"Nữ kiệt leo dừa" ở Miền Tây
Hãy chia sẻ cảm xúc của bạn
Đã xem: 902
Thích: 1
Không thích: 0
Đã ngoài 50 tuổi nhưng bà Nguyễn Thị Mười Hai, ấp Bờ Xe, xã Thạnh Phú (Châu Thành, Tiền Giang) được mệnh danh "Nữ kiệt leo dừa" ở Miền Tây. 30 năm làm nghề, hầu hết cây dừa xứ này đều in dấu chân bà.
Theo sự chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Mười Hai. Đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh một người phụ nữ đã ngoài 50 tuổi, dáng người nhỏ nhắn, khỏe khoắn đang chuẩn bị xe đẩy, dây thừng, lưỡi liềm, nón tay bèo...để bắt đầu cuộc mưu sinh, kiếm sống trên ngọn dừa.

Bà kể cho chúng tôi nghe về cái duyên đã đưa bà đến với nghề leo dừa, lúc nhỏ khoảng 12 tuổi bà cùng đám bạn hay leo trèo bẻ cau, bẻ dừa, và thích cái cảm giác được ở trên cao nhìn xuống đất thấy những dáng người ly ti. "Từ những lần nghịch ấy mà tôi trở nên leo trèo giỏi từ khi nào không biết"- bà Mười Hai nói.

Vì kế sinh nhai 17 tuổi bà chính thức mưu sinh bằng nghề "mưu sinh trên ngọn dừa". Cũng từ đó, cánh đàn ông phải thán phục biệt tài leo dừa của bà. Cái dáng người nhỏ nhắn, chân yếu tay mền của người con gái miền quê dần dần trở nên cơ bắp, lực lưỡng từ lúc nào bà cũng không hay. Cả đôi bàn chân, bàn tay, cái ngực, cái bụng cũng sần sùi chẳng kém thân cây dừa mà ngày ngày bà leo hái trái. 

Năm 23 tuổi bà lập gia đình, cứ nghĩ mình sẽ không phải sống bằng nghề leo dừa, đã có một bờ vai vững chãi che chở cho bà. Thế nhưng, gia đình quá nghèo, đi làm thuê cuốc mướn nhưng cũng chẳng mấy khi được người ta thuê. Sau nhiều đêm trăn trở thế là...máu leo trèo lại nổi lên, bà lại tiếp tục công việc leo dừa thuê sau khi cưới chẳng được mấy ngày.

Công việc leo dừa của bà không chỉ ở trong huyện mà hễ ở đâu có ai thuê là bà cứ tìm tới để bẻ dừa. Và bây giờ không chỉ ở tỉnh Tiền Giang mà cả khu vực miền Tây nói chung thì có thể nói bà Mười Hai là người phụ nữ hiếm hoi sống bằng nghề leo dừa. 

Công việc nghe qua khá đơn giản, nhưng khi chứng kiến được cảnh bà leo lên những cây cao vút mới thấy được nó ẩn chứa muôn vàn nguy hiểm, có thể mất mạng bất cứ lúc nào. Công việc vất vả là thế, nhưng thu nhập chẳng là bao, cứ leo hái mỗi cây dừa, dù dừa khô hay dừa tươi thì được trả giá 8.000đồng, dọn vệ sinh dừa thì được trả 15.000 đồng/cây. Những ngày khỏe mạnh, bà có thể leo từ 40-50 cây dừa.

Một lần bà làm mọi người phải kinh hồn thất vía khi bà đang mang thai cậu con út, ở nhà 1 mình, leo trèo quen chân, bà lén ra cây dừa cạnh nhà leo hái dừa khô. Nào đâu, mới lên đến nữa cây bà hoa mắt té xuống cũng may không ảnh hưởng đến đứa con trong bụng. Bà Mười Hai cười vui nói: "Tui tập cho thằng út leo dừa từ ngày còn trong bụng, vậy mà tới giờ này nó vẫn không leo trèo được".

Bà Mười Hai cũng cho biết: "Cái khó khăn trong nghề leo dừa không phải là độ cao, mà khó khăn nhất là khi lên tới ngọn gặp phải những tổ ong, tổ kiến và cả những con rắn cũng đang mưu sinh trên ngọn dừa...Những lúc đó, tôi chỉ biết tuột xuống 1 cách chí mạng...".

Bây giờ mái đầu bà Mười Hai đã có hơn một nữa sợi bạc, nếp nhăn đã hằng in trên khuôn mặt rám nắng, nhưng "cái máu" leo trèo vẫn nguyên vẹn như ngày nào. Ngày ngày, bà vẫn đeo bám trên những ngọn dừa cao vút trong sự thán phục của mọi người. Bà vẫn thoăn thoát leo trèo như cái thuở đôi muơi. Và như hiểu được số phận mình phải gắn bó với cái nghề này nên bà cũng không chạnh lòng trước những khó khăn. Bởi đây là công việc mưu sinh, là chén cơm, manh áo là nguồn nuôi dưỡng của cả một gia đình.

Bà Mười Hai tâm sự: "Bây giờ còn leo nổi thì ráng leo, khi nào hết leo nổi thì nghỉ. Chứ gia đình không có đất đai, không leo dừa thì biết làm nghề gì để mà sống, làm thuê thì bấp bênh, ít người thuê. Tui cũng đang tập cho thằng út nó leo dừa để nó nối nghiệp tui mà lo cho gia đình".

Ngoài việc leo dừa giỏi nhất Miền Tây, bà Mười Hai còn được biết đến là một vận động viên quen thuộc của giải việt dã do báo Ấp Bắc tổ chức. Bà tham gia chạy từ năm 2002 đến nay và đạt được nhiều thứ hạng cao. "Mỗi lần tới giải là tôi nôn nao, năm nào bận việc không chạy được năm đó tôi thấy buồn vô cùng" - bà nói.

Hơn 30 năm leo dừa, hầu hết các cây dừa xứ này đều in dấu chân của bà và bà cũng không nhớ rõ mình đã leo được bao nhiêu cây dừa, chỉ biết có những cây ngang đầu nay đã cao ba, bốn chục thước. Và cái hạnh phúc lớn nhất với bà Mười Hai là sau bao năm leo trèo, nay đã cất được một căn nhà khang trang thay cho căn nhà tạm bợ, dột nát trước đây và nuôi lớn đàn con nên người.

Chia tay bà Mười Hai, chúng tôi vẫn còn cảm nhận được cái vẻ đẹp bình dị và hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, hiên ngang kiên trung tỏa sáng giữa cuộc sống đời thường, sống hi sinh vì chồng vì con và vì cái nợ với nghề...
MINH TOÀN (ĐÀI PT-TH TIỀN GIANG)
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 218
  • Khách viếng thăm: 217
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 47102
  • Tháng hiện tại: 2279652
  • Tổng lượt truy cập: 46246885