Một thoáng Việt Nam

Đăng lúc: Thứ tư - 12/12/2012 10:38
Hàng năm, các trường Phổ thông trong cả nước đều tổ chức cho học sinh tham quan. Hiệu quả của các chuyến tham quan, do đó, cũng sẽ tùy thuộc vào nội dung chương trình, vào sự chuẩn bị và cách thức tổ chức của những người thực hiện.
Xét về mặt lý luận, việc tổ chức cho học sinh  tham quan là một trong những hoạt động ngoại khóa nhằm giúp các em có thêm nhiều kiến thức và trải nghiệm. Những vùng đất, những con người, những công việc, những sinh hoạt ở những nơi các em đã đến và đã hòa mình sẽ góp phần hình thành kỹ năng sống trong học sinh – một yêu cầu bức thiết đối với giới trẻ hiện nay.


Nhà rường Huế ở Một Thoáng Việt Nam

Đi, không chỉ để học hỏi và trải nghiệm, mà còn để có dịp tình thầy trò , tình bạn bè được gắn bó và thắt chặt hơn. Đi., để giảm stress sau những ngày học tập miệt mài, căng thẳng . Do đó, không có gì là lạ, khi hầu hết những chuyến tham quan đều được đa số học sinh nhiệt liệt hưởng ứng! Tất nhiên, vấn đề còn lại  là ở chỗ : đi đâu, đi như thế nào và đi để làm gì ?

Tôi biết đến “Một thoáng Việt Nam” trong một lần tình cờ lang thang trên các tờ báo mạng. Đó chỉ là những lời giới thiệu tổng quan về Khu du lịch làng nghề, với một số hình ảnh kèm theo. Không một lời quảng bá ồn ào, khoa trương. Tìm hiểu qua bạn bè, người quen trong ngành du lịch, tôi cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu: không biết ! Quyết định chọn “Một thoáng Việt Nam”, thầy trò lên đường với một niềm tin còn mơ hồ ! Tuy vậy, tất cả những gì thầy trò chúng tôi thu thập và cảm nhận được trong ngày chủ nhật hôm đó, thật hết sức bổ ích, vượt xa những mục tiêu ban đầu của chuyến đi. Với mục đích bảo tồn văn hóa Việt , giữ và truyền lại cho các thế hệ người Việt những nét đặc sắc của các vùng văn hóa Việt Nam, “ Một thoáng Việt Nam” thực sự là một bảo tàng “sống” , là không gian thu nhỏ về đời sống kinh tế, văn hóa , nghệ thuật của các dân tộc cùng sống chung trên dải đất Việt Nam.


Khu không gian đất nước

Hình tượng quả trứng , lấy ý  tưởng từ truyền thuyết “Trăm trứng nở trăm con” được chọn làm cổng chào của khu du lịch, là một sự gợi nhớ về nguồn cội tổ tiên, về tinh thần đoàn kết của các dân tộc Việt Nam. Tôi đặc biệt ấn tượng với Khu vườn Tuyên ngôn. Ba phiến đá, khắc bài Thơ Thần (Lý Thường Kiệt), một đoạn trong “Bài Cáo Bình Ngô”(Nguyễn Trãi), một đoạn trong “Tuyên ngôn Độc lập”(Hồ Chí Minh) - chừng ấy là đã đủ khắc dấu ấn những chặng đường đấu tranh gìn giữ độc lập, chủ quyền của quốc gia- dân tộc.

Là giáo viên lịch sử, tôi thật hạnh phúc khi được cùng học sinh của mình ngắm nhìn và nghe thuyết minh về các hiện vật lịch sử được trưng bày tại Khu không gian đất nước. Đền thờ xã tắc với bàn thờ được đắp bằng đất và nước lấy từ các danh thắng, các địa điểm lịch sử trong cả nước như đất ở Lũng Cú, Điện Biên, ở đỉnh Hồng Lĩnh, núi Tản Viên, Cổ Loa, Lam Sơn, thành nhà Mạc, nhà Hồ, nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, ở một đảo nhỏ ngoài vịnh Hạ Long, mũi Cà Mau…những địa danh có ý nghĩa hết sức to lớn trong hành trình dựng nước và giữ nước của biết bao thế hệ người Việt. Trước đền Xã tắc còn trưng bày ba cây cọc gỗ Bạch Đằng, những cây cọc đã góp phần làm nên những trận thủy chiến oai hùng năm xưa. Những bài học lịch sử , không gian lịch sử, cảm xúc lịch sử, như hội tụ tất cả, trong phút giây này, trong lòng thầy trò chúng tôi. Có một điều gì đó thật thành kính, thật tâm linh. Có một điều gì đó gần giống như cách dạy lịch sử tại thực địa, một trong những phương pháp dạy học lịch sử vẫn thường được khuyến khích hiện nay.

