Hạ tầng giao thông phải “đi trước”.
Nghị quyết 10-NQ/TU đặt ra mục tiêu là tăng cường đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi đáp ứng yêu cầu phát triển từng vùng, liên vùng và toàn tỉnh. Nhìn một cách tổng thể, trong chiến lược phát triển về kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, UBND tỉnh giao Sở Giao thông - Vận tải chủ trì cùng với các đơn vị có liên quan phối hợp với Bộ Giao thông - Vận tải đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án do Trung ương đầu tư trên địa bàn tỉnh như: Dự án Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; cầu Rạch Miễu 2; cầu Mỹ Thuận 2; nâng cấp mở rộng kinh Chợ Gạo giai đoạn 2 với vốn đầu tư trên 1.476 tỷ đồng hiện đang được Bộ Giao thông - Vận tải xem xét sử dụng nguồn vốn WB hoặc nguồn vốn từ Dự án Phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam để đầu tư trong thời gian tới; hoàn thành tuyến tránh Quốc lộ 1 qua TX. Cai Lậy; nâng cấp đồng bộ các công trình cầu trên Quốc lộ 1; xây dựng hoàn chỉnh nút giao thông Thân Cửu Nghĩa trên tuyến đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; nâng cấp mở rộng Quốc lộ 30; Dự án Cải tạo nạo vét sông Cửa Tiểu, sông Soài rạp, sông Vàm Cỏ.
Còn đối với từng vùng kinh tế - đô thị, tỉnh cũng xác định đầu tư hạ tầng giao thông có ý nghĩa quan trọng trong việc kết nối nội vùng và liên vùng nên được tập trung thực hiện trong thời gian tới. Đối với Vùng kinh tế - đô thị Trung tâm, trong kế hoạch phát triển sẽ tập trung triển khai Dự án Đường tỉnh 878; phối hợp trong việc đầu tư xây dựng tuyến kết nối trục đô thị TP. Hồ Chí Minh - Long An - Tiền Giang; đầu tư đường lộ Dây Thép kết nối huyện Châu Thành với TX. Cai Lậy, đầu tư đường tỉnh 877 kết nối Vùng kinh tế - đô thị phía Đông của tỉnh, nâng cấp đường huyện 35 thành đường tỉnh 880, nâng cấp mở rộng đường tỉnh 866, mời gọi đầu tư đường tỉnh 877C… Bên cạnh đó, tỉnh, địa phương sẽ tập trung nâng cấp và xây dựng mới các cảng trên luồng hàng hải thuộc sông Tiền, trong đó triển khai nâng cấp, mở rộng Cảng Mỹ Tho có khả năng tiếp nhận tàu biển đến 5.000 DWT và sản lượng hàng hóa qua cảng đạt công suất từ 800 ngàn tấn đến 1 triệu tấn/năm. Một trong những điểm nhấn trong đầu tư hạ tầng giao thông đối với Vùng kinh tế - đô thị Trung tâm có lẽ bắt đầu từ Dự án Đường Hùng Vương nối dài và khu dân cư hai bên đường. Đây là dự án được kỳ vọng mở ra nhiều triển vọng kết nối giao thương không chỉ nội vùng mà còn với các tỉnh, thành khác, nhất là đối với TP. Hồ Chí Minh. Theo dự kiến, thời gian đầu tư dự án bắt đầu từ năm 2018 - 2020, với kinh phí đầu tư khoảng 2.200 tỷ đồng. Hiện tại, Dự án Đường Hùng Vương nối dài và khu dân cư hai bên đường đang được thực hiện các bước thủ tục theo quy định.
Trên cơ sở lợi thế, tiềm năng, nhất là lợi thế về phát triển công nghiệp và kinh tế biển, đối với Vùng kinh tế - đô thị phía Đông, tỉnh sẽ huy động nguồn vốn đầu tư vào các dự án quan trọng có tính liên kết vùng nhằm tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, phát triển cả vùng như: Đường tỉnh 877C, đường tỉnh 877; nâng cấp đường huyện 18 thành đường tỉnh 872 và xây dựng cầu mới Đồng Sơn trên đường tỉnh 872 để kết nối với tỉnh Long An; đồng thời đầu tư đường huyện 13 để đấu nối đường tỉnh 872 với đường tỉnh 873, nâng cấp đê sông Tra thành đường giao thông để phát triển vùng trồng thanh long xã Đồng Sơn với huyện Chợ Gạo. Bên cạnh đó là đầu tư hệ thống giao thông gắn với các tuyến phà qua huyện Tân Phú Đông và bến phà kết nối giữa huyện Tân Phú Đông với tỉnh Bến Tre. Chưa kể, tỉnh dự kiến đầu tư và thu hút đầu tư cảng biển tổng hợp trên sông Vàm Cỏ để phát triển công nghiệp của vùng và thu hút đầu tư các cảng trên luồng hàng hải thuộc sông Soài Rạp, xây dựng mới cảng tổng hợp tại Vàm Giồng để phát huy lợi thế của Cụm công nghiệp Vàm Giồng.
Ý kiến bạn đọc