hôm nay: 12398
  • Tháng hiện tại: 293512
  • Tổng lượt truy cập: 67268003