Những người giữ hồn Nam Bộ

Đăng lúc: Thứ sáu - 06/04/2012 08:05
Những người giữ hồn Nam Bộ

Những người giữ hồn Nam Bộ

Trải qua bao biến thiên dâu bể, tưởng chừng như những nét văn hoá truyền thống đậm chất dân gian của miền sông nước Nam bộ chỉ còn lại trong ký ức của người già. Nhưng có những người con của mảnh đất này vẫn ngày đêm nỗ lực dồn công sức bảo tồn và lưu truyền tinh hoa nghệ thuật độc đáo cho thế hệ trẻ. Họ là những nghệ nhân dân gian…

Lão “xà ích” cuối cùng

Xe thổ mộ là loại phương tiện đi lại phổ biến ở Sài Gòn – Gia Định và những vùng quê lân cận vào những năm 40, thế kỷ XIX. Theo sử sách lược ghi, xe thổ mộ bắt nguồn từ cỗ xe song mã của Pháp, sau đó được người dân miền Nam chế tác lại phù hợp với điều kiện và địa hình của miền quê sông nước. Hình ảnh chiếc xe ngựa với những tiếng kêu lách cách và cặp bánh gỗ to đã trở nên thân thương, quen thuộc với bao thế hệ người miền Nam. Trải qua thời gian, xe thổ mộ đã dần vắng bóng, người ta chỉ có thể nhìn ngắm nó qua những bức ảnh hay trong các viện bảo tàng văn hoá dân gian. Vậy mà đến ngày nay, ở mảnh đất Bình Dương có một ông lão ngoài 80 tuổi vẫn chung thuỷ một đời làm anh “xà ích” (người đánh ngựa).

Chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Văn Hai – tức Hai Sộp (ấp Hưng Thọ, Hưng Định, Thuận An, Bình Dương) để được gặp lão “xà ích” cuối cùng của đất Nam bộ, người đã gắn bó hơn nửa cuộc đời với những chiếc xe thổ mộ. Trong căn nhà cấp bốn chật hẹp, ông Hai dành một phần trang trọng cho chiếc xe thổ mộ cổ, ông coi đó như “báu vật” của người xưa truyền lại. Dù đã trải qua gần 1 thế kỷ lăn bánh, nhưng chiếc xe vẫn chắc chắn, không bị năm tháng làm hư hại. Nhấp ngụm trà đặc quánh, ông Hai nhìn về hướng xa xăm, hồi tưởng lại những năm tháng rong ruổi cùng chiếc xe thổ mộ khắp miệt vườn Nam bộ.

Ông kể, nhà ông có ba đời làm nghề xà ích, từ đời cụ thân sinh là nghệ nhân Trần Văn Ký, học trò cưng của cụ Văn Văn Luốc, ông tổ nghề chế tạo xe thổ mộ có tiếng của xứ Nam kỳ. Ngày ấy, dân từ các tỉnh phía Nam đổ xô về xưởng của ông đặt hàng làm xe ngựa đông không đếm xuể. Xe của ông Ký vừa gọn nhẹ, tiện dụng, bền đẹp mà giá cả lại bình dân. Có năm, nhà ông phải thuê thêm 7 - 8 người thợ để phụ việc. Sau khi cha ông qua đời, ông Hai lại kế nghiệp cha, vừa làm anh “xà ích” vừa tiếp quản xưởng sửa chữa, đóng mới xe thổ mộ.

Vài năm trở lại đây nhiều người đến Bình Dương lùng mua xe thổ mộ cũ về làm kiểng nên loại xe này giờ cũng cạn kiệt. Nhiều chủ xe cũng giải nghệ, chỉ còn ông vẫn đeo đuổi với nghề. Ông coi đấy là cái nghiệp mà khi còn nằm trong bụng mẹ đã nên duyên với nghề. Trong giai đoạn kinh tế khó khăn, người dân không còn mặn mà với xe thổ mộ, ông và gia đình phải xuôi ngược khắp nơi tìm mối đặt hàng để giữ nghề. Tên tuổi của lão nghệ nhân Hai Sộp đã đến với các đạo diễn làm phim. Họ tìm đến ông thuê xe thổ mộ, phục vụ trong các bộ phim về Nam bộ xưa. Ông Hai cũng từng góp mặt trong nhiều bộ phim như: Công tử Bạc Liêu, Đất phương Nam...

