NSNA Duy Anh (bìa trái) tham gia chấm ảnh tại Vigrina - Mỹ vào tháng 11-2014. |
PV: Ông đánh giá thế nào về hoạt động của HĐNT trong nhiệm kỳ VII vừa qua?
NSNA Duy Anh: Theo tôi, đây là một trong những nhiệm kỳ hoạt động tốt nhất của HĐNT từ trước đến nay nếu nói về số lượng các cuộc thi trong nước, quốc tế mà Hội đã đăng cai tổ chức, cùng các buổi hội thảo và 40 trại sáng tác về chuyên môn cũng như số lượng hội viên ngày càng tăng và có chất lượng.
PV: HĐNT của nhiệm kỳ VIII (2014-2019) chỉ còn 3 thành viên cũ, theo ông vì sao có sự thay đổi này? Phải chăng do đại hội lần này bầu trực tiếp HĐNT?
NSNA Duy Anh: Theo tôi thì có 3 thành viên xin rút vì áp lực công việc, đi nhiều ảnh hưởng đến gia đình. Bởi thường thì nghĩa vụ trách nhiệm và quyền lợi phải tương xứng nhau nhưng ở đây, quyền lợi đâu không thấy chỉ thấy trách nhiệm nặng nề, nhất là khi đi chấm ảnh, thẩm định các cuộc thi, đa phần chỉ có người đoạt giải bằng lòng, khá nhiều người không đoạt bày tỏ thái độ không hài lòng.
Do đó, chấp nhận vào HĐNT là chấp nhận hy sinh, không tham gia và không cho người thân tham gia thi những cuộc thi mà mình thẩm định. Bản thân tôi 5 năm qua không tham gia thi, chỉ tham gia thi một cuộc thi về biển đảo Việt Nam do Hội phát động và yêu cầu...
PV: Ông đánh giá thế nào về BGK của các cuộc thi trong nhiệm kỳ vừa qua. Có ý kiến cho rằng HĐGK thường được cơ cấu theo kiểu “mặt trận”, tức gồm một thành viên HĐNT, một lãnh đạo Hội, nhà lý luận phê bình, nghệ sĩ theo vùng miền... nhưng trình độ của các thành viên BGK thường không đồng đều, thiếu những giám khảo chuyên sâu về các thể loại như chân dung, thiên nhiên, du lịch… chẳng hạn?
NSNA Duy Anh: Trong nhiệm kỳ qua việc sắp xếp, chọn BGK cũng có nhiều vấn để : do cả nể, chiếu cố và cũng thiếu bàn bạc trong HĐNT nên cũng có dư luận thắc mắc, việc chọn cho đủ các ban bệ cũng ảnh hưởng không ít đến kết quả chấm thi. Có nhà lý luận giỏi, viết giỏi nhưng lại có ít tác phẩm nhưng cũng có giám khảo có chuyên môn, chụp giỏi nhưng lại không viết, không lý luận, phân tích được nên.
PV: Theo ông, để có sự “tâm phục, khẩu phục” giữa người chơi ảnh và BGK, cần những yếu tố nào, trong đó vai trò của HĐNT ra sao?
NSNA Duy Anh: Ngoài chuyên môn giỏi thể hiện qua các giải thưởng, các cuộc thi, thành viên HĐNT còn phải biết viết, lý luận, tham gia giảng dạy và nhất là phải cập nhật thường xuyên công nghệ thông tin, am hiểu photoshop càng nhiều càng tốt…
Rõ rệt qua cuộc bầu cử vừa qua, những thành viên đắc cử với số phiếu cao đều là những nghệ sĩ đoạt nhiều giải thưởng cao trong nước, và quốc tế, có khả năng “đọc” và xử lý ảnh tốt; và quan trọng hơn cả đó là sự công tâm, không thiên vị hay thành kiến với bất kỳ ai…
Ngoài ra, thành viên BGK phải biết ứng xử, hùng biện để bảo vệ chính kiến của mình, thuyết phục các tác giả không đạt giải bằng chuyên môn thật của mình. 5 năm qua, tôi đã tham gia thẩm định thi khá nhiều và may mắn là chưa gặp “sự cố” nào. Tháng 11-2014, tôi được mời chấm thi giải quốc tế VNUSPA lần IV tại Vigrina Mỹ và đã làm tốt công việc của mình.
Theo tôi, ngoài yếu tố biết lắng nghe, thì thành tích, cũng như cách dự thi của tôi trong quá khứ cũng minh chứng cho khả năng của mình, và như thế tôi cũng dễ thuyết phục người chơi hơn trong vai trò là BGK . Nhiệm kỳ qua, tôi đã từ chối chấm vài cuộc thi do thấy không phù hợp với mình.
PV: Là thành viên HĐNT phụ trách khu vực ĐBSCL trong nhiệm kỳ qua. Ông đánh giá thế nào về phong trào nhiếp ảnh nghệ thuật của khu vực này?
NSNA Duy Anh: Trong nhiệm kỳ qua, Liên hoan ảnh nghệ thuật ĐBSCL từ lần thứ 25 năm 2010, đến lần 29 năm 2014 đều có kết quả tốt; không có chuyện thưa kiện hay báo chí đề cập gì về giải thưởng, Ban tổ chức cũng như BGK…
ĐBSCL là khu vực đi đầu trong chấm ảnh online, có cuộc thi cấp tỉnh đã chấm online như ở Tiền Giang, Kiên Giang. Số ảnh và tác giả dự thi năm 2010 tai Kiên Giang có 2.111 tác phẩm của 323 tác giả thì năm 2014 tại Đồng Tháp (thi online có 2657 tác phẩm của 406 tác giả). Điều đó cho thấy phong trào nhiếp ảnh nghệ thuật của khu vực ngày càng phát triển.
Trong nhiệm kỳ qua, anh em nghệ sĩ đồng bằng đã đạt 2 giải thưởng toàn quốc,18 giải xuất sắc quốc gia và nhiều giải quốc tế.. Đồng thời xuất hiện khá nhiều tay máy trẻ đầy triển vọng như: Vinh Hiển (Vĩnh Long) Lâm Thanh Liêm (Bạc Liêu), Duy Bằng (Long An), Đặng Quang Vinh (Cà Mau), Hoàng Nam (An Giang) …
Các tỉnh như Cà Mau, Bạc Liêu có phong trào mạnh, nhất nhì khu vực. Ngoài ra còn có phong trào nhiếp ảnh nữ của Đồng Tháp, Câu lạc bộ Nhiếp ảnh trẻ Bạc Liêu, CLB nhiếp ảnh Sóc Trăng… Phong trào ở Tiền Giang cũng khá khởi sắc về chiều rộng với 3 CLB chung của các huyện, thị Gò Công, huyện Cai Lậy và huyện Cái Bè cũng hoạt động khá tốt, thu hút nhiều tay máy dịch vụ đến với ảnh nghệ thuật.
Nhìn chung nhiếp ảnh đồng bằng có thế mạnh là năng động, anh em chơi ảnh phóng khoáng, cùng với TP. Hồ Chí Minh tạo thành những đơn vị có phong trào nhiếp ảnh mạnh của khu vực phía Nam.
PV: Xin cám ơn ông.
Ý kiến bạn đọc