Năm 2010, qua thống kê của Sở VH-TT&DL, toàn tỉnh có 121 câu lạc bộ (CLB), đội, nhóm ĐCTT, với trên 1.000 thành viên tham gia hoạt động ĐCTT thường xuyên. Tuy nhiên, số nghệ nhân, nghệ sĩ giỏi nghề, chơi đúng bài bản của tài tử thì chưa nhiều, đa phần chỉ ca được bài vọng cổ và vài bài bản vắn của cải lương, hay một vài bài bản tài tử...
Tiền Giang là vùng đất có bề dày về lịch sử văn hóa, là cái nôi của sân khấu cải lương Nam bộ và là nơi phát triển khá sôi nổi phong trào đờn ca tài tử (ĐCTT). Mảnh đất này đã sản sinh ra nhiều nghệ sĩ tài danh mà giọng ca, ngón đờn đã trở thành bất tử trong lòng người mộ điệu.
Từ khi có Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) năm 1998 về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, phong trào ĐCTT của tỉnh đã được khơi dậy mạnh mẽ thông qua các cuộc hội thi, liên hoan, thi sáng tác, tập huấn, giao lưu ĐCTT ở các cấp…, góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát huy loại hình nghệ thuật độc đáo này của Tiền Giang nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung trong quá trình giao lưu văn hóa với thế giới.
|
Biểu diễn trích đoạn cải lương vào tối thứ sáu hàng tuần tại rạp hát Thầy Năm Tú (phường 1, TP. Mỹ Tho). |
Xuất phát từ thực tế nêu trên, đầu năm 2012, Sở VHTT&DL đã xây dựng Đề án “Bảo tồn, phát huy nghệ thuật ĐCTT tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2012 - 2015”, đã được UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, từ đầu năm 2013 đến nay, Sở VH-TT&DL phối hợp với Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả nhiều nội dung của Đề án như:
Tọa đàm về nghệ thuật ĐCTT; tổ chức cuộc thi sáng tác lời mới bài bản tài tử; liên hoan ĐCTT cấp tỉnh; tổ chức 5 lớp tập huấn ĐCTT ở 5 huyện trong tỉnh, với gần 400 học viên dự học; thực hiện đĩa CD Cung bậc sông Tiền, đĩa DVD Hát về Bác Hồ kính yêu phát hành về cơ sở; xuất bản tập bài ca Hương sắc Tiền Giang phục vụ khách du lịch; tổ chức biểu diễn giao lưu ĐCTT - trích đoạn cải lương định kỳ hàng tháng tại rạp hát Tiền Giang (nay là rạp hát Thầy Năm Tú). Từ đầu tháng 7-2015 đến nay, đã tổ chức biểu diễn giao lưu ĐCTT - trích đoạn cải lương định kỳ vào tối thứ sáu hàng tuần tại rạp hát Thầy Năm Tú.
Qua 3 năm triển khai thực hiện các nội dung của Đề án, đã huy động hàng ngàn lượt tài tử trong tỉnh tham gia, phục vụ có hiệu quả nhu cầu hưởng thụ và sinh hoạt văn hóa của nhân dân ở nhiều địa phương, cơ sở trong tỉnh, góp phần tích cực xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, bảo tồn - phát huy loại hình nghệ thuật độc đáo này của tỉnh.
Ngày 5-12-2013, nghệ thuật ĐCTT Nam bộ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Bộ VH-TT&DL đã công bố Chương trình hành động Quốc gia bảo vệ và phát huy nghệ thuật ĐCTT Nam bộ. Căn cứ Chương trình hành động Quốc gia của Bộ VH-TT&DL vào thực tiễn phong trào của địa phương, đầu năm 2016, Sở VH-TT&DL tỉnh sẽ trình UBND tỉnh Đề án “Bảo tồn, phát huy nghệ thuật ĐCTT tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2016 - 2020”.
Với nội lực của phong trào, Tiền Giang sẽ triển khai thực hiện tốt Chương trình hành động Quốc gia bảo vệ và phát huy nghệ thuật ĐCTT Nam bộ, đặc biệt là đẩy mạnh công tác tuyên truyền giá trị của di sản văn hóa ĐCTT sâu rộng trong cộng đồng; tôn vinh - khen thưởng những nghệ nhân có nhiều công lao bảo tồn nghệ thuật ĐCTT tại các địa phương; phát huy loại hình nghệ thuật này của tỉnh phát triển một cách bền vững.
Ý kiến bạn đọc