Qua một năm phát động (ngày 19/5/2009 - 19/5/2010), Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được 340 bài dự thi các thể loại. Cụ thể bài dự thi thể loại báo chí là 142 bài (tăng gần gấp đôi so với cuộc thi năm thứ nhất) bao gồm báo in 108, truyền hình 27, phát thanh 7); văn học - nghệ thuật là 198 tác phẩm, bao gồm: ca khúc 30 bài của 24 tác giả, ca cổ 31 bài của 24 tác giả, kịch ngắn 5 tác phẩm của 5 tác giả (đây là thể loại dự thi mới trong năm 2009 - 2010), thơ 71 bài của 53 tác giả, văn xuôi 132 bài của 121 tác giả.
Về chất lượng các tác phẩm: Đối với báo chí, so với năm 2008 - 2009, số lượng tác phẩm dự thi năm 2009-2010 tăng về số lượng và có sự nâng lên về chất lượng. Các tác phẩm dự thi phản ánh khá toàn diện việc hưởng ứng thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" ở các ngành, các cấp, các địa phương trong tỉnh, có tác dụng tuyên truyền, giáo dục tốt trong cán bộ, đảng viên và trong cộng đồng dân cư. Các tác giả dự thi đã chịu khó thâm nhập thực tế, để nắm bắt khai thác và thực hiện tác phẩm một cách sinh động, đầy thuyết phục, bằng các thể loại báo chí thích hợp, cùng với sự trau chuốt cách thể hiện, văn phong, từ ngữ, cú pháp, các tác giả đã thành công trong việc chuyển tải tư tưởng, nêu bật tấm gương trong sáng, cao cả về đạo đức cách mạng, phong cách xử thế... của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tấm gương trọn đời cống hiến hy sinh cho lý tưởng Cộng sản, cho nước, cho dân; ý chí nghị lực vượt qua mọi khó khăn, tuyệt đối tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân; lòng vị tha nhân ái, tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; nếp sống giản dị, khiêm tốn. Một số tác phẩm phản ảnh sinh động những gương tập thể và cá nhân làm theo "tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh", tiêu biểu có phóng sự truyền hình: "Những tấm lòng vì sự nghiệp trăm năm trồng người ở huyện Cai Lậy" của nhóm phóng viên Công Thức - Nguyễn Bảy và ký sự "Lắng đọng câu chuyện về "bà mụ" thời nay" của tác giả Hạnh Nga.
Về Văn học - nghệ thuật, số lượng tác phẩm tham gia tăng gấp 3 lần so với năm phát động đầu tiên (2008 - 2009), nhất là về thể loại văn xuôi; số lượng tác giả tham gia cũng nhiều so năm trước, ngoài những tác giả chuyên nghiệp, điểm đáng chú ý trong năm 2009-2010 là số lượng tác giả dự thi là cán bộ công chức, sinh viên, học sinh chiếm trên 50%. Mặt khác, các cuộc vận động sáng tác do các sở, ngành tổ chức (như ngành Giáo dục, Công an), các Trung tâm Văn hoá thông tin huyện, Ban Tuyên giáo huyện tổ chức cũng đã cung cấp một số lượng bài vở khá nhiều trong cuộc thi.
Các tác giả đã đầu tư suy nghĩ, cảm xúc, nghiên cứu tư liệu khá tốt; số tác phẩm đi đúng vào chủ đề cuộc thi trên 80%, nhất là khía cạnh trọng tâm là "làm theo" rất được chú ý; việc khai thác đề tài đa dạng, với nhiều khía cạnh khác nhau, phản ánh được sự sinh động đang diễn ra ngoài cuộc sống trong quá trình thực hiện cuộc vận động ở từng ngành nghề, từng địa phương; đặc biệt năm nay xuất hiện thể loại kịch ngắn, một thể loại khó và đòi hỏi nhiều công phu; mỗi tác phẩm, mỗi tác giả đã thể hiện những phong cách nghệ thuật riêng theo tính chất đặc thù của từng thể loại như Văn học, Âm nhạc, Sân khấu...
