Cất vó mùa mưa

Đăng lúc: Chủ nhật - 11/11/2012 20:40
Cất vó mùa mưa

Cất vó mùa mưa

Khi những cơn mưa đầu mùa bắt đầu rớt xuống miền châu thổ cũng là lúc cá đồng ra sông, tôm cá từ biển cũng ngược dòng tìm vào kênh rạch. Đây cũng là thời điểm người dân miền Tây dùng mọi phương tiện để đánh bắt, trong đó có một loại công cụ thường thấy nhất, nên thơ nhất ở vùng sông nước này là chiếc vó….



Để làm một chiếc vó, người ta phải bắc cầu, tùy theo bờ sông rộng hẹp, thường thì dao động từ 5 đến 10 mét. Ðầu ngoài của cây cầu có 4 cây nọc cao lên gần tới ngực để chịu lực cho cả cần và gọng vó. Trục sắt bắt vào 2 nọc cầu sao cho đầu ngoài sông của khúc cây nặng có thể kéo cao lên hay gục xuống nước được, theo nguyên tắc đòn bẩy. Phía đầu ngoài sông, bốn cây tre chắc và dài bắt vào đầu khúc cây nặng, tạo thành hình cái quang gánh, chữ thập. Phần chính của vó là một miếng lưới hình vuông cột vào 4 đầu cây tre, mỗi cạnh của lưới chừng 5 đến 7 mét tùy theo vó lớn hay vó nhỏ. Lưới hơi chùng xuống như một cái võng vuông khổng lồ, thường chiếm cả phân nửa chiều ngang của sông rạch.


Cất vó cũng phải theo con nước thủy triều mà người trong nghề gọi là con nước rằm và con nước 30. Lúc ấy nước chảy mạnh và tôm cá cũng theo con nước mà đi kiếm ăn. Theo quan sát thông thường của người không phải trong nghề thì cứ nghĩ là cất vó chỉ bắt được tôm cá khi vừa đi vào trong vó, nếu không đúng thời điểm đó thì cá sẽ đi qua khỏi miệng chiếc vó. Nhưng với người trong nghề thì không nghĩ vậy! Bởi kỹ thuật làm vó và đặt vó đều được tính toán từ trước.

Thường thì phần lưới của vó có độ dùn để khi nước chảy lưới trở thành một cái tùng có độ sâu hơn cả thước tính từ viền lưới. Mặt khác, chiếc vó đặt xuống có độ nghiêng, viền lưới phía đầu của dòng chảy chìm sâu xuống nước gần sát dáy sông. Còn viền lưới phía cuối dòng chảy dao động ở mức ngang bằng với mặt nước, hoặc thấp hơn chút ít. Cũng có khi cao hơn mặt nước chừng 1 phân, nếu không có cỏ rác trôi trên sông. Vì vậy, khi tôm cá đi ngang qua vó, gặp phải tùng lưới đành quanh quẩn ở đó. Tất nhiên, những con cá lớn vào đó lâu sẽ tìm đường thoát ra được. Người có kinh nghiệm biết khi nào cá đi nhiều hay ít mà chủ động cất vó đúng lúc để tóm được những chú cá kém may mắm.

Nghề cất vó được xem là công việc nhàn hạ nhất trong các cách đánh bắt cá tôm. Nhưng, cũng vất vã lắm vì phải thức khuya và phải canh chừng cứ 5 – 10 phút là cất vó lên một lần. Người trong nghề cho biết, ban đêm tôm cá đi nhiều hơn ban ngày và lúc trời mưa cũng nhiều hơn lúc trời tạnh. Vì vậy, nên đêm hôm mưa gió người làm nghề này vẫn miệt mài với công việc của mình.

Để có chỗ che mưa, che nằng thường người ta che một cái chòi lá cạnh chiếc vó của mình. Thậm chí nơi ấy còn là chỗ ăn, nghỉ khi vào con nước rong, tôm cá đổ về. Trong những đêm mưa dầm, bên bếp lò đỏ rực than hồng có vài chú cá tươi mới vớt từ vó lên đem nướng, nhâm nhi với vài chung rượu đế cho ấm người để thức canh cất vó thâu đêm...

Hầu như vùng sông nước miền Tây nơi nào cũng có người làm nghề cất vó. Vùng sông rạch ven biển vào mùa mưa thì bắt cá kèo, cá chốt. Miệt ngọt hóa bán đảo Cà Mau thì đón cá đồng ra kênh rạch khi trời mưa lụt kéo dài. Vùng Đồng Tháp Mười thì bắt cá linh khi mùa nước nổi tràn về. Bất cứ địa hình nào, sông rộng, kênh hẹp gì cũng có thể chọn vị trí để làm vó được. Ngày trước, người làm nghề kỹ lưỡng phải cân nhắc dòng chảy, địa hình để tìm nơi để đặt vó, hay còn gọi là nơi máng vó.

 

Khi đã tìm được chỗ, họ phải lặn xuống san lấp cho mặt đáy của lòng máng bằng phẳng, mò những rác rưởi, rong rêu, chà tre, chướng ngại cho quang đãng, sạch sẽ để vó khi cất lên, hạ xuống không bị vướng. Đó là những người chuyên nghề này như là một phương tiện mưa sinh. Còn bây giờ, tôm cá ít đi, người ta làm vó là để kiếm cá ăn trong gia đình, nếu có nhiều mới đem ra chợ bán. Vì thế, chiếc vó thường được chọn vị trí ngay bến sông trước nhà cho tiện chứ không câu nệ lắm về dòng chảy, địa hình.

 

Có chiếc vó trước nhà không lo nhà thiếu thức ăn, cứ chịu khó buông cần vó xuống thì ít nhiều cũng có tôm, có cá. Và, cứ mỗi lần cất vó luôn cho ta cảm giác phập phồng, trông đợi và thích thú. Nhà thơ Hữu Thỉnh, từng miêu tả cảnh cất vó bằng những vần thơ mộc mạc, chân phương qua cách quan sát đầy tinh tế của mình:

Chiếc vó bè đã đặt xuống rồi
Đặt đúng chỗ phập phồng hôm trước

Sóng miên man hao hụt cả hoàng hôn
Bác ngư dân nhọc nhằn cất cả bóng mình lên.

Nước cả sóng to cá đàn ham sống
Cố lách qua hy vọng của con người

Chiếc vó bè lại đặt xuống rồi
Đặt đúng chỗ đợi chờ hôm trước
Bác ngư dân lại bắt đầu thử sức
Với dòng sông với bầy cá tinh ranh

Ngày nào cũng là ngày đầu tiên, lần nào cũng là lần đầu tiên
Lòng kiên nhẫn cho người thêm mắc lưới

Chiếc vó bè lại đặt xuống rồi...

 

Hết con nước rong, người ta treo vó lên chờ đến con nước kế tiếp… Dù treo lủng lẳng trên trời hay đang chao mình xuống dòng nước, thì hình ảnh chiếc vó luôn nên thơ và gợi nhớ trong mỗi chúng ta về con sông quê yên ả, thanh bình…

 

Để rồi ai đó xa quê khi nhớ về dòng sông kỷ niệm, nhớ mùa mưa cho tôm cá đi về… Và, sẽ không quên tiếng kẽo kẹt sớm khuya xen lẫn sự phập phồng, chờ đợi khi mỗi lần cất vó!


(Theo lophocvuive.com)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 416
  • Khách viếng thăm: 408
  • Máy chủ tìm kiếm: 8
  • Hôm nay: 54590
  • Tháng hiện tại: 1920369
  • Tổng lượt truy cập: 48294496