Ông gửi lại thế hệ sau sự khiêm nhường, giản dị rất đặc trưng con người xứ Nghệ với phẩm chất vượt gian khó, giàu nhiệt huyết với quê hương, xứ sở. Thế hệ đồng trang lứa với ông vẫn nhớ tới một nhà báo phát thanh xông pha, chịu khó đi thực tế để tìm kiếm những va đập từ đời sống tươi xanh, làm sáng tỏ những tầng lý luận khô xám. Bởi với ông, nghề văn cũng như nghề báo phải có vốn sống dồi dào và quá trình lao động gian khổ, công phu...Những cuộc tranh luận văn chương nghệ thuật thẳng thắn trong làng văn, làng báo nói một thời cho thấy tính cách quyết liệt không khoan nhượng với sự tẻ nhạt, nhàm chán.
Quá trình tham gia thanh niên cứu quốc, rồi bí thư thanh niên, làm báo thời kháng chiến với nhiều cương vị...đã tích lũy trong ông nhiều kinh nghiệm quý. Hai con người văn chương-báo chí hòa làm một và được thể hiện trong các tác phẩm văn học, đặc biệt là bộ tiểu thuyết 3 tập “Xóm thợ Trường Thi” và trong công tác quản lý Ban biên tập Văn nghệ (nay sáp nhập vào Hệ Văn hóa-Đời sống-Khoa giáo VOV2 - Đài Tiếng nói Việt Nam).
Bộ tiểu thuyết là kho tư liệu quý báu, ngoài giá trị văn học đã ghi lại những chi tiết quan trọng của một giai đoạn cách mạng không thể nào quên. Những câu chuyện thông qua hình tượng văn học đã làm sống dậy những trang lịch sử trên quê hương Xô Viết.
Với tư cách Trưởng Ban Văn học nghệ thuật, ông đã cùng các đồng nghiệp xây dựng một đơn vị văn nghệ uy tín, ngôi nhà văn chương quy tụ nhiều thế hệ nhà văn, nghệ sỹ tên tuổi, giàu nhân cách và có tầm ảnh hưởng trong giới cầm bút; trở thành địa chỉ tin cậy, nồng ấm tình cảm bạn bè của nhiều lớp văn nghệ sỹ nước nhà. Cùng với những nhà văn, nhà thơ như Trần Hữu Thung, Minh Huệ, Võ Văn Trực, Nguyễn Bùi Vợi..., Hoàng Ngọc Anh đã góp vào nền văn học Việt Nam một tiếng nói sâu đậm, giàu bản sắc của văn học xứ Nghệ...
Như một lẽ tự nhiên, ông đã không chiến thắng được quy luật nghiệt ngã “Sinh lão bệnh tử”. Những ngày đau ốm đã ngăn trong ông sức sáng tạo, những dữ lượng ăm ắp vẫn còn dồi dào từ cuộc sống, tuổi thơ và những năm kháng chiến. Tình yêu thương của gia đình, hàng xóm, bè bạn đã giúp ông trụ vững trong cơn đau bệnh tật liên miên. Những ngày cuối đời, trong ánh sáng le lói chút bấc dầu cạn kiệt, trí nhớ mờ dần, ông vẫn nhắc tới một vài người bạn thân thiết như những kỷ niệm cuối cùng gắn ông với cuộc đời rộng lớn ngoài kia.
Vĩnh biệt nhà văn Hoàng Ngọc Anh, chúng ta thêm tin vào những bài học làm người, những ứng xử giản dị mà ấm áp tình bè bạn, thân hữu, sẽ luôn đồng hành với văn chương, với sự nghiệp của những người làm báo nói. Trong dòng người tiếc thương, như thấy có những con người cần lao lấm lem dầu mỡ mà sáng rỡ tâm hồn, giản dị bước ra từ trang sách cúi đầu tiễn biệt ông-nhà văn đậm đà xứ Nghệ./.
Ý kiến bạn đọc