Ghi nhận qua những ngày đầu xử phạt vi phạm theo Nghị định 46

Đăng lúc: Thứ tư - 10/08/2016 13:29
Từ ngày 1-8, Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26-5-2016 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, thay thế Nghị định 171/2013 và Nghị định 107/2014, chính thức có hiệu lực. Theo đó, có nhiều sự điều chỉnh về các quy định mức phạt tiền, hình thức xử phạt bổ sung hay biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông (ATGT).
Lực lượng Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ trên QL1.
Lực lượng Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ trên QL1.

Đại tá Trần Hoài Bảo, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ (PC67), Công an tỉnh cho biết: Để công tác triển khai thực hiện Nghị định 46/2016/NĐ-CP bắt đầu từ ngày 1-8 trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả, Phòng PC67 đã tổ chức phổ biến các điểm mới của Nghị định 46/2016/NĐ-CP cho toàn lực lượng Cảnh sát giao thông trong tỉnh.

Trong đó, tập trung tuyên truyền các quy định mới, các quy định tăng hình thức phạt tiền, hình thức phạt bổ sung như: Xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ phương tiện, xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi lái xe đang bị cơ quan có thẩm quyền tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) nhưng lại thực hiện hành vi vi phạm mới cũng bị tước quyền sử dụng GPLX, người ngồi ghế sau xe ô tô có trang bị dây an toàn nhưng không thắt dây an toàn, chở hàng quá tải trên 150% tải trọng cho phép…

Bên cạnh đó, Phòng PC67 còn tham mưu Ban Giám đốc Công an tỉnh triển khai kế hoạch phổ biến các điểm mới của Nghị định 46/2016/NĐ-CP đến cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị cũng như lực lượng Công an huyện, thành phố và thị xã. Đồng thời, đơn vị còn phối hợp với Phòng PX15 (Công an tỉnh), Báo Ấp Bắc, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh để tuyên truyền, phổ biến các điểm mới của Nghị định 46/2016/NĐ-CP, cũng như tăng cường tuyên truyền lưu động tại các khu vực trung tâm, khu đông dân cư… để giúp người dân nắm được những quy định mới của Nghị định 46/2016/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-8.

Theo số liệu thống kê của PC67, trong 2 ngày đầu tiên xử phạt các hành vi vi phạm trật tự ATGT theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP, lực lượng Cảnh sát giao thông đã phát hiện, xử phạt hơn 183 vụ vi phạm, tạm giữ 45 phương tiện và tước GPLX 47 trường hợp.

Tương tự, lực lượng Thanh tra giao thông vận tải (GTVT), Sở GTVT cũng đã kiểm tra, xử lý hàng chục trường hợp vi phạm. Nhìn chung, đa phần người dân đã nắm được quy định, một số còn bỡ ngỡ nhưng sau khi giải thích đều chấp hành với thái độ tích cực.

Ông Huỳnh Văn Nguyện, Phó Giám đốc Sở GTVT, Chánh Thanh tra GTVT tỉnh trao đổi: Sở GTVT đã tổ chức tập huấn và phổ biến những điểm mới trong Nghị định 46/2016/NĐ-CP để lực lượng Thanh tra GTVT, cũng như một số bộ phận nghiệp vụ liên quan quán triệt và áp dụng. Đồng thời, Thanh tra GTVT còn phối hợp với các lực lượng chức năng khác để tăng cường tuyên truyền về những quy định mới trong Nghị định 46/2016/NĐ-CP để người dân được rõ.

Cũng theo ông Nguyện, Nghị định 46/2016/NĐ-CP gồm 5 chương và 82 điều (tăng 4 điều so với Nghị định 171), quy định chế tài xử phạt tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, bảo đảm tính răn đe và khả thi thực hiện; đồng thời bổ sung đầy đủ hành vi vi phạm và sửa đổi một số nội dung cho phù hợp với quy định của các văn bản (mới) hướng dẫn thi hành Luật Giao thông đường bộ, Luật Đường sắt nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, khắc phục triệt để những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 171 và Nghị định 107.

