Trọng trách trên vai những nhà văn trẻ

Đăng lúc: Thứ năm - 18/04/2013 11:27
Sáng 17-4, Báo Quân đội nhân dân tổ chức tọa đàm “Văn học về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng sau năm 1975”. Đây là một vấn đề không mới nhưng luôn thu hút được sự quan tâm của những người làm nghề và nhiều độc giả. Bởi lẽ, văn học viết về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng là một bộ phận to lớn, hết sức quan trọng trong nền văn học cách mạng Việt Nam.
Tham dự buổi tọa đàm có các nhà văn, nhà lý luận phê bình văn học: Nhà văn Lê Minh Khuê, Sương Nguyệt Minh, Khuất Quang Thụy, nhà phê bình văn học Lê Thành Nghị...

Thuận lợi về “độ lùi”

Theo Đại tá Phạm Văn Huấn, Phó Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân, những năm gần đây, do nhiều lý do khách quan, chủ quan, mảng văn học viết về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng sau năm 1975 có nhiều hiện tượng đáng quan tâm về số lượng và chất lượng tác phẩm; về đội ngũ sáng tác và phương pháp sáng tác; về nhu cầu-thị hiếu của độc giả; về trách nhiệm của các nhà quản lý. Để có được những sáng tác giá trị về đề tài này, những người làm nghề cần nhìn nhận một cách khách quan về thực trạng để tìm được giải pháp phù hợp.
 

Đại tá Phạm Văn Huấn, Phó Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân phát biểu tại tọa đàm.
 
Phân tích về thực trạng của mảng văn học viết về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng sau năm 1975, nhà phê bình văn học Lê Thành Nghị cho rằng: Nếu như trước năm 1975, cái nhìn của văn học là cái nhìn sử thi thì sau năm 1975, văn học viết về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng có khuynh hướng phi sử thi hóa. Không nói nhiều đến những chiến thắng mà nói nhiều về những điều phía sau nó, mang tính thế sự hơn, đời thường hơn.
 

Nhà văn Khuất Quang Thụy phân tích những thuận lợi của nhà văn trẻ khi viết về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng sau năm 1975.
 
Khi phân tích về thực trạng của mảng văn học này, các đại biểu cũng đã chỉ ra những thuận lợi, khó khăn đối với những người sáng tác. Thuận lợi của những nhà văn trẻ khi viết về đề tài này, theo nhà văn Khuất Quang Thụy chính là độ lùi của thời gian. Khi độ lùi về thời gian càng xa, các nhà văn trẻ càng có cơ hội nhìn nhận cuộc chiến với một thái độ bình tĩnh, khách quan hơn. Thêm vào đó, nguồn tài liệu về chiến tranh phong phú, đa dạng sẽ cung cấp những đề tài mới cho các nhà văn.

Nhà văn Lê Minh Khuê cho rằng, những đề tài mà các nhà văn trẻ có thể viết như những trận đánh, những địa danh từng trải qua chiến tranh.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi ấy, những người sáng tác trẻ cũng vấp phải khó khăn khi không được trực tiếp tham gia vào cuộc chiến, không có được những cảm xúc chân thực về cuộc chiến ấy.

Chờ tài năng bằng cách tạo đà

Trước thực trạng của mảng văn học viết về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng sau năm 1975, các đại biểu tham gia tọa đàm đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của mảng văn học này.

Dù còn một số ý kiến trái chiều, nhưng các đại biểu đều nhất trí, trọng trách sáng tác ra những tác phẩm có giá trị về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng đang đặt trên vai của những nhà văn trẻ.
 

Nhà lý luận phê bình Lê Thành Nghị cho rằng, người viết hãy viết bằng nghệ thuật mới, ngôn ngữ mới.
 
Để chờ đợi những tài năng mới, nhà lý luận phê bình Lê Thành Nghị kiến nghị, các cơ quan có chức năng cần tạo đà, khuyến khích thế hệ trẻ viết. Với những tác phẩm mới, cần phải biết trân trọng, lắng nghe.

Bà Phương Lan, nguyên cán bộ Viện Văn học cũng cho rằng: “Cần ủng hộ cái mới, dù cái mới không phải cái nào cũng thành công. Theo thời gian, những cái mới có giá trị sẽ được thanh lọc và đứng vững”.

Chiến tranh có một dấu ấn rất sâu sắc trong đời sống tinh thần của người Việt Nam. Vì thế, không có chuyện độc giả quay lưng lại với những tác phẩm có giá trị về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng. Chỉ có điều, các tác giả cần viết gì, viết như thế nào để hấp dẫn độc giả.
 

Toàn cảnh tọa đàm “Văn học về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng sau năm 1975”.
 
Nhà lý luận phê bình Lê Thành Nghị cho rằng, người viết hãy viết bằng nghệ thuật mới, ngôn ngữ mới. Nhà văn Lê Minh Khuê cũng góp ý, Quân đội nên tổ chức những chuyến đi viết để nhà văn có thể phản ánh một cách chân thực, khách quan.

Tham gia thảo luận, Đại tá Phạm Văn Huấn, Phó Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân nhấn mạnh, thực tế cho thấy, để việc sáng tác đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng sau năm 1975 đạt được yêu cầu, có nhiều tác phẩm hay thì rất cần việc tổ chức sáng tác về mảng đề tài này của các cơ quan chức năng. Cùng với đó, là sự tìm tòi, sáng tạo của các nhà văn trẻ để tìm ra cách thể hiện mới, hấp dẫn bạn đọc.

Rõ ràng, để chờ đợi những tài năng mới, các cơ quan chức năng cần tạo đà, tạo cơ hội cho những nhà văn trẻ. Bên cạnh đó, bản thân các nhà văn trẻ cũng phải tự tìm lối đi riêng cho mình. Có như thế, mảng văn học về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng sau năm 1975 mới thực sự có những tác phẩm giá trị phục vụ độc giả.
Thu Thủy - Xuân Dũng
(Theo qdnd.vn)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Từ khóa:

nhà văn trẻ

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 292
  • Khách viếng thăm: 289
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 66111
  • Tháng hiện tại: 456959
  • Tổng lượt truy cập: 60807097