Chúng tôi cũng đã đến thăm và tìm hiểu kiến trúc nhà ở đặc trưng cho các vùng miền Việt Nam: nhà Nam bộ, nhà Bắc bộ, nhà mái lá Bình Định, nhà rường Huế, nhà dài của dân tộc Ê-đê, nhà Rông của người Bana….Đó là những ngôi nhà được dựng đúng như nguyên mẫu ở những vùng, miền đã sản sinh ra các kiểu nhà ấy, bằng chính những người thợ của các vùng , miền tụ hội về. Qua đó, chúng tôi hiểu sâu sắc hơn, thú vị hơn về nếp ăn, nếp ở, về tính cách của người Việt ở mỗi vùng, miền trong cả nước, hiểu thế nào là sự đa dạng trong thống nhất của nền văn hóa Việt Nam.



Một góc nên thơ

Một điều dễ nhận ra ở đây, đó là sự có mặt rất thường xuyên của Bản đồ Việt Nam ở nhiều khu trưng bày. Bản đồ Việt Nam tại hành lang về nguồn, phía dưới có dòng chữ: Việt Nam- Tổ quốc của chúng tôi. Lời lẽ thật khiêm tốn, nhưng không giấu được nét tự hào. Ở một góc trưng bày khác, có một bản đồ Việt Nam được làm bằng gỗ lấy về từ 64 tỉnh thành trong cả nước. Càng không thể không nhắc đến bức tranh thêu hoa lấy ý tưởng từ bản đồ Việt Nam hình chữ S. Thật phong phú và đa dạng! Điều đó, có nghĩa là, bên cạnh văn học và lich sử, kiến thức địa lý, mà nhất là địa lý kinh tế, chiếm một dung lượng đáng kể trong khu du lịch này.

“Một thoáng Việt Nam”  còn đặc biệt và nổi bật hơn với các làng nghề truyền thống Việt Nam. Có những nghề, các em học sinh đã từng nghe, từng biết đến: nghề nông, nghề làm gốm, nghề dệt, nghề thêu….Nhưng, cũng có những làng nghề, lần đầu tiên, các em được nghe, được nhìn thấy: nghề làm giấy dó, nghề làm vàng quỳ, sơn son thếp vàng… Nhìn những sản phẩm thủ công tinh xảo từ tay nghề của những người thợ tài hoa, các em ồ lên đầy thán phục. Không chỉ được quan sát, được nghe giải thích, các em còn được tự tay làm thử một số công đoạn, làm một lần, hai lần, ba lần…..làm đến khi nào cho được mới thôi. Thật vui và thú vị với những cảm giác mang tính trải nghiệm như thế.

Một ngày ở nơi đây, thầy trò chúng tôi đã  nhận được quá nhiều điều mới mẻ, thú vị, bổ ích. Thực sự, chúng tôi rất ấn tượng và cảm phục ý tưởng, tâm huyết của những người đã tạo ra một không gian bảo tồn văn hóa Việt hiếm có như vậy. Đúng như lời nhận xét của Nghệ sĩ nhân dân Trần Hiếu trong một lần đến tham quan nơi này: Phải yêu nước lắm, yêu dân tộc và nền văn hóa đến mức sâu đậm như một thứ tôn giáo mới có thể làm được những điều đáng ngưỡng mộ như thế.

Xin được cảm ơn Cô Tuyết Nga, chủ nhiệm khu du lịch làng nghề “Một thoáng Việt Nam”,cảm ơn những người đã làm nên một làng nghề hôm nay. Đặc biệt, xin hết sức cảm ơn sự nhiệt tình, năng động , giỏi nghề của những hướng dẫn viện trẻ  nơi đây...Tất cả những gì chúng tôi cảm nhận được trong chuyến tham quan vừa qua thực sự là niềm hạnh phúc, là trải nghiệm thú vị trong hành trình khám phá những nét đẹp trong văn hóa và tâm hồn Việt. “Một thoáng Việt Nam”, với những đặc trưng như đã nêu trên, thực sự là điểm đến dành cho các chuyến tham quan, du khảo của các thầy cô giáo, các em sinh viên, học sinh!


Linh Kiều
(Theo lophocvuive.com)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết