Ngày 28-9-2012 kỷ niệm một năm nhà thơ Chim Trắng từ giã cõi đời, Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ và Quỹ Tình Thơ ấn hành cuốn sách “Lời chào ngọn gió” như sự bái vọng dành cho một gương mặt thi ca phương Nam đã xa khuất.
Cuốn sách “Lời chào ngọn gió” dày hơn 200 trang được in ấn công phu, bao gồm di cảo và hình ảnh của nhà thơ Chim Trắng cùng những bài viết tiếc thương của đồng nghiệp đối với nhà thơ Chim Trắng. Sáng nay, 21-9-2012, buổi gặp gỡ thân mật ra mắt cuốn sách “Lời chào ngọn gió” đã được tổ chức tại TPHCM. Với cách gọi trìu mến “chú Ba”, nhà văn
Nguyễn Ngọc Tư có đôi lời về di cảo thơ Chim Trắng:
Những bài thơ này ông gởi trong lúc nằm đau, bảo tôi ngó sơ qua coi có ngon không. Những bài thơ buồn, xanh xao, hoang hoang nỗi cô độc không bờ bến. Ông đặt tên cho tập bản thảo là Lời chào ngọn gió. Tôi không biết bài thơ nào ông đã viết khi còn khoẻ mạnh, bài nào run rẩy ra đời trong lúc ông đọc bằng cái giọng run rẩy để cho cô y tá đánh máy giúp. Ông vẫn liên tục chỉnh sửa bản thảo này, và gởi lại cho tôi lần hai, lần ba, viết trong email rằng chú đang rảnh lắm, tự nhiên hăng lắm, còn nhiều ý tưởng viết lắm nhưng không biết có kịp không, đừng có cằn nhằn người già nghen.
Tôi vẫn thường nói cháu không thương chút nào chú đâu, những khi ông gọi điện thông báo tình hình đau ốm. Tôi biết ông kiêu hãnh. Ông dặn tôi đừng nói với ai, đám đông không được biết, đám đông không có quyền thương xót. Ông ngạo nghễ với cả những cơn đau, vẫn làm thơ, vẫn dự định đi chơi chỗ này, chỗ nọ. Vẫn nhắn tin rằng con đường đó rồi ai cũng phải về, chỉ là về kiểu nào cho ngon. Gặp ông lần cuối, khi cô y tá truyền dịch, ông ngượng ngập vì phải nằm trước mặt tôi, một tư thế mà ông cho là khó coi. Và tôi, vẫn tỏ ra nhởn nhơ, không xa xót một tí nào. Tôi sửa cái mặt tôi sao cho thật thản nhiên, ăn bánh ông mời, uống nước ông đưa.
Lúc ra về vẫn hẹn lần gặp sau, lần sau...
Lời hẹn của buổi sáng Sài Gòn hôm đó, tôi sẽ giữ dù ông đi phương nào đi nữa. Hẹn gặp lại sau, chú Ba nghen!
Ý kiến bạn đọc