Đặc biệt, Nghị định 46/2016/NĐ-CP điều chỉnh mức phạt tiền đối với 152 hành vi, nhóm hành vi trong lĩnh vực đường bộ gồm: Nhóm vi phạm về nồng độ cồn; vi phạm tốc độ, vi phạm trên đường cao tốc, quy tắc giao thông, chở hàng quá tải trọng cho phép của phương tiện, nhóm hành vi chở hàng quá tải trọng cho phép của cầu, đường; các hành vi vi phạm liên quan đến kinh doanh vận tải đường bộ và kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Đặc biệt, Nghị định 46/2016/NĐ-CP tập trung vào việc tăng nặng chế tài với các hành vi uy hiếp ATGT. Cụ thể: Đối với nhóm vi phạm về nồng độ cồn, Nghị định 46 tăng mức phạt tiền tất cả hành vi của tài xế ô tô: Tăng mức phạt từ 10 - 15 triệu đồng lên 16 - 18 triệu đồng đối với người có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở (mức 3), tước GPLX từ 4 - 6 tháng.

Đối với người điểu khiển mô tô, xe máy vi phạm về nồng độ cồn, mức phạt cũng tăng. Vi phạm ở mức 3 sẽ bị phạt 3 - 4 triệu đồng, tước GPLX 3 - 5 tháng. Cũng theo Nghị định mới, người điều khiển mô tô, xe máy đi vào đường cao tốc sẽ bị phạt tiền 500.000 - 1 triệu đồng thay vì mức 200.000 - 400.000 đồng trước đây.

Nghị định cũng bổ sung quy định, nếu dùng chân để điều khiển vô lăng ô tô khi xe đang chạy trên đường bị phạt từ 7 - 8 triệu đồng. Mức phạt này cũng áp dụng đối với hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng. Trường hợp vi phạm quy định này mà không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ hoặc gây TNGT sẽ bị phạt tiền từ 18 - 20 triệu đồng.

Bên cạnh đó, tăng mức phạt đối với người điều khiển ô tô trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy. Cụ thể, tước quyền sử dụng GPLX từ 22 - 24 tháng (trong trường hợp có GPLX) hoặc phạt tiền từ 16 - 18 triệu đồng (trong trường hợp không có GPLX hoặc có nhưng đang bị tước quyền sử dụng GPLX) đối với người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy. Theo Nghị định 171 thì hành vi vi phạm này chỉ bị phạt từ 8 -10 triệu đồng.

Nghị định cũng tăng mức phạt đối với lái xe và chủ phương tiện vận chuyển hàng hóa vi phạm quy định về vận tải đường bộ các mức từ 20% - 50%, 50% - 100%, 100% - 150%. Đối với lái xe, mức phạt cao nhất khi chở quá tải trên 150% sẽ phạt tiền từ 8 - 12 triệu đồng.

Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện còn bị tước quyền sử dụng GPLX 3 - 5 tháng, bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, buộc phải hạ phần hàng quá tải, dỡ phần hàng vượt quá kích thước quy định.

Nghị định 46/2016/NĐ-CP tập trung tăng nặng mức xử phạt các hành vi vi phạm trong lĩnh vực đường bộ và đường sắt là hết sức cần thiết để tạo sức răn đe vì từ trước đến nay do mức phạt hành vi vi phạm còn nhẹ nên nhiều người do trình độ nhận thức còn hạn chế khi bị xử phạt chỉ nghĩ cứ nộp phạt là xong, mà không ý thức được những hậu quả đối với xã hội và với chính bản thân mình.

Mức phạt cao mà Nghị định 46/2016/NĐ-CP đưa ra không nhằm mục tiêu thu tiền của người vi phạm, mà chủ yếu mang tính giáo dục, cảnh báo, ngăn ngừa người tham gia giao thông vi phạm, đặc biệt là những hành vi tiềm ẩn nguy cơ gây hậu quả nghiêm trọng trong thời gian qua như: Uống rượu, bia khi lái xe, vượt đèn đỏ, lạng lách, đánh võng…

PHÙNG LONG
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 219
  • Khách viếng thăm: 218
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 46428
  • Tháng hiện tại: 2491318
  • Tổng lượt truy cập: 48865445