Nông dân giỏi trên vùng Đồng Tháp Mười

Đăng lúc: Thứ tư - 18/12/2013 09:29
Sau 20 năm thành lập huyện, Tân Phước hôm nay đã có nhiều thay đổi. Hộ giàu, hộ khấm khá ngày một nhiều thêm với những cách làm hay, mô hình hiệu quả; hộ nghèo khó ngày càng giảm. Điển hình trong những nông dân gắn bó với quê hương Tân Phước, lập nên cơ nghiệp vững vàng từ bàn tay, khối óc của mình có ông Đỗ Văn Oanh.
Ông Đỗ Văn Oanh báo cáo tại Hội nghị Nông dân sản xuất- kinh doanh giỏi huyện Tân Phước năm 2013.
Ông Đỗ Văn Oanh báo cáo tại Hội nghị Nông dân sản xuất- kinh doanh giỏi huyện Tân Phước năm 2013.

Ông Đỗ Văn Oanh sinh năm 1957, ngụ ấp 4, xã Tân Hòa Thành, hiện đang sản xuất trên diện tích 1,5 ha đất. Trước đây, ông chỉ có 0,5 ha đất do cha mẹ cho lúc ra riêng. Sau 10 năm cần cù, chịu thương, chịu khó canh tác, tích lũy vốn liếng qua những vụ mùa bội thu, ông mua thêm được 1 ha, nâng tổng quỹ đất lên 1,5 ha như hiện nay.

Cách làm ăn hiệu quả của ông thể hiện tư duy mới trong sản xuất nông nghiệp thời kỳ đổi mới và hội nhập. Đó là không chăm bẳm độc canh cây lúa, mà thay vào đó là chuyển đổi cơ cấu sản xuất trên nền đất lúa theo hướng đa dạng hóa cây trồng; đồng thời mở mang chăn nuôi gia súc, gia cầm, ứng dụng rộng rãi tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong quá trình thâm canh nhằm giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế.

Nếu như trước đây chỉ chuyên tâm vào trồng lúa năng suất cao thì sau năm 2000, ông chú trọng chuyển đổi sản xuất trên nền đất lúa thông qua việc áp dụng mô hình luân canh vụ lúa + màu. Cụ thể, trong vụ hè thu, ông trồng lúa nếp, sang vụ thu đông lên liếp trồng dưa hấu.

Khi thu hoạch dưa hấu xong, ông trồng 1 vụ bắp ngọt. Hết vụ bắp lại chuyển trở lại trồng lúa nếp. Ông và gia đình tất bật trong năm với lịch thời vụ nghiêm ngặt như thế. Tuy vất vả, đòi hỏi nhiều công sức, nhưng bù lại nguồn thu cao hơn hẳn so với khi còn độc canh cây lúa mỗi năm 3 vụ như trước.

Đáng chú ý, nhận thấy cây màu trồng dưới chân ruộng không chỉ thuận lợi nhiều mặt, mà còn sinh lợi hơn hẳn cây lúa, bởi đầu ra ổn định và bán được giá, vài năm trở lại đây ông còn chuyển hẳn 0,5 ha đất sang trồng dưa leo, khổ qua, ớt... quay vòng liên tục trong năm.

Nhờ chú trọng áp dụng những tiến bộ kỹ thuật thâm canh màu như: dùng màng phủ nông nghiệp, bón phân cân đối, sử dụng phân hữu cơ vi sinh, phòng trừ sâu bệnh kịp thời... nên đã mang lại cho ông những vụ màu bội thu, được mùa, trúng giá, thu nhập cao. Chỉ riêng 0,5 ha đất trồng màu, mỗi năm ông thu lợi nhuận 130 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn tận dụng diện tích mặt nước mương vườn nuôi ếch thương phẩm theo mô hình an toàn sinh học.

Ông làm 4 vèo nuôi ếch có diện tích 100 m2 trên mặt ao, trong ao thả nuôi thêm cá sặt rằn. Mỗi vụ ếch kéo dài 3 tháng, ông thu lãi hàng chục triệu đồng - một nguồn lợi lớn cho kinh tế hộ.

Hiện nay, qua mô hình luân canh lúa + màu, kết hợp nuôi thủy sản nước ngọt với các đối tượng nuôi như: ếch, cá sặt rằn... có giá trị thương phẩm cao, hàng năm ông thu lãi ròng 250 triệu đồng. Ông Đỗ Văn Oanh trở thành điển hình nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền.

Bản thân ông với bề dày thành tích và kinh nghiệm sản xuất hiệu quả, ông còn được bầu làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khuyến nông xã Tân Hòa Thành. Những bài học kinh nghiệm và phương pháp tổ chức sản xuất của ông được nhân rộng trong nông dân, động viên bà con canh tác, khai thác hợp lý và hiệu quả đất đai, góp phần xây dựng Đồng Tháp Mười mỗi ngày thêm thịnh vượng hơn.

Mộng Tuyết
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 219
  • Khách viếng thăm: 218
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 21352
  • Tháng hiện tại: 2520738
  • Tổng lượt truy cập: 48894865