Các tác giả đã biết khai thác nhiều thể loại như: văn học có mẩu chuyện, bút ký, truyện ngắn, thơ mới, thơ Đường luật...; sân khấu có ca cổ, ca cảnh, chặp cải lương, kịch ngắn; âm nhạc có hành khúc, ca khúc trữ tình với các giai điệu phong phú, xúc cảm; hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm được khai thác phong phú, nhất là hình tượng Hồ Chí Minh rất sâu sắc, bật lên được tấm lòng của Bác với dân với nước, thấm đẫm những phẩm chất đạo đức để mọi người học tập; hình tượng, sự kiện, chi tiết thể hiện trong các tác phẩm không chỉ dừng lại ở lý luận chung chung về tấm gương đạo đức của Bác mà đã nổi lên trong từng tính cách, từng chi tiết, từng hành động trong cuộc sống, chiến đấu và lao động của toàn xã hội trong việc học tập gương đạo đức cao quý của Bác. Nhìn chung đa số tác phẩm đã tạo được hiệu quả thẩm mỹ khá tốt, nâng cao nhận thức tư tưởng và cảm xúc cho công chúng. Từ đó, các tác phẩm đã góp phần tuyên truyền cuộc vận động và cổ vũ mọi người học tập, làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách tự giác, tích cực và đạt hiệu quả.
Kết quả, trên lĩnh vực văn học nghệ thuật tuy chưa có nhiều tác phẩm đạt giải nhất (có một giải nhất của tác giả Liên Phương với bài ca cổ "Gương Bác sáng mãi đời ta"), nhưng có thể nói các tác phẩm đạt giải nhì của năm nay đã có sự đầu tư khá kỹ của các tác giả cả về tính nghệ thuật và nội dung chuyển tải, tiêu biểu như: bút ký "Bông sứ trắng" của tác giả Ngọc Thủy, "Người con đất giồng" của Phan Lê Nhỏ; truyện ngắn "Ông tiên Bác Hồ" của Nguyễn Minh Tâm; của Tố Tâm với bài thơ "Nhớ Bác"; các ca khúc "Về làng sen nhớ Bác" của Võ Quang Đảm, "Nói về Người" của Ngô Ngọc Hùng; Lê Phát Thượng với bài ca cổ "Con xin học một đời", Ngọc Lệ với bài "Trồng cây nhớ Bác"; kịch ngắn "Thuốc đắng giả tật" của Hoàng Ly...
Dù đã đạt được nhiều kết quả tốt, nhưng cuộc thi năm nay (2009 - 2010) vẫn còn một số mặt cần tiếp tục nghiên cứu rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng sáng tác tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí trong thời gian tới như:
Về báo chí, việc phát động, động viên người tham gia dự thi ở cơ sở năm nay còn chưa đều, số lượng tác phẩm báo viết có tăng lên, nhưng chất lượng một số tác phẩm còn hạn chế, nặng về văn phong báo cáo, cách thể hiện tác phẩm chưa hay, thiếu vận dụng kỹ năng nghiệp vụ để nâng cao tính thuyết phục. Nhiều tác phẩm dự thi chưa bám sát chủ đề cuộc thi. Chất lượng tác phẩm truyền hình tuy có tăng lên so với năm trước, hình ảnh, âm thanh hài hòa, rõ đẹp hơn, nhưng vẫn còn ít tác phẩm đơn điệu, cách thể hiện lời bình chưa lay động, thuyết phục được người xem Đài; các tác phẩm phát thanh dự thi còn quá ít, một số tác phẩm vừa dự thi thể loại phát thanh, vừa truyền hình, nhưng việc dàn dựng còn đơn giản, giống nhau cả nội dung và cách thể hiện, chưa thể hiện rõ đặc thù của từng loại hình phát thanh, phát hình.
Với văn học - nghệ thuật, một số tác phẩm còn ca ngợi lãnh tụ chung chung, chưa đi vào khía cạnh "làm theo" của cuộc vận động; một số tác phẩm chưa đi vào cuộc sống thực tiễn, thiếu sức thuyết phục; một số hình tượng chi tiết cũ, đã được thể hiện ở các tác phẩm trước; ngôn ngữ hình ảnh có lúc bị sáo mòn; giai điệu một số ca khúc chưa phù hợp với nội dung, ca từ tân, cổ nhạc còn nặng về chính luận, "hô khẩu hiệu", làm hạn chế cảm xúc thẩm mỹ; về văn xuôi nhiều bài nặng về bình luận, báo chí không phù hợp với yêu cầu thể hiện cảm xúc văn học nghệ thuật.
Ban Tổ chức cuộc thi đã chọn 78 tác phẩm để trao giải, trong đó Văn học - Nghệ thuật có 46 giải, Báo chí 33 giải.
Mã an toàn:
Ý kiến bạn đọc