Nhà ở cho người có thu nhập thấp: Nhu cầu nhiều, đáp ứng chưa bao nhiêu

Đăng lúc: Thứ sáu - 04/04/2014 09:51
Hiện tại, nhu cầu về nhà ở đối với người có thu nhập thấp ở đô thị, công nhân ở các khu, cụm công nghiệp và nhà ở cho học sinh, sinh viên trong tỉnh là rất lớn. Tuy nhiên, chỉ có một phần nhỏ của nhu cầu này được đáp ứng.

Ông Trần Phương Nam, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho rằng, nhà ở công nhân là vấn đề bức xúc nhất hiện nay. Theo số liệu báo cáo, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh có khoảng 49.000 người lao động, trong đó có khoảng 12.700 công nhân đang làm việc trong các khu công nghiệp phải thuê nhà ở. Trong số này chỉ có chưa đầy 10% công nhân được ở trong nhà tập thể của doanh nghiệp, số công nhân còn lại phải thuê nhà trọ ở bên ngoài.

Xung quanh các khu công nghiệp có 2.266 hộ kinh doanh cho thuê nhà trọ với 3.388 phòng (diện tích chỉ khoảng 15m2/phòng). Điều đáng nói là việc xây dựng nhà riêng lẻ cho thuê của người dân chủ yếu là tự phát, không có quy hoạch, nên chưa có hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, không đảm bảo đủ các khu chức năng và không gian phục vụ nhu cầu ở, sinh hoạt.

Dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp duy nhất trên địa bàn tỉnh (tại khu phố 7, phường 3, TP. Mỹ Tho) sau gần 5 năm xây dựng vẫn còn dang dở.
Dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp duy nhất trên địa bàn tỉnh (tại khu phố 7, phường 3, TP. Mỹ Tho) sau gần 5 năm xây dựng vẫn còn dang dở.

Khó khăn thứ hai là về nhà ở cho học sinh, sinh viên. Khó khăn này xảy ra chủ yếu ở TP. Mỹ Tho. Hiện Trường Đại học Tiền Giang và các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn TP. Mỹ Tho có gần 16.000 sinh viên, học sinh. Phần đông sinh viên, học sinh các cơ sở đào tạo này có nhà ở tại các huyện trong tỉnh và các tỉnh lân cận.

Vì vậy nhu cầu về nhà ở, ký túc xá cho sinh viên, học sinh hiện nay là rất lớn.Trong khi đó, Trường Đại học Tiền Giang chưa có ký túc xá và phần lớn các cơ sở đào tạo khác trên địa bàn tỉnh chưa xây dựng được ký túc xá hoặc có đầu tư xây dựng nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu về nhà ở của học sinh, sinh viên. Do đó phần lớn học sinh, sinh viên phải thuê nhà trọ bên ngoài để ở, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, không gian chật hẹp, không đảm bảo vệ sinh và an ninh trật tự.

Về nhà ở cho người thu nhập thấp ở đô thị, hiện tỉnh mới chỉ triển khai được 1 dự án tại khu phố 7, phường 3, TP. Mỹ Tho. Tuy nhiên, chỉ mới xây dựng xong phần khung thì đơn vị này gặp khó khăn về tài chính và ngưng thi công. Sau đó dự án được chuyển nhượng cho doanh nghiệp khác nhưng 2 năm qua chỉ thi công cầm chừng. Như vậy, sau gần 5 năm khởi công, công trình nhà ở cho người có thu nhập thấp duy nhất của tỉnh vẫn chưa hoàn thành.

Nhu cầu về nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh cũng rất lớn. Trên 2.400 cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ trực thuộc lực lượng vũ trang có nhu cầu nhà ở xã hội. Trong khi đó, toàn tỉnh mới có 2 khu nhà chung cư tại phường 3 và phường 6, TP. Mỹ Tho được xây dựng từ nguồn ngân sách Nhà nước, chỉ giải quyết được nhu cầu cho 95 hộ gia đình.

Từ thực tế cho thấy, việc phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó nổi lên 2 vấn đề khó khăn: Thứ nhất, các cơ chế, chính sách ưu đãi của Chính phủ đã triển khai nhưng chưa thực thi được trong thực tế, nên chưa thu hút được các nhà đầu tư tham gia, trong đó cái khó nổi trội là chủ đầu tư khó tiếp cận nguồn vốn vay nói chung và vốn vay ưu đãi nói riêng.

Thứ hai, doanh nghiệp chưa quan tâm nhiều trong việc đầu tư nhà công nhân nói riêng và nhà ở xã hội nói chung, vì hình thức đầu tư này hiệu quả không cao, thu hồi vốn chậm. Nếu đầu tư với quy mô hoàn chỉnh, đảm bảo điều kiện ăn ở, sinh hoạt thì thời gian thu hồi vốn của doanh nghiệp kéo dài hàng chục năm. Chính vì đầu tư nguồn vốn lớn, thu hồi chậm, doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi vay vốn từ các tổ chức tín dụng.

Tiêu chí xác định hộ có thu nhập thấp theo quy định của Bộ Xây dựng là: “Các đối tượng thuộc diện được mua, được thuê nhà ở xã hội phải có mức thu nhập bình quân hàng tháng không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân từ thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân”. Trên cơ sở tính toán thực tế, để mua được căn hộ từ 45 - 75 m2 với giá 15 triệu đồng/m2, 1 hộ gia đình phải có thu nhập từ 15 triệu đồng mỗi tháng trở lên mới có thể trả nợ vay.

Trong khi đó, mặt bằng thu nhập chung của công nhân, viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh lại thấp hơn mức này rất nhiều và khi nguồn thu nhập chứng minh không đáp ứng khả năng trả nợ thì người lao động không được ngân hàng cho vay vốn mua nhà. Như vậy mong muốn có nơi chốn an cư đã tuột khỏi tầm với của người có thu nhập thấp.

Thủy Hà
(Theo Ấp Bắc)
Chia sẻ: Google Bookmarks Yahoo Bookmarks Đăng lên ZingMe Đăng lên Linkhay Đăng lên TagVn Bookmarks lêb baibu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thăm dò ý kiến

Đánh giá của bạn về phiên bản mới này?

Tuyệt vời

Tốt

Trung bình

Bình thường

Rất tệ

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 336
  • Khách viếng thăm: 329
  • Máy chủ tìm kiếm: 7
  • Hôm nay: 64267
  • Tháng hiện tại: 161999
  • Tổng lượt truy cập: 49308476