Hồi đó, anh tôi đã mang về hai khúc cây đầy gai, lớn hơn ngón chân cái, trồng trước cổng nhà. Ngày qua ngày, nó ra cành và vượt lên cao. Lần đầu thấy nó trổ bông, má tôi khen đẹp. Anh tôi uốn thành vòng cung và chống cành tre để nó bò thành vòm theo lối vô nhà. Mùa nắng, cổng nhà tôi rực màu bông giấy và cứ ai hỏi thăm đường đến nhà tôi đều được hàng xóm chỉ rằng: “Cái nhà có giàn bông giấy!”.
Minh họa: LD |
Đám cưới anh tôi vào mùa bông giấy ra hoa. Cái bảng “Tân hôn” được ghép bằng những hột gạo nhuộm thuốc đỏ treo chễm chệ trên cổng có vòm bông giấy, chung quanh bó đủng đỉnh. Ngày đón dâu, trước khi bước vào nhà tôi, chị dâu ngước lên nhìn những chùm bông giấy rực rỡ bông rồi mỉm cười, song đôi với anh tôi qua cổng.
Nhà tôi ở giữa khoảng đồng không lớn lắm, nhưng cách chợ khá xa. Năm ba bữa má hoặc chị dâu mới quảy gánh đi chợ một lần, mỗi lần đi phải đốt đuốc từ ba giờ khuya. Năm đó chị dâu đau bụng sanh con đầu lòng. Bà mụ vườn không có ở nhà, nên phải để chị nằm lên võng khiêng đi. Chị dâu đẻ rớt dọc đường và bị băng huyết.
Hai người đàn ông đã khiêng võng chạy cật lực nhưng không giành được chị dâu khỏi tay thần chết. Anh tôi ôm đứa con đỏ hỏn gục khóc bên quan tài của vợ. Tiếng ru cháu của má tôi như làm rung rung giàn bông giấy trước nhà. Mắt anh tôi lúc nào cũng như có đám mây sắp mưa, những khi anh ngó ra vòm bông giấy.
Ngày xưa anh tôi yêu thầm và biết chị thích bông giấy. Anh cũng giả bộ lân la, tán tụng giàn bông giấy trước nhà của chị và xin nhánh về trồng, bảo với chị rằng: “Trồng bông giấy làm cổng rào để treo bảng Tân hôn”. Sau này nghe chị kể, tôi thường chọc hai người là “chuyện tình giàn bông giấy”.
Không có chị dâu, giàn bông giấy ra nhánh um tùm cũng như râu tóc anh trai tôi bùm xùm mà anh không cắt tỉa. Tôi bắc ghế chặt những nhánh thòng xuống để không vướng đầu người. Con bé Rớt (má tôi gọi nó như vậy vì sanh nó dọc đường) biết đi lẩm chẩm, lượm những bông giấy đỏ thẫm rơi rụng trước cổng bỏ vào gáo dừa đưa cho cha.
Anh tôi thở dài, định đốn bỏ giàn bông giấy nhưng ba má tôi ngăn lại. Thời gian là loại thuốc nhiệm mầu xoa dịu những nỗi đau. Đám giỗ đầu của chị dâu, anh tôi đã tỉa tót lại giàn bông giấy và râu tóc anh cũng nhẵn nhụi hơn. Tôi mừng vì nỗi đau trong lòng anh đã tạm lắng xuống.
Con bé Rớt biết khen bông giấy đẹp và cũng là lúc anh tôi dẫn về nhà một người phụ nữ khác. Bảng “Thành hôn” cũng treo đúng vào cái chỗ cũ, cô dâu là gái lỡ thì. Má tôi nói: “Anh mày biết chọn vợ, tính tình không biết sao nhưng tướng tá chắc là mau có con lắm!”.
Chị dâu mới hàng đêm thắp hương cho chị dâu cũ. Anh tôi đã được 365 ngày hạnh phúc. Bé Rớt không còn nhìn mẹ kế bằng ánh mắt xa lạ. Một hôm, chị dâu tôi đội nắng trưa với cái bụng lùm lùm, trên ghi đông xe đạp là hai chậu bông giấy đỏ thắm đầy hoa.
Anh tôi trông đứng, trông ngồi, thấy chị về mồ hôi thấm áo lại chở bông giấy lùm xùm, chạy ra chưa kịp cằn nhằn thì vợ cười tươi: “Em lên tận làng hoa tìm mua 2 chậu bông này, anh đem để ngoài mộ chị cho chị vui!”.
Anh tôi vuốt mồ hôi trên trán vợ với vẻ mặt đầy biết ơn. Tôi hiểu, vì có lần vui miệng, tôi đã kể về câu chuyện giàn bông giấy trước nhà cho chị dâu sau nghe. Bé Rớt đưa mẹ kế tách nước mát, nó mân mê chùm hoa và khen đẹp.
Thoáng chốc đã hai mươi năm. Hai cây bông giấy ngoài mộ đã nhiều lần thay chậu, vẫn trổ bông đỏ chùm chùm mỗi độ giêng, hai. Anh tôi tóc bạc muối tiêu, vẫn chăm chút giàn bông giấy trước nhà. Chị dâu sau vẫn đêm đêm cung kính thắp nhang cho chị dâu lớn.
Bé Rớt học xong đại học và sắp có chồng, cái bảng Vu Quy chắc chắn sẽ treo trước giàn bông giấy như đám cưới ba với mẹ. Con lộ trước nhà đã nới rộng thêm ba mét và láng nhựa. Thằng Thành đòi đốn giàn bông giấy xây cổng rào để chó khỏi bị bắt trộm. Nghe nó nói, mắt anh tôi tối lại. Chị dâu trừng mắt: “Không được, muốn xây cổng thì lùi vô trong. Chừng nào tao với ba mày theo má lớn thì tụi bây tính sao cũng được!”.
Bé Rớt ngước đôi mắt nhìn những chùm bông giấy đu đưa (sao giống đôi mắt chị dâu lớn ngày mới bước qua cổng rào nhà tôi như tạc), nó nói với đứa em khác mẹ: “Ba mẹ của mình yêu bông giấy lắm em à!”.
Ý kiến bạn đọc