Hơn nửa đời người gắn bó với xe thổ mộ, ông đã sưu tầm được những vật liệu chế tạo xe như: nhíp, trục, nhông… ngót nghét trăm năm tuổi. Nhiều người đến hỏi ông mua với giá cao, nhưng ông nhất quyết không bán mà chỉ lưu truyền lại cho thế hệ con cháu về sau. Ông có 6 người con nhưng chỉ có hai người quyết chí nối nghiệp cha làm nghề chế tạo xe thổ mộ. Chia tay chúng tôi ông Hai bùi ngùi rằng, không sợ nghèo đói, chỉ sợ lớp trẻ sau này không nhìn thấy xe thổ mộ, một nét sinh hoạt văn hoá cộng đồng rất đặc trưng của vùng Đông Nam bộ xưa, ký ức về xe sẽ phai mờ, rồi mất hẳn.

Nghệ nhân vẽ tranh trên kiếng

Trên chặng hành trình đi tìm những nghệ nhân giữ hồn Nam bộ xưa, chúng tôi xuôi theo con đường tỉnh DT 745 đến thị trấn Lái Thiêu (Thuận An, Bình Dương) để tìm gặp người thợ vẽ tranh trên kiếng nổi tiếng một thời của đất Nam kỳ, nghệ nhân Trương Cung Thơ.

Tranh kiếng là một loại hình nghệ thuật dân gian xuất hiện vào những năm cuối thế kỷ XX, được người dân Nam bộ ưa chuộng và xem như một nét văn hoá đặc sắc. “Ngày trước, do nhu cầu của người dân cần các loại tranh thờ, tranh phong cảnh để chưng trong nhà, thay thế cho các bức tranh bằng giấy nhanh hỏng và không sinh động nên cha tôi tự mò mẫm cách vẽ tranh trên kiếng. Ban đầu ông chỉ vẽ trang trí trong nhà nhưng dần dần được mọi người yêu thích và đến đặt hàng ngày càng đông”, ông Sáu kể lại. Công việc làm ăn phát triển, ông Trương Tường (cha của ông Sáu Thơ) mở rộng quy mô sản xuất, thành lập cơ sở vẽ tranh kiếng Mỹ Tân và dạy nghề cho nhân công. Dưới bàn tay đào tạo của ông, nhiều người đã đứng ra tự lập xưởng vẽ tranh riêng. Sản phẩm tranh kiếng Lái Thiêu được xuất khẩu sang nhiều nước như Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc…

Sau khi cha qua đời, ông Sáu tiếp tục nối nghiệp, phát triển nghề vẽ tranh kiếng theo nhiều trường phái khác nhau. Đến những năm thập niên 50 của thế kỷ XX, nghề vẽ tranh kiếng gặp khó khăn, do chiến tranh ác liệt, kinh tế sa sút, người dân không đủ khả năng chơi tranh kiếng. Nhiều cơ sở vẽ phải chuyển nghề hoặc phá sản, chỉ có ông Sáu vẫn “trung thành” với nghề cha ông để lại.

Năm nay, dù đã ngót ngét 80 tuổi, nhưng ông Sáu vẫn miệt mài bên bàn vẽ những bức tranh công phu và tỉ mỉ. Trong đôi mắt tinh anh của người nghệ sĩ già, dường như năm tháng không làm tình yêu nghề suy giảm. Những trải nghiệm của cuộc sống đã được ông thổi hồn vào những bức tranh sinh động. Ít ai biết rằng, ông Sáu đã từng phải làm chân cu li ở bến cảng, đạp xích lô thồ hàng để kiếm tiền nuôi sống gia đình. Cái nghề tranh kiếng có lúc thăng, lúc trầm, nhưng ông vẫn một dạ thuỷ chung gìn giữ nghề cha ông truyền lại. Đó là cái duyên, cái nợ với đời.


(Theo Báo Nông Nghiệp Việt Nam)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới